Bạn trẻ mến,
Đức Thánh Cha nói về “Những đường hướng hoạt động
chính yếu”…trong Mục Vụ Giới Trẻ :
+ Ngài cho biết về “hai hướng đi chính” trong Mục Vụ Giới Trẻ : - “một là tìm kiếm, mời và kêu gọi …để hấp dẫn các bạn trẻ mới”
và “hướng các bạn ấy đến với một kinh
nghiệm về Chúa” ; - “hai là thăng tiến, phát triển một lộ
trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn”…Như
vậy là Đức Thánh Cha vạch ra cho Mục Vụ Giới Trẻ hai hướng để hoạt động : - kiếm tìm người trẻ mới; - và “thường huấn” người đã có kinh nghiệm
[209]…
+ Về điểm thứ nhất – điểm tìm kiếm, mời và
kêu gọi những bạn trẻ mới – Đức Thánh Cha bảo rằng : “Tôi tin tưởng nơi người trẻ và hiểu rằng : họ biết cách nào là tốt nhất
để quy tụ lại với nhau, biết cách để tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao,
cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài
hát, video, và những phương tiện truyền thông khác”…Và vì thế những người
“đồng hành” với họ “chỉ cần khuyến khích
họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc Âm hóa những người
trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh”…Đức Thánh Cha cho biết là sứ điệp Tin Mừng lần đầu tiên đến với người trẻ có thể là trong một “kỳ tĩnh tâm ấn tượng”, hay đơn giản chỉ
là qua “một cuộc trò chuyện trong quán
bar, một dịp nghỉ lễ ở trường học”,
hoặc “ trong bất cứ một đường lối kỳ diệu
nào đó của Thiên Chúa giúp đánh thức một kinh nghiệm đức tin sâu sắc”…Nói đến
đây, người viết nhớ lại không biết bao nhiêu những cuộc gặp gỡ thật bất ngờ và
vô cùng kỳ diệu của những người trẻ với Chúa… chúng ta đã có dịp chia sẻ ở những
bài viết trước đây…Những cuộc gặp gỡ ấy vẫn diễn ra tửng ngày ở khắp mọi nơi
khi người trẻ cùng nhau dấn thân phục vụ trong các vùng trọng điểm của dịch bệnh
hay qua các hoạt động thiện nguyện trợ giúp bệnh nhân Covid – 19…Một mai đây
khi an bình trở lại, chắc chắn chúng ta sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời…Và
Đức Thánh Cha bảo rằng : “Điều quan trọng
nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu
tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác” [210]…Người
viết – qua lễ Bế Mạc Thế Vận Hội lần thứ XXXII hay Tokyo 2020 vào lúc 18g ngày
8/8 vừa qua – lại thấy lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha vang lên ngay khi đang
dán mắt lên màn hình TV : với 4.599 vận động viên trẻ - sau những tranh tài
căng thẳng – họ gặp nhau trong tình nghĩa “tứ hải giai huynh đệ” tuyệt vời như
thế - không biết Chúa có được ai giới thiệu ở đấy không nhỉ, bởi – giữa họ - rất
nhiều bạn là con cái Chúa…Người viết đã từng chứng kiến không ít bạn ghi dấu
Thánh Giá trên mình trước khi vào đấu trường…
+ Và Đức Thánh Cha nhắc lại một sự cấm kỵ tuyệt
đối phải quan tâm đến, đấy là hình thức thuyết
giảng chiêu dụ mà khá nhiều những Đấng Bậc nghĩ rằng lúc này vẫn còn hiệu
lực…Không, Đức Thánh Cha xin chúng ta chịu khó để cập nhật ước muốn của người
trẻ bằng cách “trong khi tìm kiếm (người
trẻ), thì đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ biểu lộ sự thân tình, ngôn ngữ tình
yêu quảng đại và tương giao hiện sinh chạm đến lòng người, tác động đến cuộc sống,
đánh thức những khao khát và hy vọng”…Lý do là vì “người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những
người sống với họ và cho họ, và cả những ai – dù còn đầy giới hạn và yếu đuối –
vẫn cố gắng sống đức tin chân thành”…Cuối cùng Ngài xin chúng ta “cố gắng để tìm cho ra những cách thức để đưa lời rao giảng tiên khởi (kerygma) vào ngôn
ngữ của giới trẻ ngày nay” [211]…
+ Về điểm thứ hai – thăng tiến, phát triển một lộ
trình cho những người đã từng có kinh nghiệm…mà người viết gọi tắt là “thường
huấn” – thì Đức Thánh Cha lưu ý một điều mà Ngài cho là quan trọng, đấy là : “sau khi được giúp đỡ để có được một kinh
nghiệm đậm đà về Thiên Chúa” thì
“thay vì được tạo điều kiện để gặp gỡ Chúa Giê-su – Đấng đã chạm đến trái tim họ”,
người trẻ bị “lôi” đến những
“khóa huấn luyện” về vấn đề đạo lý và
luân lý như “về những sự dữ trong thế giới
ngày nay, vê Hội Thánh, về học thuyết xã hội, về đức khiết tịnh, về kiểm soát
sinh sản và những chủ đề khác”… Và ”kết
quả là nhiều người trẻ chán ngán, mất đi lửa nhiệt thành gặp gỡ Đức Ki-tô và niềm
vui bước theo Người”…Thế là “Nhiều
người bỏ cuộc, người khác thì buồn chán và tiêu cực”…Cho nên Đức Thánh Cha
xin các Đấng Bậc và những vị được tuyển chọn để “đồng hành” với Giới Trẻ là “Đừng quá lo lắng để truyền đạt thật nhiều nội
dung giáo thuyết, nhưng trước hết, chúng ta hãy cố gắng đánh thức và giúp các bạn
đào sâu những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Ki-tô hữu”…Và Đức
Thánh Cha gợi lại một nét trong tư tưởng của Cha Romano Guardini (1885-1968) –
triết gia , thần học gia và là thầy của Đức Bênêđictô XVI : “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn
[…] thì mọi sự sẽ trở nên một biến cố liên hệ trong tình yêu đó”…Mà tình
yêu lớn người trẻ kinh nghiệm được ở đây là chính Đức Giê-su Ki-tô [212]…
+ Và Đức Thánh Cha lưu ý là đương nhiên chúng ta
phải “nghĩ” để có một dự án
giáo dục hay chương trình thăng tiến dành cho người trẻ, nhưng dự án và chương
trình ấy buộc phải bao gồm việc đào tạo giáo lý và luân lý dựa trên hai trục
chính: - một là đào sâu lời rao giảng
tiên khởi kerygma…vốn chứa kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên
Chúa qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô; - hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục
vụ [213]…
+ Đức Thánh Cha nhắc lại điều đã được Ngài nhấn
mạnh trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) , rằng “ sẽ
là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ
rằng trong Mục Vụ Giới Trẻ, Lời Rao Giảng Tiên Khởi (kerygma) nên nhường chỗ
cho một sự huấn luyện được cho rằng “vững chắc” hơn” …Ngài quả quyết : “Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm
đà hơn và khôn ngoan hơn Lời Rao Giảng
Tiên Khởi ấy…và việc làm cho nó (Lời Rao Giảng Tiên Khởi ấy)
ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta”…Và Đức Thánh
Cha mời gọi công việc Mục Vụ Giới Trẻ “nên
thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi
người về Tình Yêu của Thiên Chúa và của Đức Giê-su Ki-tô Đang Sống”…Bằng
cách nào ? Ngài đề nghị: “Bằng những cách
thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa,
và thậm chi sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan” [214]…
Thế nhưng, thưa bạn, bạn đã có chút ý niệm nào về
Lời Rao Giảng Tiên Khởi (kerygma) mà Đức Thánh Cha nói đến trên đây chưa? Dĩ
nhiên để có thể trình bày đầy đủ…thì bạn sẽ ngán đấy…nên người viết xin tóm tắt
như thế này : Nội dung cốt lõi của Lời Rao Giảng Tiên Khởi là sự kiện Đức Giê-su Ki-tô – là Chúa và
là bạn của chúng ta –Ngài đã vâng lời Chúa Cha xuống trần gian – Ngài đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc
– và Ngài đã sống lại, lên trời, ban
Thánh Thần, thiết lập Giáo Hội…và sai Giáo Hội – qua các thế hệ, trong đó
có thế hệ của chúng ta hôm nay – lên đường và rao giảng… Những trích đoạn
Tin Mừng cũng như sách Tông Đồ Công Vụ Giáo Hội công bố trong Thánh Lễ Mùa Phục Sinh chính là những bài “kerygma”
dành cho tất cả những ai muốn đi vào ngưỡng cửa đức tin Công Giáo…
Chính người trẻ Phaolô là mẫu gương cho chúng ta trong việc này…Là một
biệt phái nhiệt thành và – với tâm huyết của “con ngựa non”…trên đường lùng kiếm
những người tin Chúa - anh chàng đã bị
quật ngã …và kết cục là câu hỏi với Đấng
Chết và Sống Lại : Con phải làm gì ? Tức
tốc, tất cả vốn liếng Kinh Thánh của một biệt phái được “Ơn Hoán Cải” để trở
thành hành trang rao giảng…Ngài viết cho giáo dân Côrintô : “ Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều
mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi của chúng ta,
đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy,
đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, với Nhóm Mười Hai”
(1 Cr 15 , 3-5)…
+ Và - thưa bạn – Đức Thánh Cha mong ước
là mọi kế hoạch Mục Vụ Giới Trẻ nên có những kết hợp rõ ràng với những phương
tiện và nguồn lực khác nhau với mục đích giúp cho người trẻ “triển nở trong tình huynh đệ, sống như anh
em với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đoàn, phục vụ người khác, gần gũi
với người nghèo”, bởi – nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), là “sự
chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10) - và
là “cách tốt nhất để thể hiện tình yêu đối
với Thiên Chúa” – thì nó phải chiếm một vị trí chính yếu
trong mọi chương trình đào tạo và thăng tiến người trẻ [ 215]…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp