Vào ngày 24 tháng
12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu Năm Thánh thường lệ lần thứ 25 bằng cách mở
Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma. Chủ đề của Năm Thánh
này là “Những người hành hương của Hy vọng.”
Một số người
trong chúng ta có thể nhớ đến “Đại lễ” năm 2000. Theo một nghĩa nào đó, Đức
Gioan Phaolô II coi toàn bộ triều đại giáo hoàng của mình là sự chuẩn bị cho
thiên niên kỷ mới, và ngài coi sứ mệnh của mình là chăn dắt Giáo hội vượt qua
“ngưỡng cửa” trong lễ kỷ niệm Đại lễ này. Toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài
được đánh dấu bằng ngôn ngữ thúc đẩy chúng ta tiến tới Năm Thánh đó và khoảnh
khắc ngài sẽ mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Bài giảng đầu
tiên của ngài với tư cách là giáo hoàng đã khuyến khích chúng ta “mở rộng cánh
cửa cho Chúa Kitô”.
Hai mươi lăm năm
sau Năm Thánh đó, giờ đây chúng ta có một cơ hội khác để tham gia vào một Năm
Thánh thường lệ và mở rộng cánh cửa trái tim mình. Trong khi một giáo hoàng có
thể triệu tập một Năm Thánh bất cứ lúc nào ngài muốn, thì các Năm Thánh thường lệ
được tổ chức mỗi hai mươi lăm năm để trở thành những khoảnh khắc ân sủng đặc biệt
trong đời sống của Giáo hội.
Có lẽ dễ nhận thấy
và cảm nhận chung quanh chúng ta, dù ở cấp độ vĩ mô hay vi mô, có một chút thất
vọng trước tình trạng của thế giới, văn hóa, hoặc thậm chí là gia đình của
chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, thất vọng hoặc bối rối - chúng
ta không đơn độc. Nhưng Chúa Giêsu muốn mang đến cho chúng ta hy vọng trong năm
nay.
Cửa Thánh tại
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vẫn đóng, ngoại trừ trong những năm Đại lễ;
thực tế là đóng chặt đến mức có một bức tường được xây dựng ở phía bên kia.
Nhưng mặt trước tuyệt đẹp của cánh cửa luôn luôn có thể nhìn thấy. Với 16 tấm đồng,
cánh cửa mô tả những câu chuyện về lịch sử cứu độ, những câu chuyện về hy vọng.
Cho dù đó là việc chữa lành người bại liệt, sự chối bỏ của Phêrô, sự nghi ngờ của
Tôma hay Đấng Chăn Chiên nhân lành, mỗi bức tranh đều nhắc nhở chúng ta rằng có
những câu trả lời cho những lo lắng của chúng ta, sự thừa nhận về sự thất vọng
của chúng ta và sự giúp đỡ cho nỗi sợ hãi của chúng ta.
Một số người
trong chúng ta sẽ không bao giờ biết đến cuộc sống mà không có đau khổ. Những
phương thuốc chữa lành trong Kinh thánh có vẻ như chế giễu chúng ta khi những lời
cầu nguyện của chúng ta dường như không được đáp lại. Giống như Phêrô, chúng ta
đầu hàng trước sự cám dỗ, sợ hãi và tội lỗi. Chúng ta chối bỏ Chúa Kitô và làm
tổn thương người lân cận. Đôi khi, giống như Tôma, chúng ta chối bỏ lòng nhân từ
và quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng không có điều nào trong số những chuyện này
ngăn cản chúng ta ngừng hy vọng; Đấng Chăn Chiên nhân lành sẵn sàng tìm kiếm và
đưa chúng ta về nhà.
Điều Chúa Giêsu
ban tặng là sự tự do không bị cản trở bởi gánh nặng trần gian. Đúng vậy, những
sự chữa lành mà Chúa Kitô thực hiện trong sứ vụ công khai của Ngài thật đáng
kinh ngạc. Những người được Chúa Giêsu chữa lành đã nhấc chiếu của họ lên, giơ
tay ra và mở mắt. Nhưng những sự chữa lành về thể xác đó chỉ là dấu hiệu và
bóng mờ của công việc thực sự mà Ngài có thể làm. Chúa Giêsu đến để mang lại
cho con cái của Adam, trai cũng như gái, sự tự do, niềm vui và sự bình an đích
thực. Ngài đến để tha thứ cho chúng ta và đón chúng ta trở lại.
Năm nay, hãy để Cửa
Thánh tại Nhà thờ Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn chờ đợi
chúng ta. Cánh cửa đến với Ngài không bao giờ đóng, bất kể chúng ta đã đi xa đến
đâu, bất kể chúng ta đã đau khổ đến mức nào, bất kể thế giới có vẻ tăm tối đến
mức nào. Thay vì đặt hy vọng vào những thứ thế gian này - những nhà lãnh đạo
làm chúng ta thất vọng, sự an toàn về tài chính có thể biến mất vào ngày mai,
hoặc sức khỏe khiến chúng ta thất vọng - hãy đặt hy vọng vào Ngài.
Cho dù bạn có thể
hành hương đến Rôma hay không, vẫn có nhiều cách để bạn có thể tham gia Năm
Thánh ngay tại nhà.
1. Hãy hành
hương tại địa phương.
Một cuộc hành
hương không nhất thiết phải mang tính quốc tế; đơn giản chỉ cần nó có chủ đích.
Có những đền thánh quốc gia và các nhà thờ địa phương trên khắp đất nước. Ngay
cả giáo xứ địa phương của bạn cũng có thể là nơi hành hương, khi bạn dành thời
gian để tìm kiếm Chúa. Bạn hãy hành hương trong hy vọng.
2. Thăm viếng
người bệnh và những người túng thiếu.
Chúng ta cũng có
thể hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện nơi những người lân cận của chúng
ta. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức công bố Năm Thánh, ngài khuyến khích
chúng ta trở thành “dấu chỉ hữu hình của hy vọng” cho những anh chị em đang
túng thiếu. Do đó, các ân xá Năm Thánh thường dành riêng cho hành hương đến
Rôma cũng được ban cho những người thực hiện các hành động thương người, bao gồm
thăm viếng người bệnh, tù nhân, người bị giam cầm hoặc những người khuyết tật.
3. Nhận Bí tích
Hòa giải.
Từ chính gốc rễ của
Do Thái giáo, Năm Thánh là thời gian của lòng thương xót lớn lao. Trong sách Lêvi
chương 25, chúng ta thấy Thiên Chúa truyền lệnh cho dân chúng dành cả năm để
tha thứ nợ nần và giải thoát những người bị giam cầm. Đây là dấu hiệu của sự tự
do thực sự mà chúng ta cần: tự do khỏi tội lỗi và khỏi sự chết. Thiên Chúa đang
ban cho chúng ta lòng thương xót này trong bí tích Hòa giải. Bất kể đã bao lâu,
hãy trở về với bí tích nơi Ngài đang chờ đợi với tình yêu thương để chào đón bạn
trở về nhà.
4. Bạn hãy là dấu
hiệu của hy vọng.
Có thể đơn giản
là một nụ cười với người lạ hoặc một lời tử tế với người thu ngân hoặc bồi bàn.
Mỗi lần tiếp xúc với ai đó đều là cơ hội để thể hiện lòng bác ái và mang lại
cho họ hy vọng. Khi cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp chuyển sang bi
quan, hãy đưa ra một lời hy vọng. Khi bạn bị cám dỗ phàn nàn hoặc buôn chuyện,
hãy giữ miệng lưỡi mình và dâng lên cho Chúa.
Khi bạn không cảm
thấy hy vọng, hãy nhớ rằng đó là một nhân đức đối thần, một ân huệ xuất phát từ
Thiên Chúa. Lần cuối cùng bạn xin Chúa gia tăng hy vọng cho bạn là khi nào?
Ngài muốn ban niềm hy vọng cho bạn! Hãy mở rộng cánh cửa cõi lòng của bạn cho
Ngài.
Tác giả: Joan Watson
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ https://catholicexchange.com