Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
PM. Cao Huy Hoàng
Bài Viết Của
PM. Cao Huy Hoàng
THỰC LÒNG THẢO KÍNH CHA MẸ
PHÚT GIAO THỪA THIÊNG LIÊNG
Bài hát LẠY ĐỨC BÀ SÀI GÒN (chung lời nguyện cầu với người Sài Gòn)
BÁNH BỞI TRỜI VÀ CON RẮN ĐỒNG HÔM NAY
CHÚA XUỐNG NHÀ CON
CHỦ ƠI, NẾU CÓ VỀ, XIN GẶP EM Ở TÂM DỊCH
Bài hát CHÚA LUÔN Ở TRONG CON
TÂM TÌNH GỬI ĐỨC THÁNH CHA
Bài hát LỜI NGUYỆN TRONG CƠN DỊCH BỆNH (Theo lời nguyện chính thức của HĐGMVN)
LỜI THẦM THÌ CỦA NHỮNG NẤM MỘ
MỘT THÁNH LỄ TẠ ƠN VÀ CHIA TAY
ĐỊA CHỈ THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT
MANG TIN VUI BÌNH AN ĐẾN CHO CUỘC ĐỜI
ĐI RA VÀ RA ĐI
KHÔNG CÓ CHUYỆN “PHẦN AI, NẤY RỖI”
“PHẢI TẮM ĐỨC MẸ BẰNG RƯỢU THÔI EM À”
GIUSE, BẠN CỦA BÀ, LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH
LÀM CHA MẸ GIỮA THỜI ĐẠI NGÁO ĐÁ (Nhân mừng lễ Thánh Giuse, Bổn mạng các Gia Trưởng, 19-3-2019)
THÁNH HÓA CÔNG VIỆC
PHÚT GIAO THỪA VÀ DỰ TÍNH KHÔN NGOAN
XUÂN NÀY MẸ KHÔNG VỀ !
CHUYỆN ĐỒNG HÀNH 2019
“MẸ THIÊN CHÚA” CỦA CỤ TOM
2019, MONG GÌ?
XIN ĐỪNG NÓI VỚI CHÚA… CON KẸT QUÁ!
CHÚA ĐẺ BÊN DÒNG SUỐI (Mừng Chúa Giáng Sinh 2018)
DẤU CHẤM HẾT (Suy tư Mừng Chúa Giáng Sinh)
NÓI GÌ VỚI NGƯỜI CỘNG SẢN (Suy tư nhân lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam)
ĐỂ TẠ ƠN CHÚA, HAY LÀ ĐỂ CHÚA TẠ ƠN CON?
LỜI TÌNH TỪ NHỮNG NẤM MỘ
MÓN KHÔN NGOAN
CON TRAI BÀ GÓA NA-IN ĐÃ CHẾT
GẮN BÓ VỚI CHÚA, VỚI GIÁO HỘI VÀ VỚI NHAU
HỒNG ÂN THĂNG THIÊN
Nhạc Phẩm Mẹ Giáo Hội
QUÀ TẶNG MỚI NHẤT CỦA CHÚA THÁNH THẦN
GỬI NGƯƠI TÌNH NHỎ (tặng những người sống đời thánh hiến)
TRONG CÙNG MỘT ĐỨC KI-TÔ CỨU THẾ
MỤC TỬ HIỀN LÀNH KHIÊM NHƯỢNG
TẬN HIẾN CHO MẸ MARIA KHIÊM NHƯỜNG
ĐỂ NÊN CON NGƯỜI MỚI

Suy niệm Lời Chúa  CN 31TN C

(Kng 11,22-12,2; Lc 19,1-10) 

 “Lạy Chúa trước thánh  nhan Ngài, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai trên đất. Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kng 11,22-23)

Đó là thông điệp tác giả sách Khôn Ngoan gửi đến cho con cái Israel ở Ai Cập khi họ sinh lòng thù ghét những tay sai của đế quốc thống trị, đến nỗi họ muốn Thiên Chúa trừng phạt, tru diệt bọn chúng ngay tức khắc.  

Vâng, Thiên Chúa không xử trí với con người tội lỗi theo cách của con người, đúng như thông điệp sách Khôn ngoan đã dạy.  Không chỉ trong thời Dân Thiên Chúa lưu đày, mà ngay hôm nay, người gian ác, kẻ tội lỗi, người hô to đã đảo Thiên Chúa, cấm cách bức bách đạo Chúa…. vẫn sống nghênh ngang, vẫn  thói vênh vang, vẫn tự do trên đường “thênh thang ta bước” ngông cuồng đi về phía phủ nhận Thiên Chúa, phủ nhận cả công trình tình thương của Ngài. Có người nói: “Sống chung với lũ lụt”, còn dễ sống hơn “sống chung với lũ quỷ chuyên quậy phá Giáo Hội và Thiên Chúa”. Lòng thù của con người thời nào cũng thế, có thể nói đến mức quá độ, khi nỗi áp bức của “lũ tay sai cho giai cấp thống trị”, “cho satan”,  hoành hành ngang ngược. Nhưng, đối với “Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, thì Ngài vẫn yêu thương mọi loài hiện hữu. Vì giả như Chúa ghét loài nào, thì Ngài đã chẳng dựng nên” (Kng 11,24). “Chúa sửa dạy từ từ. Ngài cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kng 12, 2).

Khác với con người, Thiên Chúa không có lòng thù. Thiên Chúa chỉ có lòng thương. Đức Giêsu Kitô đã đến và mặc khải tình thương bao la ấy. Trang Tin Mừng hôm nay chứng minh cho điểm nầy. Dưới con mắt thế gian, thì Gia-kêu, tên trưởng ty thuế vụ,  cũng chẳng khác gì mấy tên tay sai cho ngoại bang, cho giai cấp thống trị thời Ai cập. Giàu có mua được chức trưởng ty, rồi thu quén của dân bù khoản chi ấy. Cuối cùng, nhân dân là người gánh chịu. Bị một  tên vừa lùn vừa bé, vừa đè đầu cưỡi cổ, vừa móc túi lấy tiền, làm sao mà người dân không hậm hực tức tối. Cách sống đó không chỉ là tội lỗi mà còn là tội ác. Thế mà,  “Chúa  nhắm  mắt  làm  ngơ”, “Chúa đã sửa dạy từ từ” cách nào đó. Chúa đã “cảnh cáo” cách nào đó” cho Giakêu biết mình “đã phạm tội gì” để rồi hôm nay “ông đã bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (xem  Kng 11,24).

Quả vậy, khi nghe tin Đức Giêsu đi ngang qua Giêricô,  ông tìm cách để xem cho biết Ngài là ai. Sự khao khát tìm gặp Đức Giêsu, đã phát sinh trong ông cái sáng kiến “leo lên cây sung” cho dễ nhìn. Ông đã bất ngờ, vì khi chưa kịp lên tiếng gì, thì Chúa Giêsu đã ngước nhìn lên và bảo “Gia-kêu, ông xuống đi, vì hôm nay, tôi sẽ ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu cũng đã có một sáng kiến bất ngờ : “hôm nay tôi sẽ ở lại nhà ông”, một sáng kiến ngoài kế hoạch trên đường về Giêrusalem- một sáng kiến đảo lộn cái ý nghĩ thấp bé của loài người: “Nhà người này tội lỗi, mà ông ấy cũng ghé thăm” (Lc, 19,7).

Hai sáng kiến của lòng khao khát nơi “con người bị cho là tội ác tày trời”, và của tình thương “Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi”đã  gặp nhau, và trổ sinh một cuộc đổi đời kỳ diệu. Sự biến đổi thâm sâu trong cõi lòng “tên Gia kêu gian ác”, đã khiến ông thốt lên lời quyết tâm: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Cuộc sống mới mở ra, trước tiên là lấp lại cho đầy cái hố sâu bất công, tham nhũng, sống lại đức công bình; rồi tiếp đến là  biết bỏ đi lòng ích kỷ nhỏ nhoi để nghĩ đến những người nghèo do chính tội tham nhũng của mình gây nên.

Thiết nghĩ, trước đó, ông Giakêu đại diện cho những con người  chưa nhận được ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của Tin mừng. Ông đã sống và làm việc theo cách suy nghĩ rất con người tự nhiên trong cuộc chạy đua của danh vọng và sinh tồn. Sự gian ác của ông như là một quy luật tất yếu trong cuộc vật lộn với cuộc sống “mạnh được yếu thua”. Suy nghĩ ông chỉ có thế, thấp bé và ngắn ngủn như vóc dáng ông lùn tịt. Nhưng khi gặp được Đức Kitô, ông bỗng thay đổi thành một con người mới, con người của Tin Mừng, con người được ơn cứu độ.

Chúa Giêsu nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy, bởi người nầy cũng là con cháu của tổ phụ A-bra-ham” (Lc 19 9). Câu nói nầy minh chứng cho Lời Thiên Chúa trong sách Khôn ngoan: “ Chúa không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra” (Kng  11,24), và Ngài đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu “đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10). . Chúa Giêsu đã tái lập cho ông một tương quan với Thiên Chúa và ông đã thể hiện sự công bằng theo lề luật Chúa- điều kiện ắt có và đủ để ông bắt đầu một cuộc làm chứng về Thiên Chúa và vào được Nước của Ngài 

Vẫn còn trong tôi, trong bạn, trong thế giới loài người chúng ta, những suy nghĩ ngắn ngủn thấp bé và cách sống của con người cũ, con người gian ác tự nhiên trong cuộc sinh tồn như Gia kêu. Và luôn còn một Thiên Chúa  kiên nhẫn đợi chờ con người tiếp nhận ánh sáng của cuộc sống mới nơi Đức Giêsu Kitô, nơi Tin mừng.

Tiếc là  đã có người nhìn thấy ánh sáng. Họ nghe biết Tin Mừng, nhưng không tiếp nhận vì không muốn chia tay với chủ thuyết không Thiên Chúa, chưa khao khát một lối tìm về, lại muốn giữ cách sống cũ của con người cũ để được những lợi lộc của trần gian.

Thiên Chúa yêu thương đã  kiên trì cảnh cáo, giáo dục bằng nhiều cách. Đã có người phản đối việc phong Thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam dịp 19-6-1988, họ tìm đủ cách để bài xích, bôi nhọ các Thánh Tử Đạo, họ có cơ hội thuộc lòng tiểu sử các Ngài, có cơ hội tiếp cận với Thiên Chúa, với những chứng nhân Đức Kitô, nhưng rồi sức cuốn hút của đồng tiền, quyền lực và sự thoải mái thế gian mà Satan ban tặng vẫn làm mờ mắt họ, và họ chưa tiếp nhận ánh sáng. Đã không ít cơ hội dành cho họ, đã không ít nỗ lực của những chứng nhân Chúa Kitô trong một bối cảnh chấp nhận cách kiên trì, nhưng vẫn chưa thấy nhiều tín hiệu của “Gia kêu mới”. Vì thế, cơn giận loài người của con cái Chúa đôi lúc không kiềm hãm nổi, có khi còn buồn trách Chúa sao cứ để cho sự dữ hoành hành, cho người gian ác vẫn vênh váo trong khi vẫn phạm hết tội ác nầy đến tội ác khác trầm trọng hơn… 

Bài học của Tin mừng hôm nay không cho phép tôi tiếp tục dòng suy tư theo kiểu loài người cũ rích như thế. Ý hướng của Thiên Chúa về cuộc đấu tranh cho Nước Trời là cuộc sống Chứng Nhân Chúa Kitô cách cụ thể qua đời sống công chính, đời sống mới của Tin Mừng. Không nhất thiết phải la lên ầm ĩ để những người gian ác nghe được, nhưng là thể hiện khuôn mặt và tính cách của  Đức Kitô mà họ phải nhìn thấy, nếu họ chưa muốn “leo lên cây sung của Gia kêu với thành ý kiếm tìm”.  

Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi tội nhân, trong đó trước tiên là tôi, là bạn, hãy khoan nghĩ đến ai khác. Và khi chính chúng ta, đổi đời thành những “Gia kêu mới”, thì cách sống của chúng ta sẽ thu ngắn thời gian chờ đợi, tìm kiếm của Thiên Chúa trong công cuộc cứu chữa những gì đã hư mất.

Tôi nhớ có bài hát:  “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai. Kẻ thù ta tên nó là gian ác, tên nó là vô lương….”.

Hãy giết kẻ thù ta trong chính con người ta trước đã, và mặc lấy sự công chính của Chúa Kitô, làm cánh tay, làm chứng nhân nối dài cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Tác động qua lại của việc làm chứng cho Thiên Chúa tương tự xảy ra giữa Chúa Giêsu và Giakêu sẽ xảy ra với chúng ta, như Thánh Phaolô quả quyết: “ Danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” (2Th. 1,12). 

Lạy Chúa, Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ người tội lỗi trở về, và ban ơn canh tân trong lòng họ. Xin cho chúng con biết mình tội lỗi, biết tìm về với Chúa, và được Chúa biến đổi thành con người mới, chứng nhân cho công trình cứu rỗi của Thiên Chúa, qua Chúa Kitô. A men.

  

PM. Cao Huy Hoàng

Tác giả: PM. Cao Huy Hoàng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!