Tháng 11, những ngày cuối năm phụng
vụ, Phụng vụ Giáo Hội hướng chúng ta đến ngày cánh chung, ngày thế mạt, ngày mà
Chúa Giê-su sẽ lại đến trong vinh quang để xét xử muôn dân.
Bởi vậy, vừa vào tháng 11, chúng ta
có lễ các thánh nam nữ, là những người được Chúa ban phúc trường sinh, được sống
trong Nước Thiên Chúa, được hưởng thánh nhan Chúa, sống trong tình yêu Chúa bình
an và hạnh phúc muôn đời. Các thánh hưởng phước Thiên Đàng là thành phần của
Giáo Hội Chúa Ki-tô, là Giáo Hội Khải Hoàn, vì họ đã chiến thắng ma quỷ ba thù
mà giữ vững một lòng Tin Cậy Mến Chúa.
Hôm nay, ngày 2-11, giáo hội mời
gọi chúng ta nhớ đến những người ra đi trước chúng ta, còn vướng mắc tội lỗi,
còn chưa yêu mến Chúa đủ, còn phải được thanh luyện trong luyện ngục chờ ngày
Chúa xót thương, mở cửa thiên đàng. Đây cũng là thành phần của Giáo Hội Chúa
Ki-tô có tên gọi là Giáo Hội Trầm Luân, Giáo Hội Thanh Luyện.
Còn chúng ta, những người đang trên
hành trình về Nước Thiên Chúa, gọi là Giáo Hội Lữ Hành. Giáo Hội Lữ Hành hiệp
thông với niềm vui chiến thắng của Giáo Hội Khải Hoàn, và luôn tha thiết cầu xin
Chúa thứ tha cho bao người còn đang trong Giáo Hội Trầm Luân.
Hôm nay, đứng trước các phần mộ ông
bà cha mẹ và những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta, đang an nghỉ tại
nghĩa trang thân yêu này, thiết tưởng, những nấm mộ đang mời gọi chúng ta hãy
luôn gẫm suy về sự chết, sự sống lại, và lòng hiếu thảo của những người còn đang
sống.
Về sự chết
Sự chết cố định. Giờ chết bất ngờ.
Ai cũng biết rồi đây mình sẽ chết, nhưng không ai biết được giờ chết của mình,
cách chết của mình.
Tôi chẳng nhớ bài hát nào, có câu:
“Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi…”
Người viết ca khúc này muốn nói về
chuyện buồn gì thì tôi chẳng bận tâm. Tôi chỉ thấy đúng là có những chuyện buồn
của mùa thu hôm nay, ngay trong lòng tôi, và có thể ngay trong lòng mỗi chúng
ta, khi nghĩ về sự chết.
Lại có một ca khúc khác của Phạm
Duy, có câu: Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều. Hàng cây trút lá nghĩa trang
đìu hiu…
Đúng! Mùa thu thật buồn!
Buồn vì kiếp người vào thu với
những chuyển biến kỳ dị trong cơ thể: sức khỏe mỏng dần, và mỗi ngày như bước
gần tới sự tàn vong của kiếp người. Ngày xưa ở tuổi 30, 40 có thể đi cuốc đi cày
cả hai tiếng đồng hồ mà không hề thấy mệt, bây giờ, chỉ vài nhát cuốc, chỉ nửa
đường cày đã phải đứng lại mà thở pheo pheo…Không phải mùa thu của cuộc đời đã
đến rồi đấy sao.
Mới vào thu mà đã buồn như thế.
Nhìn sang nhà bên kia, có đôi ông
bà cuối thu đang ho sù sụ, bà mớm cho ông từng miếng cơm, sú cho ông từng miếng
nước, hai người níu lấy nhau đi, cả bốn chân đi còn thêm cái gậy, mà không vững.
Còn cảnh nhà ai kia, ông cụ đã quá
mùa thu, bước vào cảnh đông tàn, nguyệt tận, con cháu hết lòng lo mà bệnh viện
trả về, nằm chờ Chúa gọi về với Chúa.
Vâng kiếp người là thế, ai rồi cũng
tới lúc phải giã từ cuộc đời này.
Nhưng đời sống con người không chỉ
đơn giản sống, rồi già đi, yếu bệnh rồi chết.
Điều đáng nói hơn, đó là giờ chết
bất ngờ, nên có thể nói rằng: ngày nào cũng là ngày tận thế của ai đó, và của
chính mỗi người chúng ta nữa. Có biết bao cái chết bất ngờ mỗi ngày.
Bản tin 60 giây, các trang mạng xã
hội, các báo đài hầu như ngày nào cũng báo tin có người chết. Chết cách này,
chêt cách kia, đủ cách chết…
Bệnh ung thư chết, bênh tai biến
chết, tai nạn xe chết, tai nạn máy bay chết, thiên tai dịch họa chết….nghe đâu
mỗi ngày có cả ngàn người chết. Cái chết nào cũng thương tâm.
Nhưng cũng có những cái chết vô
duyên, lãng xẹt như: ngoại tình đánh ghen chết; say xỉn đâm nhau chết; nợ nần
vài chục triệu hoặc sợ cha mẹ la rầy treo cổ tự tử chết; bị người tình phụ ra
sông nhảy cầu chết; ghét nhau một tiếng đại ca, một cái nhìn đểu, đâm nhau chết;
hơn thua nhau chút nhan sắc chảnh chọe, thuê người chém chết; hết tiền hút chích
cho thỏa cơn nghiện xùi bọt mép chết; ông già 72 tìm vui bên cô nàng 27 lăn ra
chết; đúng là những cái chết lãng xẹt, những cái chết vô duyên.
Lại còn có những cái chết thật kinh
khủng, do lòng người ác độc gây nên: tranh giành quyền lực thanh trừng nhau, đầu
độc nhau chết; muốn diệt khẩu, ém nhẹm tội lỗi của mình, giết người chết; hiếp
dâm cướp tài sản, đâm người chết; sửa sắc đẹp chết, quăng xác xuống sông cho
khỏi ai biết chết; vợ hư thân mua xăng về đốt chồng chết; chồng nghi vợ ngoại
tình bóp cổ vợ chết; ngáo đá lên cơn đụng ai cũng chém chết, cháu chém bà chết,
con cái chém cha mẹ chết, chém luôn cả người yêu chết; bị xúc phạm, bị tổn
thương chỉ vì một câu nói mà hộc máu chết..... Và còn kinh khủng hơn nữa là cả
ngàn ngàn thai nhi phải chết vì lòng mẹ quá ác độc, không chỉ là phá thai ở bất
kỳ tuần tuổi nào, mà còn có người mẹ bỏ con vào hố rác cho kiến cắn chết, có
người mẹ khác ném con từ tầng lầu cao xuống cho chết. Thật quá kinh khủng.
Toàn cảnh xã hội hôm nay và những
cách chết, cho thấy rằng: con người có cách đối xử với nhau thực vô lý: ai cũng
sợ mình chết, mà không hề tôn trọng và bảo vệ sự sống cho ai; ai cũng giữ sỉ
diện của mình mà không hề tôn trọng sỉ diện kẻ khác, ai cũng sợ mình phải chết,
mà lại có thể giết chết kẻ khác một cách tàn nhẫn.
Chính tội lỗi của con người là
nguyên nhân gây ra bao nhiêu cái chết.
Sự chết đến với con người quá dễ
dàng, và cũng không ai dám biết trước mà ngăn cản nó. Sự chết là kết quả của sự
dữ. Mà sự dữ là do ma quỷ cố ý gây nên. Ma quỷ không muốn cho con người tỉnh
thức và sẵn sàng. Ma quỷ muốn cho con người mất linh hồn, mất Nước Thiên Chúa.
Về sự sống lại
Vâng, con người phải chết và có quá
nhiều cách chết. Nhưng, dù có chết cách nào đi nữa, thì Thiên Chúa là Cha xót
thương luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả con cái của Người vào trong Nước
vĩnh cửu của Người. Vì thế, phải luôn sẵn sàng tỉnh thức để đón nhận ngày tận
thế của mình, để được Thiên Chúa đón thẳng vào Nước Người.
Đó là niềm tin chắc chắn của mỗi
tín hữu Chúa Giê-su Ki-tô.
Vì mỗi tín hữu, đã được Thánh Thần
của Chúa Cha kêu gọi tới hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô. Như vậy, Chúa
Giê-su Ki-tô là quà tặng quý giá của Thiên Chúa ban cho chúng ta, vì lòng thương
xót vô biên của Người.
Thế mà, Chúa Giê-su lại nói:
“Những kẻ cha đã ban cho con”. Hóa ra, trong tâm tư của Chúa Giê-su, mỗi tín
hữu lại là một quà tặng quý giá mà Chúa Cha trao ban cho Người. Lẽ ra chúng ta
phải quý chuộng Đức Giê-su biết bao và không thể tách rời xa Người, thì ngược
lại, Đức Giê-su yêu mến và quý chuộng mỗi chúng ta đến nỗi Người xin với Cha
rằng: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn rằng Con ở đâu thì
chúng cũng ở đó với Con, để chúng chiêm
ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con”.
Vinh quang ấy chính là Sự Sống Lại
của Con Thiên Chúa làm người.
Vinh quang ấy chính là Sự Sống Viên
Mãn và Vĩnh Cửu của Người, vì Người là Thiên Chúa.
Đó là niềm tin và niềm hy vọng của
mỗi chúng ta, các Ki-tô hữu.
Hãy luôn sống đẹp lòng Chúa, là hãy
yêu mến Chúa, là hãy tuân giữ lề luật Chúa, nhất là luật mến Chúa, yêu người.
Hạnh phúc biết bao cho ai được chết
trong khi lòng còn đang tin tưởng yêu mến Chúa nồng nàn, khi lòng còn đang bác
ái yêu thương và sẻ chia cho người, phục vụ sự sống của người.
Hạnh phúc biết bao cho ai được chết
đang khi còn thực thì Lời Chúa dạy, đang còn thực thi tám mối phúc thật trong
cuộc sống của mình.
Hạnh phúc biết bao cho ai được chết
đang khi còn sống trong ân nghĩa với Chúa, bởi chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa
sẽ đón họ về trong Nước Chúa, vì Chúa Giê-su đã tha thiết van xin: “Lạy Cha,
những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với
Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con”.
Về chữ Hiếu
Đứng trước các phần mộ, thắp hương
nghi ngút, hoa nến từng bừng, dâng kinh cầu nguyện, tưởng như thế là ta làm ơn
cho những người đã ra đi, hãy trả hiếu cho ông bà cha mẹ đấy sao?
Có ai trong chúng ta nghe được ông
bà cha mẹ và những người thân yêu chúng ta đang ở dưới mộ sâu kia nói gì không?
Chắc hẳn là họ không còn nói được lời nào nữa. Nhưng chính sự im lặng của các
ngôi mộ đang nói với chúng ta nhiều điều quý giá:
-sự chết cố định giờ chết bất ngờ,
hãy luôn tỉnh thức, hãy sống trong ân nghĩa Chúa.
-hãy luôn hướng lòng về Thiên Chúa
là cùng đích cuộc đời của chúng ta.
-hãy tin tưởng Chúa Giê-su và sự
phục sinh của người.
Cách đặc biệt, hãy nghe các phần mộ
của ông bà cha mẹ nhắn nhủ với các con: hãy yêu mến Chúa và yêu thương nhau.
Chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ
không phải là mồ yên mả đẹp, cung đình nguy nga mà anh chị em trong nhà con trai
con gái, con dâu con rể lại còn cứ lời qua tiếng lại.
Chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ
không phải là làm cỗ lình đình, nhiều mâm đông khách mà anh chị em trong nhà lại
còn cứ bất hòa bất thuận với nhau.
Chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ
không phải là khói hương nghi ngút, là nến hoa rực rỡ, là kèn trống se sua…mà
anh chị em trong nhà lại còn cứ hơn thua nhau, ganh tỵ nhau, bôi bác, bài xích
nhau.
Hãy lắng nghe tiếng nói từ các phần
mộ ông bà cha mẹ rằng: chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ chính là anh chị em hãy
sống đạo cho đàng hoàng, hãy mến Chúa trên hết mọi sự và hãy yêu thương nhau,
hãy giúp đỡ nhau, hãy tha thứ cho nhau, hãy đoàn kết hiệp nhất với nhau, và hãy
sống xứng đáng là con cái của Thiên Chúa.
Như thế mới là lời nguyện đích thực
cho những kẻ đã qua đời.
Như thế mới là lễ hy sinh xứng đáng
cho các linh hồn trong luyện ngục.
Như thế mới là đáp hiếu cho ông bà
cha mẹ cách trọn vẹn
Và như thế, mới hy vọng sum họp với
ông bà cha mẹ trong cõi đời sau.
Ai cũng phải chết. Phải chuẩn bị
sẵn sàng cho giờ chết là hãy luôn sống trong ân nghĩa với Chúa. Hãy tin tưởng
vào Chúa Ki-tô Phục Sinh. Và cụ thể nhất là: hãy kính mến Chúa luôn, hãy yêu
thương hết mọi người luôn.
Đó là điều mà mà Thiên Chúa khát
khao nơi mỗi chúng ta,
Đó là điều mà ông bà cha mẹ đang
khát khao nơi mỗi chúng ta.
Tháng các linh hồn, trong khi chúng
ta hy sinh, dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, thì các linh hồn từ những nấm
mồ im lặng kia cũng gửi cho chúng ta những lời tình như quà tặng quý giá về sự
chết, sự sống lại và về chữ hiếu đúng nghĩa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn
Tin Cậy Mến Chúa hết lòng, và yêu thương nhau, yêu thương mọi người, để làm lễ
dâng cầu thay cho ông bà cha mẹ và các linh hồn được Chúa thứ tha những hình
phạt còn nơi luyện ngục, và Chúa cho lên chốn nghỉ ngơi cùng Chúa. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 02-11-2018