(Suy niệm nhân lễ thánh
Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, 2019)
Chúa Giê-su hỏi: “Còn các
con, các con bảo Thầy là ai?”
Có ai ngờ, một người đánh
cá như Simon lại có thể trả lời: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Không ngờ, bởi vì không phải tự Simon trả lời được như thế, mà do Thiên Chúa Cha
mạc khải cho. “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt
hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.
Simon, người được mạc khải,
cũng chính là người mà Chúa Cha cho Chúa Giê-su biết rằng: Người đã tuyển chọn
Si-mon để nhận lãnh sứ vụ. Vì thế Chúa Giê-su không ngần ngại đặt cho Simon một
cái tên mới, cùng với sứ vụ mới: “Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Phê-rô,
nghĩa là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ
không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc
dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng
cởi mở”
Cũng có ai ngờ được,
Sao-lê, người
Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á,
có học thức,
cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma,
lại đi tìm bắt giết những người theo Chúa Giê-su, bị quật ngã trên đường đi
Damas, đã nhận ra Thánh Ý Chúa, và Sao-lê được đổi tên thành Phao-lô, với sứ vụ
mới Tông Đồ dân ngoại.
Cũng có ai ngờ được, mỗi
chúng ta, đáng tội hơn là đáng công trước mặt Chúa, thế mà, Người kêu gọi chúng
ta đón nhận ơn cứu độ của Người, cùng với việc đổi cho mỗi người một cái tên mới:
“Phê-rô, Phao-lô, An-rê, Giu-se, Maria, Anna… Cha rửa con nhân danh cha và con
và thánh thần”. Cái tên mới là tên của vị thánh bổn mạng của chúng ta, là cái
tên của sứ vụ làm chứng nhân cho Thiên Chúa và cũng là cái tên sẽ theo với chúng
ta suốt đời cho đến hơi thở cuối: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh
hồn Phê-rô, Phao-lô, An-rê, Giu-se, Maria, Anna… được lên chốn nghỉ ngơi…”
Việc của Thiên Chúa làm,
không ai hiểu nổi. Bởi tư tưởng của Thiên Chúa, suy nghĩ của Thiên Chúa không
giống như tư tưởng, suy nghĩ của loài người.
Có ai hiểu nổi:
-Gioan Tẩy Giả sinh ra bởi
một cụ bà son sẻ, Đức Kitô sinh ra bởi một thiếu nữ đồng trinh.
-không tin Gioan sẽ chào
đời, người cha đã hóa câm; tin Đức Kitô sẽ chào đời, Đức Maria đã thụ thai.
-Cần một người cha
cho dân mình, Thiên Chúa chọn một cụ già, thế là Abraham đứng lên.
-Cần một người phát ngôn,
chăn dắt dân, Thiên Chúa chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa cà lăm, thế là
Môisen đứng lên.
-Cần một thủ lãnh để trị
vì dân, Thiên Chúa chọn một thanh niên nhỏ nhất trong nhà, thế là Đavít đứng lên.
-Cần một người làm nền
móng cho toà nhà Hội Thánh, Thiên Chúa chọn một anh chàng chối Thầy, thế là
Phêrô đứng lên.
-cần một chứng nhân để hô
lên sứ điệp Tin Mừng, Thiên Chúa chọn một kẻ chuyên bắt đạo, thế là Phaolô đứng
lên. (Theo “Đem đến Nụ Cười”, Lm Minh Anh, Huế)
Chuyện của Chúa mà. Tất cả
là thánh ý và ân sủng.. Người bất chấp chuyện ông Phê-rô kém cỏi, hèn tin, bất
tín. Người cũng bất chấp chuyện ông Phao-lô ra tay sát hại tín hữu. Người cần
một lòng chân thành sám hối, lòng chân thành mến yêu và nhiệt tình với Tin Mừng.
Thiên Chúa cũng bất chấp chuyện mỗi chúng ta là con người như thế nào. Người yêu
thương chúng ta và mời gọi tất cả chúng ta vào đoàn dân thánh của Người.
Vì thế, khi Chúa cần vào
việc của Chúa, thì ước mong là không có ai nói rằng: “lạy Chúa, con chẳng
biết gì, sao Chúa lại kêu con”, nhưng phải sẵn sàng đứng lên, nhận việc.
Tôi nhớ chuyện “đứng lên”
của một người bạn:
- 50 tuổi rồi, mà Thầy
không có tên chịu chức. Không sao, cứ giúp lễ, chưa đứng lên.
-Già lắm rồi mới được gọi
tên chịu chức, thì đứng lên, nhận lãnh chức linh mục. Nghĩa tử làm linh mục
trước nghĩa phụ, nên nghĩa tử đặt tay lên đầu nghĩa phụ trong lễ phong chức, mà
đôi mắt cứ rưng rưng.
-Cha về một giáo xứ nhỏ
chưa kip gối đầu qua đêm, lại được đổi về giáo xứ bên biển, nhà thờ đã đổ nát
sau 50 năm Phải xây nhà thờ. Rồi Cha làm Hạt Trưởng trong tiếng xì xầm từ những
hạt khác: thiếu năng lực… nhưng cũng phải đứng lên và nhận việc.
-Cha được gọi về làm Tổng
Đại Diện giữa bao lời cười chê kém cỏi. Có người còn chọc quê: “Đêm nằm nghĩ mãi
không ra, Tại sao chỗ ấy lại là (tên cha) ”. Ai mà biết được chuyện này lại là ý
Chúa. Thôi thì cứ đứng lên, nhận việc.
Rồi cũng chỉ trong tích
tắc, Đức Cha qua đời, Ipso facto. Cha lại được Đức Giám Quản điều gấp về xứ bé
bé. Có người lại cũng nói: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra, Tại sao chỗ ấy lại là …”.
Cũng xin vâng mà đứng lên, về xứ mới, bé bé.
Vinh dự của đời Linh Mục
là vâng phục, là thánh giá, là chết đời mình cho đoàn chiên được sống…Chỉ mới
hơn hai năm, Cha chưa kịp chết đời mình cho anh chị em tại giáo xứ bé bé ấy, thì
lại có tên đứng đầu danh sách của những người ra đi, đổi xứ trong tháng tới… thì
vâng lời, đứng lên, ra đi…
Anh em cùng lớp, hỏi han
về tâm tình của cha, cha tâm sự:
Giữa hàng linh mục, và
ngay giữa giáo dân, tôi vẫn luôn biết mình thấp bé, kém cỏi.
Nhưng cùng với Thánh
Phê-rô, tôi suy niệm về sự thấp bé, hèn mọn, vụng về, kém cỏi của mình, và nhận
ra:
-Chúa chọn người thấp bé,
hèn mọn để người thấp bé hèn mọn biết ân sủng của Người là cao vời khôn ví.
-Chúa chọn người vụng về
yếu đuối để người vụng về yếu đuối nhận ra sự cần thiết của việc nương cậy vào
đức khôn ngoan và mạnh mẽ của Người.
-Chúa chọn người kém cỏi
tài trí, nông cạn học thức, để người kém cỏi nông cạn ấy biết cần đến ân sủng
của Chúa và sự cộng tác của nhiều người.
-Chúa chọn người vô danh
tiểu tốt, để người vô danh tiểu tốt ấy lo phụng sự cho vinh danh Chúa mà thôi.
Vâng, Chúa chọn mỗi người
vào việc của Chúa, dẫu là hèn mọn kém cỏi, là để chúng ta hiểu ra rằng tất cả
chúng ta phải làm việc với nhau, phải cộng tác với nhau mà làm việc, không ai
làm việc một mình.
Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô,
hai cột trụ của Giáo Hội, lại là hai thành phần có một quá khứ bất hảo, khả năng
bất đồng, nhưng được kính chung trong một ngày. Điều này, thiết tưởng, muốn nhắn
nhủ với những người yêu mến Chúa, yêu mến giáo hội, yêu mến giáo xứ rằng:
-Không có chế độ độc tài
trong giáo hội
-Không có vinh quang độc
tôn trong giáo hội
-Không có chủ nghĩa cá
nhân trong giáo hội,
-Không ai nên thánh một
mình trong giáo hội
-Không ai là hòn đảo lẻ
loi, cũng không có phần rỗi riêng lẻ trong giáo hội, nghĩa là không có chuyện
“phần ai, nấy rỗi”.
Tất cả chúng ta cùng cộng
tác với ân sủng Chúa và cộng tác với nhau để làm nên phần rỗi cho mình và cũng
chịu trách nhiệm về phần rỗi của anh chị em mình. Cha xứ phải cộng tác với giáo
dân mới mong chu toàn nhiệm vụ chăn chiên của mình. Giáo dân, hội đoàn, đoàn thể
phải cộng tác với Cha xứ , cộng tác với Hội Đồng Mục Vụ và cộng tác với nhau,
mới có thể bổ khuyết cho nhau mà xây dựng Hội Thánh Chúa, mà lo cho phần rỗi của
mình và của nhiều người.
Dịp tháng 5 vừa qua, nhiều
giáo xứ để lại một dấu ấn đẹp, không phải vì tổ chức kiệu Đức Mẹ linh đình,
không phải vì tổ chức dâng hoa hoành tráng đông người, nhưng dấu ấn đẹp ở chỗ:
vài trăm con hoa thuộc đủ mọi giới trong các giáo xứ cùng vì cái chung, bỏ cái
riêng, cộng tác với nhau trong tình yêu thương hiệp nhất.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn
Chúa, vì qua Bí Tích Rửa Tội, chúng con đã được ân sủng Chúa biến đổi nên con
người mới trong Chúa Ki-tô. Xin cho chúng con noi gương hai thánh Tông Đồ Phê-rô
và Phao-lô, mà ý thức và chu toàn sứ vụ tông đồ, luôn cộng tác với nhau trong
tình yêu thương hiệp nhất, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. . Amen.
PM. Cao Huy Hoàng,
26-6-2019