Phút giao
thừa thiêng liêng của hai đầu thời gian khó hiểu như huyền nhiệm.
Cũng thì một
mặt trời lặn xuống và mọc lên, cũng thì buổi chiều và một buổi sáng, mà một bên
là năm cũ, và bên kia là năm mới. Và rồi một vòng thời gian 12 tháng trôi đi,
lại cũng thì một buổi chiều và buổi sáng, và lại cũng thì một năm cũ qua đi,
một năm mới bước tới!
Hết một vòng
thời gian xuân hạ thu đông, lại một vòng thời gian xuân hạ thu đông nữa…thời
gian ở cõi dương trần này như cứ cũ đi, rồi mới lại, cứ hết lại còn, cứ còn rồi
hết, và cho đến một lúc cũng sẽ không còn nữa. Chưa ai biết lúc ấy là lúc nào.
Chỉ biết khi thời gian lặp đi lặp lại một vòng cũ mới, là để “Thiên Chúa làm
mới lại mọi sự” trong mỗi chúng ta, trong cả và nhân loại qua những biến cố
mang dấu chỉ thánh ý của Người.
Vâng! Vạn vật
đang mới lại, sau những ngày đã rệu rả, đã cũ đi của một mùa đông, của một năm
cũ.
Thiên hạ lặt
trụi những lá mai cũ kỹ, cho đêm nay, cho phút này, cây mai đang trổ lá mới,
đang bung những búp mai rực rỡ màu vàng tươi. Có người, khi lặt trụi lá mai, đã
gẫm suy về đời mình, cũng phải can đảm chịu đớn đau mà lặt trụi những tính hư
tật xấu, để làm mới lại chính mình bằng những nhân đức siêu nhiên! Có người,
dọn nhà dọn cửa đón xuân sang, đã suy gẫm về đời mình, cũng phải dọn lại tâm
hồn mình sao cho thứ tự ngăn nắp, sao cho sạch đẹp mới mẻ, và cũng cần phải can
đảm dứt khoát mà đốt đi những thứ rác rưởi bẩn thỉu nhơ nhớp trong lòng! Có
người già, những ngày đông giá luôn đau nhức vì thời tiết nghiệt ngã, đã trông
mong cho mùa xuân đến, cho nắng ấm lên, cho sức sống mới bừng lên, cho niềm hy
vọng trào dâng thắp lên đời bình an, hạnh phúc.
Về đời sống
siêu nhiên, Giáo Hội muốn con cái mình nhìn
nhận phút giao thừa thiêng liêng giữa năm cũ, và năm mới, là cơ hội quý giá
để mỗi chúng ta nghĩ đến phút giao thừa giữa sự sống trần gian tạm bợ, với sự
sống mới bền vững trong Nước Thiên Chúa.
Sự nhìn nhận
này phát xuất từ lòng tin “Thiên Chúa là Alpha và Omega, Thiên Chúa là đầu và
là cuối, Thiên Chúa là khởi nguyên và cũng là cùng đích của vũ trụ, của trần
gian, của nhân loại, và của mỗi con người chúng ta”.
Sách Khải
Huyền, thánh Gioan viết “Thiên Chúa phán: Alpha
và Ômêga chính là Ta, Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, Ðấng toàn năng! (Kh
1,8)
Ngài cũng viết: “Và Ðấng ngự trên ngai
đã phán: "Này, Ta làm mới mọi sự". Rồi Người phán: "Viết đi: Ðó
là những lời chí thánh và chân thật!" Người lại phán cùng tôi:
"Ðã thành sự! Ta là Alpha và là Ômêga, là Khởi nguyên và là Cùng tận!
Chính Ta, Ta sẽ ban nhưng không cho kẻ khát uống nơi mạch nước sự sống”. (Kh
21, 5-6)
Hãy nhìn nhận Thiên Chúa là đấng thuỷ chung,
trước sau như một, nghĩa là tự muôn đời và cho đến muôn muôn đời, Thiên Chúa vẫn
là “Thiên Chúa uy quyền và giàu lòng xót thương”. “Đức Ki-tô hôm qua hôm nay vẫn
là một, và như vậy mãi đến muôn đời
(Hr 13,8). Người vẫn luôn là
dung mạo của Thiên Chúa Cha uy quyền và giàu lòng xót thương.
Chỉ có Thiên Chúa mới có sự thánh thiện, nhân từ
thuỷ chung bền vững như thế. Không có ai trên trần gian này có được. Dẫu cho có
người cũng thích vỗ ngực xưng hùng hô khẩu hiệu “trước sau như một”, nhưng hãy
cẩn thận, đó là “trước sau như một chứng nào tật ấy”, hoặc “trước sau như một
lũ tham tàn”.
Vì thế, hãy nhìn nhận, duy chỉ có Thiên Chúa,
trong Chúa Giê-su Ki-tô, là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, mà chúng ta có thể đặt trọn
niềm tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến kính thờ. Ngoài Thiên Chúa trong Đức
Giê-su Ki-tô ra, chúng ta không thể đặt niềm tin cậy mến vào nơi nào khác nữa!
Phút giao thừa nhắc nhớ chúng ta nhìn nhận
Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su Ngôi Lời sáng tạo, là cội nguồn, là nguyên thuỷ,
và cũng là cùng đích của chúng ta.
-Vì thế, vào
phút giao thừa thiêng liêng, Giáo Hội muốn con cái mình luôn hướng lòng đến cái mới vĩnh cửu, cái
mới của sự sống muôn đời không bao giờ là tạm bợ, cái mới một lần tới thiên thu
không bao giờ cũ đi, chẳng bao giờ lặp lại, đó là Thiên Chúa hằng sống và sự
sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Đừng tưởng lầm
Thiên Chúa ở rất xa. Hãy nhớ là Thiên Chúa đã ở rất gần với chúng ta nơi Chúa
Giê-su Ki-tô, Đấng làm người, bằng lòng đồng hoá mình với thân phận người, với
thân phận người cùng đinh khốn khổ, bằng lòng xuống bước hiệp hành tới tận cùng
thấp của kiếp người.
Hướng lòng
đến cái mới vĩnh cửu, là hướng lòng tới Chúa Giê-su, tới Lời Ban Sự Sống Đời
Đời của Người, tới Thánh Thể Nguồn Sống của Người. Dẫu có hai ngàn năm qua rồi,
Lời Tin Mừng vẫn luôn mới, và vẫn luôn mang lại sự sống bình an, sự sống hạnh
phúc, và nhất là sự sống mới vĩnh cửu cho tất cả những ai lắng nghe, tuân giữ
và thực hành ngay giữa những ngày trần gian tạm bợ. Dẫu có hai ngàn năm qua,
Thánh Thể Người vẫn là của ăn, của uổng bảo đảm cho chúng ta có sự sống của
Thiên Chúa hôm nay, và sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa.
Hướng lòng
tới cái mới vĩnh cửu, là hãy buông lòng mình ra khỏi những thứ nặng lòng thế
gian này. Đừng nặng lòng với giọt mồ hôi đổ xuống vườn thanh long, đừng nặng
lòng với số vốn đầu tư thanh long, đừng nặng lòng với giá cả và cuối cùng là đừng
nặng lòng với sự thất bại không ai mong muốn. Đừng nặng lòng với chuyện danh
lợi dục trần gian này nữa. Hãy nặng lòng với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su. Hãy
nặng lòng với việc lắng nghe và tuân giữ Lời Người. Hãy nặng lòng khát khao
rước lấy Thánh Thể Chúa, nguồn sống của chúng ta.
-Và cuối
cùng, Giáo Hội dùng Phụng Vụ Lời Chúa với Lời Chúa là “Tám Mối Phúc Thật” hay
còn gọi là bản “Hiến Chương Nước Trời”, để mời gọi mỗi người, mỗi nhà luôn chuẩn bị cho phút giao thừa thiêng
liêng giữa sự sống trần gian và sự sống thiên quốc, để cả nhà còn hội ngộ, cùng
hưởng mùa xuân bất diệt.
Đừng nặng
lòng bận tâm đến sự giàu có của cải danh lợi và lạc thú thế gian, nhưng hãy
sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng. Là hãy tín thác vào Chúa. Hãy để cho
linh hồn, thân xác, sự sống này hoàn toàn thuộc về Chúa, không mảy may thuộc về
thế gian chóng vánh và hay hư nát này!
Đừng sầu buồn
thất vọng, hãy vững niềm trông cậy. Hãy nhận ra sự đau khổ của con người trong
đời sống này chính là hồng ân của Chúa, vì chính nhờ những đau khổ ấy, mà Thiên
Chúa cho chúng ta ngộ ra tính tạm bợ của cõi đời này, và thắp lên trong chúng
ta niềm hy vọng vĩnh cửu ở đời sau.
Đừng hung
hãn, hãy luôn hiền lành khiêm nhượng, vì Thiên Chúa hiền lành khiêm nhượng, vì
Chúa Giê-su hiền lành khiêm nhượng. Ai hiền lành khiêm nhượng là nên giống
Chúa, và được Chúa yêu thương.
Đừng mơ màng
chuyện bất chính, hãy khát khao điều công chính, vì Thiên Chúa là Đấng thánh
thiện, công chính. Ai sống trong sự công chính là sống theo đường lối Chúa.
Đừng vô cảm,
hãy xót thương, vì Chúa là Đấng Giàu Lòng Xót Thương. Ai có lòng xót thương
người, ấy là người biết cách đáp đền lòng Chúa xót thương mình.
Đừng lâm luỵ
điều nhơ nhớp, hãy giữ lòng tinh sạch. Hãy luôn nhớ là tâm hồn và thân xác
chúng ta là đền thờ Thiên Chúa ngự trị. Phải giữ cho tâm hồn thân xác chúng ta
tinh tuyền, không vương bụi bặm trần gian, không rác rưởi ô nhơ thế tục, để xứng đáng đền thờ Thiên
Chúa ngự trị.
Đừng ganh tỵ
ghét ghen, hãy ăn ở thuận hoà, vì Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương hiệp nhất nên
một là chuẩn mực cho đời sống chung của chúng ta. Ai ăn ở thuận hoà, ấy là
người sống chung với nhau, và với mọi người theo chuẩn mực sống của Ba Ngôi
Thiên Chúa.
Và đừng sợ
chết vì công lý, nhưng hãy anh dũng làm chứng cho Tin Mừng. Hãy sống như Chúa
Giê-su đã sống. Hãy yêu như Chúa Giê-su đã yêu. Người dám sống là người người
dám chết để người khác được sống. Người yêu người, là người dám chết vì người
mình yêu.
Có thể tóm
lại, trong phút giao thừa thiêng liêng này,
-Giáo Hội
muốn chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là cội nguồn và là cùng đích của vạn vật,
của mỗi người
-Giáo Hội
muốn chúng ta hãy luôn hướng lòng tới Thiên Chúa, trong mọi lúc, ở mọi nơi
-Và Giáo Hội
muốn chúng ta hãy chuẩn bị cho một mùa xuân mới, mùa xuân vĩnh cửu trong Nước
Thiên Chúa bằng việc sống trọn vẹn “Tám mối Phúc Thật” mà Chúa Giê-su đã dạy
Nguyện chúc
mọi người năm mới bình an, và ra công gắng sức thực hiện “Tám Mối Phúc Thật”,
để luôn sống đẹp ý Chúa và luôn sẵn sàng cho Mùa Xuân Vĩnh Cửu trong Nước Chúa.
Amen.
PM. Cao Huy Hoàng
24-1-2022