Cha mất vào những ngày cuối tháng
Tư năm 1975, Hùng mới lên hai, Kiều còn trong bụng mẹ. Kiều vừa lên hai, năm
1978, thì Mẹ mất vì sốt rét rừng. Hai anh em mồ côi cha mẹ, phải sống nương nhờ
ông bà ngoại những năm mất trắng mùa lúa lịch sử ở đất Bình Tuy này. Hoa cỏ le
bỗng dưng nở rộ. Cả làng đi tuốt hạt le về làm gạo ăn qua ngày. Cả củ nần, củ
chuối với chút muối hầm cũng bỗng ngon ra.
Kỷ niệm lớn nhất trong tuổi ấu thơ
của Hùng Kiều là chuyện ông ngoại thất chí tang bồng, co ro ngồi trong góc nhà
tăm tối, lần chuỗi thâu đêm. Nhà có cái đèn hột vịt nhưng chỉ thắp được một lúc
rồi tắt đi, để dành cho ngày mai thắp tiếp. “Dầu lửa quý lắm, không dễ gì mua
được một lít mà để dành. Mà cũng không có tiền để mua hẳn một lít đâu con ạ”.
Ông Ngoại nói.
Ngày có trí khôn, ông ngoại bảo
Hùng Kiều lần chuỗi với ông trước khi ngủ. Tượng Đức Mẹ để trên đầu giường. Lần
chuỗi xong, hai đứa đi ngủ, ông ngoại ôm tượng Đức Mẹ để nằm một bên gối, lấy
tấm khăn phủ lại. Hùng nhớ ông ngoại thường nói: “đã Ngụy rồi mà còn Có Đạo nữa,
khó lắm con. Thôi thì cất giấu đi để mai sau sẽ trưng bày…” (một câu kinh
cũ trong sách mục lục giáo phận Quy Nhơn)
Nghe Hùng kể đến đây, tôi bỗng liên
tưởng đến một mùa chay không chỉ của gia đình ông ngoại Hùng Kiều mà còn là mùa
chay của đất nước… Và còn hơn thế nữa một Mùa Chịu Nạn chẳng khác gì Tuần Thương
Khó của Chúa Giê-su. Nhà thờ không có Linh Mục, không có Thánh Lễ. Con chiên
nươm nướp lo sợ đến toát mồ hôi máu như đêm trong vườn dầu…
Và suốt những tháng năm dài như thế.
Ông cháu sống với nhau bằng những giờ kinh nguyện và nhất là bằng Chuỗi Mân Côi
diệu kỳ. Ông là giáo lý viên dạy đức tin cho cháu.
Tiếc thay, ông ngoại cũng theo bà
ngoại về với Chúa sau một cơn bạo bệnh.
Cuộc sống quá khó khăn, tình cảnh
thật bế tắc, Hùng 12 tuổi, Kiều 9 tuổi đành phải theo các dì về Phan Thiết kiếm
sống bằng nghề “đổi nước”, nghề bưng bê, phụ giúp các việc lặt vặt ở chợ.
…………..
Năm vừa tròn 20 tuổi, Kiều gặp anh
Đinh Trọng Duy, thuộc gia đình khó khổ, theo đạo ông bà và còn là con trai duy
nhất nối dõi tông đường. Cha mẹ anh Duy sợ con theo đạo, bỏ ông bỏ bà, bỏ tổ
tông dòng dõi. Thế nhưng, cuối cùng, anh cũng đã được phép của cha mẹ cho học
đạo để cưới vợ. Nhưng, kỳ khảo hạch cuối khóa học dự tòng, anh chưa thuộc bài
nên cha FX nói với anh khi nào thuộc giáo lý, thuộc kinh mới được. Anh bất mãn
bỏ cuộc. Thế là hai anh chị đã sống với nhau nên vợ thành chồng không một phép
đạo nào suốt 23 năm. Đến nay đã ba mặt con, mà chửa có đứa nào được rửa tội.
Chị Kiều kể: “Khó lắm chú Hoàng ơi,
không được nói đến Chúa, không được nói đến nhà thờ, không được nói chuyện đi lễ
đọc kinh, kể cả nhắc đến chuyện gì có liên quan đến đạo..Ảnh mà đã không thích
rồi thì coi chừng bị ăn đòn ngay. Con chỉ còn biết lén lút đọc thầm vài kinh
kính mừng mỗi đêm trước khi ngủ, dâng hết đời con, dâng hết nhà con cho Đức Mẹ
mà thôi”.
Sau gần 10 năm bên nhà chồng, được
ba mặt con, mà làm ăn thất bát, thất bại. Anh Duy phải nuôi con bệnh hen suyễn
không chữa được, lại nuôi thêm ba đứa nhỏ nheo nhóc. Vợ chồng con cái kéo về đây
với nhà Ngoại. May mắn, các dì cho được 5 mét đất, và anh em trong nhà, bà con
bên đạo giúp làm cho một mái ấm tình thương. Lần này, con mạnh dạn nói với ảnh
là Đức Mẹ của ông Ngoại cứu giúp mình đó, ông Ngoại phù hộ mình đó. Ảnh lẳng
lặng quay đi, không nói lời gì.
Năm 2013 anh Duy bị nhồi máu cơ tim,
phải nhập viện Chợ Rẫy và lần đầu tiên được đặt Stent. Nhà chẳng có tiền, nhưng
nhờ bà con trong giáo xứ giúp đỡ, cho vay mượn…Qua cơn nguy kịch, con thầm cảm
ơn Đức Mẹ và nói với ảnh “Đức Mẹ của ông Ngoại cứu giúp mình đó, ông Ngoại phù
hộ mình đó”. Ảnh làm thinh không nói gì. Từ sau lần bệnh ấy, ba đứa nhỏ lại nối
nghiệp làm thuê kiếm sống phụ giúp gia đình con”.
“Đầu năm 2019, chẳng hiểu do động
lực nào, ảnh bảo con qua xin anh Hùng cho nhà mình làm giỗ má. Đã vậy, còn bảo
con xin các bà mẹ và giáo họ đến nhà làm giờ kinh cầu hồn cho má. Con thấy có
điều lạ lùng. Sau ngày giỗ má, ảnh nói với con là ảnh chưa theo đạo được, nhưng
xin cha làm phép cưới cho mình được không. Con đã nhờ mấy ông giáo họ trình Cha
sở, và Cha sở đã gọi hai đứa con xuống gặp Cha. Cha bảo suy nghĩ và cầu nguyện
thêm, xin Chúa mở lòng để theo đạo và làm phép cưới luôn, rồi còn lo chuyện đạo
hạnh cho con cái.
Xảy ra chuyện là đầu tháng 3 năm
nay 2019, nhà Dì Tùng ở bên nhà con bán nhà, bán đất cho người không có đạo. Dì
Tùng đem tượng Đức Mẹ bỏ ra trước cái bàn nhỏ ở trước hè. Anh Duy thấy vậy, bèn
ôm Đức Mẹ về nhà mình. Con làm thinh để xem ý ảnh thế nào. Ảnh nói: “Để anh mua
rượu tắm rửa Đức Mẹ cho sạch sẻ đàng hoàng chứ bụi bặm quá”. Con bảo anh rửa
bằng xà phòng cũng được. Ảnh nói “Phải tắm Đức Mẹ bằng rượu thôi em à. Rồi mình
làm bàn thờ mà đặt Đức Mẹ lên cho đàng hoàng”.
Rồi anh tự động làm như ý anh. Tắm
rửa tượng Đức Mẹ. Làm bàn thờ. Đặt tượng Đức Mẹ lên. Mua nến. Bảo mấy nhỏ đi làm
về nhớ mua hoa….
Con thầm thỉ tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn
Ông Ngoại. Những chuỗi Mân Côi của Ông Ngoại năm xưa, giờ đây nhờ Mẹ, Chúa đã
nhậm lời. Con vui trong lòng và tiếp tục cầu xin cho anh quyết định theo đạo.
Ngày 25 tháng 3, Lễ Đức Mẹ Truyền
Tin, anh Duy bị đột quỵ rất nặng. Bà con giáo dân, giáo họ, cha xứ đều thương
quý chia sẻ tiền bạc giúp con đưa anh đi bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 1 tháng 4 anh
đặt stent tạm thời và tạm thời qua cơn nguy kịch. Bệnh viện bảo ngày 17 tháng 4
vào lại BV để đặt Stent hai nhánh thì may ra mới ổn được.
Về đến nhà, anh Duy bảo con xin
giáo họ đến nhà con đọc kinh Tạ ơn và xin ơn cho anh. Anh cảm ơn Đức Mẹ và nói:
“Con cảm ơn Đức Mẹ đã cứu giúp con, cảm ơn ông ngoại đã phù hộ con. Giờ thì con
muốn cho con được rửa tội trước khi con trở lại Bệnh Viện Chợ Rẫy…”.
……………….
“Phải tắm Đức Mẹ bằng rượu
thôi em à”.
Thiết tưởng đây là thành ý của anh
Duy đối với Đức Mẹ. Xét cho cùng, thì chút thành ý ấy có đáng là chi, nhưng với
Mẹ, với Mẹ Hằng Cứu Giúp, thì chút thành ý thật đẹp lòng Mẹ. Chút thành ý ấy đủ
là dấu chấm hết một mùa chay dài hơn hai mươi mấy năm của chị Kiều. Chút thành ý
ấy đưa anh Duy với căn bệnh nhồi máu cơ tim vào cuộc thương khó nhưng tràn trề
niềm hy vọng. Chút thành ý ấy là chìa khóa mở ra cho gia đình anh chị Duy Kiều
một mùa Phục Sinh huyền nhiệm: phục sinh sự sống phần xác, phục sinh ơn nghĩa tử
của Thiên Chúa, phục sinh cuộc sống hôn nhân thánh thiện, phục sinh các con cái
trong gia đình, phục sinh tương quan hiệp thông trong giáo xứ, giáo hội…
Tất cả đang được phục sinh với Chúa
Ki-tô, Đấng chữa lành cho chúng ta mọi thương tích, mọi khổ đau, Đấng cứu thoát
chúng ta khỏi chết muôn đời… Đó phải là xác tín của mỗi chúng ta.
Vâng, Chúa Giê-su của chúng ta cứu
chữa chúng ta như một vị Bác Sĩ có quyền năng tuyệt đối, có lòng thương xót vô
biên. Nhưng thiết tưởng, chúng ta không thể quên được bóng dáng của cô tá viên
điều dưỡng thùy mị đoan trang, yêu thương bệnh nhân, tân tụy với bệnh nhân và
nhất là trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nên biết rõ từng nhịp tim trồi sụt, từng
hơi thở vơi đầy… Và cũng chính cô tá viên điều dưỡng ấy trình bày với Bác sĩ chi
tiết nhất về bệnh trạng của ta. Cô tá viên điều dưỡng xinh đẹp… không ai khác ,
chính là Mẹ Maria, Mẹ hằng Cứu Giúp.
Câu chuyện của Anh Duy, Chị Kiều có
thể là tiêu biểu cho hàng vạn gia đình gặp khó khăn hiện nay: khó khăn bởi không
cùng tôn giáo, khó khăn bởi kinh tế vật chất, khó khăn bởi bệnh hoạn tật nguyền…
Nhưng ước gì còn là tiêu biểu cho một lòng cậy trông vào sự can thiệp của Mẹ
Maria, nguồn hy vọng chắc mẫm cho những ai thành tâm thành ý kêu cầu Mẹ.
Mẹ Maria từng ẩn nhẩn suốt 30 năm
cùng Con, trong cảnh khó nghèo đơn sơ bình dị, hẳn Mẹ thấu tỏ nỗi lòng của tất
cả những ai đang nhẫn nhục chịu đựng bền bỉ trong cảnh bần hàn như mùa chay dài
đúng một kiếp người.
Mẹ Maria từng theo bước chân Con
mình trên đường rao giảng, với biết bao chống đối, ngược đãi, bất tín, mưu hại…hẳn
Mẹ là người từng trải nếm hương vị đắng cay chua chát của lòng người gian dối
điêu ngoa.
Mẹ Maria từng đếm những giọt châu
của Con rơi đẫm trên đường lên núi sọ, từng chứng kiến đòn roi, mão sắt, đinh,
đòng và cái chết hãi hùng của Con… hẳn Mẹ là người cảm thấu nỗi đau vì những
thương tích, bệnh hoạn, tật nguyền, tai nạn trong mỗi gia đình chúng ta.
Mẹ thấu cảm tận tường. Mẹ đang chờ
các gia đình đang gặp khó khăn hãy có một chút thành ý với Mẹ. Và chỉ một chút
thành ý với Mẹ như: “Phải tắm Đức Mẹ bằng rượu thôi em à”, hẳn là Mẹ rất vui
lòng và cứu giúp chúng ta khỏi những khó khăn trong cuộc sống này.
Sáng nay, 13-4-2019, tôi ghé thăm
anh chị Duy Kiều…Báo tin cho anh chị yên tâm: Quỹ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT đã
hoàn tất việc quyên góp giúp đỡ anh 40 triệu cho chi phí đặt Stent hai nhánh.
Anh cảm động đọc tên từng ân nhân. Tôi nói với anh: Nhờ Mẹ Maria kêu cứu, Chúa
đang thực hiện mọi việc qua tấm lòng, qua bàn tay của nhiều người….chưa hề biết
anh Duy.
Tôi bỗng nhớ đến Cụ Lưỡng, ông
ngoại của Hùng Kiều, khi nhìn thấy xâu chuỗi treo trên bàn thờ bà ngoại và má
của Kiều, xâu chuỗi hạt kỷ niệm đức tin trong những ngày bi thương hơn bốn mươi
năm trước, xâu chuỗi hạt chay tịnh, xâu chuỗi hạt thương khó, xâu chuỗi hạt phục
sinh, xâu chuỗi hạt làm nên phép lạ kỳ diệu nơi gia đình này ngày hôm nay.
Nhìn lên Đức Mẹ “được tắm bằng rượu”
trên bàn thờ nhà anh chị Duy Kiều, tôi mời anh chị cùng đọc kinh kính mừng Tạ ơn
Mẹ. Sau kinh kính mừng, anh Duy bỗng nghẹn ngào thốt lên: “Lạy Đức Mẹ, xin
cứu con. Xin cho con được Rửa tội, trước khi vào lại Bệnh Viện Chợ Rẫy ….”
PM. Cao Huy Hoàng, 13-4-2019