Người ta nói rằng đối với học sinh nước ngoài, bài học thể dục đầu tiên khi đến trường là bài học bơi. Còn ở Việt Nam lại là bài học chạy. Lúc nhỏ chạy quen rồi nên lớn lên chạy đủ thứ : nào là chạy trường, chạy điểm, chạy lớp; lớn lên nữa thì chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền. Khi phạm tội bị bắt thì chạy án, chạy tội, v.v... Kính thưa các loại chạy!!!
Thử hỏi ở Việt Nam chúng ta hiện nay có được bao nhiêu trường học đưa môn bơi lội vào chương trình thể dục ? Đành rằng để có môn bơi lội, cần có hồ bơi, mà muốn có hồ bơi phải có kinh phí. Nhưng chẳng lẽ xây một hồ bơi mini lại nằm ngoài khả năng của các trường hay sao ? Đáng tiếc là khi qui hoạch thiết kế xây dựng các trường học, không hề có chỗ cho các hồ bơi.
Nhớ hồi còn học phổ thông, những môn thể dục “trường kỳ kháng chiến” là chạy, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ... Toàn là những môn “trời ơi”. Gọi là những môn “trời ơi” vì khi ra trường rồi, chẳng thấy em nào vác tạ đi đẩy để tập thể dục, hay nhảy cao nhảy xa để rèn thể lực bao giờ cả. Hoạ may thì còn môn cầu lông, bóng chuyền, bóng đá. Gần đây, nghe đâu hơn 140 em học sinh ở quận Sơn Trà, Quãng Nam còn được học làm quen với môn chơi golf nữa. Nghe mà ngứa lỗ tai. Đa số học sinh Việt Nam là con nhà nghèo, thuộc diện hai lúa ba lúa, vậy mà được cho đi học thú tiêu khiển của các đại gia và con nhà quí tộc, thì quả nhiên chỉ ở Việt Nam mới có. Thế mới oách cơ chứ ! Trong khi một trong những môn học thiết thực là môn bơi lội thì không hề thấy trong chương trình.
Hậu quả là mỗi năm dịp hè về lại cúng cho Thuỷ thần Hà bá mấy chục sinh mạng non trẻ oan khiên (thực tế con số có thể cao hơn vì ở các khu du lịch biển, người ta không dám đưa tin do sợ mất khách !?). Và cũng báo hại mỗi lần những người có trách nhiệm dẫn các em đi picnic, dã ngoại hay đi tắm biển đều thấp thỏm lo âu vì sợ tai hoạ đổ trên đầu mình. Con cái người ta thường là con một, con cầu con khẩn. Có mệnh hệ gì thì mình lãnh đủ.
Khi đến Việt Nam, du khách nước ngoài cứ ngỡ Việt Nam là một “cường quốc về bơi lội” vì nhìn đâu họ cũng thấy nước, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, sông rạch chằng chịt; còn ở các thành phố lớn chỉ cần một trận mưa to, đường xá thành sông. Vả lại một đất nước nhỏ bé nhưng có đến hơn 3000km bờ biển, vậy mà tỉ lệ học sinh biết bơi thì hỡi ôi! Một đoàn học sinh 50 em ra biển Mũi Né, được hỏi em nào biết bơi , thì có đến 49 em lắc đầu. Một tốp huynh trưởng 30 em được hỏi ai không biết lội , 28 em đồng loạt đưa tay. Làm sao những người đưa các em đi không ngại không ngán được!
Thiết nghĩ, trước sự thật phủ phàng này, ngành giáo dục phải chịu một phần trách nhiệm.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long