Chúa Nhật 11 Thường Niên B
Trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói tới rất nhiều lần về Nước
Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều người thấy Nước Thiên Chúa xem ra chẳng là gì cả vì
quá nhỏ bé.
- Nhỏ bé về lượng: chỉ với nhóm 12 Tông đồ nghèo hèn, quê mùa và ít học, cùng
với một số phụ nữ chân yếu tay mềm, vô danh tiểu tốt. Chấm hết.
- Nhỏ bé về sức ảnh hưởng: so với đế quốc Rôma hùng cường thời bấy giờ, Nước
Thiên Chúa chẳng là gì. Vua Hêrôđê và quan Philatô đã từng coi thường ra mặt. Vì
vương quốc mà Chúa Giêsu thiết lập không có quân đội, không có khí giới, không
có lãnh thổ, không có của cải tiền bạc…
Tuy nhiên, Chúa Giêsu luôn tỏ ra rất lạc quan và Ngài đã nhiều lần trấn an các
môn đệ. Ngài trấn an họ bằng hai dụ ngôn: dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong
bột. Hai dụ ngôn này cũng là lời loan báo về viễn tượng Nước Thiên Chúa. Nước ấy
sẽ phát triển lớn mạnh dù cho thời cuộc có thế nào đi nữa, và nước ấy sẽ tác
động sâu xa đến xã hội loài người.
Lịch sử đã chứng minh lời Chúa Giêsu loan báo về Nước Thiên Chúa, về Giáo Hội mà
Ngài thiết lập là xác thực. Quả vậy, ngày nay Kitô giáo đã trở thành tôn giáo
lớn nhất trên thế giới.
- Lớn về số lượng tín đồ: từ một nhúm người ít ỏi, nay theo thống kê, Kitô giáo
(bao gồm tất cả các giáo phái Kitô) đã lên đến hơn 2,5 tỉ người, tức là chiếm
gần 40% dân số thế giới, vượt xa Phật giáo, Ấn giáo và cả Hồi giáo.
- Lớn về lãnh địa: từ một vùng đất bé nhỏ là xứ Palestina, nay Kitô giáo đã ôm
trọn mọi quốc gia, mọi dân nước trên khắp cả năm châu, từ những nước nhỏ nhất
đến cả những quốc gia lớn nhất, như Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Trung Hoa lục địa…
Nói được là Kitô giáo đã có mặt khắp mọi nơi, tận cả những hang cùng ngỏ hẻm xa
xôi, như ở Bắc Cực, Nam Cực. Nơi nào có con người định cư, nơi đó có Kitô giáo,
tức có Nước Thiên Chúa hiện diện.
Kitô giáo cũng đã trở thành một tôn giáo có sức tác động mạnh mẽ đến môi trường
xã hội và văn minh nhân loại.
Toàn thể nền văn minh Tây Phương lẫn Đông Phương thấm đẫm Kitô giáo. Thậm chí
người ta có thể khẳng định không ngoa chút nào rằng nền văn minh Tây Phương
chính là nền văn minh Kitô giáo: từ hội họa, điêu khắc, nhạc kịch, điện ảnh,
khoa học kỹ thuật, luật pháp, giáo dục…. tất cả đều được gợi hứng từ Kitô giáo.
Kitô giáo cũng đã góp phần tích cực trong việc hình thành nên nền văn hóa sự
sống và nền văn minh tình thương của nhân loại.
Nhờ đâu mà Kitô giáo, tức Nước Thiên Chúa có được sự phát triển ngoạn mục và sự
tác động mạnh mẽ như thế? Sở dĩ Nước Thiên Chúa có khả năng phát triển và có sức
biến đổi mạnh mẽ là nhờ có mầm sức sống mang tên Giêsu, là Đấng Hằng Hữu và là
nguồn mạch sự sống, và nhờ có chất men hảo hạng, với tên gọi là men Chân Lý, men
Sự Thật tròn đầy.
Nước Thiên Chúa còn có khả năng trường tồn vĩnh cữu. Không như số phận các nước,
các quốc gia trần thế có thể lúc thịnh lúc suy, nay còn mai mất (lịch sử nhân
loại cho thấy điều đó). Nước Thiên Chúa vì được chính Chúa Giêsu là Đấng Hằng
Sống thiết lập, nên sẽ tồn tại muôn đời, dù có trải qua bao gian nan thử thách,
như lời Chúa Giêsu khẳng định:
“Dù sức mạnh hoả ngục có nổi lên thì cũng không làm gì được”.
Thật vậy, nhiều vua chúa, nhiều đế quốc hùng cường đã tìm đủ cách thế để bách
hại và tiêu diệt, nhưng Nước Thiên Chúa vẫn trường tồn, chẳng những thế mà còn
ngày một lớn mạnh. Ngày nay, ta thấy nhiều vua chúa và thủ lãnh các quốc gia
trần gian đều lấy làm vinh dự khi được gặp gỡ người đứng đầu Giáo Hội là Đức
Thánh Cha Phanxicô; ngay cả như tổng thống Nga Vladimir Putin, người được cho là
quyền lực nhất thế giới, khi đến yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng phải cúi
đầu cung kính.
Vậy sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều gì? Mời gọi chúng ta trước
hết, hãy dâng lời tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho ta được vinh dự làm công dân của một
vương quốc vĩnh cửu, là Nước Thiên Chúa, được diễm phúc làm thần dân của Vua
Giêsu uy quyền hằng sống, và được chất men Tin Mừng Đức Kitô “tẩm ướp” để không
bị hư thối.
Tạ ơn Chúa ơn nữa vì trong vương quốc của Ngài, Ngài đã hứa ban cho ta sự sống
thần linh, sự sống đời đời, mà không một quốc gia trần thế nào có thể tặng ban
cho ta được.
Sau nữa, chúng ta cũng được mời gọi nỗ lực cộng tác để làm cho Nước Thiên Chúa
được ngày một phát triển và lớn mạnh trên quê hương đất nước chúng ta, nhất là
làm cho nhiều người được biết Chúa và gia nhập vào vương quốc của Ngài: vương
quốc đầy tràn công lý và sự thật, đầy tràn sự sống và tình yêu, để nhờ đó mà họ
cũng được dự phần hạnh phúc viên mãn đời đời mai sau. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long