Chúa Nhật Truyền Giáo
Một linh mục làm công tác truyền giáo lâu năm đã nhận định rằng Giáo Hội Công
giáo Việt Nam chỉ thành công trong việc truyền giáo qua con đường hôn nhân mà
thôi. Quả là không sai. Không cần phải nói đâu xa, ngay trong các xứ đạo, ta
thấy tuyệt đại đa số những người theo đạo chủ yếu là để lấy vợ lấy chồng, còn
những người theo đạo vì yêu mến đạo, yêu mến những người có đạo là rất ít. Vì
thế số người Công giáo hằng năm tăng lên là không nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân?
Thiết nghĩ có hai nguyên nhân chính.
- Nguyên nhân thứ nhất là vì người Công giáo chưa ý thức việc truyền giáo và cầu
nguyện cho việc truyền giáo.
Một số người Việt ở hải ngoại có nhận xét rất chí lý: “Người Công Giáo Việt Nam
mới chỉ giữ đạo, chứ chưa ý thức truyền đạo?” Thực tế cho thấy điều này. Nhiều
người Công giáo vẫn coi việc truyền giáo là việc của người khác, của các linh
mục, các tu sĩ, hoặc các tác viên loan báo Tin Mừng, chứ không phải là việc của
mình; truyền giáo là việc của các tổ chức này, đoàn hội kia, chứ không phải việc
của gia đình mình. Bởi đó, họ không quan tâm đến việc nói cho người khác biết về
Chúa, về đạo.
Bằng chứng là trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh chị em lương dân, người
Công giáo chúng ta thường rất ít nói, hoặc không bao giờ nói về Chúa, về đạo
giáo của mình. Nội dung của các cuộc trò chuyện hầu như chỉ xoay quanh chuyện
cơm áo gạo tiền, xe cộ, đất đai nhà cửa, công việc làm ăn buôn bán, chuyện học
hành của con cái, chuyện bệnh tật hay tai nạn của người này người nọ, hoặc
chuyện vợ chồng con cái của người nọ người kia, có khi là những câu chuyện trên
phim ảnh (chuyện phim Cô Dâu Tám Tuổi chẳng hạn…). Anh chị em thử nghĩ coi có
đúng không? Quá đúng luôn! Có người tám hết giờ này qua giờ khác với đủ thứ
chuyện trên dưới đất, trừ chuyện Chúa, chuyện đạo. Dường như nhiều người vẫn bị
“á khẩu” mỗi khi nghĩ đến việc nói về Chúa hay về đạo.
Nếu ta không nói về đạo về Chúa cho họ thì làm sao họ biết Chúa biết đạo, mà
không biết thì làm sao họ yêu mến Chúa, yêu mến đạo. Không yêu mến Chúa, không
yêu mến đạo thì làm sao họ theo đạo được. Dĩ nhiên, truyền đạo không nhất thiết
nhắm đến việc lôi kéo người khác vào đạo. Điều quan trọng là giúp người ta nhận
ra sự hiện diện của Chúa, để người ta không còn sống như người vô thần, hoặc
không còn “tin vơ thờ quấy” lung tung nữa.
- Nguyên nhân thứ hai là do nhiều người Công giáo sống phản chứng với Tin Mừng,
tức là sống nghịch lại với những gì đạo dạy.
Ta vẫn thường nghe nhiều anh chị em lương dân ca thán rằng người có đạo mà sống
như người vô đạo, thậm chí còn tệ hơn. Gia đình Công giáo mà thường xuyên sống
bất hoà bất thuận, anh em xâu xé nhau, vợ chồng lăng nhăng, phá thai, ly dị, …
Người Công giáo mà sống bất công, trộm cắp tham lam, buôn gian bán dối. Người
Công giáo mà cho vay ăn lời cắt cổ, hoặc chính mình vay mà quỵt nợ không chịu
trả. Người Công giáo mà rượu chè say sưa triền miên, cờ bạc số đề số đóm tối
ngày… Người Công giáo mà sống ích kỷ hẹp hòi, sẵn sàng tranh chấp kiện tụng nhau
chỉ vì một mét đất, hay chỉ vì một chút lợi lộc trong việc làm ăn.
Người Công giáo mà sống cố chấp, hận thù, ganh ghét. Đụng một tí là chửi lộn
đánh lộn, là ăn thua đủ điều với người khác. Miệng thì rêu rao phải sống “bao
dung”, nhưng khi đụng chuyện thì sẵn sàng “bung dao” với người khác. Lòng thì tỏ
ra “thương xót”, nhưng hành vi cử chỉ thì làm cho người khác đau đến “thót xương”.
Tất cả những điều này vẫn đập vào mắt những người lương dân mỗi ngày, thử hỏi
làm sao người ta có thiện cảm với đạo, và với người có đạo được. Cũng vì thấy
nhiều người Công giáo sống phản chứng, sống không ra gì, thậm chí còn bết bát
hơn là những người vô thần, nên một số anh chị em tân tòng và cả cựu tòng cũng
bỏ đạo.
Đã có những người chồng tân tòng bỏ Chúa, bỏ Giáo hội vì người vợ và gia đình vợ
sống quá tệ, tệ hơn cái kệ ocan gặp nước. Đã có những người vợ bổn đạo mới bỏ
đạo vì chồng và gia đình chồng sống đạo không ra gì. Rồi cũng những cô con dâu
mất đức tin chỉ vì bà mẹ chồng hà bá quá sức tưởng tượng: chì chiết đay nghiến
chửi bới cô con dâu suốt ngày, v.v… Những chuyện đau lòng này vẫn diễn ra ngay
trong các xứ đạo Công giáo đó thôi.
Vậy trong ngày Chúa Nhật truyền giáo của Năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo Xứ, chúng ta
được mời gọi nghiêm túc nhìn lại đời sống của mình, xem chúng ta có ý thức
truyền giáo và cầu nguyện cho việc truyền giáo hay không? Trong các cuộc gặp gỡ
chuyện trò hằng ngày với những người lương dân, chúng ta có nói được tí nào về
Chúa, hay về đạo không? Chúa và Giáo hội có chỗ đứng thế nào trong những bận tâm
thường nhật của chúng ta? Chúng ta đang làm chứng tá tốt lành cho Chúa và Đạo
thánh của Người, hay chúng ta đang sống phản chứng “hạng nặng”, khiến cho những
người chung quanh có ác cảm với đạo và xa lánh đạo?
Nếu câu trả lời nghiêng về tiêu cực thì chúng ta được mời gọi thay đổi lối nghĩ
và lối sống của mình, để Chúa và Giáo hội không còn bị hàm oan dưới cái nhìn của
những người lương dân đang sống bên cạnh chúng ta, và để cho công cuộc truyền
giáo của Giáo hội có thể gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long