Trong Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu chiều Thứ Sáu Tuần
Thánh, có hai phần chính: Suy Tôn Thánh Giá và Hôn Chân. Xin được chia sẻ đôi
chút về ý nghĩa của hai cử hành này.
1. Nghi thức Suy Tôn Thánh Giá
Thiên Chúa đã định cho con mình phải chết để cứu độ nhân loại, nhưng không phải
là bất cứ cái chết nào mà là cái chết trên Thánh Giá. Nói khác đi, Thánh Giá là
phương thế kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đã chọn để biểu lộ tình yêu của Ngài.
Ta cứ tưởng tượng nếu Chúa Giêsu nhập thể vào thời đại hôm nay và bị người đời
kết án tử bằng một viên đạn, hay một cái ghế điện… thì nay ta lấy gì làm biểu
tượng cho tình yêu đây! Lấy hình viên đạn hoặc lấy cái ghế điện chăng! Chẳng lẽ
trên nóc tháp nhà thờ hay trên cung thánh để một cái đầu đạn, hay một cái ghế
điện. Kỳ cục!
Chúa Giêsu đã nhập thể vào thời đại cách đây hai ngàn năm, thời đại mà người ta
có những hình thức xử tử khác: ném đá, hoặc đóng đinh vào Thập giá... Thế nhưng
việc Chúa Giêsu bị xử tử trên thập giá cũng là một huyền nhiệm. Bởi vì ta biết
rằng người Do Thái chỉ tử hình tội nhân bằng hình thức
ném đá
hoặc cột cối đá vào cổ thả xuống biển. Đóng đinh là sáng kiến của người Rôma
dùng để xử tử các phạm nhân đáng tội chết. Vậy tại sao Chúa Giêsu là công dân Do
Thái mà lại bị đóng đinh trên thập giá?
Thật ra, lúc này người Do Thái bị Đế quốc Rôma đô hộ nên bên cạnh hình phạt ném
đá và cột cối đá, hình phạt đóng đinh thập giá cũng được áp dụng. Bên cạnh tội
phạm thượng, tức xưng mình là Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn bị qui tội về chính trị
(dấy loạn và xưng mình là vua), nên Ngài bị xử tử theo hình phạt của người Rôma,
tức là treo trên Thập giá. Cũng là một điều kỳ diệu. Giả như Chúa Giêsu chỉ bị
kết tội phạm thượng không thôi, có lẽ Ngài sẽ bị xử ném đá, vốn là hình phạt đặc
thù của người Do Thái. Và hậu thế sẽ phải lấy “viên đá” làm biểu tượng tình yêu
chăng? Trên nóc nhà thờ hay trên cung thánh sẽ có cục đá treo tòng teng chăng?
Nếu thế thì hơi vô duyên!
Rõ ràng, Thánh Giá là lựa chọn tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa dùng làm phương thế
biểu lộ tình yêu cứu độ nhân loại. Chúng ta suy tôn Thánh Giá là vậy! Và giờ đây
ta thấy thật đẹp thay ở đâu có người Kitô giáo, ở đó có bóng dáng Thánh Giá! Ở
đâu có nhà thờ, nhà nguyện, ở đó Thánh Giá được dựng lên. Mỗi nhà thờ ít là có
ba cây Thánh Giá: trên nóc nhà thờ, trên nơi cung thánh và trong phòng áo. Thánh
Giá cũng còn là trang sức đẹp của nhiều bạn trẻ, với đủ kiểu dáng, mẫu mã, chất
liệu, v.v…
2. Nghi thức Hôn Chân
Ta biết rằng cứ thường tình thì hôn là một cử chỉ biểu lộ tình yêu. Hai người có
yêu thương nhau thì mới hôn nhau. Dĩ nhiên, hôn có khi trở thành một cử chỉ phản
bội, như cái hôn của Giuđa Iscariốt. Ta hôn Chúa không phải có ý để nộp Chúa như
Giuđa, nhưng là để bày tỏ tình yêu của ta đối với Chúa.
Vậy thì có khi nào ta tự hỏi tại sao không hôn má hay hôn môi Chúa, mà lại là
hôn chân. Tại sao thế?
“Để hiểu thêm ý nghĩa, ta cùng trở lại với nụ hôn của Giuđa và nụ hôn của người
đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng thánh Luca, ở chương 7 câu 37. Giuđa hôn Chúa ở
đâu? Cô Maria hôn Chúa ở đâu? Giuđa chọn điểm đến của nụ hôn là má của Chúa
Giêsu để chứng tỏ ông đang đứng ở một khoảng cách gần trong quan hệ với Chúa
Giêsu, nhưng thực ra lòng dạ của ông đang nghìn trùng xa cách với Chúa. Trong
khi đó người phụ nữ tội lỗi lại chọn điểm rơi là chân Chúa để đặt một nụ hôn
biểu lộ tình yêu, nghĩa là bà tự đặt mình ở khoảng cách rất xa trong tương quan
với Chúa. Bà nhận mình tội lỗi bất xứng vạn lần, trong khi Thiên Chúa lại là
Đấng ngàn trùng chí thánh. Bà chỉ dám đụng chạm vào bàn chân của Chúa mà thôi.
Ngay cả việc làm một một cử chỉ để biểu lộ tình yêu đối với Chúa đi nữa.
Chân nằm ở vị trí thấp nhất trong cơ thể, cũng là phần ít được tôn trọng nhất.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cũng đã chọn chân để rửa cho các môn đệ. Chọn chân
để rửa, Chúa Giêsu muốn chứng minh tình yêu khiêm hạ của Ngài, đồng thời Ngài
cũng muốn để cho các môn sinh của mình noi gương bắt chước.
Chọn chân để hôn, người hôn muốn nói lên sự bất tương xứng trong
tình yêu của mình. Mình có yêu Chúa nhiều đi nữa thì cũng không cùng một cung
bậc với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình” (x.
“Khi
hôn chân Chúa bạn nghĩ về điều gì?”,
Gioan Tuấn Anh,
http://ofmvn.org).
Bởi vậy khi hôn chân Chúa, điều quan trọng nhất không nằm ở việc: quỳ, cúi rạp
người xuống, chạm môi vào chân Chúa, rồi đứng lên… mà hệ tại ở tình yêu mà ta
muốn dành cho Chúa. Và nhất là qua hành vi hôn chân Chúa, ta biết chuyển tình
yêu đối với Chúa sang tình yêu đối với anh chị em mình. Cốt lõi của hành vi hôn
chân thiết nghĩ là ở điểm này.
Điểm lại một vài ý nghĩa như thế của việc Suy Tôn Thánh Giá và việc Hôn Chân để
giúp chúng ta ý thức hơn mỗi khi suy tôn Thánh Giá và Hôn Chân Chúa. Nhờ đó mà
ta có thêm tâm tình trân trọng và yêu mến đối với Chúa và Thánh Giá Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long