Về phương vật chất tiền bạc, có thể ta không mắc nợ ai, hoặc mắc nợ ít; thế nhưng về phương diện tinh thần, thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng đều mắc nợ, mắc nợ nhiều nữa là khác. Mắc nợ ai? Ngoài Thiên Chúa ra, thì ông bà cha mẹ chúng ta là những người mà chúng ta mắc nợ nhiều nhất. Dĩ nhiên, không chỉ thuần túy là nợ về của cải vật chất, mà về tinh thần, mắc nợ dài dài, nợ cả đời. Cụ thể là những món nợ gì?
- Nợ công ơn sinh thành, tức là nợ sự sống. Không có cha mẹ ông bà, làm sao có mặt mình trên đời.
- Nợ công ơn nuôi dưỡng. Sinh ra ta, nhưng nếu ta không được cha mẹ ông bà nuôi dưỡng làm sao ta có thể khôn lớn được như hôm nay!
- Nợ công ơn giáo dục: giáo dục ta về phương diện nhân bản để cho ta nên người, nhất là về phương diện đức tin để ta nên những người con cái Chúa.
Và trên hết là món nợ tình yêu thương mà ông bà cha mẹ đã dành cho ta. Đây là món nợ lớn nhất, món nợ ta phải trả cả đời. Mắc nợ thì phải trả nợ. Đó là đức công bằng. Nhưng trả nợ bằng cách nào đây?Trả nợ bằng nhiều cách.
(1) Tôn kính và vâng lời. Đây là cách thức trả nợ thứ nhất và tốt nhất. Có khi cha mẹ chỉ cần chúng ta luôn biết tôn kính và vâng phục là đủ rồi.
(2) Chăm sóc, giúp đỡ và phụng dưỡng ông bà cha mẹ, nhất là khi cha mẹ ông bà đau yếu già nua tuổi tác. Giúp đỡ không chỉ là vấn đề vật chất, mà còn cả về tinh thần. Một lời nói, một cử chỉ yêu thương, một cú điện thoại hỏi han, hay một lần về thăm viếng… có khi trở thành những điều rất có giá trị đối với ông bà cha mẹ, nhất là khi các ngài đã cao niên. Bởi vì tâm lý của tuổi già khiến các ngài rất dễ cảm thấy cô đơn và trống vắng.
(3) Cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, khi ông bà cha mẹ còn sống, cũng như khi qua đời. Đây cũng là điều quan trọng đối với người Kitô hữu chúng ta, vì đó cũng là điều Chúa và Giáo hội dạy.
(4) Anh em trong gia đình luôn sống hòa thuận yêu thương nhau. Đây là điều mà ông bà cha mẹ chúng ta luôn ước mong.
(5) Nỗ lực trở thành những người tốt đối với gia đình, với Jiao hội và xã hội.
Thực tế, ta thấy con cái nhiều lúc đối xử với cha mẹ như là con nợ, thậm chí là của nợ. Vì coi cha mẹ như là con nợ, nên làm được việc gì, hay giúp được cho cha mẹ điều gì thì thường “lên loa” kể công cho cả xóm cả làng biết. Cho bố mẹ được vài đồng thì hất hủi, coi thường như kiểu bố thí.
Vì coi cha mẹ như của nợ, nên con cái có khi bỏ bê, không chăm sóc, không phụng dưỡng cha mẹ. Vì coi cha mẹ như của nợ, nên đẩy qua đẩy lại: bố mẹ tháng này phải sống với đứa này, tháng sau phải sống với đứa khác. Có khi muốn tống khứ vào viện dưỡng lão, hay vào nhà tế bần cho xong. Cay đắng và phũ phàng hơn nữa là chửi mắng rủa xả cha mẹ: sao ông không chết đi, sao bà không chết đi?
Tình cờ một lần lên mạng, tôi bắt gặp câu chuyện buồn cũng là câu chuyện cảm động. Xin được chia sẻ với anh chị em!
Chuyện kể rằng có một người con trai, mồ côi cha từ thuở bé. Cậu lớn lên trong sự yêu thương bao bọc của mẹ. Suốt mười mấy năm trời, bà cực nhọc, ròng rã nuôi con. Nhưng suốt thời thơ ấu, cả khi lớn lên, lúc nào người con cũng ghét mẹ mình. Không bao giờ giới thiệu cho ai về mẹ mình cả, không cho mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Lí do chỉ đơn giản là... vì bà mẹ bị mù một con mắt.
Ngày nọ bà mẹ nhớ con quá, nên ghé qua trường thăm con. Đứa con thấy mẹ liền ra nói: "Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người... tôi thực sự ghét bà". Bà mẹ đau đớn, nước mắt bà chảy ra một bên mắt kia. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về.
Ngày hôm sau đứa con đến lớp, các bạn học cùng lớp la lên chế giễu: “Ôi mày ơi! Kinh quá. Nhìn mẹ mày xấu xí quá. Haha”, Thế là cả lớp chế giễu đứa con thậm tệ. Cậu ta khóc, khóc vì tủi nhục. Khóc vì mẹ mình xấu xí quá!
Lúc về nhà đứa con nói với mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Bà làm tôi xấu hổ lắm. Bạn bè tôi chế giễu tôi. Họ khinh thường tôi. Bà hiểu không?" Bội bạc. Đó là 2 từ để dành cho những lời lẽ vô lương tâm của cậu. Cậu ta không hề để ý đến cảm xúc của mẹ, và cũng không hiểu hết được giá trị của tình thương, và hy sinh mà mẹ đã dám đối mặt để cho cậu một hình hài như bây giờ.
Thế rồi cậu ta đã trốn chạy, đã thoát ly khỏi căn nhà u ám ấy, bỏ mặc người mẹ cô đơn, đau đớn... Bà chỉ biết giấu nỗi buồn qua những giọt nước mắt chảy ngược vào tim...
Anh ta trưởng thành, và bắt đầu một cuộc sống mới. Rồi sau những tháng ngày miệt mài bên đèn sách, anh ta đã dành được 1 suất học bổng du học bên Singapore. Năm năm sau, anh ta học thành tài và lập gia đình. Anh ta có vợ và có 2 đứa con, rồi trở nên giàu có, và hạnh phúc. Nhớ đến mẹ ngày xưa, anh ta cũng gửi tiền về xây cho bà một ngôi nhà nhỏ, và hàng tháng gửi chút tiền về cho bà. Anh ta tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con.
Giữa anh với mẹ có một giao ước: anh ta không bao giờ muốn gặp bà. Không bao giờ muốn nhìn thấy bà nữa.
Thế rồi một ngày kia, khi nỗi nhớ trong lòng bà mẹ cồn cào dâng cao, bà không thể chịu đựng được nữa. Bà quyết định sang Singapore bằng được. Để được nhìn thấy đứa cháu nội của mình. Và để được một lần cuối trông thấy hình hài đứa con trai bây giờ ra sao. Chỉ một lần thôi... Và cũng là lần cuối.
Đứng trước cái cổng cao lớn và sang trọng của nhà người con trai. Bà thầm vui, thầm mỉm cười vì con mình giờ đây thành đạt và gia đình yên ấm. Trước cái cổng đồ sộ ấy, người ta thấy một bà lão già nua, ốm yếu, bịt một bên mắt, tay cầm chiếc nón lá, mình mặc bộ quần áo đơn sơ trông tội nghiệp.
Chợt, đứa cháu nhỏ chạy ra... Chưa kịp vui, chưa kịp mừng... người mẹ đã phải kìm nén những giọt nước mắt mặn đắng, khi đứa cháu khóc thét lên và sợ hãi trước dáng hình của bà.
Người con trai từ trong bước ra. Nhận ra mẹ, anh ta ngạc nhiên và cảm thấy bực tức. Anh ta quát: "Bà còn sang đây làm gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi sao? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?"
Thế đấy!... Những gì bà chờ đợi và mong mỏi, giờ đây lại bị đối xử như vậy đấy! Bà ngoảnh lại... chào con trai mình và nhìn đứa cháu thơ bé... rồi lặng lẽ lui bước. Trong lòng không khỏi những nỗi đau xót. Bà bước đi... Những bước chân lê thê dài vô định.
Thế rồi, một hôm người con nhận được thư gửi tới nhà, mời về họp lớp cũ tại Việt Nam. Anh ta phải nói dối vợ là đi công tác xa nhà. Người mẹ biết tin con về họp lớp tại quê nhà. Bà vui lắm... Nhưng không dám gặp con. Bà sợ bị con hất hủi, sợ cái ánh mắt tức giận ghê gớm ấy lại hiện lên trong con. Trong suốt buổi họp lớp hôm đó, có những người bạn thân hỏi han anh ta về gia đình, và... về "mẹ"... Chợt, những kí ức lại ùa về. Những yêu thương tưởng đã vút bay theo năm tháng lại theo về. Mẹ anh giờ ra sao? Mẹ anh như thế nào? Bà sống tốt hay bệnh tật gì không?... Hàng tá những câu hỏi, những thắc mắc khiến anh không khỏi suy nghĩ... Và anh đã quyết định về thăm mẹ. Anh muốn được nhìn thấy mẹ.
Nhưng nào ngờ, khi chưa kịp nói ra những tiếng lòng thổn thức, chưa kịp ôm hôn mẹ lần cuối, mẹ anh đã đã vĩnh viễn ra đi... Cầm trên tay lá thư người hàng xóm chuyển cho anh, anh nghẹn ngào, khi nghe họ nói với anh: “Mẹ anh khi chết, tay vẫn nắm chặt tờ giấy, và nói rành mạch: ‘Phải gửi cho con trai tôi”. Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của mẹ anh dành cho anh.
Anh vội bóc lá thư ra đọc. Thư viết: Con trai yêu! Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở thơ bé.... Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn lắm. Muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác. Để cho con khỏi muộn phiền, khỏi bực tức. Và giờ mẹ đã được toại nguyện.
Con biết không? Hồi còn bé, con đã bị hỏng một bên mắt do một tai nạn..., mẹ thật sự khóc rất nhiều... Khóc vì gương mặt con sẽ không còn nguyên vẹn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, và làm mọi cách để bác sĩ thay mắt cho con. Và mẹ đã quyết định hy sinh con mắt của mẹ để thay cho con. Mẹ không bao giờ biết đau, và cũng chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì đã làm điều đó. Vì mẹ yêu con, con trai của mẹ…. Mẹ yêu con nhiều lắm! Và mẹ muốn đem lại cho con những gì tuyệt vời nhất mà mẹ có thể...
Hi vọng khi mẹ rời xa con rồi, con sẽ không còn ghét bỏ mẹ nữa. Con hãy sống tốt và chăm lo những đứa cháu nội của mẹ nhé. Mẹ yêu con!
Cầm trên tay lá thư... Anh khóc, nước mắt giàn dụa! Đó là những giọt nước mắt thật sự. Nó không chứa đựng sự tủi nhục, và sự tự tôn như trước nữa, mà chứa đựng nỗi day dứt, đớn đau và ân hận, vì đã đối xử tệ bạc với mẹ. Anh nào biết con mắt của anh... cũng là con mắt của mẹ. Ánh sáng của anh... lại là bóng tối của mẹ. Sự lành lặn của anh lại là tật nguyền của mẹ... Trong khi anh nhận ra được tình yêu lớn lao của mẹ dành cho anh, thì mẹ anh đã không còn trên cõi đời này nữa.
Câu chuyện trên đây cho ta nhiều bài học. Nhưng thiết nghĩ bài học lớn nhất, đó là hãy trân trọng những gì mà ta đang có, nhất là biết trân trọng ông bà cha mẹ, là những người thân yêu nhất của ta, kể cả khi cha mẹ ông bà ta có thế nào đi chăng nữa. Để rồi khi các ngài mất đi, ta không bao giờ phải hối hận vì đã không đối xử tử tế với các ngài.
Đó cũng là ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, ngày Mùng Hai Tết. Một mặt, ta được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho ông bà cha mẹ. Mặt khác, ta cũng được mời gọi điều chỉnh lại cung cách đối xử đối với ông bà cha mẹ của chúng ta cho đúng như điều răn Chúa dạy.
Ta cần điều chỉnh khi ta chưa thực sự yêu thương kính trọng, chưa chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ. Ta cần điều chỉnh khi anh chị em trong gia đình ta chưa sống hòa thuận yêu thương nhau. Ta cần điều chỉnh khi ta chưa nỗ lực để trở thành những con người hữu ích đối với xã hội và Giáo Hội, v.v...
Lạy Chúa, Kinh Thánh dạy chúng con biết rằng Chúa sẽ chúc phúc cho những người con hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Ngược lại, Chúa sẽ hạch tội và giáng phạt đối với những người con bất hiếu, có khi ngay đời này, mà người ta vẫn gọi là quả báo. Xin giúp chúng con luôn biết sống cho phải đạo làm con để chúng con được Chúa chúc phúc và ân thưởng đời này, nhất là đời sau. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long