Chúa Nhật V Mùa Chay C
Trang Tuoitre online có đăng tải câu chuyện cảm động về một chú chim cánh cụt có tên là Dindim, mỗi năm vượt 8.000km đường biển để trở lại thăm người cứu mạng. Theo bài báo, con chim cánh cụt không cho ai đụng vào mình, trừ ông Joao Pereira de Souza, 71 tuổi, người đã cứu mạng nó trên một bãi biển Brazil năm 2011.
Bài báo cũng kể rằng, lúc đó con chim cánh cụt Magellan Nam Mỹ, được đặt tên Dindim, đang trong tình trạng sắp chết, toàn thân phủ đầy dầu. Ông De Souza đã mang nó về chăm sóc, lau sạch dầu cho nó, cho nó ăn uống...
Sau khi khỏe lại, Dindim cứ lưu luyến không muốn rời đi. Tuy nhiên cuối cùng nó vẫn phải đi. Một năm sau, De Souza bất ngờ khi thấy nó lại xuất hiện. Rồi đều đặn những năm sau, nó đều trở về "thăm" ông , như là một cách để bày tỏ lòng tri ân đối với người đã cứu mạng nó.
Ước tính quãng đường nó đã vượt qua để đến gặp De Souza là 8.000km. Thường nó đến vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2 hàng năm.
Đọc câu chuyện trên đây, tôi liên tưởng đến người phụ nữ ngoại tình trong câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay. Không biết người phụ nữ này có được tâm tình tri ân đầy nghĩa tình như chú chim Dindim hay không! Bởi lẽ chị cũng đã được “ơn cứu mạng” từ một người mà chị không hề quen biết. Người đó chính là Đức Giêsu thành Nazareth.
Chúng ta biết rằng người phụ nữ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, tội “xài hàng ngoại” quốc cấm. Bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đồng nghĩa với cái chết. Vì luật Môisê đã qui định như thế. Cái chết đang treo lơ lửng trên đầu chị ta. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Nhưng không phải là cái chết nhẹ nhàng thanh thoát, mà là cái chết tức tưởi, đau thương và nhục nhã. Tội nhân đứng ở giữa, chung quanh là những người xử tội trên tay là những hòn đá cuội. Khi đón nhận những trận mưa đá, tội nhân cầm chắc cái chết, chỉ còn kêu lên được mấy tiếng “má ơi”, “ba ơi”, rồi tắt thở (mở mắt ra thấy ngay thánh Phêrô).
May mắn cho chị, vì chị đã gặp được Đức Giêsu, Đấng là hiện thân của Lòng Thương Xót. Ngài đã cứu chị khỏi một “cái chết” oan khiên đang chực chờ. Nếu trong câu chuyện dụ ngôn trước đó, chị đã được nghe phong phanh về một vị Thiên Chúa như là người cha nhân hậu bao dung, thì hôm nay chị gặp được một vị Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô như là một Vị Quan Toà từ tâm và đầy lòng thương xót. Chẳng những Ngài cứu chị khỏi cái chết về thể lý, mà còn cứu chị khỏi cái chết đời đời, khi công bố “án trắng” cho chị: “Ta không kết án chị đâu. Chị hãy về bình an”.
Tin Mừng không nói đến những diễn tiến sau đó liên quan đến cuộc đời của chị, nhưng ta có thể chẩn đoán được rằng chắn chắn chị ta sẽ “đội ơn” Chúa Giêsu suốt cả cuộc đời, ơn cứu mạng; và hơn thế chị ta sẽ còn nỗ lực để đáp lại hồng ân cứu mạng đó, bằng cách sống phần đời còn lại một cách lành thánh.
Phần chúng ta thì sao? Đức Giêsu Kitô chính là vị đại ân nhân của chúng ta, vì Ngài đã “cứu mạng” chúng ta, không phải là ơn cứu mạng về phần xác, nhưng là ơn cứu mạng về phần linh hồn. Và để “cứu mạng” chúng ta, Ngài đã chấp nhận hy sinh, chấp nhận “hiến mạng” mình trên cây Thập Tự. Lẽ ra chúng ta đã chết đời đời vì tội lỗi, nhưng Chúa đã cứu chúng ta khỏi cái chết ấy. Ơn cứu mạng thiết nghĩ là ơn trọng nhất! Vậy chúng ta cần phải có tâm tình và thái độ đối với Chúa?
Chú chim cánh cụt Dindim đã vượt cả chặng đường hơn 8.000 cây số để đến tri ân người cứu mạng. Mỗi tuần chúng ta có “vượt” được một vài cây số, hay dăm ba cây số để đến nhà thờ mà tạ ơn Chúa hay không? Mỗi ngày chúng ta có “vượt” được cơn cám dỗ của sự biếng lười hay cơn cám dỗ của công việc bận rộn để đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà tri ân Ngài hay không?
Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết nhận ra hồng ân cứu độ lớn lao, mà Chúa đã tặng ban cho chúng ta nhờ lòng xót thương của Ngài - cũng là ơn cứu mạng - để năng dâng lời tạ ơn Chúa; đồng thời nỗ lực thực thi lòng xót thương đối với anh chị em đồng loại của mình như Chúa đã nêu gương. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long