Chúa Nhật 19 TN B
Chàng Rôbinsơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Sở dĩ họ moi tim kẻ thù để ăn, vì họ tin rằng : “Ăn gì bổ nấy, ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm”. Đối với chàng Rôbinsơn thì việc làm của những người thổ dân này là man rợ, là không thể chấp nhận được (x. Lời Chúa 5 phút/ ngày, 11.4.2008).
Khi Chúa Giêsu tuyên bố thịt máu Ngài chính là của ăn nuôi sống con người, dân Do Thái cũng có phản ứng tương tự chàng Rôbinsơn. Bởi lẽ ăn thịt và uống máu người là điều nghịch với luân lý tự nhiên, nếu không muốn nói là dã man, là mọi rợ…. Điều này cũng đụng phải luật cấm của Dothái giáo. Tự hiến chính mình làm của ăn của uống để cho người khác được sống đời đời lại càng khó chấp nhận.
Thật ra, ngay khi Chúa Giêsu khẳng định “Ta là bánh từ trời xuống”, người Dothái đã lấy làm khó chịu, và họ đã xầm xì phản đối ra mặt. Họ xầm xì phản đối là phải. Vì chưng họ quá biết rõ gốc gác xuất thân của Chúa Giêsu. Họ cũng quá biết con người và sự nghiệp của Ngài ra sao. Lời xầm xì đó là gì ? Rất có thể là : “Giả như ông ta là một con người huyền bí như Daniel, hay Isaia xuất hiện trên cõi trần thì lời tuyên bố này còn nghe được. Đàng này ông ta là con một ông thợ quèn Giuse, gia thế bết bát. Bản thân ông ta cũng chẳng có gì đáng nói : 30 năm làm nghề mộc, sống tầm tầm nơi một làng quê vô danh tiểu tốt. Bà con anh em của ông ta cũng thế cả thôi. Vậy mà dám tuyên bố : ‘Ta là Bánh từ trời xuống’. Quả là ông này thuộc ‘họ nổ’, quê ở ‘Trảng Bom’ rồi !” ,…v.v…
Phản ứng đó trở nên gay gắt hơn khi nghe Chúa Giêsu bộc bạch bánh đó là Bánh Trường Sinh, bánh đem lại sự sống đời đời, bánh trổi vượt hơn cả Manna thời Cựu ước. Nghe lời này, chắc hẳn họ cảm thấy lùng bùng lỗ tai, bởi thực tế chưa có ai trên đời này mà không chết, kể cả các tổ phụ đáng kính của họ. Ngay như Môisê là vị sứ ngôn vĩ đại có khả năng “khiến” Manna từ trời rơi xuống cho dân chúng ăn, thế mà Môisê cũng đã chết. Rõ ràng đối với họ, ông Giêsu này vừa mới ăn gan hùm hoặc mới uống mật gấu nguyên chất, nên mới dám tuyên bố táo tợn như vậy. Không khéo, có kẻ còn muốn tới sờ trán Chúa Giêsu xem có phải bị sốt do cúm … H1N1 hay không mà dám ngoa ngôn mạnh mồm như thế nữa kìa !?
Chưa dừng lại ở đó. Khi Chúa Giêsu quả quyết thêm rằng Bánh hằng sống từ trời đó chính là thịt của ngài, dân Do thái thực sự đã bị “sốc”, sốc trầm trọng. “Bánh từ trời” hay “Bánh hằng sống” gì gì đó có thể họ tạm chấp nhận được, vì ít ra Ngài cũng đã từng làm phép lạ uy quyền hoá bánh ra nhiều và các phép lạ khác trước đó. Thế còn khẳng định “Bánh ta ban tặng chính là thịt ta đây” thì không thể nào chấp nhận nổi. Quả nhiên, đối với họ lúc này, Chúa Giêsu “mất trí” nặng rồi. Ăn thịt người là mọi rợ, là dã man. Hơn nữa, xưa nay chưa từng có ai tự lấy thịt mình làm của ăn nuôi sống người khác bao giờ.
Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình được. Đây là một mạc khải lớn lao và siêu việt, vượt quá sức tưởng tưởng của con người đương thời. Tất nhiên, mạc khải không bao giờ là đối tượng của lý trí tự nhiên. Bởi vậy cần phải đón nhận bằng đức tin, bằng ân sủng đến từ Thiên Chúa Cha, như lời Chúa Giêsu xác quyết : “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”.
Nói cách khác, để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa”, dù là dưới hình Bánh và hình Rượu của bí tích, thì cũng cần phải có đức tin do Thiên Chúa ân ban. Không có đức tin, người ta sẽ coi Bí tích Thánh Thể như là phù chú, bùa ngãi… Không có đức tin, không thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Tin là tin vào Lời của Chúa, là lời chân thật; tin là tin vào cái chết tự hiến, cái chết vì yêu của Chúa trên thập giá; và tin là tin vào sự phục sinh vinh quang của Ngài. Nếu ta tin những điều đó, ta sẽ nhận ra sự hiện diện thực sự của Chúa trong Thánh Thể, và ta có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng mang lại sự sống đời đời.
Tôi vẫn thường tiếp rước Thánh thể Chúa bằng tâm tình nào, thái độ nào ? Bằng đức tin hay bằng lý trí, bằng ân sủng của thiên Chúa hay bằng sức riêng của con người ?
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long