CHÚA NHẬT 2 MC
Hôm thứ 2 vừa qua, tờ VnExpress đưa tin : “Tại Nhật Bản, những người thất nghiệp chán nản đang dần từ bỏ ý định tìm kiếm việc làm. Số lượng người mất nhà phải chuyển ra công viên ở ngày một tăng. Tình hình sẽ còn ảm đạm hơn khi các công ty tiếp tục đóng cửa nhà máy và cắt giảm nhân công. Những thống kê mới nhất cho thấy Nhật Bản, một đất nước từng thịnh vượng thứ hai thế giới, nay đối diện với nạn thất nghiệp gia tăng. Sản lượng sản xuất tại các nhà máy giảm 10% trong tháng 01/09 do đối tác nước ngoài cắt giảm đơn đặt hàng nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu giảm tới 45,7% trong tháng trước. Các nhà xuất khẩu lớn như Toyota, Nissan đều đã phải cho nhiều nhà máy tạm ngưng hoạt động”.
Cũng theo bản tin trên thì tháng trước có 210.000 công nhân Nhật bị sa thải, góp phần nâng tổng số người không có việc làm lên đến 2,77 triệu người... Người ta dựng lều ngày càng nhiều trong các công viên, sau khi mất hết nhà cửa, việc làm. Nhìn những hàng dài nhà lều trong công viên, nhiều chuyên gia không khỏi cảm thấy bị sốc, khi mới một thập kỷ trước đây, Nhật bản còn duy trì chế độ làm việc suốt đời, không bao giờ sa thải nhân viên….
Nhìn chung các bản tin liên tục đưa ra các con số ảm đạm về viễn tượng suy thoái kinh tế ngày một tồi tệ, khiến cho người dân của một đất nước từng có GDP cao nhất Châu Á này thấy choáng váng thất vọng và ngã lòng.
Trước lời loan báo về viễn tượng đen tối của cuộc thương khó Chúa Giêsu, tâm trạng của các môn đệ có lẽ cũng não nề thất vọng và ngã lòng không kém người dân Nhật hiện nay. Não nề vì khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ phải đương đầu với sự bắt bớ, bách hại, các ông không còn nhìn thấy được đâu là đấng cứu tinh mà muôn dân đang trông đợi. Thất vọng vì khi sắp sửa phải đối mặt với thập giá Chúa Giêsu, các ông chẳng còn nhận ra được đâu là thần tính của đấng mà các ông nhiều lần gọi là Chúa. Ngã lòng vì khi chạm trán với viễn tượng chết chóc, các ông chẳng còn hình dung được đâu là sự sống đời đời mà Thầy mình đã từng cao rao.
Hiểu rõ nỗi lòng của các môn sinh, Chúa Giêsu đã khéo léo đưa họ lên núi để họ được chiêm ngưỡng một biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, biến cố mở ra cho họ một viễn tượng mới tràn đầy hy vọng : biến cố Taborê.
1. Biến cố Taborê, biến cố chứng thực cho sự sống sau
cái chết.
Quan niệm của người Dothái về sự sống lại, và sự sống sau cái chết vẫn còn có nhiều bất đồng và mơ hồ. Thậm chí nhóm Sađốc còn chủ trương không tin là có sự sống lại. Tuy nhiên, trong biến cố hiển dung trên núi Taborê, sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa là Môisê và Êlia, như một bằng chứng hiển nhiên và chắc chắn nói cho các môn đệ rằng có sự sống lại và sự sống sau cái chết. Nói cách khác, qua biến cố Taborê, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng các ông cứ tin tưởng có thế giới bên kia, nơi mà hai vị đại ngôn sứ đang sống hạnh phúc ngập tràn. Và rằng các ông cứ an tâm Thầy của của các ông có chết thì cũng sẽ phục sinh vinh quang.
2. Biến cố Taborê, biến cố biểu lộ vinh quang thần tính của Đức Kitô.
Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu thường chỉ biểu lộ nhân tính của Ngài là một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn còn ẩn dấu, ẩn dấu trong một thân xác nghèo hèn dân dã.
Thế nhưng, qua biến cố Taborê, vinh quang Thiên Chúa, tức thần tính của Đức Giêsu tỏ hiện rõ nét và rạng ngời. Rõ nét đến độ, thánh Mathêu mô tả là các môn đệ choáng ngợp, té sấp mặt xuống đất: “Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục Ngài trắng sáng như sơn tuyết”. Rạng ngời đến nỗi các môn đệ chỉ còn muốn sống mãi trên núi với Chúa mà thôi. Chính thánh Phêrô xác nhận điều này : “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tuyệt cú mèo rồi. Nếu Thầy muốn, con xin làm 3 lều….”. Trong một bài suy niệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng đã viết : “Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che dấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tâm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang”.
3. Biến cố Taborê, biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Thầy mình.
Chúng ta thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, ít là có 2 trong 3 môn đệ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đã từng chứng kiến biến cố Taborê đã không bỏ trốn như các môn đệ khác. Điều này chứng tỏ niềm tin của 3 môn đệ này được củng cố rất nhiều, nhờ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Đối tượng cụ thể của niềm tin đó chính là Đức Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha trên trời. Và vì tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, các ông cần phải lắng nghe lời dạy của Ngài : “Đây là Con Ta yêu dấu. Các Ngươi hãy nghe lời Ngài”. “Lời Ngài” mà Chúa Cha muốn nói ở đây là lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Người. Lời Ngài ở đây là lời tiên báo về sự bắt bớ, tra tấn, đánh đập và bị giết chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nghe để không bị chao đảo, nghe để không bị mất đức tin trước những thử thách nặng nề như thế.
Kính thưa quý ông bà anh chị em.
Khi tái khám phá những ý nghĩa của biến cố hiển dung trên núi Taborê, chúng ta được mời gọi điều gì ? Chúng ta được mời gọi mỗi khi đối diện với những bế tắc, nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, hãy chiêm ngắm biến cố hiển dung để hy vọng, để cậy trông vào một cuộc sống vĩnh phúc đích thực mai sau. Hơn nữa, chúng ta còn được gọi mời khi gặp những đau thương thử thách của thập giá, hãy hướng lòng trí lên Đức Kitô vinh quang trên núi Taborê để được khuyến lệ, để được vấn an hầu có thể vượt qua được những thử thách đau thương trong đời.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long