Nếu đi tìm cái mắt xích nối kết – hay
nói theo văn triết – tính xuyên suốt của 3 dụ ngôn về Nước Trời mà chúng ta vừa
nghe, có thể nói được đó là : sự kiên tâm chờ đợi
-Đừng vội nhổ cỏ lùng, hãy đợi tới mùa
gặt.
-Hạt cải thì nhỏ bé, nhưng cứ đợi thử
một thời gian, nó sẽ thành cây to lớn, chim trời đến làm tổ được.
-Còn nắm men, thì, hãy đợi đấy – chẳng
mấy chốc sẽ làm dậy cả thúng bột cho mà xem.
Sự kiên nhẫn chờ đợi là mắt xích nối kết
3 dụ ngôn.
Nhưng hôm nay tôi lại xin chặt mắt xích
ra, để chỉ nói về một dụ ngôn mà thôi. Đó là dụ ngôn đầu tiên, dụ ngôn “lúa và
cỏ lùng,” dụ ngôn mà chính Chúa Giêsu phải giải thích sau đó. Tôi muốn dừng lại
dụ ngôn này và lại chỉ cắt một khúc thôi để suy nghĩ về sự dữ, với câu hỏi “tại sao lại có sự dữ ?”
Ông chủ chỉ gieo lúa tốt nhưng khi gặt
thì có cả cỏ lùng.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người
trên trái đất : Chúa đã hài lòng và tuyên bố : Mọi sự tốt đẹp, đẹp quá sức. Ấy vậy mà ta thấy nhan nhản trên báo
chí, trên tivi : lụt lội ở chỗ này, động đất ở chỗ kia, hạn hán chỗ nọ. Sự dữ
loại này hình như do ông Trời. Ông Thiên. Còn sự dữ do bà Nhân (con người) thì
cũng vô vàn : bắt cóc con tin, khủng bố
bao trùm, ôm bom tự sát, tai nạn xe cộ, máy bay hãng Mã Lai rơi do tên lửa con
người bắn, chết gần 300 người, và gần nhất, đang diễn ra là cuộc chiến Nga và
Ucraina… Ấy là không kể chết đói, dịch bệnh mà có thể là sự dữ do cả ông Thiên
lẫn bà Nhân gây ra. Virus Covít vừa qua là thảm trạng, do con người ? Tại sao
có sự dữ như vậy ?
Đâu là “những trả lời của nhân loại ?”
Và đâu là “trả lời của Chúa Giêsu qua dụ ngôn Lúa và cỏ lùng này ?”
1. Trả lời của nhân loại :
a)- Những người theo thuyết Nhị Nguyên chủ trương : Vũ trụ được điều
khiển bởi 2 vị thần : Thần Thiện và Thần Ác. Thần Thiện gia ân giáng phúc cho
con người, còn Thần Ác thì cứ mặc sức đổ xuống tai họa. Trâu bò húc nhau ruồi
muỗi phải chết. Hay trong Sơn Tinh – Thủy Tinh : 2 sức mạnh tranh chấp khiến
nhân gian tư bề khốn khổ.
b)- Những người theo thuyết Nhất Nguyên lại chủ trương : chỉ có một
Chúa Tể, là căn nguyên mọi sự. Sự tốt và sự xấu cũng đều do vị đó. Lỡ dựng nên
rồi phải chấp nhận cả. Khi nhìn Hạnh phúc và Đau khổ, triết gia Platon đã chua
xót nói: Hạnh phúc và Đau khổ là hai kẻ thù, Thần Linh không hoà giải nổi nên
đã trói lại với nhau và bắt phải đánh bạn với nhau suốt đời.
Người bình dân thì thấy: Hoa hồng nào
cũng có gai, ngọt bùi nào lại không vương cay đắng. Trong cuốn truyện “Người
đàn bà mù,” tác giả đã ví “hạnh
phúc ở đời thường do nhiều mảnh nhỏ ghép lại… Và lúc nào cũng thiếu mất một vài
mảnh.”
Hạnh phúc và Đau khổ ! Thiện và Ác cứ
gắn bó với nhau. Lúa tốt và cỏ lùng cùng nhau mọc lên trong cánh đồng trần gian
của con người. (Sách Thánh cuối cùng của thời Cựu ước, sách Khôn Ngoan nói
: Không phải Thiên Chúa tạo ra sự chết. Người không vui gì khi thấy chúng sinh
mai một. Bởi vì Người đã tạo dựng nên mọi sinh linh là để chúng tồn tại (x. Kn 1,13-14).
c)- Một số người – trong đó có chúng ta
– Nhất Nguyên, tin chỉ có một Căn Nguyên, tức một Chúa độc nhất. Mà Chúa thì
thánh thiện tốt lành. Vậy tại sao có sự dữ, ta sẽ trả lời đại loại như sau: sự
dữ, tai hoạ là hình phạt Chúa gửi cho những người tội lỗi, hoặc tội của họ hoặc
của cha ông họ. Nếu tội của họ : thì đó là hình phạt nhãn tiền; nếu tội của cha
ông: cha mẹ ăn mặn, con khát nước. Cha ăn nho chua, con ghê răng. Còn “cha
mẹ hiền lành” thì “để đức cho
con”. Có người đã ví Sida như ngọn roi của Chúa gửi xuống để trừng
phạt sự sa đoạ của con người thời nay. Nói cách khác, sự dữ là hình phạt do
Chúa – như Cựu ước : Sodoma và Gômôra bị lửa từ trời chứ không phải dưới đất
bùng lên thiêu cháy.
Về điểm này ta phải nói ngay điều Chúa
Giêsu đã trả lời một chỗ khác (Ga 9, 2-3). Khi các tông đồ hỏi về người mù từ
lúc mới sinh: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã mù ? Anh
ta hay cha mẹ anh ta ?” – “Không phải
anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội, nhưng sở dĩ như thế là để
thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa nơi anh.” Chúa Giêsu đã trả
lời lại như vậy.
Ta đã thử liệt kê 3 lời giải về sự dữ. Nhị Nguyên: 2 thần Thiện Ác đồng ngự
trị. Nhất Nguyên theo kiểu Triết mà
tiêu biểu là Platon: Lỡ dựng ra rồi, không làm gì được nữa. Ta chỉ thoát được
khi thoát cái xác thể chất này. Và một loại Nhất
Nguyên tôn giáo nào đó: xem sự dữ như là con roi của Chúa.
Tuy vậy còn lâu ta mới dám tự hào là đã
giải quyết xong vấn đề sự dữ. Không nền triết học nào cũng như không một tôn
giáo nào đã giải quyết cách vĩnh viễn cả. Nếu giải đáp được thì nó không phải
là sự dữ nữa, nó là sự dữ vì nó vô phương giải quyết. Có một mầu nhiệm gọi là “Mầu
nhiệm Sự Dữ.” Tức là sự dữ không phải là vấn đề nằm ngoài ta để ta giải quyết,
như chữa một máy xe, sửa một cái ghế, mà chính ta, chủ thể, cũng trở thành vấn
đề luôn. Gabriel Marcel đã định nghĩa “mầu nhiệm” là như vậy: mầu nhiệm là “vấn
đề nằm trong vấn đề.”
2. Trả lời của Chúa Giêsu.
Nhưng
Chúa Giêsu trong dụ ngôn “Lúa và Cỏ Lùng” cho ta một chút ánh sáng.
-Ánh sáng 1: “Sự dữ không phải bởi
Chúa”. Kẻ gieo cỏ lùng chính là ma quỉ. Do đó Chúa không dựng nên sự dữ,
Chúa không tạo ra đau khổ, dù là tạo ra để trừng phạt kẻ có tội. Tất cả đều do
ma quỉ – tội lỗi.
-Ánh sáng 2: “Sự dữ là sự vắng bóng
Chúa”. Khi mọi người đang ngủ, kẻ thù đến gieo cỏ lùng. Nơi nào vắng bóng
Chúa, sự dữ lan tràn. Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu vắng
bóng yêu thương (ĐCT) ở đấy hận thù chia rẽ ghét ghen.
-Ánh sáng 3: Sự dữ thanh luyện chúng
ta. Cứ để cỏ lùng mọc cùng lúa tốt. Nếu Chúa là chuyên viên canh nông,
khuyên người làm ruộng như thế : “hãy để cỏ lùng mọc cùng lúa tốt”, chắc
sẽ bị phản đối đuổi cổ ngay. Nhà nông thấy cỏ là lo nhổ liền. Nhưng đây Chúa
nói dụ ngôn, đúng hơn là “ngụ ngôn”, nên phải hiểu nghĩa muốn chuyển tải: Cứ để
cỏ lùng mọc cùng lúa tốt, là lúa phải đâm rễ sâu, phải chôn chân, phải phấn đấu
mới có thể mọc tốt được. Lúa nào ỉ lại đất tốt, phân nước đầy đủ : “nhất nước
nhì phân tam cần tứ giống”, mà không vươn lên sẽ bị cỏ lùng che lấp. Đó là điều
ta thấy: “Đau khổ thử thách kẻ lòng ngay.” “Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”
Trong cuốn Nhật Ký, Antoine de Vigny đã làm một bài thơ nói về một “vị thần” say mê một thiếu nữ. Nhưng
thiếu nữ đã từ chối vì “không thể yêu một ‘người’ không biết gì về đau khổ chết
chóc cả” (đã là thần, thì đâu có khổ đau chết chóc!) Đau khổ, sự dữ gắn bó với
nhân loại như thế đó, như một “thân phận” (hiện hữu) của con người.
Sau nhiều năm phải sống trong trại tập
trung, văn hào Nga Alexandre Solzhenitsyn đã nghiệm ra được những ý tưởng sau :
“Tôi đã học được một bài học lớn nhờ
những năm bị giam trong tù.
“Tôi đã hiểu một người trở thành xấu như
thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.
“Tôi đã dần dần nhận ra rằng đường biên
giới phân giai cấp hay các đảng phái chính trị không nằm đâu xa, mà nằm ngay
trong lòng mỗi người.
“Ngay trong những trái tim ngập tràn sự
ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện. Và ngay trong trái tim tốt
nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác.”
Có lẽ ta hãy lấy lời khuyên của thánh
Phaolô trong Rm 12,18-21 để kết luận:
“Hãy làm tất cả những gì anh có thể làm
được để sống hoà thuận với hết mọi người. Kẻ thù ngươi đói, hãy cho họ ăn, có
khát hãy cho họ uống. ‘Đừng để sự ác thắng được mình’, nhưng hãy lấy
thiện mà thắng ác.” Đừng để cỏ lùng lấn chân lúa tốt. Ước gì được như vậy Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm