“Ngã ba
đường” là một diễn ngữ mô tả một người đứng trước hai chọn lựa, mà hai chọn lựa
này gần như ngang ngửa nhau, bên tám lạng, bên nửa cân, bên 50 bên 49, hoặc như
điều thường xảy ra trong cuộc sống người Việt, bên chữ tình, bên chữ hiếu ; bên
người yêu, bên người bạn… biết chọn đàng nào.
Nhưng
cũng có những chọn lựa đã rõ rành rành, hai năm rõ mười, một bên đúng, một bên
sai, ấy vậy mà ta vẫn cứ do dự chần chừ và nhiều khi nghiêng chiều rẽ về bên
không đúng. Trước ngã ba đường, có người rẽ phải, có người quẹo trái
1. QUẸO TRÁI
Sách Đnl
30:15-19: ghi lại lời mời của Mô-sê trước khi chết: "Này tôi đặt trước mặt anh em hai con đường: (tức là đang đứng ở ngã ba)
một là đường sống, hạnh phúc; hai là tử lộ, đường chết, hoạ tai. Ai tôn thờ Đức
Chúa và tuân giữ luật Ngài là sống, còn kẻ trở lòng và không vâng nghe, lại bị
lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì (hôm nay tôi
báo cho anh (em) biết): chắc chắn anh
(em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp
sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu". Rõ ràng là như thế, nhưng dân
Israel
vẫn thờ bò vàng, thần ngoại, không giữ lề luật Chúa.
Thật ra
không phải đợi đến đời con cháu, mới thấy muốn chọn chết hơn sống, mà thuỷ tổ
của loài người, Adong Eva đã như vậy rồi. Chúa nói rõ rành rành: có một trái cây
không được ăn, ăn vào thì phải chết. "Phải chết", chứ không
phải có thể chết, e có lẽ chết. Phải chết. Vậy mà cứ ăn. Bà Eva ăn, ông Adong
cắn. Tiền công của ăn là chết. Phaolô nói như vậy. Ăn là chết.
Hôm nay bài Tin Mừng, ngược lại: 'ăn là được sống'. Dĩ nhiên không phải ăn
trái cấm, mà ăn thịt Chúa: "Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, sẽ được
sống… muôn đời". Nhưng dân không thèm. Dân không thèm đã đành, mà đồ
đệ thân tín Chúa cũng chẳng cần. "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe
nổi?" và "từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người
nữa". Đứng trước ngã ba đường, Chúa rẽ phải, họ quẹo trái. Rẽ phải là
được sống và sống muôn đời, nhưng họ lại thích rẽ trái.
Không phải chỉ những người Do Thái xưa rẽ
trái, mà chúng ta thời nay, nhất là các bạn trẻ cũng thường rẽ trái. Biết là
sai, nhưng vẫn quẹo trái.
Biết hút thuốc là hại sức khoẻ, nhưng vẫn
cứ hút. Không vài ba điếu một ngày thì cũng dăm ba gói một tuần. Cách nhật nhất
gói.
Cái hút khác là tử lộ rõ hơn, hy vọng
không ai trong chúng ta, hoặc rất rất ít người đi vào, là hút ma tuý xì ke.
Biết đi vào là chết. Tử lộ, tử địa. Vậy mà vẫn có người đi.
Biết đi mát-xa là sẽ rẽ xa Chúa, mà vẫn
cứ đến gần.
Biết lửa gần rơm sẽ cháy, mà vẫn cứ để
rơm cạnh kề lửa.
Biết cờ
bạc là bác thằng bần, nhưng vẫn cứ quẹo trái bước lại. Nói là để “gỡ” : "anh
cho em lần này nữa thôi, để anh gỡ". Mà "gỡ" thật : "gỡ
lịch" trong nhà giam
2. RẼ PHẢI
Nhưng
trước ngã ba đường, cũng có người rẽ phải. Bài đọc một cho ta một mẫu gương,
bài Tin Mừng cho ta một trường hợp điển hình:
- Gs
24,1-2a.15-17.18b: (2) Ông Giôsuê qui tụ ở Sikem các chi tộc các kỳ mục của Israel và nói :
(15) «Nếu anh em không bằng lòng phụng
thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ: thần xưa, thần của
người Êmori. Về phần tôi và gia đình
tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa». (16) Dân đáp lại: (18) «Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người
là Thiên Chúa của chúng tôi»
- Bài
Tin Mừng cho ta một điển hình là Phêrô. Khi các đồ đệ khác bỏ đi Phêrô lên
tiếng dõng dạc: "Bỏ Thầy con biết đến với ai. Thầy mới có những lời đem
lại sự sống… đời đời."
P. Kim
đã diễn lời dệt nhạc như sau:
"Bỏ
Ngài con biết theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi": Bỏ Ngài thì đời
con sẽ như một cánh chim bơ vơ trong khung trời lộng gió.
Bỏ Ngài
thì đời con sẽ như một con thuyền lao đao trên biển cả mênh mông: "Bỏ Ngài
con biết theo ai thuyền buông lái biết trôi về đâu?"
Bỏ Ngài
thì đời con sẽ mờ mịt trước tương lai mơ hồ.
"Bỏ
Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ.”
Và bỏ
Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã: "Bước đi
không Ngài, đời con buồn tênh".
Nhưng
bước đi theo Ngài, hành trình theo Chúa, rẽ phải với Ngài không phải lúc nào
cũng luôn êm ái. Không phải là "Bước đi 'không' Ngài, đời con buồn
tênh" mà sẽ có lúc "bước đi có Ngài lòng con cực ghê."
Một
ngày nào đó, có thể Lời Chúa làm chúng ta cảm thấy chói tai, nhất là khi Lời
Chúa buộc ta phải thực hiện một sự lựa chọn khó khăn. Vd. "Hãy thành
thật, đừng gian lận". "Có nói có, không nói không". Bạn trẻ
có thực thi được không? Một bạn trẻ tâm sự với Chúa:
“Có những ngày con cảm thấy
Lời Chúa rất ngọt ngào êm ái và bình an. Khi đó con rất dễ dàng đáp lại Lời
Chúa. Nhưng cũng có những ngày khác con thấy Lời Chúa thật chói tai, con không
muốn chấp nhận, con muốn rút lui, muốn chuồn, muốn dù. Nhưng xin cho con hiểu
rằng Lời Chúa- và chỉ có Lời Chúa- mới là lời chân thật và mới đem lại cho con
sự sống thật. Xin cho con đừng bao giờ rút lui, vì ‘Lạy thầy, con sẽ đi theo
ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời’ ”.
Trong
vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu nước,
bón bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên
xem, thì thấy có miếng tôn chắn ngang gốc nho. Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không
đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng tàn úa theo mùa thu chết.
Rẽ
phải theo Chúa, là phải theo đến cùng, không nao núng, dù gặp nghịch cảnh. Báo
Tuổi Trẻ thứ sáu 22-8-03, mục "cửa sổ tâm hồn", có thuật: Hai
đứa trẻ nọ, mỗi em có một người cha bạn của Lưu Linh: sáng xỉn chiều say tối
lăn quay. Tuổi thơ của các em trôi qua với hình ảnh người cha 'tối về sau
khi nhậu say' thật đáng sợ. Năm tháng qua đi, hai cậu đã lớn và mỗi người
có một cuộc sống của riêng mình. Một nhà tâm lý học đi tìm thực tế cho bài
nghiên cứu "Tác động của sự say xỉn" đã tìm đến hai người. Một người
giờ đây đã trở thành phiên bản mới (cloning) của cha cậu ngày xưa: một tay bợm
nhậu suốt ngày chìm trong bia rượu. Còn người kia lại là một trong những người
đi đầu trong việc phòng chống rượu bia.
Nhà
tâm lý học hỏi người đầu tiên: "Tại sao anh trở thành bợm nhậu?"
Và hỏi người thứ hai: "Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ rượu
bia". Chúng ta có biết không, thật là bất ngờ, cả hai cùng cho một câu
trả lời: "Có một người cha như
thế đương nhiên là tôi phải trở thành người như thế này thôi."
Đến
đây ta có thể hiểu được một câu danh ngôn kia: "Cảnh khổ là một nấc
thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho kẻ khôn khéo, nhưng là một vực thẳm cho
kẻ yếu đuối." Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành
động không đúng mực, tiêu cực hoặc sai trái. Nó chỉ là lý do để những kẻ lười
biếng, không có ý chí và tâm hồn hẹp hòi vin vào đó để tự bào chữa cho mình mà
thôi.
“Tôi
chọn Giêsu” là tựa và chủ đề của một bài hát của Ý Vũ. Bài
có ý lời rất hay: Nếu trời nắng. Tôi chọn Giêsu là nắng. Nếu trời mưa, tôi chọn
Giêsu là mưa. Trong bất cứ nghịch cảnh nào tôi vẫn cứ chọn Giêsu. "Tôi
chọn Giêsu là nắng tôi chọn Giêsu là mưa, cho tháng năm thôi nỗi đìu hiu giá
lạnh khô cằn. Nắng về tôi chia em nồng ấm, mưa về tôi trao anh mầm xanh, xanh
ấm cho nhau hết buồn tênh, hết phai tàn. Cho trái tim xanh mãi thêm xanh. Cho
trái tim tươi mãi thêm tươi. Tôi chọn Giêsu."
Để
có thể chọn Giêsu như thế, dù nắng hay mưa, dù vui hay khổ, dù cực hay vinh, ta
trước hết phải tin vào Giêsu. Tin là một đề tài lớn, không thể khai triển giờ
này. Ta chỉ biết cất lên 'lời' tin qua Kinh Tin Kính mà thôi.
Anphong
Nguyễn Công Minh, ofm