Trong kho tàng khôn ngoan La tinh, có
một câu ngạn ngữ như sau: "Nọc độc ở phía đuôi" (venenum in
cauda). Câu này nếu hiểu sát nghĩa đen, thì chỉ trúng cho một số con vật, như
bọ cạp, như con ong: nọc ở phía đuôi. Con rắn nọc độc không ở đuôi. Thằn lằn cụt đuôi vẫn sống và mọc đuôi
khác. Vì thế "nọc ở phía đuôi", không thể chỉ hiểu theo nghĩa
đen mà phải hiểu theo nghĩa bóng mới đúng. Nọc : là phần chính yếu, là sự sống …là mạch máu – "nằm ở
đuôi" là "phần cuối, phần kết".
Trong nghệ thuật kể chuyện đặc biệt
chuyện vui, câu kết luôn là câu quan trọng, nhờ nó mà ta nắm bắt được những
tình tiết trong lúc kể chuyện.
Nhiều khi xem một vở kịch, một cuốn
phim… ta nóng lòng muốn xem: để coi kết thúc ra sao. Chính cái kết thúc
= phần cuối, cái đuôi : giúp ta hiểu được tại sao lại có cảnh này, người kia
xuất hiện…Ta xem kịch, xem phim, không biết tại sao ông khách lạ kia lại quí
mến người con gái của bà góa nọ như thế. Cuối phim, thì ra ông là bố ruột của
cô.
Bài Phúc âm hôm nay nói về dụ ngôn người
cha có 2 người con. Xét về mặt tâm lý, cả hai người con đều là người hay thay
đổi. Trước lời mời gọi của người cha : “hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho
cha”
- Người thứ nhất nói : con không đi –
sau đó đổi ý – đi
- Người thứ hai nói : con đi – sau đó đổi ý – không đi.
Cả hai người đều thay đổi, nhưng quan
trọng là phần cuối của đổi thay.
Người thứ nhất được khen vì kết bằng "đi".
Từ không đi –đến đi
Người thứ hai bị chê vì kết bằng "không
đi". Từ đi –đến không đi.
Vậy chủ điểm mà chúng ta đang tìm hiểu
đó là : quan trọng là phần cuối. Đặc biệt là cuối cuộc đời. Nọc nằm ở
phía đuôi (cuối ngày, cuối giờ, cuối năm, cuối đời…).
Cách đây khoảng hơn ba chục năm, khi
việc phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam đang hồi gay go căng thẳng, lúc
đó ở Hà Nội, Nhà Nước đã chuẩn bị sẵn một hồ sơ về một số vị tử đạo có tì vết.
Tì vết về đời sống luân lý, hoặc tì vết về đời sống chính trị: như tham gia vào
loạn quân, như đi với Pháp… Hay như thánh Gẫm có hai bà vợ… Có một vị chức sắc
cao cấp trong Giáo hội Việt Nam đọc được những tài liệu đó, cảm thấy e ngại,
nên muốn đề nghị Hội đồng Giám mục hoãn ngày phong thánh để duyệt xét lại …
ĐGM Nha trang (ĐGM Hòa) lúc đó đang ở Hà
Nội cũng được thông báo cho biết có những hồ sơ như vậy, với một thách thức
ngầm của Chính Quyền : coi chừng, lộn xộn, chúng tôi cho công bố hồ sơ bê bối
đó. (Ở đây chúng ta không xét mức độ thật hư của các hồ sơ đó như thế nào, nó
đúng hay sai, đúng bao nhiêu, sai bao lăm). Cái hay mà chúng ta muốn nhắc lại
đây là câu trả lời của ĐGM Nguyễn văn Hòa : "Các ông cứ cho công bố :
Càng công bố càng làm nổi hơn cái chết
vì Đạo của vị thánh. Họ như vậy đó mà họ vẫn chọn cái chết như thế đó. Chúng
tôi căn cứ vào cái chết để phong thánh cho họ. Ngày chết là ngày sinh trên trời
của của mỗi vị thánh."
Một quá khứ đen tối không luôn luôn làm
giảm giá cuộc đời của một vĩ nhân. Abraham Lincohn, tổng thống 16 của Hoa Kỳ có
một quá khứ thật ảm đạm, cùng cực, nghèo túng, nhưng đã vươn lên thành người có
công thống nhất Nam Bắc nước Mỹ. Có
người từng đi chăn bò, chăn trâu, ở đợ, nhưng sau làm giám đốc, chủ tịch…
Nhưng, ngược lại thì không được: đã từng làm giám đốc, chủ tịch, nay đi chăn
bò, chăn trâu…! Cái quan yếu là ở phần cuối, ở vế sau. “Nọc ở phía đuôi”.
Cũng cách đây trên ba bốn chục năm, khi
đi ra chợ Nha Trang, một linh mục được một người bán hàng ở chợ Đầm mách bảo : "Ở
Nha trang đang cho chiếu một bộ phim bài bác đạo ghê lắm !" Chúng tôi
đi xem, coi nó bài bác đến mức nào. Thật ra, nếu ai hiểu cốt truyện thì bộ phim
không bài bác Đạo đâu, mà có khi trái lại nữa. Vì đạo diễn là Risac Be, người
Ba Lan, công giáo. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Anatole France. Tiểu thuyết
lại dựa trên một câu chuyện có lẽ có thực, xảy ra vào thế kỷ 4-5. Bộ phim mang
tựa đề : Thais.
Thais là một vũ nữ sống ở Ai Cập, nổi
tiếng phóng đãng, xa hoa. Và vì là phim ảnh, nên cảnh ăn chơi sa đọa trụy lạc
của lớp quí tộc thời Ai Cập cổ được phóng đại và trình diễn lên màn hình trong
những căn phòng có bóng cây thánh giá. Đó là điều mà người bình dân nói là bôi
bác đạo. Thật ra không phải thế. Nhà ẩn tu Papnuc (Pathnutius) khi nghe tin về
người vũ nữ tên Thais thì đã cầu xin Chúa soi sáng, giúp sức, quyết định đến
tìm Thais để đưa nàng ra khỏi nơi ăn chơi sa đoạ và trở về với Chúa. Sau khi
cải trang, vị ẩn tu đến nhà nàng và xin được gặp riêng nàng ở nơi kín đáo.
Nhưng bởi vị ẩn tu luôn nói rằng nơi này chưa kín đáo đủ, nên bực mình,
Thais nói : "Chắc chắn không ai
có thể nhìn thấy chúng ta nơi đây, nhưng nếu ông muốn tránh cái nhìn của Thiên
Chúa, thì dù ông trốn bất cứ nơi nào kín đáo nhất, ông cũng không tránh được".
Khi
nghe vậy, vị ẩn tu vội nói: “Cô cũng biết có vị Chúa ư?”
- Có
lẽ thế, và tôi cũng biết có một thiên đàng dành cho người tốt và một địa ngục
cho ác nhân.
- Vậy sao cô có thể sống cuộc đời tội
lỗi như thế trước một vị Chúa luôn trông thấy cô?
Những lời này xoáy vào lòng Thais, nàng
sấp mình xuống chân người của Thiên Chúa. Sau đó nàng đi theo ẩn sĩ Papnuc để
tìm nơi tu trì nhiệm nhặt và rồi cuối cùng chết như một vị thánh.
Còn ẩn tu Papnuc, một tu sĩ khổ hạnh,
qua việc đi cảm hoá người, hiểu được phần nào hương vị cay đắng ngọt ngào của
tình yêu và cuối cùng, kết thúc của bộ phim : ẩn sĩ Papnuc trở thành kẻ phản
đạo, không còn tin Chúa.
Qua bộ phim và qua tiểu thuyết, ta thấy
thật dịu ngọt và cay đắng. Dịu ngọt vì khúc cuối, phần kết của một vũ nữ trước
kia xa hoa phóng đãng nay được chết lành khi miệng luôn kêu tên Chúa lúc lìa
đời. Còn cay đắng, vì vị ẩn tu suốt đời khổ hạnh, tìm cách cứu người – thì lại
có phần cuối được bộ phim diễn tả bằng cảnh "hoá thành con quỉ dơi đi xơi
máu người".
Câu nói của Chúa Giêsu hôm nay với các
trưởng lão Biệt phái thật thấm thía : “Thật,
tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước
các ông” vì họ đã tin, vì phần đuôi, phần cuối của họ : họ hối cải. Còn vị
ẩn tu kia khởi đầu và phần thân là đẹp nhưng kết thúc là bi thương, trở thành
con quỉ dơi hút máu. Vị tông đồ Dân ngoại Phaolô đã có lần thốt lên : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục
tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr
9:27).
Vậy thì ta có thể cùng với đức cha Bùi
Tuần thưa lên với Chúa lời nguyện này:
Lạy Chúa, vì con không biết – và thực ra
Chúa cũng không muốn cho con biết – đâu là phần cuối của cuộc sống con. Nó có
thể tới bất cứ lúc nào, nên con phải ở trong tư thế luôn nói tiếng “Có” với
Chúa, luôn đi làm vườn nho của Ngài. Lạy Chúa, xin cho con, xin cho
chúng con, đừng xét đoán ai trước thời buổi, vì nào ai biết được phần cuối
trước khi Chúa đến. Xin cho con, xin cho chúng con khi Chúa đến, con vẫn còn
tình trạng nói tiếng “Có”. Có đây tức là tin. Con tin Chúa. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm