“Ra
đường hỏi ông già, về nhà hỏi con trẻ.”
“Ra
đường lắm chuyện bực mình, về nhà gặp vợ cười tình cũng vui.”
Câu tục ngữ và câu ca dao trên đều có
hai vế : 'ra đường' và 'về nhà' : “ra đường hỏi ông già, về nhà
hỏi con trẻ.” Ra đường hỏi ông già, vì ông từng trải, đi nhiều, biết nhiều. Về
nhà hỏi con trẻ, vì con trẻ thành thật, khai báo hết những gì xảy ra khi mình
đi vắng.
Bài Tin Mừng hôm nay, cũng có 2 vế : 'ra đường' và 'về nhà'. 'Ra đường', hay
đang khi đi đường, Chúa Giêsu báo một tin gây hoang mang ; và 'về nhà' Chúa tuyên bố một câu đầy kinh
ngạc.
1. "Ra
đường" Chúa báo một tin gây hoang mang.
Lời báo gây hoang mang đó là lời "Con Người sẽ bị nộp vào tay người
đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày bị giết chết, Người sẽ sống
lại." Đây là lần thứ hai Chúa báo tin này. Lần đầu báo tin này, được Phêrô đại diện anh em khuyên can, bị Chúa
Giêsu dán nhãn Satan ngay cho Phêrô, “Satan, xéo ngay !”. Lần thứ hai này, ở
ngoài đường, ồn ào, nên các môn đệ làm bộ điếc, lãng tai, bàn chuyện khác. Chúa
Giêsu nói gà, các tông đồ nói vịt. Chúa báo tin buồn, sẽ bị giết ; các môn đệ
bàn tin vui : ai sẽ làm tể tướng trong triều Vua Giêsu. Còn nếu thầy Giêsu sẽ
làm Giáo Hoàng, ai trong chúng ta sẽ làm quốc vụ khanh đây !
Làm
sao một Đấng Kitô lại đau khổ được, lại còn bị giết. Một cái chết được báo
trước như thế, mà không phải cái chết của căn bệnh, tuần tự nhi tiến, thế nào
cũng chết, mà 'bị' chết, do người ta 'giết'. Quả thật, nếu tôi là môn đệ theo
Chúa xưa kia, tôi cũng không hiểu nổi, mà ngay cả bây giờ theo Chúa nhiều năm
vẫn không hiểu tại sao Chúa lại chọn cái chết đau thương như thế.
Ta
bước chân vào nhà Chùa, thấy lòng an tĩnh, vì tượng Phật ngồi mỉm cười, tĩnh
an. Ta bước chân vào Nhà Chúa, thấy tượng chuộc tội thật thảm thương, nhiều trẻ
em khóc thét khi gặp lần đầu. Một số nhà thờ kinh hoàng hoá bằng hình tượng
Giê-su máu chảy thịt rơi, trông thật khiếp sợ. Làm sao hiểu nổi cảnh như thế !
Thật
ra ta chỉ hiểu phần nào, khi chính ta đau khổ, ta nhìn lên Chúa cũng đang khổ
đau, ta thấy sao ta được an ủi thế này. Tôi bảo đảm với anh chị, khi bệnh tật,
thất vọng, vác thập giá, mà nhìn lên thánh giá, thấy bình an hơn là nhìn lên
một đấng an bình mỉm cười. Những lúc đó ta có thể nói, "thấy người ta khổ
thế này, mà còn cười" ! Trong khi đó nhìn lên đấng chịu đóng đinh, tin đó
là Chúa, mà cũng phải chịu khổ như vậy, ta thấy nỗi khổ của ta sẽ nhẹ tênh.
Vì
khổ đau ít ai hiểu nổi, nên ngay cả khi sống lại rồi, Chúa vẫn còn phải giải
thích cho các đồ đệ, rằng "phải qua
đau khổ mới được vào vinh quang". Trên đường Emmaus Chúa đã trách hai
đồ đệ “ngu đần, chậm hiểu” lời Kinh Thánh !
'Ra đường hỏi người già'.
Người già là người biết nhiều, nhưng người già cũng là người biểu tượng cho 'đau yếu, khổ buồn'. Chúa ra đường, nói
về thân phận đau khổ, chết chóc. Và 'về
nhà, hỏi con trẻ'. Chúa về nhà, cũng có nhắc tới con trẻ thật.
2. "Về
nhà", Chúa tuyên bố một câu đầy kinh ngạc.
Câu
kinh ngạc là khi các môn đệ bàn tính xem ai sẽ đứng đầu, thì Chúa nói "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người
rốt hết, và làm người phục vụ mọi người". Nói thành tục ngữ có vần, sẽ
là : “Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên
hạ.” Một ví von thật mâu thuẫn, tựa như điều ta hay nghe : cán bộ lớn đi xe
con, cán bộ con đi xe lớn (xe bus) !
Nhìn
vào xe con, ta biết ngay ai làm lớn, ai làm bé. Chắc chắc người ngồi băng sau,
xa tài xế, là lớn. Vào phòng khách, ai đang ngồi hút thuốc uống trà là lớn ; kẻ
cầm ly, đưa nước là bé. Nhưng Chúa dạy ngược lại ! Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu
lầm, Đức Giêsu không chủ trương đảo lộn tất cả, biến kẻ ở địa vị cao thành
người nhỏ và cho kẻ ở địa vị thấp thành người lớn đâu. Tiêu chuẩn Chúa đưa ra
để đánh giá một người, ấy là sự 'phục vụ'. Như thế ai biết phục vụ thì
là người lớn. Còn kẻ không phục vụ thì là người nhỏ. Người ở địa vị cao mà biết
phục vụ thì vẫn là người lớn, còn kẻ ở địa vị thấp mà không phục vụ thì cũng
vẫn là người nhỏ. Nghĩa là : giá trị của một con người không phải do địa
vị của người đó, mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
Để
minh hoạ cho bài học này, Đức Giêsu đưa một em bé đến, đặt giữa các ông và nói
: “Ai tiếp đón (phục vụ) một em bé là tiếp đón (phục vụ) Thầy”. Em bé ở
đây là biểu tượng cho người không có gì (để đáp trả), người bị lãng quên (ở Do Thái,
chứ không phải ở Mỹ để mà tôn trẻ em lên hàng nhì, sau lady first !), trẻ em là
người bị loại trừ (“trẻ em đi chỗ khác !”)… Phục vụ những người đó, mình mới
đúng là người lớn nhất. (Ngày nay, những người không có gì, những người bị lãng
quên, bị loại trừ nhan nhản đầy đường !)
Ra
đường nói về người già (đau khổ), về nhà nói tới con trẻ (làm lớn là phải phục
vụ kẻ không có gì).
Có một người già đã trở thành lớn nhất
khi phục vụ cho con trẻ (bị bỏ rơi), cho người cùng khốn trong xã hội. Người
già đó vừa nhỏ vừa thấp, cao không tới mét rưỡi, với làn da nhăn nheo và bàn
chân phải có sáu ngón, dáng người xem ra chẳng có gì hấp dẫn. Vậy mà con mắt
thì sáng rực toát ra sức chinh phục, và vẻ thu hút phát ra từ một tình thương
yêu vô hạn. Đó chính là mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ lãnh giải Nobel Hòa Bình năm
1979 và bao nhiêu danh dự khác nữa, nhưng mẹ nhận với lòng khiêm tốn thẳm sâu.
Mẹ lãnh thay cho những người nghèo khổ mà thôi. Cả nước Ấn Độ đa số theo Ấn
giáo mà lại tổ chức quốc táng cho một người nữ tu Công Giáo với danh dự cao
nhất thì kể cũng lạ thật.
Khi còn sống, mẹ thường kể : "Khi có người bảo tôi rằng các chị Dòng
chẳng biết làm chuyện gì lớn lao cả, mà chỉ biết làm những chuyện âm thầm nhỏ
bé thôi, thì tôi đã trả lời: ngay dù các chị chỉ giúp được một người thôi thì
cũng được rồi; Chúa Giêsu sẵn sàng chết cho một người, cho một tội nhân cũng
đủ."
Mẹ nói tiếp : “Chúng tôi cảm thấy công việc chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước
trong biển cả. Nhưng tôi nghĩ nếu giọt nước không có trong biển cả thì biển cả
sẽ hụt đi vì thiếu một giọt nước đó.”
Giọt nước đó là gì, ta hãy nghe thêm : "Một số người tới Calcutta, rồi trước
khi ra về đã xin tôi: "Xin nói cho chúng tôi một điều có thể giúp chúng
tôi sống tốt hơn". Và tôi đã nói: "Hãy
mỉm cười với nhau; hãy mỉm cười với vợ mình, với chồng mình, với con cái mình,
và mỉm cười với người khác, bất luận là ai. Điều đó sẽ giúp bạn thấy tình
thương yêu lớn lên". Và họ còn hỏi tôi: "Bà có chồng chưa ?"
Tôi trả lời: "Có rồi chứ, và tôi
cũng cảm thấy đôi khi khó mà mỉm cười được với chồng tôi là Đức Giêsu."
"Mà thật vậy, Đức Giêsu xem ra cũng rất đòi hỏi, và khi Ngài đòi hỏi
thì chỉ cần tặng Ngài một nụ cười tươi thì cũng đẹp lắm rồi". Ta phải nhớ,
Giêsu là em bé, là người không có gì, là người bị bỏ rơi, là người sống bên lề.
Hãy nở nụ cười với Giêsu. Đó là giọt nước giữa đại dương, nhưng thiếu nó, đại
dương thiếu một giọt nước.
Đường lối của mẹ rất đơn giản: Bắt đầu
ngay đi. Từng việc một. Việc này rồi tới việc kia. Bắt đầu từ gia đình, nói một
lời dễ thương với con cái, với chồng, với vợ. Bắt đầu giúp đỡ một người trong
cộng đoàn. Bắt đầu làm bất cứ việc gì, một việc gì đẹp cho Chúa. Làm việc đang
làm với tâm hồn vui tươi. Người đang hấp hối dưới gầm cầu là chính Chúa Giêsu
ẩn hình. Mỗi lần gặp Chúa Giêsu, hãy mỉm cười với Ngài. Mẹ đã từng nói với các
chị Dòng: "Nếu chúng con không muốn
mỉm cười với Chúa Giêsu, thì chỉ có cách gói đồ mà đi về thôi".
Hãy làm theo mẹ, và chúng ta sẽ không
hoang mang hay ngạc nhiên khi Chúa báo tin ở “ngoài đường” hay lúc đã “về
nhà.”
An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm