QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XIII Thường Niên, năm A
[2 V 4,8-11.14-16a; Rm 6,3-4.8-11; Mt 10,37-42]
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/46CzO4X
Có
khá nhiều đề tài cho bài giảng hôm nay mà ta có thể rút ra được từ đoạn Tin
Mừng vừa nghe. Nào là điều kiện theo Chúa (điều kiện nào); nào là vác thập giá theo
Ngài (thập giá nào, vác làm sao); và cái "nào là" thứ ba là cái tôi
muốn nói, đó là về tấm lòng: lòng hiếu khách: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp
Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần
thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một
người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng
dành cho bậc công chính”.
Đón tiếp cũng chính là điều mà Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ,
vì bài đọc I, theo chỉ dẫn của Phụng Vụ, là nhằm minh hoạ, nhằm nói rõ hơn cho
bài Tin Mừng, thì chính bài đọc I hôm nay nói về một cuộc đón tiếp, nói về lòng
hiếu khách.
Tôi
nhớ trong một chương trình “chiếc nón kỳ diệu,” có 9 ô chữ đang được ẩn giấu
với câu hỏi là: “Người ngoại quốc, khi đến
Việt-Nam, họ thường khen người Việt về điểm gì”. Lòng “hiếu
khách” chính là câu trả lời trúng. Do đó hiếu khách không xa lạ
gì đối với người Việt ta, vì đó là nét đẹp của dân tộc. Nhưng một dân tộc khác cũng có nét đẹp này không kém, mà
có khi hơn, đó dân của Chúa Giêsu: dân Israel.
Thánh Kinh ghi lại ít là ba cuộc
tiếp đón rất đẹp và rất dễ thương
1) Abraham thấy 3 người khách lạ đang đi
trong sa mạc. Ông chạy ra năn nỉ họ vào nhà và ân cần chăm sóc họ. Đó là 3 sứ
giả của Thiên Chúa, mà hoạ sĩ người Nga Roublev đã vẽ lại, và bức tranh này trở
thành danh hoạ, được xem như diễn tả chính Ba Ngôi. Đáp lại tấm lòng của
Abraham, 3 sứ giả này ban ơn cho vợ chồng son sẻ Abraham có con trai đầu lòng
(St 18): “Độ này sang năm, bà sẽ sinh cho ông một
con trai”. Bà Sara cao niên, là vợ ông Abram lớn tuổi,
nghe được, cười thầm trong lòng mà lớn thành tiếng haha, khiến 3 vị khách nghe
ra được.
2)
Một gia đình ở Sunêm chẳng những tiếp đón ngôn sứ Elisa, mà còn dọn hẳn cho ông
một căn phòng để những lần sau ông tới có chỗ trọ. Đáp lại, Elisa cũng giúp họ
thoát khỏi tình trạng son sẻ (bài đọc I) :
“Một
hôm, ông Êlisa đi qua Sunêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại
dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng:
‘Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của
Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách,
rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như
thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.’ Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui
vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông nói với Giêkhadi, tiểu đồng của ông: ‘Đi
gọi bà Sunêm.’ Nó đi gọi bà và bà đến trước mặt nó. Ông Êlisa bảo nó: ‘Hãy nói
với bà ấy: Bà đã quá lo lắng bận rộn vì chúng tôi. Chúng tôi biết phải làm gì
cho bà đây? Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy
quân đội cho bà không?’ Bà trả lời: ‘Tôi sống yên hàn giữa dân tôi.’ Ông Êlisa
nói với tiểu đồng: ‘Nên làm gì cho bà ấy?’ Gikhadi đáp: ‘Tội nghiệp, bà ấy
không có con trai, mà chồng thì đã già.’ Ông Êlisa bảo: ‘Đi gọi bà ấy.’ Nó đi
gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa. Ông Êlisa nói: ‘Vào thời kỳ này, vào độ
này sang năm, bà sẽ được bế con trai.’ Bà mới nói: ‘Không, thưa ngài, người của
Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!’ Quả nhiên, bà ấy có thai, và năm sau,
vào thời kỳ, vào độ mà ông Êlisa đã nói, thì bà sinh con trai”.
3) Gia đình Matta, Maria và Lazarô ở
Bêtania là nơi thường xuyên tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Đáp lại, Đức
Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại.
Qua những gương mẫu trên ta rút ra hai kết
luận:
1) Phải
mở lòng mới hiếu khách được. Nói kiểu khác phải quảng đại mới có thể tiếp đón
bất cứ ai. Hiếu khách không vì
hậu ý kiếm lợi, mà rất nhiều khi ngược lại, thiệt nhiều hơn: thiệt của, hao
tiền, tốn giờ, tổn sức…:
-Abraham lo cho 3 người khách kia đi
trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy lại sức;
-Gia đình ở Sunam lo sợ ngôn sứ Elisa
phải bơ vơ tứ cố vô thân ở một miền đất lạ, gia đình này đâu mong được gì. Khi
ngôn sứ Elisa hỏi: “Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với
tướng chỉ huy quân đội cho bà không?" Bà trả lời: "Tôi sống yên
hàn giữa dân tôi.";
-Gia đình Bêthania thì muốn Đức Giêsu và
các môn đệ được nghỉ ngơi sau một thời gian mệt mỏi vì công việc rao giảng Tin
Mừng. Nhiều nơi gọi nhà tiếp đón khách là nhà
Betania.
Không mong lợi lộc gì, đó là kết luận 1.
Và kết luận 2 là :
2) Người
hiếu khách, tuy không mong lợi lộc gì, nhưng Chúa sẽ trả công bội hậu.
Trong cả 3 mẫu gương Kinh Thánh ta vừa
nêu, phần thưởng Chúa trả là cái quí giá nhất của đời người: sự sống. Hai đứa
con trai đầu lòng cho hai đôi vợ chồng son sẻ, và đặc biệt đứa con trai trong
bài đọc I hôm nay lâm li hơn nữa:
Đứa trẻ lớn lên. Một ngày kia, khi đi
kiếm cha nó ở giữa những người thợ gặt, nó nói với cha: "Ôi, cái đầu con!
Cái đầu con!" Người cha bảo anh đầy tớ: "Bồng nó về cho mẹ nó."
Người tớ trai bồng nó, đem về cho bà mẹ. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối bà đến trưa,
rồi nó chết. Bà lên đường và đi đến với người của Thiên Chúa ở núi Các-men, bà
nói: "Nào tôi có xin ngài cho tôi được đứa con đâu? Tôi đã chẳng nói:
"Xin đừng đánh lừa tôi, đó sao?" Ông
đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện
với ĐỨC CHÚA. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên
miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm
trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm
trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra. Ông Êlisa gọi Giêkhadi và
bảo: "Đi gọi bà Sunêm." Nó đi gọi bà; bà đến với ông, ông nói: "Bà hãy đem con đi!"
Còn gia đình Matta và Maria ở Betania
thì mạng sống được trả lại cho Ladarô đã chết 4 ngày. Chúa là Đấng rộng lượng từ bi không bao giờ chịu thua
lòng quảng đại của con người. Con
người tiếp các sứ giả của Ngài, Ngài sẽ trả lại vật quí hơn hết: sự sống, kể cả
sự sống đời đời.
Nhiều cá nhân, nhiều dòng, nhiều chùa,
nhiều nhà thờ có hình thức các “căn nhà mở” để
đón tiếp những kẻ cơ nhỡ, tật nguyền nghèo đói đến trú ngụ ở ăn. Thật đáng
phục.
Giáo xứ Vĩnh Phước chúng ta có cơ ngơi
đón tiếp các đoàn ghé qua, hãy quảng đại đón tiếp. Giáo xứ lại có các khoá cầu
nguyện Lời Chúa, cung cấp chỗ ăn chỗ ở miễn phí
cho những người đến dự tuần cầu nguyện. Hiếu
khách với những người anh em bé nhỏ của Chúa, Chúa sẽ trả lại những gì ta không
ngờ. Xin nhắc lại lần nữa: Chúa không chịu thua
lòng quảng đại của ta đâu.
Hôm nay, Chúa đã công khai hứa ban
thưởng cho những ai tiếp đón giúp đỡ các môn đệ của Chúa. Dù chỉ cho môn đệ một chén nước lã thì Chúa cũng trả
công. Mà sự trả công của Chúa thì vô cùng bội hậu. Amen
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại