Tôi cố quan sát nhiều nơi và
suy nghĩ nhiều lần để tìm xem có hình ảnh nào ở Việt Nam tương đương được với hình ảnh
người chăn chiên và con chiên không. Con chiên, con cừu thì ở nước ta một vài
nơi cũng có nuôi, như vùng Phan Rang khô cháy. Ở đó có những con chiên trụi
lông hoặc lông dính túm, chỉ đáng gọi là con chiên ghẻ ! Còn hình ảnh con bò
thì sao ? Thiên Chúa là kẻ chăn bò, ta là con bò. Không tương đương nổi ! Chăn
trâu càng không giống với chăn chiên. Lùa vịt : càng khó so sánh. Chăn heo lại cực
khó nghe. Vì không tìm được một hình ảnh tương đương nào để ta dễ hiểu, nên ta
cứ phải lấy chính hình ảnh đàn chiên, người chăn, tìm hiểu, nghe giải thích để
ta phần nào nắm bắt được tại sao Chúa lại ví mình như mục tử chăn chiên.
Người chăn chiên tốt lành
thì thế nào ? Xin đưa ra 3 hình ảnh:
1) Đi trước đàn chiên. Dùng theo từ
của quân đội thì gọi là trinh sát. Trinh sát là phải đi trước để dẫn đường để
thăm dò. Người mục tử tốt lành cũng đi trước trông ngóng, nhìn xa, xem nơi nào
có suối nước, nơi nào có đồng cỏ thì dẫn chiên đi. Thánh vịnh 22 diễn thật hay
: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu
thốn chi. Trong đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ.
Các khách hành hương đến
thăm thánh địa thường được hướng dẫn viên chỉ cho xem hình ảnh chăn chiên ta
vừa kể : người chăn đi trước, các con chiên ngoan ngoãn theo sau. Khách hành
hương nghe và thấy thì trầm trồ khen ngợi. Nhưng cũng lúc khách hành hương thấy
có đàn chiên, mà người chăn đi sau, chiên đi trước, chạy tán loạn. Khách hỏi
người hướng dẫn, thì được trả lời, đó không phải là mục tử, mà là sát tử, không
phải người chăn chiên mà là kẻ lùa chiên đến lò sát sinh !
Đức giáo hoàng Phanxicô thì
nói đến 3 vị thế của kẻ chăn chiên: lúc đi trước để dẫn đường như ta vừa phân
tích; lúc đi giữa để “ở với con chiên;” lúc đi cuối để giúp đỡ những con yếu ớt
bị bỏ lọt lại sau. Nhưng đi trước đàn chiên vẫn là hình ảnh nổi bật.
2) Thí mạng vì đàn chiên: tức sẵn sàng
chết để đàn chiên sống. Khi sói đến tấn công, kẻ làm công thì trốn chạy, còn
chủ chiên thì chiến đấu, dẫu hiểm nguy tính mạng vẫn chống cự để giữ chiên.
Hình ảnh này ta khó hiểu vì ta không thấy được có người chủ chăn nào lại liều
chết để cứu đàn vật. Bởi đi chăn bò,
chăn trâu thì thường là kẻ làm công. Chẳng ai liều chết cả. Còn nếu là chủ –
nếu thôi, thì cọp tới, chủ cũng lo chạy trước. Vì thế khi Chúa Giêsu nói người chăn chiên tốt
thí mạng vì đàn chiên, ta không hiểu nổi.
Nhưng điều này ta hiểu được
: người mẹ sẵn sàng chết thay cho con.
-Chuyện có thật xảy ra tại
Achentina: bé Angela bị ung thư bao tử,
bệnh hiếm gặp nơi trẻ em, vậy mà bé bị. Sau mấy lần giải phẫu chữa trị,
bác sĩ Joan Cortez, đành bó tay và báo
tin buồn cho mẹ đứa bé: bé đang chết. Mẹ em bé gần như hoá điên trước tin này.
bà không cho ai đụng vào thi thể em bé và bà quì cầu nguyện lâu giờ bên giường
em bé. Bác sĩ Cortez nghe được lời cầu của bà như sau : Bà xin Chúa để bà chết
thay cho con. Bác sĩ cảm động mời mọi người ra ngoài, chỉ để một mình bà mẹ với
em bé. Một lát sau khi trở lại, bác sĩ Cortez
không tin vào mắt mình nữa. Bé Angel đứng bên giường vẻ khoẻ manh. Còn
bà mẹ gục đầu trên giường giọng thều thào: “Chúa
đã nhận lời tôi”. Bác sĩ cho làm một số xét nghiệm thì quả thật căn bệnh
của đứa bé đã chuyển qua bà mẹ. Bà bị ung thư bao tử. Khi thân nhân xúm lại hứa
chăm sóc Angel, Bà mẹ ít giờ sau tắt thở.
-Cũng có nhiều bà mẹ khi
mang thai mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng không uống thuốc vì thuốc trị bệnh hiểm
nghèo thường là có tính độc cao, gây hại cho bào thai. Vì thế bà mẹ chấp nhận
cho cơn bệnh hành hạ mình cho tới khi sinh được đứa bé con vuông thì mẹ đã
không tròn, mẹ chết cho con sống. Chúa chiên chết cho con chiên được sống.
-Ngày 24/4/1994 Đức Thánh
Cha đã tôn phong chân phước cho hai bà mẹ gia đình mà một trong hai đó là bà Gianna
Beretta Molla, người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Trong
lá thư bà viết để lại, có những dòng cảm động này: “Thân ái gửi con… Khi con
đọc được những dòng chữ này thì mẹ không còn thở chung với con một bầu khí nữa…”.
Bà bị ung thư khi mang thai, và từ chối hoá trị, xạ trị, để bào thai lớn lên an
toàn, còn bà lìa đời, khi con vừa chào đời bình an.
Trong bài giảng thánh lễ
phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong
trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở một mức độ anh hùng trong con
tim của bà mẹ.” ĐTC nói tiếp: “Ngày
hôm nay chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà cả bao
nhiêu bà mẹ khác nữa, không quản ngại hy sinh để giáo dục và hướng dẫn con cái
(như mục tử chăm sóc đàn chiên).” Năm 2003 bà Gianna Beretta Molla được
phong thánh.
3) Đi tìm con chiên lạc.
Một ngày kia chú chiên con
tìm được một lỗ trống nơi hàng dậu. Chú bèn trốn đi bằng lối ấy. Chú thích thú
rong chơi, dần dần đi sâu vào rừng và không tìm được lối về. Bấy giờ chú chiên
con thấy mình bị sói rình rập, chú chạy nhưng càng chạy thì sói càng rượt theo
và đã đến kề bên phút giây kinh hoàng đó, thì người chăn chiên đến kịp thời,
đuổi lão sói và âu yếm ẵm chú chiên con trở về.
Chúng ta nghe câu kết : “mặc dầu người ta nhiều lần khuyên bảo, nhưng
người chủ chiên (mục tử) đã không muốn rào kín lỗ trống nơi hàng dậu ấy !”
Câu chuyện này không chỉ nói
về chiên. Bởi nếu là chiên thật, thì ta đã rào kín. Nhưng chuyện này nhân con
chiên mà nói về người (nhân cách hoá). Con người có đạo ở trong Giáo Hội như ở
trong chuồng chiên. Ở hay đi ta được tự do. Không ai xích ta lại được, không ai
bịt được lối chui. Như vậy thì kẻ ở lại mới có công. Nhưng kẻ ra đi, thì chủ
chăn tốt lành vẫn tìm cách đưa về. Còn chủ chăn tầm thường thì nói gọn lỏn : “Bây muốn đi đâu thì kệ bây !”
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa ví mình như mục tử chăn chiên, đi tìm chiên lạc không phải chỉ những con
chiên từ chuồng, từ đàn tách ra mà cả những con chiên chưa có bầy có chuồng, ngài
cũng dẫn đưa về, để cuối cùng chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.
Đi trước đàn chiên, thí mạng
vì đàn chiên, và đi tìm chiên lạc.
Chi mới liệt kê 3 công việc
đó của người mục tử tốt lành đã thấy người mục tử phải vững mạnh hy sinh như
thế nào. Con người, nào sức ai làm nổi nếu không có Chúa. Xin anh chị em cầu
nguyện thêm để những mục tử của anh chị em phần nào giống được gương mẫu mục tử
tốt lành Giêsu. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh,
ofm