Tối nay lễ Vọng Phục Sinh. Chưa phải là lễ Phục Sinh.
Thực ra, chẳng biết Chúa sống lại lúc nào. Nhưng sáng sớm ngày thứ
nhất, ra mộ, thấy “đã” sống lại. Cho
nên chắc ăn, ngày mai mới mừng Chúa Sống Lại.
Nhưng tối nay, Vọng, mà như đã Phục Sinh. Không tin cứ xem phụng vụ
: Chúa là Ánh Sáng, ca tụng Ánh Sáng, nếu còn nằm trong mồ làm sao có ánh sáng
; các bài đọc, xướng Alleluia long trọng, bài Tin Mừng tường thuật sống lại ;
chuông đổ vang hồi với Gloria.
Trong khi đó, thì niềm tin của chúng ta là “ngày thứ ba sống lại,”
chứ không phải ngày thứ hai ! (chết 3g chiều qua, thứ sáu, hôm nay mới thứ bảy,
tức “ngày thứ hai” !)
Vậy dẫu sao tối hôm nay cũng cứ còn trong mộ, đang chết, nhưng lại
như đã sống.
Ve sầu hỏi Chúa Tạo Vật:
“Có thứ gì vừa có đầy đủ sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự
chết không?”
“Có chứ,” Chúa Tạo Vật trả lời, và tiếp: “Hạt
giống của lúa, lúa mì và tất cả các hạt, chúng nó đều là vừa sống vừa chết; vừa
chết vừa sống”.
Đúng là hạt lúa mì nếu không chết đi
(chôn trong đất) thì cũng không sống lại (trỗi dậy) nảy sinh nhiều bông hạt
khác. Hạt lúa : nếu phơi khô – ướp lạnh – cất kỹ – vẫn là hạt lúa. Nhưng
nếu, chôn dưới đất, cho thối đi, rã đi, chết đi, sẽ sinh ra cây lúa tốt tươi.
Hình ảnh hạt lúa này chính Chúa Giêsu đã dùng: nếu hạt lúa mì gieo
xuống đất mà không chết đi…. Và thánh Phaolô đã nói tới khi trả lời trong thư
1Corinto 15. 35-38: “Nhưng có người sẽ
nói : kẻ chết trỗi dậy thế nào ? Họ lấy thân thể nào mà trở về ? Đồ ngốc ! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết
mới được sống. Cái ngươi gieo không phải
là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay
một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó
một hình thể như ý Người muốn : giống nào hình thể nấy.”
Nếu Chúa Giêsu là nhà sinh vật, chắc hẳn Ngài sẽ lấy một hình ảnh
khác ghê sợ nhưng thơ mộng để chỉ “có thứ gì vừa có đầy sức sống, nhưng đồng
thời cũng có đủ sự chết không.” Đó
là hình con sâu bò dưới đất.
Khi nhìn một con bướm ngày đẹp đẽ, có ai lại nghĩ rằng nó thoát xác
từ một con sâu róm lông lá xấu xí, phải bò phải chui dưới lá cây bùn đất ? Sâu
nào ra bướm đó. Sâu càng xấu càng ra bướm đẹp. Sâu phải chết mới thành bướm
bay. Nơi con sâu có màu sự chết và có mầm sự sống.
Bởi thế Đêm nay, Chúa còn đang chết, nhưng Chúa đã sống lại. Đêm
Vọng Phục Sinh, mà đã là Ngày Phục Sinh.
Chúa Giêsu là hạt giống Nước Trời được gieo vào thế gian vừa có đủ
sự chết nên Ngài đã chết, vừa có đủ Sự Sống nên Ngài đã sống lại.
Mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta đều có sự chết và phục
sinh của Chúa Giêsu : đó là khi chúng ta hy sinh, khi chúng ta hãm mình là
chúng ta chết cho tội và sống trong ân sủng của Thiên Chúa; khi chúng ta nhịn
nhục, khi chúng ta phục vụ là chúng ta chết cho cái tôi và sống lại trong Thần
Khí của Chúa Giêsu...
Không phải chỉ đúng Đêm Vọng Phục Sinh, ngày lễ Phục Sinh chúng ta
mới “sống lại”, nhưng tình yêu của Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta chết và sống
lại mỗi ngày, bởi vì mỗi người trong chúng ta là những mảnh đất tốt để hạt
giống Lời Chúa nẩy mầm và phát triển đến môi trường chung quanh chúng ta.
Sẽ không ai biết Chúa Giêsu chết như thế nào và sống lại ra sao,
nếu mỗi người trong chúng ta không đem đời sống của mình ra để làm chứng cho
Chúa Giêsu Phục Sinh, mà chứng cớ sống động nhất chính là chúng ta sống như
Chúa Giêsu đã sống : yêu thương, phục vụ và tha thứ. Cứ thử phục vụ và nhất là tha thứ đi, là biết thế nào là chết đi và sống lại – Amen, Alleluia.
Anphong Nguyễn Công Minh
(lấy câu chuyện ve sầu từ Lm Nhân Tài)