QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa nhật 4 mùa Vọng A
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3WaEidy
Trong
các sách Tin Mừng tuy dành rất ít đất cho Giuse (*), nhưng vai trò của thánh
Giuse trong chương trình của Thiên-Chúa-làm-người khá quan trọng. Có người mạnh
miệng nói, rất quan trọng! Ta chỉ
dùng, quan trọng. Quan trọng vì Giuse
cho Giêsu 3 điều: (1) cho Giêsu được sống (2) sống trong gia đình (3) gia đình thuộc
hoàng tộc.
1. Cho Giêsu được sống
Nếu
không có Giuse, Giêsu không chào đời được. Bởi chẳng cần đợi đến ngày chào đời,
khóc một tiếng rồi chết, mà ngay khi còn trong dạ mẹ, Giêsu đã bị ném đá chết
cùng với mẹ mình là Maria. Một người nữ chưa về nhà chồng mà có thai với ai đó,
Việt Nam ta cạo trọc đầu bôi vôi, nhưng luật Môsê là: đem ra ngoài thành ném đá cho đến chết.
Thế
kỉ 21 rồi, mà luật Hồi Giáo cũng mạnh tay như vậy, khi tại Nigeria bà kia có
thai, cương quyết không khai tác giả, bị toà sơ thẩm kết án tử hình. May sao
nhờ sự can thiệp của quốc tế, kể cả của ĐGH, và Tổng Thống sở tại hứa xem xét,
nên toà cao hơn đã tha bổng. Tôi có lưu
lại mẩu tin cùng với hình của bà ôm đứa nhỏ khóc vì vui, nhưng đêm qua tìm lại
mãi không thấy vì bà nấp đâu kỹ quá (trong máy vi tính)!
Còn Maria thì không thể nấp kỹ được, nên chỉ còn lãnh đá ném,
nếu Giuse không đem Maria về nhà mình. Thế là Giuse đã cho Giêsu sống.
Tại
một sa mạc bên Phi Châu, tu sĩ Caretto, Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, nghe biết có
cô gái kia khoảng 14 tuổi mà đã được nhắm để gả cho một chàng trai cách trại bố
mẹ cô khá xa. Trong thời gian chờ đợi ngày cưới đến, cô gái vẫn tiếp tục đi kín
nước và làm việc nội trợ như thường. Bẵng một thời gian khoảng 2 năm sau, tình
cờ tu sĩ Caretto gặp bố cô gái. Tu sĩ hỏi xem con gái của ông đã về nhà chồng
chưa. Bố cô gái bối rối không muốn trả lời. Chiều đến khi đi kín nước tại lưu
vực cách trại vài trăm mét, tu sĩ Caretto đã gạn hỏi người đầy tớ của bố cô
gái. Người đầy tớ này cũng không dám lên tiếng trả lời, mà chỉ ra hiệu cho
biết: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết (Châu Phi không có tục ném đá). Tại sao vậy?
Vì
người ta đã khám phá ra cô gái ấy có thai trong thời gian chờ ngày về nhà
chồng, nên vì danh dự, người ta đòi buộc cô sự hy sinh vừa nói, cô bị bóp cổ
chết. Một cái chết giết luôn hai sinh mạng: cô gái và thai nhi trong bụng.
Nhưng nếu có một Giuse nào đó đứng ra, chắc cô và con cô không chết.
Nhiều
bộ tộc, và cả một số làng bên Ấn Độ hiện nay, người cha sẽ đích thân giết con
gái của mình ngay, nếu cô ta có thai trước ngày cưới. Họ xem đó là vì danh dự,
vì lệnh, vì luật! Còn trường hợp Maria nhờ Chúa
quan phòng cho có Giuse, nên Giêsu được sống.
2. Cho Giêsu được sống trong gia đình
Nếu
thời đó (thời Maria-Giuse) có sự can thiệp của quốc tế, -một chữ
"nếu" chẳng bao giờ xảy ra-, mà Maria không bị ném đá, khi Giuse lìa
bỏ Maria cách kín đáo, thì thử hỏi Maria có sống nổi không khi nhà cửa chẳng giàu
có gì, khi Nazaret quê hương là một thôn làng chẳng ai biết đến, như Nathanael:
Nazaret nào có chuyện gì lạ hay!
Bởi
thế nếu không có Giuse, thôn nữ Maria sinh ra Giêsu, biết lấy ai làm chỗ dựa.
Có thể là còn ông bà ngoại Gioakim Anna, nhưng đây là ta đã có một chữ “nếu” to
tướng, nếu Maria không bị ném đá, Giêsu được sinh ra. Và sinh ra không có cha.
Ông bà ngoại đâu phải là cha. Đi học các bạn cùng lớp hỏi “bố mầy đâu,” về nhà Giêsu hỏi: “mẹ, ba con đâu,” Maria
biết trả lời sao. Bởi thế, trong kế hoạch nhiệm
mầu của Thiên Chúa, Chúa Cha muốn Con của mình giáng sinh trong một gia đình có
cha có mẹ, như chính Ba Ngôi là một gia đình.
Trong
gia đình nhân loại, người cha là chỗ dựa cho vợ con. Mà quả Giuse là chỗ dựa
thật sự, nhất là khi ấu vương Giêsu trốn chạy qua Ai Cập. Chắc gia đình nào
chạy loạn, 68 Mậu Thân, 72 đỏ lửa, 75 loạn ly sẽ thấy được nhà nào có người cha là thấy an tâm hơn. Tôi không nói, nhiều nhà người mẹ đóng vai trò thật
xuất sắc khi vắng cha, hay khi người cha không đáng là chỗ tựa. Nhưng bình
thường lúc có việc, nơi tựa vững chắc vẫn là người cha.
Thế
là vai trò của thánh Giuse đối với Giêsu: cho Giêsu được sống (tuy hơi quá, vì Thiên Chúa mới cho sống!), và cho Giêsu được sống trong gia đình. Và cái “cho”
thứ ba là:
3. Cho Giêsu được sống trong
gia đình hoàng tộc
Cách
đây ít lâu, ta thấy có bài báo đăng tin người cuối cùng của dòng tộc của vua
Nguyễn, sống ẩn dật tại Cần Thơ, chứ không phải tại Huế hoàng triều. Giuse coi
vậy chứ cũng thuộc dòng dõi vua chúa, và là vua nổi tiếng, Đavit chứ không phải
Saulê. (Luca thuật biến cố truyền tin đã nói một trinh nữ thành hôn với một
người tên là Giuse, thuộc dòng tộc vua Đavít. Còn
sứ thần nói trong giấc mộng với Giuse của sách Tin Mừng Matthêu thì: Này Giuse, con vua
Đavit). Lẽ ra Giuse phải ở tại
miền Nam có Giêrusalem là kinh đô, nhưng vì lý do nào đó đã lưu lạc lên phía
Bắc, vậy mới đính hôn được với thôn nữ Maria, người Nazaret. Khi kiểm tra dân
số, Giuse phải đưa vợ mình là Maria về quê Đavit để khai sổ bộ.
Tại
sao lại cần có Giuse để Giêsu nhập hộ hoàng gia. Lý do là lời tiên báo của các ngôn sứ loan rằng Đấng Cứu Thế phải xuất
thân từ dòng dõi Đavit, chi tộc Giuđa. Maria
nếu bà con gần với Zacaria, chắc thuộc chi tộc Lêvi, còn nếu là bà con gần với
Elizabet thì chẳng biết thuộc chi tộc gì. Có người nói, Maria cũng thuộc hoàng
tộc Đavit, dẫu vậy, vẫn chưa đủ, vì Israel theo chế độ phụ hệ, quan trọng là
người cha. Chính
anh sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu. Bởi thế cần có một người cha nhân loại, thuộc dòng
tộc Đavit, để các lời loan báo về Đấng Thiên Sai (Messia) ứng nghiệm. Cái “cho” thứ ba này nặng ký lắm đối với dân
kinh sư và luật sĩ, bị điều họ không chịu nhận ra thôi, chứ nếu Giêsu không
thuộc dòng dõi vua Đavit, là họ dễ dàng phi bác cái một. Đây là cái cho về mặt
pháp lý, về mặt luật (Kinh Thánh là
luật).
Vậy Giuse đã cho Giêsu 3 điều:
- được sống
- được sống trong gia đình
- được sống trong gia đình hoàng tộc.
Ngày
nay thánh Giuse cũng cho chúng ta, những người em của anh cả Giêsu nhiều điều.
Nhưng đó lại là đề tài của một bài giảng khác. Tuy nhiên những lời xướng trong
kinh cầu ông thánh Giuse là một gợi ý đáng giá về những cái cho mà thánh Giuse
dành cho chúng ta.
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại
____________
(*)
Trong 4 Chúa nhật chu kỳ ba năm A, B, C của Mùa Vọng (tức 12 bài Tin Mừng của
Mùa Vọng), Phụng vụ chỉ nhắc tới Giuse có một lần: CN IV năm A, Truyền tin cho
Giuse; hai lần cho Đức Mẹ (CN IV: Năm B và C); nhưng 6 lần cho Gioan Tẩy Giả
(CN II và III của cả 3 năm A, B, C)!