* Để nghe trên Youtube:
https://www.youtube.com/watch?v=BEP6fXNKHhI
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc
trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật XXII Mùa Thường Niên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (7,1-8a.14-15.21-23)
Khi ấy, những người biệt phái và mấy
luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người
dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo
đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không
dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà
không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình,
rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn
đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không
tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri
rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng,
nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những
giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên
Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng:
"Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong
con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra,
chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta
xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham
lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất
cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".
***
Bài chia sẻ Tin
Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Cái thanh sạch và cái ô uế
Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là một con người tự do.
Người tự do đối với gia đình của Người, tự do đối với nhà chức trách dân sự
hoặc tôn giáo, và tự do với cả Luật của Do Thái giáo. Chính vì thế, những người
Pharisêu và kinh sư khiển trách Người không tuân giữ những huấn
lệnh của Thiên Chúa.
Ðúng vậy, Chúa Giêsu thường chống đối những luật lệ
khi chúng bị biến thành những thứ trói buộc và áp đặt con người. Chúng ta nhớ
đến “bài giảng trên núi” và những câu
phản đề của Người: “Anh em đã nghe
Luật dạy rằng... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết...” (xem Mt
5,21-48). Chúa Giêsu phản ứng như thế, không phải để phá bỏ Lề Luật mà để Lề
Luật được hoàn thiện, vượt lên những chi tiết mà đi vào điểm chính yếu của
Luật.
Trong bài đọc I trích sách Ðệ nhị luật, ông Mô-sê
khuyên nhủ dân Israel không thêm, không bớt những giới răn và điều khoản của
Luật do Chúa trao ban. Nhưng theo thời gian, những thủ lĩnh tôn giáo của Israel,
ngoài Mười Ðiều Răn, còn thêm vào những tập quán, những truyền thống và những
quy định quá sức chi li, tỉ mỉ, như thể đó là một cách xác định căn
tính của dân Israel đối với các dân tộc khác, cũng như dấu chỉ cho một sự trung tín
ngay trong những chi tiết nhỏ nhoi.
Người ta kể rằng có một thầy tiến sĩ luật người Do
Thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống cầm chừng, nhằm mục đích kéo dài
cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng,
người ta phải mời một bác sĩ đến khám. Sau khi khám bệnh, vị bác sĩ nói rằng
ông ta bị thiếu nước.
Các viên cai ngục rất ngạc nhiên và không hiểu nổi sao
ông ta lại có thể thiếu nước, vì họ cung cấp khẩu phần nước đầy đủ cho mỗi
người. Thế là đám lính gác quan sát thầy luật sĩ ấy một cách kỹ lưỡng hơn, xem
ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, họ khám phá ra bí mật, đó là vị ấy đã
sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu
nguyện và ăn uống. Do đó ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.
Chúa Giêsu tố cáo những quy định triệt để đưa đến
nghịch lý thảm hại này: “Các ông gạt bỏ
điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Chúa không lên án họ về sự trung thành giữ các lề luật, nhưng
Người tố cáo họ vì quá nệ luật mà đánh mất đi lòng nhân, là cốt lõi của mọi lề
luật. Sự nguy hiểm của tất cả các tôn
giáo, đó là chỉ chú trọng đến việc sưu tầm các nghi lễ và học thuyết làm
ngăn cản người
ta đến được với giáo huấn đích thực của Đấng mà họ tin thờ.
Rửa tay trước khi ăn là một trong những truyền thống tôn
giáo của người Do Thái để phân biệt với người ngoại đạo bị coi là ô uế. Mỗi lần
đụng đến đồ cấm đều bắt buộc họ phải thực hành nghi thức thanh tẩy cách tỉ mỉ
sau đó. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những sự ô uế, những điều xấu xa không phải
do từ bên ngoài, mà xuất phát từ bên trong con người.
Hiện nay, người ta lên tiếng cảnh báo về những ô nhiễm
đang đe dọa đời sống con người: khí thải, rác thải, những
thực phẩm gây ung thư, v.v... Tất cả những ô
nhiễm này đến từ bên ngoài. Ngược lại, người ta lại ít quan tâm đến những ô
nhiễm tâm linh cũng nguy hiểm và đang đe dọa đời sống tinh thần và đạo đức của
con người không kém! Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dẫn chứng hàng loạt
những ý định xấu đến từ lòng người! Người kết
luận: “Tất cả những điều xấu xa đó... làm cho
con người ra ô uế”. Những người Pha-ri-sêu và kinh sư kia
chỉ quan tâm đến cái nhơ uế từ ngoài vào, còn Chúa Giêsu lại quan tâm đến cái
nhơ uế từ trong ra.
Lời
Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn sâu vào
tâm hồn mình để nhìn ra đâu
là cái thanh sạch, cái gì đang làm cho tâm hồn chúng ta ra ô uế, và can đảm
bước ra khỏi lớp mặt nạ để tự do sống cho sự thật. Chúng ta dễ bị cám dỗ chỉ
sống theo luật lệ. Chúng ta thi hành một
số luật nào đó để lương tâm cảm thấy bình an, như đi lễ, đọc kinh, ăn chay,
kiêng thịt đúng theo luật Giáo Hội, nhưng lại không để ý đến sự cằn cỗi của tâm
hồn mình. Thậm chí, nhiều khi chúng ta giữ luật để thấy mình tốt hơn người
khác, và chê trách anh chị em của mình.
Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn lại cách
thức chúng ta sống luật Chúa. Chúng ta sống và giữ luật làm sao để những luật
lệ, những cử chỉ, hình thức bên ngoài,... trở thành phương tiện để chúng ta
sống cụ thể điều răn của Chúa, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị
em mình.