* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/YT4_HTsOnEw
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc
trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật II Mùa Chay – Năm C
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (9,28b-36)
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và
Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác
thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với
Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ
thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy
vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa,
Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt
lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho
Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì
một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn
đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta
yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ
thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với
ai những điều mình đã chứng kiến.
***
Bài chia sẻ Tin
Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Chúng
ta hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu
Phêrô,
Giacôbê và Gioan là ba trong số các tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu; các ông
cũng là những người thường được Chúa Giêsu đưa đi riêng với Người trong những
biến cố quan trọng, nên có thể nói các ông biết về Người nhiều hơn những tông
đồ khác. Nhưng hôm nay, khi được Thầy Giêsu đưa đi riêng lên núi và được nhìn
thấy dung nhan vinh hiển của Người, thì ba ông mới nhận biết cách rõ ràng hơn
một chút về danh tính thần linh của Thầy mình.
Trong
cuộc biến hình trong vinh quang của Chúa Giêsu, có sự xuất hiện của hai nhân vật
chính của Cựu Ước là Môsê, đại diện cho lề luật của Thiên Chúa, và Êlia, đại diện
cho các Ngôn sứ. Luật và các Ngôn sứ tượng trưng cho toàn thể Kinh thánh Cựu Ước,
là tổng thể đức tin của người Do Thái. Với sự hiện diện của hai nhân vật Cựu Ước
này, thánh sử Luca cho chúng ta biết Chúa Giêsu chính là điểm tới của con đường
dài của dân Do Thái. Thời gian đã viên mãn. Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia mà
dân Do Thái đang mong đợi! Sự xuất hiện của Chúa Giêsu-Đấng Mêsia giờ đây được
Luật và các Ngôn sứ xác thực, cúi mình trước Người và nhường chỗ cho Người. Vì
thế, khi thị kiến chấm dứt, các ông “chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu”. Câu
này một lần nữa muốn khẳng định rằng, từ nay, chỉ duy một mình Chúa Giêsu là
người hoàn tất Lề Luật và làm ứng nghiệm lời các Ngôn sứ đã loan báo.
Trong
biến cố biến hình, thân phận thần linh của Chúa Giêsu không chỉ được xác thực
qua sự xuất hiện của hai nhân vật Cựu ước là Môsê và Êlia, mà còn có sự xác
thực của Chúa Cha trong lời phán từ đám mây “Đây là
Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. “Hãy vâng nghe lời Người”, đây là lệnh truyền không chỉ dành cho các tông đồ được chứng kiến
dung nhan thần linh của Chúa Giêsu, nhưng còn cho tất cả chúng ta nữa. Vì nếu
trong thời Cựu ước, Thiên Chúa đã dạy dỗ dân Người qua các ngôn sứ, thì ngày
nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta qua chính Con Một Người là Đức
Giêsu Kitô (x. Dt 1,1-2), qua Lời của Người.
Vâng nghe lời Chúa Giêsu là xác nhận Người chính là
Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế; chính Người là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6).
Vâng nghe lời Chúa Giêsu là chọn trở thành môn đệ
của Người, chọn Người là nguồn sống và là nguồn hạnh phúc đích thật, vì biết
rằng“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì... Người dẫn tôi
trên đường ngay nẻo chính... Dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa
ở cùng”(Tv 22), mà Tông đồ Phaolô đã xác quyết rất mạnh mẽ kinh nghiệm của mình: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại
được chúng ta?” (Rm 8,31)
Vâng nghe lời Chúa Giêsu thì không phải như ba tông
đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, muốn dựng lều ở lại trên núi với Chúa, xa lánh thế
gian để được sống yên hàn hạnh phúc trong những cảm nghiệm thần thiêng, nhưng
là sẵn sàng cùng với Người xuống núi và dám đối diện với những khó khăn thách
đố, những lo toan vất vả của đời sống thường ngày, mà đôi khi sự nhàm chán,
buồn tẻ và đơn điệu cũng là một phần của thử thách.
Vâng nghe lời Chúa Giêsu là chia sẻ với Người sứ
mạng loan báo Tin Mừng, cùng với Người ra đi gặp gỡ những anh chị em đang đau
khổ, nghèo khó dưới mọi hình thức, đặc biệt những người đang vật lộn với cuộc
sống khó khăn, với bệnh tật hoặc bị xã hội loại trừ, để loan báo cho họ Tin
Mừng về Tám Mối Phúc, về niềm vui và bình an, về ơn tha thứ và hạnh phúc đích
thật, và về đời sống vĩnh cửu.
Vâng nghe lời Chúa Giêsu là trở thành những người
kiến tạo hòa bình, kết nối những tương quan gặp gỡ huynh đệ, hàn gắn những đổ
vỡ bất hòa và xây dựng những cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương.
Vâng
nghe lời Chúa Giêsu còn là trung
thành với giáo huấn của Giáo Hội, vốn là Thân Thể của Chúa Kitô. Lời Chúa Giêsu
được lưu truyền qua Kinh Thánh và trong các giáo huấn của Giáo Hội. Vì vậy, “vâng
nghe lời Chúa Giêsu”
cũng bao gồm việc tìm hiểu, lắng nghe và sống theo sự hướng dẫn của các vị chủ
chăn trong Giáo Hội, vì “ai nghe anh em là nghe Thầy; và
ai khước từ anh em là khước từ Thầy...” (Lc
10,16)
Chúng ta cũng vâng nghe lời Chúa Giêsu trong cầu
nguyện. Khi miêu tả diện mạo của Chúa Giêsu được biến đổi trong khi Người cầu
nguyện, thánh Luca muốn khích lệ chúng ta cầu nguyện. Khi phải đối diện với những
thử thách, thất bại, đau khổ và tội lỗi, thì việc cầu nguyện có thể biến đổi
tâm hồn chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng, dù bị đóng đinh trên thập giá, Chúa
Giêsu vẫn luôn cầu nguyện. Việc cầu nguyện đưa chúng ta đến với Chúa cũng như
đến với mọi người. Lời Chúa và các bí tích không là những câu thần chú hay phép
thuật làm biến mất, hoặc giải quyết tất cả những khó khăn của chúng ta, nhưng
là lương thực nuôi dưỡng đời sống đức tin và là lời kêu gọi chúng ta luôn tiến
bước trong niềm tin tưởng vào Chúa, Đấng luôn yêu thương, hiện diện và chia sẻ
mọi khó khăn, đau khổ với chúng ta.
Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước của Mùa
Chay. Ước gì việc thực hành cầu nguyện-sám hối-chay tịnh của những ngày chay
thánh này đưa chúng ta đi vào những cảm nghiệm thiêng liêng, và giúp khám phá
ra khuôn mặt rạng ngời vinh hiển của Đấng Phục Sinh nơi cuối hành trình. Nhờ đó
chúng ta có đủ can đảm để từ chối sự cám dỗ của những thiên đường nhân tạo, và
trở nên những chứng nhân đích thực của thiên đường vĩnh cửu. Cầu chúc cho hành trình Mùa Chay
của mỗi người chúng ta là một cuộc “lên núi” để gặp gỡ Đức Kitô, và cùng Người
“xuống núi” để gặp gỡ tha nhân và gặp gỡ chính mình. Amen.