* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/42GbQnZlAII
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật IV Mùa Chay – Năm C
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (15,1-3.11-32)
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ
tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái
và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi
ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia
có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần
gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày
sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ
phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong
miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người
trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo
ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ:
"Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở
đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng:
"Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là
con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy
nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy,
liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu...
Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và
đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy
tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay
cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng:
vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người
ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng.
Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để
hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu
đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết
định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi,
đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao
giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con
của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở
về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo:
"Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải
ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm
thấy".
***
Bài chia sẻ Tin
Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
“Con ta đây đã chết, nay sống lại”
Chúng ta thường gọi câu chuyện trong bài
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là “Dụ ngôn người con hoang đàng”, nhưng đúng hơn
phải gọi là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”. Vì khi kể dụ ngôn này, Thánh Luca muốn biểu dương lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi hình ảnh người cha, hơn là
kể tội người con hoang đàng.
Khi người con thứ
xin cha chia gia tài để được ra đi sống theo ý mình, người cha dù đau lòng
trước sự bất hiếu của người con (vì
người ta chỉ chia gia tài khi cha mẹ đã qua đời), nhưng
vẫn tôn trọng sự tự do chọn lựa của con và cho người con điều anh ta muốn. Tuy
không can thiệp vào chọn lựa của người con, nhưng người Cha chưa bao giờ bỏ rơi
con mình. Bằng chứng là khi người con ăn chơi phung phí hết tiền bạc, phải đi
chăn heo và chịu cảnh đói khát, anh quyết định trở về để xin làm công cho cha
mình, thì người cha đã nhận ra anh ta ngay từ đằng xa. Ông vội chạy ra đón, ôm
chầm lấy con và “hôn lấy hôn để”, sai người mặc áo, xỏ nhẫn, đi dép cho cậu và còn
giết bê đã vỗ béo để ăn mừng vì tìm lại được con.
Chúng ta nhìn thấy ở
đây nét đẹp của sự hòa giải, lòng cao thượng trong sự tha thứ và sức mạnh của
tình yêu: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm
thấy.” Chỉ có một điều quan trọng đối với người Cha, đó là sự sống, sự
trở về của người con! Sự hối tiếc làm người con trở về,
nhưng chính tình yêu và sự tha thứ của người cha mới cho anh sự sống mà anh đã
đánh mất, và phục hồi nơi anh phẩm giá của người con.
Ngược lại, người con
cả lại không muốn vào nhà chung vui với cha mình. Anh ta không muốn nhìn nhận “thằng
con của cha” là em mình. Trong mắt anh ta, nó là một đứa đáng khinh bỉ vì đã “nuốt hết của cải của cha với bọn điếm”.
Trong khi ở nhà, anh ta “đã bao năm trời hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh...”. Nhưng khi kể lể công trạng với
cha, người con cả cho thấy anh ta đã sống với Cha như một người đầy tớ hơn là
một người con.
Những
người biệt phái hiểu rằng khi nói về người con cả, Chúa Giêsu muốn ám chỉ về họ. Chính những
người biệt phái này không ngừng khoe khoang là họ luôn trung thành phụng sự “hầu hạ” Chúa. Họ nghĩ là sẽ được Chúa thưởng công xứng đáng vì “đã bao năm” họ tuân giữ kỹ lưỡng
mọi điều răn của Chúa, dù là một chi tiết nhỏ cũng không bỏ sót. Nhưng Chúa Giêsu lại mời gọi họ hãy chung niềm vui của
Thiên Chúa vì sự hoán cải của những người tội lỗi, và hơn nữa, hãy đón tiếp họ
như Chúa đã làm. Khi đón tiếp và tha thứ cho những người tội lỗi, Chúa Giêsu
cho thấy Người là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, như lời Thánh Phaolô
trong bài đọc II: “Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa
giải với Người.” (2 Cr 5,18)
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích
giải tội, hay nói đúng hơn là bí tích hòa giải. Việc thay đổi từ ngữ giúp chúng
ta hiểu đúng hơn về ý nghĩa của bí tích này. Vì việc cử hành bí tích hòa giải
không phải chỉ giới hạn trong việc xưng thú tội lỗi của mình và dốc lòng chừa, nhưng
còn để chúng
ta được hòa giải với Chúa. Trở về với Chúa qua bí tích hòa giải nghĩa là nhìn nhận
mình là kẻ tội lỗi và mở lòng đón nhận tình yêu thương xót vô biên của Chúa. Chúa
tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta không phải để đồng tình với sự yếu đuối của
chúng ta, nhưng là để ban cho chúng ta sức mạnh hầu thắng vượt những yếu đuối,
và trả lại cho chúng ta sự tự do mà chúng ta đã đánh mất do tội lỗi để chúng ta
có thể sống yêu thương như Chúa mời gọi.
Chúng
ta được Chúa tha thứ
tội lỗi không phải do công trạng của chúng ta, nhưng hoàn toàn do ân huệ
của Người. Mục đích việc xét mình-xưng tội-hối cải không phải để gây ra ơn tha
thứ của Chúa, nhưng là để lãnh nhận
ơn tha thứ đó. Vì thế, xét
mình-xưng tội-hối cải là cách để
chúng ta nói lên lòng khao khát được lãnh nhận ơn hòa giải:
hòa giải với Chúa, với chính mình và với tha nhân. Như vậy, khi đi xưng tội là lúc chúng ta tuyên xưng lòng nhân từ bao la
của Chúa và cho Chúa cơ
hội được ôm chúng ta vào lòng. Vì từ lâu, Chúa hằng kiên tâm chờ đợi và luôn dang rộng
đôi tay đón chờ chúng ta
trở về.
Tuy
nhiên, sự hòa giải này đòi hỏi chúng ta một sự cố gắng: dốc lòng thay đổi đời
sống. Ðứa con hoang đàng, sau khi đã nếm đến tận cùng mọi nỗi khổ nhục, tự nhủ
rằng: “Tôi muốn trở về với cha
tôi.” Việc “đi xưng tội” bày
tỏ việc hối cải tâm hồn của chúng ta.
Thiên
Chúa vẫn tiếp tục ban ơn
tha thứ và hòa giải cho chúng ta qua trung
gian các
linh mục. Linh mục ban phép giải tội không do danh nghĩa cá nhân, nhưng nhân
danh Chúa: “Vậy, cha tha tội cho
con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”
Trước khi trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh
em.” Rồi, Người thổi hơi và
phán bảo các ông: “Anh em hãy nhận
lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.” (Ga 20,21-23).
Trong
Tông thư “Hòa giải và sám hối”, công bố năm 1984, Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan-Phaolô II trích câu nói nổi tiếng của chân phước Isaac de l'Étoile, vào
thế kỷ XII, để nhấn mạnh sự hiệp thông mật thiết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội
trong việc tha tội: “Giáo Hội
không thể tha tội nếu không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô không muốn tha tội nếu
không có Giáo Hội” (xem lời
chú thích số 162).
Lễ
Phục Sinh sắp đến gần. Kìa, người Cha ra khỏi nhà và chạy vội về phía chúng ta... Còn chúng ta, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đến gặp Người chưa?