Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
I. Nguồn gốc và ý nghĩa nghi thức rửa
chân
Tam nhật Vượt Qua (Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy
Tuần Thánh), đỉnh cao của năm phụng vụ, được bắt đầu với thánh lễ Tiệc Ly vào
chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
Trong thánh lễ Tiệc Ly, sau bài giảng là nghi
thức rửa chân. Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội sơ khai, nghi
thức này đã
được giám mục hay linh mục chủ tế thực hiện vào Thứ Năm Tuần Thánh với nhiều
người trong cộng đoàn, bắt nguồn từ việc Chúa
Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly,
bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, như được thuật lại trong Tin Mừng
theo thánh Gioan 13,1-15. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nói với họ:
“Nếu
Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa
chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm
cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được
sai đi không lớn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực
hành, thì phúc cho anh em!” (Ga
13,14-17). Hãy hình dung sau một ngày
rong ruổi trên những con đường đất bụi, thì đôi chân của các tông đồ sẽ dơ như
thế nào, để thấy được việc Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các ông không phải
là một hành động mang tính biểu tượng, nhưng là một việc làm đầy yêu thương,
như lời thánh sử Gioan nói: “Người yêu thương
họ đến cùng”.
Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, rửa chân là công việc của người hầu hoặc nô lệ. Nhưng
khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã mặc cho việc làm này một ý nghĩa mới,
và mời gọi các môn đệ thực hành việc Người đã làm: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho
anh em”. Vì vậy, nghi thức rửa chân mang ba ý nghĩa: yêu thương, khiêm nhường và phục vụ.
1. Yêu thương. Chúa Giêsu dạy các môn đệ, và mỗi Kitô hữu ngày nay, phải
noi gương Người mà yêu thương nhau: “Anh em hay yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”
(Ga 13,34)
2. Khiêm nhường. Dù là Chúa và là Thầy, Chúa Giêsu vẫn cúi mình xuống rửa
chân cho các môn đệ để nêu gương khiêm nhường mà Người đã dạy và sống trong suốt
cuộc đời trần thế: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục
vụ anh em...” (Mt 23,11).
3. Phục vụ. Bằng việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu cho thấy
Người đến “không phải để được người
ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc
10,45).
Nghi thức rửa chân và
thánh lễ Tiệc Ly trước hết là sự diễn tả việc Chúa Giêsu hiến dâng trọn vẹn con
người và cả mạng sống của Người để cứu độ thế giới. Cả hai việc cử hành này đều
là sự tưởng nhớ đến tình yêu vô bờ bến của Chúa Kitô.
II. Cử hành phụng
vụ nghi thức rửa chân
Trong Thánh Lễ Tiệc Ly không bó buộc phải cử hành
nghi thức rửa chân. Các linh mục tùy ý quyết định thực hiện nghi thức này tùy
theo hoàn cảnh và nhu cầu mục vụ của giáo xứ mình. Không nên quá coi trọng nghi
thức này so với tầm quan trọng của thánh lễ Tiệc Ly, nhưng cũng không nên cử
hành nghi thức này cách máy móc, làm mất đi ý nghĩa của việc cử hành này.
Sau bài giảng là nghi thức
rửa chân. Theo truyền thống, vị chủ tế (giám mục, linh mục) sẽ rửa chân cho 12 người
đàn ông, tượng trưng cho 12 Tông đồ.
Tuy nhiên, trong Thánh lễ
Tiệc Ly tại một nhà tù ở ngoại ô Rôma năm 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô (khi đó
mới đắc cử Giáo Hoàng được 2 tuần) đã phá lệ khi ngài rửa chân cho 12 tù nhân,
trong đó có hai phụ nữ, một Công giáo và một Hồi giáo. Năm 2014 và 2015, ngài
cũng rửa chân cho các tù nhân gồm cả nam và nữ, người bệnh và người khuyết tật.
Năm 2016, Đức Giáo hoàng
Phanxicô đã quyết định sửa đổi nghi thức rửa chân trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần
Thánh. Theo đó, ngày 21/01/2016, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố sắc
lệnh In missa in Cena domini (Trong thánh lễ Tiệc Ly của Chúa), cho phép
từ nay trở đi, phụ nữ và trẻ em gái – chứ không chỉ đàn ông và trẻ em trai – có
thể tham gia nghi thức rửa chân trong thánh lễ Tiệc Ly.
Theo sắc lệnh này, Giáo Hội sửa lại câu trong Sách lễ Rôma “Các
người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn đến ghế
dọn sẵn” thành“Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đã được
tuyển chọn đến ghế dọn sẵn”. Sắc lệnh nêu rõ rằng các linh mục có thể
chọn nam hay nữ, trẻ hay già, khỏe mạnh hay đau ốm, giáo sĩ, người tận hiến hay
giáo dân, đã kết hôn hay còn độc thân, nghĩa là một nhóm tín hữu đại diện cho sự
đa dạng và đa diện của cộng
đoàn và của dân Chúa.
Tại Việt Nam, đa số các linh mục chính xứ (cha sở,
cha xứ) thường chọn những người trong Ban Hành giáo (Ban Mục vụ, Hội đồng Giáo
xứ...), để đại diện cho giáo dân trong giáo xứ tham gia nghi thức rửa chân. Nhưng
dù trong Ban Hành giáo có cả phụ nữ, thì vẫn chỉ có các ông được chọn.
Theo
ước nguyện của sắc lệnh In missa in Cena domini, khi chọn những người tham gia nghi thức rửa chân (Sách
lễ Rôma cũng như sắc lệnh nêu ở trên không ấn định con số 12), các linh mục có thể chọn
theo các tiêu chuẩn sau: già-trẻ,
nam-nữ, tu sĩ, đại điện các phong trào, các hội đoàn trong giáo xứ... thì vừa
nói lên được sự phong phú của cộng đoàn giáo xứ, vừa giúp cho giáo dân cảm nghiệm
sâu hơn ý nghĩa của nghi thức rửa chân. Vì nó cho thấy vai trò của người linh mục
giữa đoàn chiên, là người yêu thương phục vụ tất cả mọi người trong giáo xứ của
mình theo gương phục vụ khiêm nhường của Chúa Giêsu-Tôi Tớ.