* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/m4EaaSjqmcg
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật III Mùa Thường Niên – Năm C
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (1,1-4;4,14-21)
Vì có nhiều người khởi công chép lại
những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và
phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê,
sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường
thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong
quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh.
Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến
Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ,
Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách
tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần
Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát
cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp
bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác
viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt
đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa
nghe".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ
Thái Hòa
Chúa Kitô, Đấng Giải thoát
Là
một người Do Thái ngoan đạo, Chúa Giêsu vẫn thường đến hội đường vào ngày sabát (ngày thứ bảy của người Do thái, tương
đương với Chúa Nhật của chúng ta), và giảng
dạy ở đó. Chắc hẳn Người giảng
dạy với những lời lẽ khôn ngoan, vì Người được mọi người ca tụng, như bài Tin
Mừng hôm nay thuật lại.
Chúa
Giêsu được giao nhiệm vụ đọc Sách Thánh, vì mọi tín hữu đều có quyền đọc Kinh Thánh.
Người mở sách và đọc
một đoạn quen
thuộc của chương 61 trong
sách ngôn sứ Isaia. Đối với những thính giả trong hội đường, đoạn văn này nói về Đấng Mêsia. Vì chỉ có Vua, khi Người đến, mới cho phép mình
nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…”. Chúng ta biết rằng, theo
truyền thống Do thái giáo, ngay từ đầu chế độ
quân chủ, nghi thức đăng quang của các vua bao gồm nghi thức xức dầu. Việc xức dầu
này là dấu chỉ cho thấy chính Thiên Chúa đã chọn và luôn trợ lực để các vua có
thể hoàn thành sứ mệnh cứu dân. Vì thế, trong tiếng Do thái, vua được gọi là “Mashiah”,
nghĩa là "được xức dầu". Tiếng Việt gọi là
“Đấng Mêsia”, dịch ra tiếng Hy Lạp là “Christos”, Kitô. Vào thời Chúa Giêsu,
không còn vua nào cai trị tại Giêrusalem, và dân Do Thái đang mong đợi Thiên Chúa sẽ gửi đến một vị vua lý tưởng,
người sẽ mang lại tự do, công lý và hòa bình cho dân tộc, như đã được hứa trong Kinh Thánh. Nhất là khi đó vùng đất Israel đang bị người La Mã chiếm đóng, nên họ chờ đợi Đấng Mêsia đến để giải thoát họ
khỏi sự đô hộ của người La Mã.
Sau khi đọc đoạn sách của ngôn sứ Isaia,
Chúa Giêsu có một bài giảng ngắn nhất thế giới, chỉ vỏn vẹn một câu thôi nhưng lại có một ý nghĩa thật lớn
lao: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Qua câu này, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Vua,
là Đấng Mêsia mà dân đang mong đợi.
Chúa Giêsu lấy câu trích dẫn từ sách Isaia như một bài
phát biểu về chương trình của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã
xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai
tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được
sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Đây là sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô. Đây là chương
trình mà Người sẽ thực hiện trong suốt ba năm rao giảng của mình. Chúa
Giêsu loan báo rằng Người đến để giải thoát con người khỏi tất cả những gì ngăn
cản họ nhìn thấy, tiến bước, tất cả những gì làm họ rơi vào tình trạng thấp kém
hoặc nô lệ. Chúng ta thấy
trong bốn sách Tin Mừng, mọi cử chỉ, mọi thái độ và mọi lời nói của Chúa Giêsu
đều nhằm mục đích mang lại sự giải thoát cho con người. Thí dụ:
- Chúa Giêsu chữa lành cho người mù. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu
đã không chữa lành cho tất cả những người mù trong xứ sở vào thời đại của
Người. Nhưng khi làm cho người mù thấy được, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Người
chính là Ánh sáng thế gian, Người đến để soi sáng và giải thoát nhân loại khỏi
mọi thế lực tối tăm, khỏi những đam mê mù quáng và lệch lạc đang cản trở họ
nhìn thấy chân lý và sống cho sự thật.
- Chúa Giêsu chữa những người bị phong hủi. Tuy không
phải tất cả những người bị phong hủi ở vùng Palestine đều được Chúa Giêsu chữa
khỏi, nhưng qua việc chữa lành này, Người muốn mạc khải về một Thiên Chúa yêu
thương và gần gũi với con người. Người đến để giải thoát họ khỏi sự giam hãm trong
những quan niệm sai lạc của thế quyền và thần quyền, và giải thoát họ khỏi sự
đóng kín bản thân vì mặc cảm tội lỗi, vì những xa lánh và loại trừ của xã hội.
- Chúa Giêsu không ngần ngại phản đối những người
Pharisiêu nệ luật. Rất nhiều lần, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ tố cáo những người
Pharisiêu hay các kinh sư về thái độ sống giả hình và nệ luật của họ. Khi không
thực hành việc rửa tay trước khi ăn, hoặc khi để cho các môn đệ làm một việc bị
cấm trong ngày sabat như bứt bông lúa vò trong tay mà ăn, Chúa Giêsu muốn cho
họ hiểu rằng, tôn giáo đích thực không nằm ở những phong tục và nghi lễ bên
ngoài mà là ở bên trong ; sự thanh tẩy đích thật chính là sự thanh tẩy tâm hồn
con người. Và khi tuyên bố “con người làm
chủ ngày sabat”, Chúa Giêsu cho thấy Người là chủ tể trên mọi lề luật, Người
đến để trả lại cho mọi người quyền được làm chủ, được lên tiếng, quyền được tự
do sống theo lương tâm và niềm tin của mình.
Và còn biết bao việc Chúa Giêsu đã làm trong suốt cuộc
sống rao giảng công khai của Người. Tất cả chỉ để cho chúng ta hiểu rằng, Người
đến để giải thoát nhân loại khỏi mọi sự dữ, tội lỗi và cả sự chết. Hôm nay đến
lượt chúng ta, sau khi đã được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết nhờ ân sủng
của bí tích Rửa tội, chúng ta có bổn phận tiếp tục công cuộc của Chúa Kitô để
giải thoát anh chị em chúng ta. Vì qua bí tích Rửa tội,“Thần Khí Chúa ngự
trên chúng ta” để chúng ta loan
báo Tin Mừng cho mọi người.