* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/axe6BmjuZ6s
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật VIII Mùa Thường Niên – Năm C
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (6,39-45)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ
dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa
xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể
là hoàn hảo rồi.
"Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt
anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể
nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh',
trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình,
hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy
cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
"Không có cây nào tốt mà sinh trái
xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem
trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái
được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên
phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì
lòng đầy, thì miệng mới nói ra".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ
Thái Hòa
Luật yêu thương
Hôm nay, bài đọc I và bài Tin Mừng trình
bày cho chúng ta một loạt dụ ngôn và ngạn ngữ, như câu kết luận của Chúa Giêsu
trong bài Tin Mừng: “Lòng
có đầy, miệng mới nói ra.”
Trong ngôn ngữ thông thường, trái
tim được liên kết với đời sống tình cảm. Châm ngôn Anh có câu “Khi trái tim rực cháy, tia lửa từ miệng bay ra”; người Nga cũng có ý tương tự
khi nói “Nếu trái tim bạn là bông
hồng, miệng bạn sẽ nói những lời thơm tho.”
Đối với Kinh Thánh, trái tim chỉ
tổng thể con người, toàn bộ nhân cách với ý thức, trí thông minh và tự do của
người đó. Căn nguyên của
con người là trái tim. Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì
lòng anh em ở đó” (Lc 12,34). Từ tâm hồn, từ trái tim, nơi mà trí thông minh, ý chí và tình cảm hòa quyện với nhau,
con
người có thể làm nên những điều tốt nhất, nhưng cũng chính từ nơi đó có thể
xuất phát những điều tồi tệ nhất.
Khi kết luận “lòng có đầy, miệng mới nói ra”, Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào chính tâm-lòng mình, nhưng không phải để
thấy mình hơn người khác mà để nhận biết mình, hầu có một thái độ xứng hợp đối
với tha nhân. Chúng ta chỉ thấy rõ mình hơn khi biết soi mình vào Thiên Chúa,
nghĩa là trở thành môn đệ, thành người học trò trong trường học của Chúa.
Người dạy chúng ta một luật yêu thương đòi hỏi rất nhiều nghị lực, một luật
hoàn thiện và thánh thiện theo hình ảnh của Thiên Chúa, mà thánh Luca đã cho chúng
ta nghe vào Chúa Nhật tuần trước: “Anh em hãy yêu kẻ thù… hãy có lòng
nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán… đừng lên án. Anh
em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,35-37)
Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa
Giêsu giảng dạy chứ không “dạy đời”, lời nói của Người thường đi đôi với hành
động. Những việc Người làm thường vượt lên trên những cách xử thế thông thường.
Chúa Giêsu muốn hướng chúng ta về Thiên Chúa và về với chính mình. Cái nhìn của Người tích cực đến nỗi làm
cho chúng ta muốn trở nên tốt hơn, bởi vì Người nhìn thấy trong mỗi người
chúng ta sự thánh thiện mà Người kêu gọi chúng ta đạt tới.
Chúa Giêsu là thầy. Người dạy
chân lý của Thiên Chúa, nhưng Người không xét đoán cũng không lên án chúng ta. Người đến để cứu chúng ta. Người tự nguyện trở thành người phục vụ, và coi mình như người tôi tớ khi cúi xuống rửa chân cho các
môn đệ, những học trò của Người, và đã nêu gương yêu thương khi tha thứ cho
những kẻ kết án và hành hình Người.
Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Tất cả anh em
đều là anh em với nhau” (Mt 23,8). Trong bài Tin Mừng hôm nay, chỉ
trong hai câu, cụm từ “người anh em” được lặp lại ba lần. Chúng ta sẽ thực sự là anh em với nhau
nếu chúng ta hướng về Chúa trước khi hướng về người khác, bởi vì, khi đó, cái
nhìn của chúng ta về anh chị em mình sẽ khác vì được đổi mới, được trong sáng
hơn.
Dụ ngôn về cái rác và cái xà mời gọi chúng ta quay về
với Chúa Giêsu và trở nên con người mới nhờ sự hoán cải: “Lấy
cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã”. Chỉ khi thực sự trở thành anh
chị em trong sự khiêm nhường, chúng ta mới có thể giúp người khác sửa một chi
tiết, một “cái rác” của cuộc đời họ.
Còn dụ ngôn về cây vả lại là một lời cảnh báo tuyệt vời chống lại thói đạo đức
giả. Hành động đánh giá và tiết lộ nội tâm sâu thẳm của
chúng ta. Trong ngày phán xét, ánh sáng của Chúa sẽ soi tỏ
mọi lời nói và việc làm của chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhận được hoa trái là
phần thưởng hay hình phạt, tùy vào ý hướng trong mỗi lời chúng ta đã nói và mọi
việc chúng ta đã làm.
Có một cây duy nhất đem lại hoa
trái cứu độ và sự sống trường sinh, đó là cây Thập giá của Chúa
Giêsu. Nếu chúng ta muốn cuộc đời mình trổ sinh hoa trái của sự sống, chắc
chắn chúng ta phải gắn chặt đời mình với cây Thập giá của Người. Vì như Chúa
Giêsu đã nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người
ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga
15,5).
Bước theo Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi để cho trái
tim, tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta được biến đổi bởi Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha. Hành trình biến đổi là một hành
trình khó khăn và gian nan. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không gì là không
thể... Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, Thầy của chúng ta, ban cho chúng ta sức
mạnh, lòng can đảm và một tình yêu đủ lớn để thực thi những gì Người dạy chúng
ta. Amen.