* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/thhObrJhCp8
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm.
Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật V Phục Sinh – Năm C
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (13,31-33a.34-35)
Khi
Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được
vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển
nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên
Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
"Các
con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con
điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con,
thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận
biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".
***
Bài
chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
“Anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
Người ta kể lại một câu chuyện có thật xảy ra tại Thụy
Sĩ.
Trong một tiệm ăn bình dân, một người phụ nữ sau khi
mua thức ăn liền bưng khay của mình đến một
dãy bàn trống. Nhưng vừa ngồi xuống, bà nhận ra rằng
mình quên lấy muỗng nĩa. Bà để chiếc khay xuống bàn và đứng lên đi tìm muỗng
nĩa. Khi trở lại bàn ăn, bà ngạc nhiên vô cùng khi thấy một người da đen ngồi
trước khay của bà và đang ăn những món ăn mà bà đã mua.
Bà cho rằng chắc đây là một người ăn xin. Nhưng nhìn kỹ, bà thấy ông ta ăn mặc đàng hoàng và
có dáng vẻ trí thức nữa. Bà liền ngồi xuống rồi nói với ông ta để mình ăn phần
còn lại trong khay. Ông không nói gì, chỉ mỉm cười, rồi đưa thức ăn cho người
phụ nữ một cách nhẹ nhàng và đầy tình thân thiện. Thỉnh thoảng ông nhìn bà rồi
mỉm cười. Cứ thế, trong thinh lặng, bà dùng hết phần ăn trong khay.
Sau đó, người đàn ông ra hiệu cho bà ấy ngồi yên tại
chỗ để đi mua thêm một gói khoai tây chiên. Hai người lặng lẽ chia nhau ăn hết
gói khoai tây. Cuối bữa ăn, người đàn ông chào bà rồi ra đi với nụ cười luôn nở
trên môi.
Khi ông vừa ra khỏi tiệm, người phụ nữ không thấy cái xắc tay của mình đâu. Bà lẩm bẩm: “Thì
ra tên da đen này đã đánh cắp xắc tay của mình rồi.” Bà định tri hô để
người ta chặn bắt kẻ gian. Nhưng khi vừa quay lại, bà chợt thấy cách
đó hai bàn, chiếc xắc tay của bà ở đó và khay thức ăn còn nguyên
vẹn nhưng không có muỗng nĩa.
Lúc này bà mới nhận ra rằng mình đã phạm một lầm lẫn
rất lớn: không phải người da đen đã dùng phần ăn và đánh cắp
cái xắc tay của bà, mà chính bà đã ngồi lộn bàn và đã ăn phần của ông ấy.
***
Cách xử sự của người da đen trên đây cho chúng ta thấy
được một cách cụ thể và sâu sắc về lòng bác ái và tình vị tha. Đó là tình yêu
thương mà Chúa Giêsu tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Yêu thương với tất cả
con tim và đôi tay rộng mở. Yêu thương người khác và
mong muốn họ hạnh phúc. Yêu thương người khác mặc dù bị
họ hiểu lầm, chống đối hoặc vu vạ cáo gian cho mình. Vẫn tiếp tục yêu thương
mặc dù điều đó không dễ dàng và đơn giản chút nào.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy
yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Yêu thương là điều răn đã có từ thời Cựu Ước, các nhà hiền triết Ðông-Tây từ xưa cũng đã khuyên dạy người
ta sống đạo lý yêu thương. Vậy tại sao khi dạy các môn đệ
của Người sống yêu thương, Chúa Giêsu lại nói: “Thầy ban cho anh em một
điều răn mới?”
Ðây là điều răn mới vì
Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu
thương. Yêu thương theo ý muốn và theo cách của chúng ta thì dễ, nhưng yêu như
Chúa và theo cách của Chúa thì chúng ta phải học mỗi ngày cho đến suốt đời.
Và suốt cuộc đời trần thế, Chúa
Giêsu đã dạy cho các môn đệ biết thế nào là yêu thương nhau một cách cụ thể
bằng chính cuộc sống của Người.
Khi chữa cho các bệnh nhân, Chúa
Giêsu nói với chúng ta rằng, yêu thương là không dửng dưng khi đối diện với
những người đang đau khổ.
Khi tiếp xúc với những những người tội
lỗi trong xã hội, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng tình yêu thương
không loại trừ ai cả, ngay cả kẻ thù. Trong tình yêu Thiên Chúa, mọi người đều
là anh em với nhau vì đều là con cái của Chúa.
Khi mời gọi Lêvi là người thu thuế
đi theo Người, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng tình yêu thương không nhìn lại
quá khứ của người nào đó nhưng nhìn về tương lai của họ.
Khi công khai lên tiếng bảo vệ người phụ nữ tội lỗi
giữa những người được mời dùng bữa tại nhà ông Pharisiêu, Chúa Giêsu cho thấy
rằng, tình yêu thương đích thực sẽ mở lòng chúng ta đón nhận người khác như họ
là, và cho chúng ta can đảm để bảo vệ những người cô thế cô thân.
Khi chọn nhà của ông Gia-kêu ở
Giê-ri-khô để ở
lại, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng, tình yêu thương sẽ cho chúng ta
sự nhạy cảm để nhận ra khát vọng yêu thương sâu thẳm nơi người khác, và thúc
đẩy chúng ta đến với họ, mặc cho tiếng đời dị nghị.
Khi kể câu chuyện người Sa-ma-ri
nhân lành, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng tình yêu thương chân thật sẽ giúp chúng ta
nhận ra ai là người thân cận của mình, họ chính là những người đang cần đến sự
giúp đỡ của chúng ta.
Khi kể dụ ngôn người con hoang
đàng, Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết nguồn gốc của mọi tình yêu thương. Chúng
ta có khả năng yêu thương là vì chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương chúng ta
trước. Trái tim người cha của Thiên Chúa thì vượt trên mọi sự ích kỷ, bội bạc và vô ơn của nhân loại, và
Người mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương tha nhân bằng tình yêu mà Người đã
yêu chúng ta.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng,
trong thực tế đời sống xã hội, con người thường đi ngược lại với điều răn yêu
thương mà Chúa dạy. Ở đâu chúng ta cũng dễ dàng thấy những người muốn phô
trương sức mạnh quyền bính, ước muốn chiếm hữu, tranh quyền đoạt lợi,... Là môn
đệ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống và thực hành tình yêu vô vị lợi,
một tình yêu được thể hiện cụ thể qua cách tiếp đón, phục vụ, tương
trợ, tha thứ với hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ và thấp kém trong
xã hội.
Ước gì đời sống của những người Kitô hữu chúng ta
họa lại được cách sống yêu thương của Chúa Giêsu, như cộng đoàn các Kitô hữu
đầu tiên thời các Tông đồ, để khi người
khác nhìn vào đời sống yêu thương của chúng ta, họ cũng có thể nói: Hãy nhìn
xem, họ thương yêu nhau biết bao! Amen.