* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/z4pIeeA8iE4
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy
niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái
Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền
Thánh
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (2,22-40)
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật
Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa,
như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là
người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói
trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là
Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của
Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông
sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục,
ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người
những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên
Chúa rằng: "Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo
như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa
đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh
quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều
đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người
rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp
đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần
bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu
lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con
ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với
chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời
khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng
đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang
trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo
Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn
lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái
Hòa
Chúa
Kitô là Ánh Sáng thế gian
Khi đọc lại lịch sử dân Israel, về
Đấng cứu thế mà họ đã mong đợi trong nhiều thế kỷ, về lịch sử của đền thờ
Giêrusalem, và nhất là những hình ảnh huy hoàng, những cảnh tượng vĩ đại mà các ngôn sứ đã tiên báo về
sự xuất hiện của Đấng Mêsia, chúng ta không
khỏi ngỡ ngàng trước đoạn Tin Mừng mà thánh Luca thuật lại hôm nay. Vị vua -
Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong chờ lại đến trong hình hài một hài nhi mới sinh,
được một cặp vợ chồng nghèo bồng ẵm vào đền thờ Giêrusalem. Ôi, Thiên Chúa thật hạ mình biết bao!
Việc Chúa Giêsu được dâng trong Đền Thánh là một trong những cuộc hiển linh
của Chúa, đánh dấu sự khởi đầu cuộc sống trần thế của Người. Tân Ước kể cho
chúng ta những cuộc hiển linh của Chúa Giêsu thường được diễn ra cách âm thầm,
khiêm tốn để tránh việc con người tìm kiếm và chỉ đặt niềm tin vào những điều
kỳ diệu, là một cám dỗ mà chúng ta thấy sau này Chúa Giêsu sẽ từ chối.
Hai người cao niên, Simêon và Anna, là hai nhân vật khiêm nhường. Họ đại
diện cho tất cả những ai đang khao khát mong chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc
gặp gỡ của hai người già và một em bé đã diễn ra trong sự linh hứng của Thánh
Thần, Đấng đã mở mắt cho họ nhận ra Thiên Chúa giấu ẩn, hiền lành và khiêm
nhường. Cuộc gặp gỡ này như là phần thưởng dành cho những tâm hồn luôn tín
trung và nhẫn nại chờ đợi Thiên Chúa thực thi lời Người đã hứa. Ai trong chúng
ta cũng đều biết những thử thách của việc chờ đợi là gì: mất kiên nhẫn, lo
lắng, mệt mỏi, và thậm chí có lúc cảm thấy tuyệt vọng. Đường lối của Chúa, chúng ta không thể thấu hiểu. Người tỏ mình ra
trong những lời loan báo đầy vinh quang, nhưng cũng chính trong những đau khổ
mà Người đã tự mạc khải mình cho chúng ta.
Khi bồng hài nhi Giêsu trên tay, ông Simêon đã tiên tri về sứ mạng tương
lai của Người như một sự chia rẽ, một cuộc xung đột “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều
người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống
báng” (Lc 2,34). Chúa Giêsu đã là dấu
chỉ của sự chia rẽ giữa những người tìm kiếm Thiên Chúa bằng sức mạnh và quyền lực,
với những người tìm thấy Người nơi khuôn mặt của những người đau khổ và thiếu
thốn nhất, những người cô đơn, bệnh tật, thiếu thốn tình cảm.
Ông Simêon cũng nói tiên tri về Đức Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ
đâm thâu tâm hồn bà.” Đức Maria chắc chắn đã trải nghiệm những đau khổ tột cùng
của những chia rẽ xảy ra ở Israel liên quan đến Con của Mẹ: sự chống đối, hận
thù, chối bỏ từ phía các nhà chức trách tôn giáo cao cấp nhất, chỉ có các môn
đệ và một số ít đi theo Người, đón nhận và thực thi sứ điệp của Người. Và đỉnh
cao là thập giá mà Đức Giêsu chịu đóng đinh, nơi đó phơi bày tất cả sự mâu
thuẫn mà con người phải nhìn nhận, vì “điều mà người Do Thái coi là ô nhục
không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” lại là nơi biểu lộ “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”
(x. 1 Cor 1,23-24).
Nếu Đức Maria đã chia sẻ số phận của Đấng Mêsia con Mẹ khi chấp nhận “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn”, thì tất
cả những ai muốn làm môn đệ, muốn đi theo Đấng ấy cũng sẽ chia sẻ một số phận
như Người: “Trò không hơn thầy... Người
ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng... Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù
ghét” (Mc 13,9.13). Đó là lời Chúa Giêsu tiên báo cho những ai muốn làm môn
đệ Người. Chúa không sai các môn đệ của mình đi làm hài lòng thiên hạ, nhưng họ
được sai đi để loan báo Tin Mừng Cứu độ, chấp nhận chịu phỉ báng và chống đối
hầu làm cho “ý nghĩ từ thâm tâm nhiều
người sẽ lộ ra” (Lc 2,35).
Dẫu vậy, đó không phải là tất cả số phận của người đi theo Chúa. Danh Chúa
Giêsu đã tồn tại qua nhiều thế kỷ và vẫn là “dấu chỉ của sự mâu thuẫn.” Nhưng
trước sự vô tín cũng như sự bách hại, sự bình tâm vẫn ở trong tâm hồn các tín
hữu, bởi vì họ có được sự bình an mà Chúa Kitô đã mang đến: “Thầy để lại
bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14,27), và
trên hết là ơn cứu độ dành cho người đã bền đỗ đến cùng.
Như ông Simêon và bà Anna, nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta cũng có thể nhận ra
con của Đức Maria là Con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động âm thầm trong
tâm hồn con người. Người soi sáng, hướng dẫn chúng ta bằng ánh sáng của Người.
Ánh sáng này không bao giờ cưỡng bức, nhưng luôn là lời mời gọi mở rộng tầm mắt
và con tim của chúng ta. Và khi đối diện với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể
buông mình cho ánh sáng đó soi sáng cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta cũng có
quyền nhắm mắt từ chối và tiếp tục ở lại trong bóng tối của mình.
Chúng ta không có quyền phán xét những người không theo Chúa Giêsu Kitô,
Đấng là Ánh Sáng thế gian. Tại sao họ không đi theo con đường của Người? Tại
sao họ không nhận thức được Ánh Sáng? Tại sao họ lại khép kín tâm hồn
mình trước Ánh Sáng này? Chúng ta không biết. Nhưng, điều chúng ta phải làm, đó
là trở thành ánh sáng cho họ.
Một cây nến sẽ trở nên vô dụng nếu không được thắp sáng. Cuộc đời chúng ta cũng
chỉ hữu ích khi phản chiếu được ánh sáng Chúa Kitô. Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta
ý thức mình không phải là “ánh sáng soi đường cho muôn dân”, nhưng chúng ta có
thể làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng là Ánh sáng cho thế gian. Chính Người đã nói:
“Chính anh em là ánh sáng cho trần
gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy
những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên
trời.” (Mt 5,14-16)
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho
chúng ta, để như Simêon và Anna, chúng ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu
Độ và là Ánh Sáng của nhân loại, và chúng ta loan truyền điều đó cho người khác
bằng đời sống chứng tá của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Xin ánh sáng của Chúa Kitô soi sáng để tất cả chúng ta đều trở thành con
cái Ánh Sáng! Amen.