* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/qhm3mE8zH6o
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ
Trụ – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (18,33b-37)
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng:
"Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự
ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"
Philatô đáp: "Ta đâu phải là người
Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm
gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước
tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị
nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".
Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua
ư?"
Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi
là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý.
Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ
Thái Hòa
Vương
Quốc Tình Yêu
Đoạn Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta nhớ lại những biến
cố trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, mà ở đó Người muốn ẩn đi thân phận
vương tử của mình. Như biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga
6,5-15). Sau khi Chúa cho đám đông dân chúng được ăn no nê, họ liền muốn tôn
người lên làm vua, nhưng Người từ chối và lánh mặt, đi lên núi một mình cầu
nguyện với Chúa Cha. Hoặc sau khi trừ quỷ, Người cấm không cho quỷ nói Người là
ai. Người cũng truyền cho các môn đệ phải giữ thinh lặng, không được kể cho ai
nghe những điều họ đã được chứng kiến trước những phép lạ lớn lao hay biến cố
quan trọng, như việc Người biến đổi hình dạng (Mc 9,9). Vậy mà
giờ đây, khi bị điệu ra trước tổng trấn Philatô, tay chân bị xiềng xích như một
tội nhân, hoàn toàn không có dáng vẻ của một vị vua thì Chúa Giêsu lại nhận mình là vua. Vậy
Người là vị vua như thế nào?
Chúa Kitô
Vua mà chúng ta tin không giống như các vị vua của trần gian này với quân đội
hùng hậu và cung điện nguy nga, tráng lệ. Tin Mừng Mátthêu kể lại, các nhà
chiêm tinh đến kinh thành Giêrusalem để tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” (Mt 2,2), nhưng vị vua mà
họ gặp lại là một hài nhi yếu đuối nằm trong máng cỏ nghèo nàn, nơi làng Bêlem hẻo
lánh. Khi vào thành Giêrusalem để chịu khổ nạn, Chúa Giêsu được dân chúng tung
hô là “con vua Đavít”. Nhưng vị vua
này lại ngồi trên lưng một con lừa con! Còn ở dinh Philatô, quân lính đến chào
Người là “Vua dân Do
Thái!”, sau khi đã đánh đập và chế giễu, rồi đội cho Người vương miện bằng vòng gai, và
khoác một áo choàng đỏ cho Người làm vương bào (x. Ga
19,2-3). Và cuối
cùng, danh tính và danh hiệu của Người đã được xác định nơi tấm bảng treo phía
trên đầu “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” khi Người bị đóng đinh trần trụi và đau đớn trên
cây Thánh Giá.
Trước
chân dung của một con người Giêsu như vậy, chúng ta có dám tin và nhận Người là
Vua của chúng ta không? Chúng ta có dám đi theo một vị Vua như vậy không? Chúng
ta có dám để cho vị Vua này hướng dẫn cuộc đời chúng ta không? Nếu chúng ta chỉ
tin vào một vị Vua Giêsu uy quyền và làm nhiều phép lạ, chúng ta sẽ đánh mất cơ
may được gặp Người trong những con người bé nhỏ đang đau khổ, nghèo túng, cô
đơn, bị bỏ rơi, chịu bất công,...
Khi xác nhận mình là vua, Chúa Giêsu cũng nói
với Philatô về vương quốc của Người: “Nước
tôi không thuộc về thế gian này.” Như vậy,
Người khẳng định Người không phải là vua của những vương quốc theo quan niệm
trần gian. Người làm vua của vương quốc mà ở đó chỉ có tình yêu và chân lý: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
Vương
quốc của Chúa Kitô không phải là một lãnh thổ. Vương quốc của Người là một cách
sống, là một sự hiện diện ngay giữa thế gian này. “Hiến chương cơ bản” của
vương quốc là Tám mối Phúc, đi ngược lại với các giá trị mà thế gian theo đuổi.
Công dân trong Vương quốc của Người là những người sống tinh thần nghèo khó,
hiền lành, chịu đau khổ, tìm kiếm điều chính trực, giàu lòng thương xót, giữ tấm lòng trong sạch và sẵn sàng chịu bách hại
vì lẽ công chính. Và trong vương quốc này, người làm lớn, người đứng đầu lại là
đầy tớ, là người phục vụ anh chị em của mình.
Vương
quốc mà Chúa Giêsu đã đến để khai mở là vương quốc tình yêu. Nó không giống bất
cứ một vương quốc nào và là ước
vọng sâu xa nhất của mỗi người. Vì vương quốc ấy không có biên giới, mọi người đều được
đón nhận và được sống trong sự
thật. Đó là một vương quốc của công lý, của hòa bình và thứ tha... Trong vương
quốc này, các công dân đều là anh chị em với nhau. Vương quốc này không được
xây dựng bằng sức mạnh, vũ lực, thống trị hoặc vụ lợi, nhưng bằng yêu thương,
phục vụ và dấn thân.
Trong trình thuật về cuộc Thương Khó theo thánh
Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện như vị vua. Nhưng việc Người xuất hiện như vị vua
một vài giờ trước khi chết trên thập giá làm sáng tỏ một khía cạnh hoàn toàn
khác: Người là Vua Tình Yêu và cũng là Vua Sự Sống. Sự sống, sự Phục Sinh đã ẩn
tàng trong chính cái chết nhờ sức mạnh của Tình Yêu. Tình yêu thì mạnh hơn sự
chết.
Khi tuyên
bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này... Tôi đã đến thế
gian để làm chứng cho sự thật”, Chúa
Giêsu muốn nói đến sự thật nào? Chúng ta có thể nói rằng, sự thật mà Chúa Giêsu
đã đến để làm chứng, đó là Thiên Chúa yêu chúng ta. Tình yêu của Chúa Cha dành
cho chúng ta được biểu hiện trong Chúa Kitô bị giao nộp không phải để lên án
chúng ta, nhưng để cứu độ (x. Ga 3,17)
và đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Hôm nay
chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, một vị Vua đã tự nguyện trở nên
người tôi tớ để nói với chúng ta rằng: tình yêu mà chúng ta mang đến cho anh chị em chúng ta, nhất là những người
bé mọn và những người nghèo khổ nhất trong chúng ta, đó là mang đến cho chính
Người. Người đến để làm chứng cho sự thật bằng một tình yêu đến cùng.
Ai muốn thuộc về Sự
Thật và muốn làm công dân Nước Trời thì hãy đón nhận tình yêu của Người và sống
như Người đã sống.