.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
24. BÀI GIẢNG ĐEM LẠI NIỀM AN ỦI

“Các vị giảng thuyết đừng quên rằng đối với nhiều người trong chúng tôi, đến với Thánh Lễ là cuộc ‘tĩnh tâm’ duy nhất mà chúng tôi có được.”[1]

 

Các phản hồi của dân chúng cũng nêu bật rằng họ muốn nghe những bài giảng tích cực hơn, có tính khích lệ hơn. Và họ thường xuyên lặp lại ý kiến này. Sau đây là một số ví dụ.

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

  • “Khi tôi ra về, tôi muốn cảm thấy phấn chấn hơn lúc tôi bước vào nhà thờ, ngay cả dù bài giảng thách đố tôi.”
  • “Tôi ước ao các bài giảng trở nên tích cực hơn và khích lệ hơn.”
  • “Nên làm cho người ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn chứ không phải nặng nề hơn.”
  • “Thỉnh thoảng phải biết nhấn mạnh vào những tính tích cực chứ, đừng chỉ nói các mặt tiêu cực.”
  • “Tôi không thích những vị giảng thuyết khắc nghiệt, luôn luôn trách cứ, và lặp đi lặp lại các qui luật.”
  • “Các bài giảng thường mang sắc thái hơi giống radio, TV và báo chí. Chúng luôn luôn nói về những chuyện tồi tệ. Điều đó thật dễ. Hãy cho chúng tôi một cái gì đó đem lại lạc quan tin tưởng hơn.”
  • “Tôi không thích khi các vị dùng bục giảng để răn đe.”
  • “Khi tôi đọc Tin Mừng, tôi thấy được ủi an. Còn khi tôi nghe các bài giảng của ngài, tôi cảm thấy như mình mới bị ‘điểm xấu’ trong lớp.”
  • “Cha sở chúng tôi nói với chúng tôi như một người bạn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi.”

 

Những Bài Giảng An Ủi

 

Có những lúc cần đi vào các mầu nhiệm đau thương, nhưng cũng có những lúc cần chiêm ngắm các mầu nhiệm vui và mừng. Chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là lần mới nhất mà tôi đã trung thành theo dòng chảy của Lời Chúa để có một bài giảng lễ đầy phấn khích và thấm đẫm Tin Mừng cứu độ?

Phản hồi từ dân chúng cho thấy rằng theo họ ghi nhận thì điều này không xảy ra cách thường xuyên lắm.

Mục đích của một bài giảng an ủi không phải là cho người ta được nghỉ, tạm lánh những điều mà họ cần nghe. Mục đích chính là để giảng Tin Mừng trọn vẹn, trong đó an ủi có phần của nó.[2]

Những kinh nghiệm về niềm vui thanh thản rất cần thiết cho tiến bộ tâm linh và cho sự trung thành. Chúng ta cần một xác tín bên trong rằng nhờ ơn Chúa, chúng ta có giá trị, đời sống có giá trị. Chúng ta dễ đáp lại tiếng gọi đổi mới nếu chúng ta tin rằng mình có thể đổi mới được.[3]

Một trong những ý kiến từ dân chúng mà tôi nhận được đã tác động đến tôi rất nhiều. Đó là một phụ nữ đã li dị và đang có một đời sống rất khó khăn. Tôi nói với chị rằng tôi đang làm việc với các nhà giảng thuyết và yêu cầu chị cho biết những đề nghị của chị. Chị suy nghĩ một lát, rồi nói với giọng đượm buồn:

 

Các cha hãy nhớ rằng các cha thật diễm phúc được có những ngày cầu nguyện và tĩnh tâm. Nhưng con thì phải loay hoay một mình nuôi 5 đứa con. Đi lễ là cách “tĩnh tâm” duy nhất mà con có thể làm được. Con chỉ muốn được an ủi khi ngồi đó, được bảo rằng Thiên Chúa yêu thương con – chứ đừng đặt thêm những gánh nặng trên đầu con nữa. Thỉnh thoảng xin các cha cũng biết giúp con được thanh thản chứ.

 

Khi nghe chị nói, tôi nghĩ đến biết bao người mong điều này từ các bài giảng của chúng ta, và tôi cảm thấy thật áy náy. Đành rằng không phải mọi bài giảng đều phải an ủi người ta từ đầu đến cuối, nhưng một số trường hợp thì có thể.

Ví dụ, hãy xem xét đoạn Tin Mừng: “Anh em là muối đất. Nhưng nếu muối nhạt đi, thì lấy gì làm cho mặn lại? Nó không còn ích gì nữa, phải bị ném đi và bị chà đạp dưới chân.” (Mt 5,13) Các nhà giảng thuyết thường nghiêng về việc chụp lấy hai câu cuối trên đây và giảng về nhu cầu phải sống triệt để những kỳ vọng này.

Nhưng phải chăng vẫn có những lúc chúng ta chỉ cần tập chú vào câu đầu trên kia, trình bày niềm an ủi rằng Chúa hy vọng nhiều nơi chúng ta? Tôi đã nghe một vị giảng thuyết làm cách này. Ngài nói:

 

Nào, anh chị em hãy xem Đức Giêsu đang nói với ai. Đây chỉ là những người dân thường, đến từ các thị trấn miền Bắc, họ cũng đang lo toan sinh sống. Hãy tưởng tượng họ nghĩ gì khi Đức Giêsu nói với họ: “Anh em là muối đất.” Họ nhìn nhau và nói: “Chà, Gì vậy cà? Chắc hẳn Ngài lầm lẫn rồi. Chúng ta mà là muối đất được sao? Chắc ông ấy đùa đấy. Chúng ta không phải là những con người bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày để nghiên cứu Lề Luật. Thậm chí chúng ta không biết đọc. Nè, phải có người đứng lên để nói cho Ngài biết chúng ta là ai.”

 

Rồi vị giảng thuyết tiếp tục nói về việc Đức Giêsu biết rõ Ngài đang nói với ai. Sứ điệp của Ngài thật lạ lùng. Tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa. Dù chúng ta thuộc giới nào – giàu hay nghèo, khoẻ mạnh hay tàn tật, lành sạch hay không lành sạch – chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Chúng ta có phẩm giá cao cả bên trong chúng ta, và chính vì chúng ta mà Đức Giêsu đã đến. Tất cả chúng ta đều là “những nhân vật quan trọng” trong mắt Ngài. Điểm khởi đầu cho bất cứ môn đệ nào của Đức Giêsu không phải là chúng ta yêu mến Thiên Chúa mức nào – mà chính là Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao.

Đó là Tin Mừng, và chúng ta cần giảng về Tin Mừng này thường xuyên hơn.

Chúng ta có thể nhớ lại ở đây đoạn thơ thứ hai của bài “There is a Balm in Gilead”:

 

Cho dù bạn không thể giảng như Phêrô,

Cho dù bạn không thể cầu nguyện như Phaolô,

Bạn vẫn có thể kể về tình yêu của Đức Giêsu,

Và nói: “Ngài đã chết cho mọi người.”


 

 
[1] Ý kiến phản hồi từ một giáo dân.
[2] Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu sai 12 môn đệ đi, và “họ ra đi rao giảng sám hối.” (6,2) D.E. Nineham chú giải rằng nội dung rao giảng của các ông ở giai đoạn tiền phục sinh này (“sám hối”) rõ ràng khác với Tin Mừng đầy đủ của Kitô giáo được rao giảng sau biến cố phục sinh. Nếu điều này đúng, ông nói, thì lời rao giảng của nhóm 12 trong giai đoạn này giống với lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Họ chỉ có thể giảng về sám hối. Chỉ sau cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, họ mới mở mắt ra và lời rao giảng của họ trở thành Tin Mừng ơn cứu độ.

 

[3] Trong văn kiện 1993 của mình, Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh bao gồm một tuyên bố mạnh mẽ đáng ngạc nhiên về điều này:

“Các nhà giảng thuyết phải tránh bám vào cách giảng một chiều trong đó chỉ nói đến những bổn phận của các tín hữu. Sứ điệp Thánh Kinh phải bảo tồn đặc tính chính yếu của nó là Tin Mừng về ơn cứu độ được Thiên Chúa trao ban nhưng không. Lời rao giảng sẽ kiến hiệu hơn và phù hợp với Thánh Kinh hơn nếu nó giúp các tín hữu trước hết “biết ân huệ của Thiên Chúa” (Ga 4,10) như được mạc khải trong Thánh Kinh; bấy giờ họ sẽ hiểu cách tích cực những bổn phận của mình rút ra từ đó.” (IV 3)

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!