.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
3. KHÔNG PHẢI LÀ BÀI GIẢNG

           “Ông ấy giảng có duyên, thậm chí lôi cuốn,

nhưng mọi sự không đến từ ông ấy.

Tất cả đều là cắt và dán.”[1]

 

Một cách để nắm những gì chúng ta đã đề cập trên kia là đối chiếu nó với những phương pháp khác. Ở đây sẽ biếm hoạ 5 loại bài giảng dùng cách tiếp cận khác với việc “đi vào Lời hằng sống trong Thánh Kinh để nhận định điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta ở đây và lúc này.”

 

1. Những bài giảng cũ được ‘hâm nóng’ lại trong lò vi ba

           

Tất cả chúng ta đều làm chuyện này. Chúng ta lấy một bài giảng cũ và không làm gì khác ngoài việc hâm nóng nó lại cho lần này. 

Ở đây không có ý nói rằng ta không thể dùng bất cứ gì mình đã dùng trước đây, nhưng có một sự khác biệt giữa việc vận dụng những tia sáng trước đây và việc đơn thuần lặp lại một ‘show’ cũ.

Những lời hô hào ‘truyền giáo’ là một ví dụ. Không phải tất cả, song một số nhà giảng thuyết về ‘truyền giáo’ vẫn thường dùng cùng một số bài giảng trong nhiều tháng (ngay cả nhiều năm), và nối kết một cách nhân tạo với các bài đọc của ngày Chủ Nhật.[2] Sự lặp lại như vậy không phải là những bài giảng đúng nghĩa, nếu nhìn nhận rằng giảng là thi hành tác vụ Lời hằng sống của Thiên Chúa, Lời vốn luôn mới mẻ không chỉ cho dân chúng mà cả cho người giảng thuyết nữa.

 

2. Những câu chuyện bị ép vào bài giảng

 

Một số bài giảng không phải là bổn cũ soạn lại, nhưng chúng ví như món ăn được nấu không phải tại chính bếp này. Chúng đến từ nơi nào đó khác và được nối kết cách gượng ép với các bài đọc Thánh Kinh. Đó có thể là một chuyện phim hay mà chúng ta mới xem và có ý định dùng làm cốt cho bài giảng tuần này, ngay cả dù chúng ta chưa hề đọc qua các bản văn Thánh Kinh. Hay đó có thể là một bài nói chuyện được chọn trước mà không cần xem xét nội dung cụ thể của Lời Chúa.[3]

Dù kiểu gì đi nữa, những bài giảng như thế không đến từ “nhà bếp” này, nghĩa là, chúng không đến từ món ăn mà chính Chúa nấu trong các bài đọc Thánh Kinh này và trong khung cảnh cụ thể này.[4]

 

3. Những bài giảng chỉ bám hờ vào - chứ không thực sự tuôn chảy từ - các bài đọc Thánh Kinh 

 

Có nhiều cách để các bài giảng chỉ bám hờ vào các bài đọc Thánh Kinh.

Chẳng hạn, điều này có thể xảy ra khi chúng ta cầu nguyện với bản văn Thánh Kinh của Chủ Nhật sắp tới. Việc cầu nguyện với Thánh Kinh cho phép người ta có nhiều tự do hơn để sử dụng một bản văn, nghĩa là có thể vượt xa khỏi ý nghĩa khách quan của bản văn ấy. Chúng ta đọc với tất cả tự do, chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình tới những ý tưởng được cảm hứng từ bản văn nhưng không nhất thiết nằm trong bản văn. Một từ hay một cụm từ nào đó ‘tóm’ lấy sự chú ý của chúng ta và làm nảy ra những ý tưởng kéo chúng ta đi theo một mạch cầu nguyện nào đó. Đây là một cách tốt để cầu nguyện, nhưng chúng ta cần nhớ sự khác biệt giữa việc cầu nguyện này và công việc của một người giảng thuyết là nhận định điều Thiên Chúa đang nói với tất cả cộng đoàn xuyên qua các bài đọc Thánh Kinh này.

Một cách khác để bài giảng bám hờ vào một bản văn Thánh Kinh, đó là khi chúng ta nhìn lướt qua các bài đọc (không nhất thiết là cầu nguyện bằng các bài đọc ấy) và bỗng chú ý cách riêng một điều gì đó có thể trao cho mình một ý chính để làm một bài giảng. Chẳng hạn, bài Tin Mừng có đoạn văn này:

 

Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đến và xem.” Vậy họ đến và xem nơi Ngài ở... và họ ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều. (Ga 1,38-39)

 

Chúng ta bỗng bị thu hút bởi chi tiết “bốn giờ chiều” này, và quyết định nói về cách người ta sử dụng thời gian trong thế giới bận rộn hôm nay. Mặc dầu sự đề cập về thời gian quả thực có trong bản văn này, ta vẫn không có cơ sở để nói rằng đó là chủ điểm của bản văn.[5]

 

4. Những bài giảng xây dựng trên một ý nghĩa được gán cho bản văn Thánh Kinh  

 

Ý nghĩa “được gán” là một ý nghĩa được ta trao cho bản văn chứ không phải ý nghĩa hàm chứa trong bản văn một cách khách quan. Xét nhiều khía cạnh thì trường hợp này có liên hệ rất gần với trường hợp ở số 3 trên kia.

Chúng ta đọc trong Mác-cô: “Khi Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài trông thấy Simon và anh của ông là Anrê đang quăng lưới xuống biển” (Mc 1,16). Người ta có thể chợt nghĩ rằng từ “quăng” ở đây gợi liên tưởng đến việc quăng chính mình cho Chúa – thế là quyết định giảng một bài về thái độ tín thác và lòng trông cậy vào Chúa!

Trong khi loại “ý nghĩa được gán” ấy có thể có chỗ trong suy tư, suy niệm, thì người giảng thuyết không thể coi nó như điều Thiên Chúa đang muốn nói với toàn thể cộng đoàn. Trong một bài báo viết về ý nghĩa “được gán,” Raymond Brown liên hệ đến việc giảng thuyết như sau:

 

Các nhà giảng thuyết có thể gán ghép ý nghĩa một cách dễ dàng và muốn vận dụng sự gán ghép ấy thay vì cố gắng rút ra một sứ điệp thích hợp từ ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh. Và như vậy là họ đang liều lĩnh thay thế lời của Thiên Chúa bằng sự khôn khéo của mình... Nhưng nói chung, một khi chúng ta đã nhận ra sự phong phú vô cùng của ý nghĩa bản văn Thánh Kinh, chúng ta sẽ tìm cách trung thành trình bày ý nghĩa ấy chứ không tìm cách gán ghép theo ý ta.[6] 

 

5. Bài giảng lễ khác với một bài dạy ở lớp

 

Mọi bài giảng tốt đều có chức năng ‘dạy học’ trong đó, theo nghĩa rằng người ta có thể học được điều gì đó. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta đang nói về các bài giảng lễ mà mục đích chính của chúng là chuyển đạt thông tin về Thánh Kinh, về giáo thuyết hay về các thực hành của Giáo Hội.[7] Các bài đọc được chỉ định sẵn cung cấp những cơ hội tuyệt vời để lên lớp, và nếu chúng ta có ‘máu’ của một ông thầy, chúng ta thường muốn lợi dụng cơ hội để dạy người ta.

Chẳng hạn, vào Chủ Nhật 29 năm C, Bài Đọc II có câu “Tất cả sách thánh đều được linh hứng bởi Thiên Chúa” (2Tm 3,16). Câu này, nền tảng Thánh Kinh của giáo lý về linh hứng, có thể dễ dàng dẫn tới một bài nói chuyện giải thích về thế nào là linh hứng và thế nào là không phải linh hứng.

Tuy nhiên, nếu giảng lễ là thi hành tác vụ giúp cho điều Thiên Chúa đang nói chảy vào cộng đoàn ở đây và lúc này, thì chúng ta phải chống lại cái cám dỗ sử dụng bài giảng để dạy về Thánh Kinh, hay về giáo lý. Dù chúng ta có ‘dạy’ hay đến mấy đi nữa, thì cũng không thể đem lại hiệu quả bằng việc cho phép Lời ân phúc của Thiên Chúa hiện diện và tác động thực sự trên cộng đoàn.[8] 

 

-------------------------------------------

 

Cần ghi nhận rằng các kiểu giảng lễ nói trên không phải luôn luôn đưa tới một sứ điệp “dở” - sứ điệp, xét tự thân nó, có thể rất tuyệt vời. Vấn đề là những bài giảng như thế không rút năng lực từ Lời ân phúc của Thiên Chúa đang diễn ra bây giờ, Lời thật mới mẻ và dành cho mọi người. Những bài giảng như thế trở thành lời của chính chúng ta được nối kết với một phần của bản văn, chứ không phải là Lời của Thiên Chúa được lắng nghe từ toàn bộ khung cảnh thực tại.  


 

 
 

 

[1] Một ý kiến phản hồi từ dân chúng.

 

[2] Nhưng hô hào ‘truyền giáo’ không phải là ví dụ duy nhất. Còn có những bài giảng dự trữ sẵn cho lễ Thêm Sức, lễ cưới, vv. Đây thực sự không phải là những bài giảng, nếu chúng ta đồng ý rằng vai trò của người giảng thuyết là nhận định điều Chúa đang nói với cộng đoàn một cách sống động ở đây và lúc này, trong sự tương giao giữa các bài đọc Thánh Kinh và bối cảnh cụ thể.

 

[3] Có lần, trong tài liệu tôi nhận được cho ngày Chủ Nhật Tôn Trọng Sự Sống, có một bài giảng mẫu, kèm với lời chú thích rằng bài giảng ấy có thể được sử dụng bất cứ Chủ Nhật nào của tháng 10, vì người ta đã dọn sẵn 4 phần kết thúc khác nhau.

 

[4] Trong tác phẩm A Handful of Dust, Evelyn Waugh có một câu chuyện khôi hài về vị cha sở tại một làng người Anh – vị cha sở này vốn đã từng phục vụ nhiều năm ở Aán Độ:

“Các bài giảng của cha đã được soạn vào thời trước, lúc cha còn trẻ trung, và đó là những bài giảng để giảng tại nhà nguyện của các binh lính; cha đã không làm gì để thích nghi chúng với các hoàn cảnh sứ vụ đã thay đổi của cha – và nói chung, bài giảng nào cũng kết thúc với sự qui chiếu về những ‘anh chị em thân mến’ nào đó rất xa. Dân làng không ngạc nhiên mấy về điều này, bởi họ đã quen với sự kiện rằng ít có gì được nói trong nhà thờ là nhằm để nói riêng với họ.” (New York: Dell Publishing, 1965, tr. 33-35)

Về sau trong quyển sách, tác giả đề cập một trong các bài giảng lễ Giáng Sinh của vị cha sở: “Đó là một trong những bài giảng mà bổn đạo của cha gắn bó cách riêng. ‘Chúng tôi thật khó nhận ra rằng đấy là lễ Giáng Sinh. Thay vì những ánh lửa bập bùng của lò sưởi và những cửa sổ đóng chặt để chống lại những cơn gió tuyết, chúng tôi lại có ánh nắng chói chang của mặt trời ở xứ sở nào ấy; thay vì những khuôn mặt thân thương xúm xít nhau trong cuộc quây quần của gia đình, chúng tôi lại có những cái nhìn lạ lẫm của những thổ dân lầm lì, dù họ tốt bụng. Thay vì những con bò và những con lừa hiền lành của hang đá Bêlem, chúng tôi lại có con cọp đói và lạc đà, chó rừng, voi từ đâu đâu...’ Tony và đa số các vị khách của Tony cảm thấy rằng đó là một phần thiết yếu của lễ Giáng Sinh của mình. ‘Con cọp đói và con lạc đà xa xôi’ kia từ lâu đã trở thành câu chuyện pha trò trong gia đình, trong các cuộc tụ tập vui chơi của họ.” (Op. cit., tr. 62-63)

 

[5]Một trong những dấu cho thấy chúng ta dùng bản văn theo cách này, đó là chúng ta ngừng đọc bài Tin Mừng ngay khi có được ý tưởng, chứ không đọc cho đến hết bài, cũng không cần xem các bài đọc khác.

 

[6] New Jerome Biblical Commentary, 71:79. Có thể nêu một ví dụ khác về ‘ý nghĩa được gán’ rút từ Thông Điệp Redemptoris Mater của Đức Gioan Phaolô II khi ngài trích dẫn bản văn này từ Thư Côlôsê: “Sự sống của anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa.” (3,3) Ý nghĩa khách quan của bản văn là sự thông dự của các Kitô hữu với Đức Kitô Phục Sinh. Trong Thông Điệp nói trên, đức giáo hoàng trích bản văn ấy để khai triển suy tư của ngài về Đức Maria sống với Đức Giêsu trong những năm sống âm thầm tại Nadarét. Đây rõ ràng là một ý nghĩa được gán. Việc ‘gán’ như vậy là điều được phép trong các suy tư, suy niệm, và trong văn mạch của Thông Điệp này, nhưng việc này không được phép trong các bài giảng lễ. (Cf. Fitzmyer, Louvain Studies 20 [1995, tr. 139-140].)

 

[7] “... các thừa tác viên của Lời Chúa có bổn phận chính yếu của mình, không chỉ là chuyển trao giáo huấn nhưng còn là giúp các tín hữu hiểu và nhận định điều mà Lời Thiên Chúa đang nói với họ, trong tâm hồn họ, khi họ nghe và suy tư các bản văn Thánh Kinh.” (Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Việc Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội, 1993, III B 3)

 

[8] Để minh hoạ sự khác biệt giữa dạy học và giảng lễ, hãy tưởng tượng bạn được mời giảng lễ cho một nhóm thần học gia và học giả Thánh Kinh tên tuổi. Phản ứng tự nhiên có thể là van xin thoái thác, hay ít là nơm nớp lo lắng. Nhưng tại sao? Một người có khả năng giảng thì có khả năng giảng cho những con người này chứ. Bạn không đang dạy họ (bạn khó có khả năng này). Bạn không đang viết một bài nói chuyện để họ phải thán phục. Bạn có các bài đọc Thánh Kinh. Bạn là thừa tác viên của những gì được chuyên chở trong các bài đọc ấy. Bạn là một anh chạy bàn. Thế thì bạn còn lo lắng về điều gì nhỉ?

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!