.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
22. ĐỪNG QUÁ ÔM ĐỒM, ĐỪNG NÓI HẾT NHỮNG GÌ PHẢI NÓI TRONG BÀI GIẢNG

“Đôi khi bài giảng có vẻ giống với một danh sách mua hàng.”[1]

 

Một trong những sai lầm lớn nhất là cố gắng bắt bài giảng nói hết mọi thứ cần nói tại một cuộc cử hành phụng vụ nào đó. Hãy tưởng tượng:

 

- Hôm nay là Chủ Nhật cuối cùng để đăng ký cho chương trình giáo lý, và con số đăng ký cho tới nay còn khá thấp.

- Giữa tuần rồi bạn được báo rằng có một cuộc quyên góp đặc biệt cho các nạn nhân thiếu lương thực.

- Hôm nay cũng là ngày Chủ Nhật mà Bài Đọc II bắt đầu bằng “Những người vợ phải phục tùng chồng mình.”

- Hôm qua, một trẻ em trong giáo xứ thiệt mạng vì một tài xế say rượu.

 

Đó là tất cả những điều cần phải đề cập. Một số trong chúng ta, thay vì giảng một bài giảng, sẽ dùng thời gian của bài giảng để nêu các vấn đề mục vụ này; những người khác sẽ cố gắng giảng cách nào đó thật rộng để bao hàm tất cả những chuyện trên.

Cả hai cách ấy đều không cần thiết. Nếu chúng ta nhìn tổng thể cơ cấu Thánh Lễ, ta thấy có nhiều cơ hội ngoài bài giảng để đề cập đến các mối quan tâm này, và bài giảng vẫn có thể cứ là bài giảng.

Đây là một cách xử lý tình huống này.

 

Ngay Trước Thánh Lễ

 

Cộng đoàn bắt đầu tập trung trước khi nghi thức rước nhập lễ bắt đầu. Và ở đây có một cơ hội.

Hai hay ba phút trước cuộc rước nhập lễ sẽ là thời điểm rất tốt để linh mục bước ra và nói với dân chúng về cái chết của đứa trẻ. Đây là chuyện nóng, cần được đề cập, và dường như tốt nhất là đề cập ngay lúc đầu này. Một vài lời về nỗi phẫn nộ, sự choáng váng và nỗi đau mà mọi người đang cảm nhận, và một vài lời để an ủi, nâng đỡ gia đình nạn nhân – đây là cách mà một mục tử tốt qui tụ đàn chiên và giúp chuyển đưa tất cả vào dòng chảy của phụng vụ.[2]

Một số người có thể cho rằng đợi đến sau lời chào khai mạc Thánh Lễ để nói chuyện này thì tốt hơn. Tôi không nghĩ thế. Mục đích của những lời nói sau nghi thức chào đầu lễ là để “giới thiệu ngắn gọn vào Thánh Lễ của ngày.”[3] Việc đề cập đến cái chết của đứa trẻ, theo tôi tưởng, sẽ cần khá nhiều thời gian hơn (2 hay 3 phút), cần một khung cảnh khác hơn, và được thực hiện tốt nhất khi cộng đoàn đang ngồi, chứ không phải đang đứng.[4]

 

Sau Lời Nguyện Đầu Lễ

 

Khi xong lời nguyện đầu lễ, chúng ta có một trong những mối chuyển tiếp tự nhiên trong Thánh Lễ. Nghi thức qui tụ cộng đoàn đã kết thúc, người ta đang ngồi, và chúng ta sắp bắt đầu phần phụng vụ Lời Chúa. Nếu cần nói gì về các bài đọc sắp được cử hành, thì đây là lúc thuận tiện để nói một cách cô đọng.[5]

Sau đây là một ví dụ có thể dùng vào ngày Chủ Nhật tưởng tượng của chúng ta, với bài đọc về vợ và chồng:

 

Phần cuối của Thư Êphêsô, nói về các mối tương quan gia đình, thuộc bối cảnh cơ cấu gia đình của thời ấy – những người nô lệ, các trẻ em, những người làm vợ – trong đó người chồng là “gia trưởng” nắm quyền cao nhất. Trích đoạn hôm nay nói về tương quan vợ chồng. Phần sau, Thư sẽ nói về con cái và cha mẹ, nô lệ và chủ nô. Đương nhiên chúng ta không được mời gọi tái lập các cơ cấu xã hội sơ khai của thời ấy. Ở đây chúng ta học biết sự thật vượt thời gian rằng tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta phải tác động đến cách chúng ta yêu thương nhau.

 

Sau Lời Nguyện Tín Hữu

 

Từ phụng vụ Lời Chúa sang phụng vụ Lễ Vật là một bước chuyển tiếp nữa trong Thánh Lễ. Một lần nữa, người ta đang ngồi. Cứ bình thường thì tôi không đề nghị nói bất cứ gì vào lúc này (vì người ta đang cần một ít thinh lặng sau phụng vụ Lời Chúa), nhưng ngày Chủ Nhật tưởng tượng hôm nay không phải là một ngày Chủ Nhật bình thường. Lúc này có thể đề cập đến việc quyên góp cứu đói, bằng vài lời được chuẩn bị trước thật kỹ, mất không tới 30 giây.

 

Cuối Nghi Thức Rước Lễ

 

Bước chuyển từ nghi thức rước lễ tới nghi thức giải tán là mối chuyển tiếp tự nhiên cuối cùng trong Thánh Lễ.[6]

Luật chữ đỏ nói rằng, khi xong lời nguyện sau hiệp lễ, “nếu cần thông báo gì, thì làm một cách ngắn gọn.” Sẽ là thích hợp việc dùng khoảng 2 phút (không phải 5 phút) để đề cập đến việc đăng ký tham gia chương trình giáo lý tại giáo xứ.

-----------------------------------

 

Kết quả cuối cùng của tất cả những điều này, đó là tất cả 4 vấn đề mục vụ đều được đề cập, Thánh Lễ kéo dài thêm chưa tới 4 phút, và bài giảng vẫn cứ là bài giảng, chứ không phải là một nồi chè thập cẩm. Chúng ta đáp ứng mọi người, kể cả chính chúng ta, khi chúng ta không cố gắng dùng bài giảng để nói mọi thứ cần được nói.[7]

 

Một Điều Cuối Cùng Nên Nhớ

 

Đa số các cử hành phụng vụ vốn đã có rất nhiều lời, vì thế chúng ta nên liệu sao để tiết giảm lời thay vì ‘lắm lời’. Đừng quên rằng ví dụ trên đây chỉ là một ngày Chủ Nhật không bình thường, một ngoại lệ chứ không phải qui ước. Nếu không làm như trên thì chỉ còn 2 khả năng chọn lựa: một là không đề cập gì cả đến các nhu cầu mục vụ thiết thực; hai là vứt bỏ bài giảng lễ và dùng thời gian đó để nói những chuyện kia. Tôi không nghĩ đó là những sự chọn lựa đúng đắn.

Đàng khác, tôi cũng không đề nghị rằng chúng ta nên tận dụng mọi cơ hội trong Thánh Lễ để dạy bảo, giải thích hay giảng “những bài giảng nhỏ.” Đôi khi chúng ta, trong vai trò chủ sự, sử dụng quá nhiều lời vào những chỗ mà mình được phép nói ứng khẩu – chẳng hạn, sau lời chào đầu lễ, lời mời gọi trước Kinh Lạy Cha, vv. Nói chung, một vị chủ tế ít lời thì luôn được hoan nghênh.

Cũng vậy, vẫn có mối nguy là vị linh mục dâng lễ sẽ nói quá nhiều tại mỗi phần được đề nghị trên. Hãy nhớ rằng “xin anh chị em cho tôi 2 phút” dễ dàng trở thành 5 phút. Việc nói ngắn gọn về 4 chủ điểm quan trọng và khác nhau đòi phải có sự chuẩn bị trước kỹ lưỡng và phải có tinh thần kiệm lời. Nhưng sự chuẩn bị ấy rất đáng công – vì đó là công việc tốt đẹp của vị mục tử biết săn sóc đoàn chiên.


 

[1] Một nhận xét phản hồi từ dân chúng.

 

[2]Ngoài những trường hợp đặc biệt trong đó nhiều chuyện cùng xảy ra như ví dụ ở đây, vẫn là điều hữu ích việc chuyện trò chút ít với cộng đoàn trước khi diễn ra nghi thức rước nhập lễ. Điều này sẽ tạo bầu khí thân tình, tháo gỡ các rào cản. Chúng ta có thể làm bất cứ gì thích hợp: chào mừng các vị khách, chào các bạn trẻ về nghỉ hè, hỏi thăm có ai mừng sinh nhật trong tuần này, đề cập một chuyện thời sự ... Tất cả những việc này đều có ý nghĩa “qui tụ cộng đoàn.”

 

[3]Luật chữ đỏ trong Sách Lễ Rôma.

 

[4] Tôi cho rằng trong nhiều trường hợp, những lời dẫn vào Thánh Lễ sau lời chào đầu lễ thường trở nên quá nhiều lời, thậm chí nghe như một bài giảng. Những lời này được ấn định là phải vắn tắt!

 

[5] Ngay cả dù các bài đọc không đặt ra vấn đề gì bất thường, tôi tin rằng cũng hữu ích việc cung ứng bối cảnh cho 2 bài đọc đầu tiên. Người ta thường không rõ các bài đọc này từ đâu ra, và họ cần được giúp để hiểu bối cảnh. Nhưng bối cảnh phải vắn tắt thôi (không hơn 30 giây cho mỗi bài đọc), và đó thật sự là bối cảnh (giúp người ta nghe bài đọc chứ không phải kể cho họ nội dung của bài đọc), nhất là không được biến nó thành một bài giảng nhỏ!

 

[6] Nhớ rằng lời nguyện sau hiệp lễ không thuộc về nghi thức giải tán. Vì nó là kết thúc của nghi thức hiệp lễ, nội dung của nó âm vọng lại việc rước lễ, chứ không phải hướng tới việc sai đi. Huấn Thị Tổng Quát về Sách lễ Rôma nói: “Trong lời nguyện sau hiệp lễ, linh mục kêu xin những hiệu quả của mầu nhiệm vừa được cử hành...” (số 56). Một số vị chủ tế vẫn ngồi khi dâng lời nguyện này, nghĩa là dân chúng cũng ngồi. Như vậy lời nguyện dễ ‘chảy đến’ cách tự nhiên từ khoảnh khắc thinh lặng sau hiệp lễ. Hơn nữa, làm cách này sẽ tránh cho dân chúng khỏi đứng lên rồi lại ngồi xuống ngay sau đó để nghe các thông báo.
[7]Trong thực tế khi gặp một ngày Chủ Nhật như tưởng tượng ở đây, tôi đã dùng cách này và kết quả xem ra khá tốt.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!