.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
16. THÔNG TIN BÊN LỀ

“Đó là một ý hay. Khổ nỗi nó chen ngang vào mọi sự khác mà ngài đang nói.”[1] 

Tôi được một nhà báo giải thích thế nào là thông tin bên lề: Đó là một thuật ngữ báo chí nói về những thông tin nào đó liên hệ đến một câu chuyện và được đặt kèm theo câu chuyện, thường đóng khung lại.

Thông tin bên lề cũng giống như những lời nói thêm vào, những chú thích, những mở rộng. Trong các câu chuyện trên báo, các thông tin bên lề thường rút chất liệu từ câu chuyện chính yếu.

Báo chí luôn luôn sử dụng những thông tin bên lề như vậy. Kèm theo một câu chuyện về lũ lụt ở miền Tây Bắc có một vài bản đồ cho biết những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất. Một thông tin bên lề khác có thể là một bảng liệt kê 10 cơn mưa lớn nhất thế kỷ.

Một bài viết về chuyến đi Cuba của Đức Thánh Cha có thể được kèm theo một thông tin bên lề lược kể những năm của Castro ở Cuba. Chúng ta có thể đọc câu chuyện và sau đó để mắt vào thông tin bên lề, hoặc nhìn vào đó lần này lần khác trong quá trình đọc câu chuyện.

Thông tin bên lề chứa đựng những thông tin thú vị, nhưng nếu đặt chúng vào chính câu chuyện, chúng sẽ phân tán mạch chuyện và làm cho người đọc bị lộn xộn.

 

Những Câu Chuyện Về Thông Tin Bên Lề

 

Một ví dụ về những gì đáng xếp vào loại thông tin bên lề (nghĩa là đáng bị loại bỏ) thường xảy ra khi có ai đó kể một câu chuyện. Chúng ta rất hay gặp trường hợp này. Một người vợ muốn kể một chuyện vui xảy ra trong một lần đi thang máy. Chị bắt đầu bằng việc trước hết kể lý do tại sao chị đi phố. Điều này chẳng liên quan gì đến chuyện xảy ra trong thang máy, nhưng qua đó chúng ta biết chi tiết thú vị rằng vị chủ tịch hội đồng quản trị của công ty kia là anh họ của chị, và rằng chị đi đến đó để cố gắng xin một việc làm cho đứa cháu họ. Người chồng xen vào và nói: “Ồ, không phải vậy em à. Chuyện đó xảy ra vào năm trước. Hôm đó em đi gặp anh Ralph vì anh ấy có hứa đưa em đi ăn trưa trong phòng ăn của ban điều hành.” Chị cãi lại và nói rằng chị nhớ đó là đi công việc cho đứa cháu họ, bởi vì đó là lúc chiều muộn chứ không phải giờ cơm trưa. Người chồng vẫn giữ lập trường – thế là hai vợ chồng tiếp tục tranh cãi với nhau, còn những người nghe thì tự nhủ: “Ai cần biết tại sao chị đi tới toà nhà đó! Điều chúng tôi muốn nghe là CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG THANG MÁY?”

Bạn hãy nghĩ đến những thông tin bên lề mà một số người kể chuyện có thể bao gồm nếu họ viết câu chuyện Người Samaritanô Nhân hậu. Họ có thể viết thế này:

 

Có một người sống ở Giêrusalem và thường xuyên đi chặng đường 7 dặm từ Giêrusalem đến Giêricô. Anh ta có một người em ở Giêricô bán kim hoàn. Anh ta nhận những đơn đặt hàng từ bạn bè ở Giêrusalem, và cứ vài tháng một lần, anh thực hiện chuyến đi. Anh thường mang rất nhiều tiền trong người khi đi như vậy.

Đó là một chuyến đi đầy bất trắc vì con đường rất vắng người đi lại. Bọn cướp đã tung hoành trên quãng đường này từ nhiều thế kỷ, và người ta gọi đó là “cướp đường.” Nhưng đó cũng là con đường độc nhất từ Giêrusalem đi Giêricô. Thường thì anh ta nhập với những người khác để có bạn đồng hành; nhưng khi lỡ không tìm thấy ai, anh cũng mạo hiểm đi một mình. Chúng tôi đã cảnh giác anh ta về chuyện nguy hiểm này, nhưng anh không chịu nghe.

Thế rồi, hôm ấy chuyện tệ hại đã xảy ra. Anh còn cách Giêricô 3 dặm. Đường sá rất vắng vẻ – trong suốt hơn một tiếng đồng hồ, anh đã chẳng gặp thấy ai. Khi anh đi tới chỗ ngoặt trên con đường, nơi có những tảng đá sừng sững, anh nghe thấy tiếng bước chân phía sau mình. Khi quay lại, anh trông thấy ba tên cướp sáp tới. Anh cố vụt chạy, nhưng không còn kịp nữa rồi. Bọn cướp dùng gậy phang anh túi bụi cho đến khi anh bất tỉnh.

 

Bạn hãy so sánh với bản văn gốc trong Tin Mừng:

 

“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp.”

 

Chỉ có 15 từ. Còn bản tường thuật với những thông tin bên lề trên kia dài đến 249 từ, song vẫn chỉ nói được tới chỗ đó của câu chuyện.

Trong Tin Mừng, trọn câu chuyện gồm 182 từ, bao gồm những chi tiết: bọn cướp hành hung người ấy, vị tư tế bỏ đi qua, người Lêvi cũng đi qua, rồi người Samaritanô dừng lại săn sóc người ấy, đưa tới quán trọ, và hôm sau sắp xếp mọi việc với người chủ quán.

Nếu chúng ta suy diễn theo tỉ lệ trên đây, thì câu chuyện thêu dệt với những thông tin bên lề sẽ phải cần đến 3.021 từ để kể câu chuyện vốn chỉ dài 182 từ này.

 

-----------------------------------------------------

Bạn hãy kiểm tra những thông tin bên lề trong bài giảng của mình và hãy loại bỏ chúng. Vấn đề nằm ở chỗ trong khi các tờ báo có thể kèm theo loại thông tin này, đặt trong những cái khung, còn chúng ta thì không có chỗ nào để đặt chúng cả. Thật là đau khi phải loại bỏ chúng - vì chúng là những thông tin thú vị, phong phú, có liên hệ trực tiếp với cốt ý của chúng ta, và thật là thích thú khi kể chúng nữa.

Nhưng chúng phải bị tháo gỡ vì chúng chiếm chỗ của sứ điệp chúng ta. Một người đã nói với tôi về một thông tin bên lề xảy ra trong bài giảng của tôi: “Đó là một ý hay. Khổ nỗi nó chen ngang vào mọi sự khác mà ngài đang nói.”

Một thông tin bên lề thì gần giống như là một cước chú, mặc dù thông tin bên lề thường hấp dẫn hơn cước chú. Dù sao đi nữa, nguyên tắc vẫn vậy: Lý do của việc không đặt cước chú trong bản văn là vì để tránh chặn ‘dòng chảy’ của ý chính, và tránh gây phân tán tư tưởng người ta. Các thông tin bên lề cũng cần phải bị loại ra vì cùng lý do ấy.

 

--------------------------------------------------

Trong một chương trước chúng ta đã nói về việc biên tập và về nỗi đau của việc cắt bỏ những chất liệu thú vị: Các thông tin bên lề thuộc số những nạn nhân phải bị cắt bỏ này. Một khi nhận ra một thông tin bên lề, chúng ta cũng nhận ra rằng mình cần cắt bỏ nó. Điều rắc rối là ta không có thuốc tê để giúp làm giảm đau. Nhưng người viết dày dạn thì cần dũng cảm để làm tất cả những gì phải được làm.
 


[1] Ý kiến của một giáo dân về một phần trong một bài giảng của tôi.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!