.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
23. SỰ THAM DỰ CỦA CỘNG ĐOÀN VÀO BÀI GIẢNG

“Tất cả những gì chúng tôi phải làm là thưa ‘Amen’ hoặc đi vào toa lét.”[1] 

 

Đa số các trường hợp phát biểu trong Thánh Lễ chỉ diễn ra một chiều (nói với cộng đoàn), và đa số các động thái chỉ xảy ra nơi các thừa tác viên. Đôi khi, việc cho phép sự việc diễn ra cách khác sẽ đem lại một cái gì đó mới mẻ.

Chúng ta quên rằng trong phụng vụ Thánh Lễ cộng đoàn rất ít khi có dịp để nói gì hay làm gì đó. Họ có thể hát, dĩ nhiên, nhưng dọc theo phần lớn cử hành phụng vụ, việc lên tiếng nói và di chuyển, cử động thì không phải là việc của họ. Một giáo dân có lần nói với tôi: “Tất cả những gì chúng tôi phải làm là thưa ‘Amen’ hoặc đi vào toa lét.”[2]

 

Những Bài Giảng Có Bao Gồm Đối Thoại ??

 

Những bài giảng có bao gồm đối thoại là một cố gắng để xoay chiều chuyện này, nhưng tình hình xem ra không sáng sủa, ít nhất đối với loại đối thoại mở, trong đó bất cứ ai muốn nói đều có thể nói. Những bài giảng như vậy có xu hướng kéo dài ... dài ra mãi, trong khi mức độ cựa quậy của cộng đoàn thì mỗi lúc một lên cao.[3]

Bài giảng lễ có bao gồm đối thoại có thể vẫn hiệu quả trong các nhóm nhỏ – nếu nhóm đủ nhỏ (nghĩa là rất nhỏ) và nếu người giảng thuyết tránh được cái kỳ vọng ẩn tàng rằng ai cũng nên phát biểu gì đó.

 

Những Cách Thế Khác

 

Dù sao, trong bài giảng bình thường ngày Chủ Nhật, có thể khơi lên sự đối thoại lúc này lúc khác. Điều này có thể có một tác dụng tích cực trên tính năng động của toàn bộ cử hành. Ngay cả dù chỉ có vài người thực sự lên tiếng, toàn thể cộng đoàn sẽ cảm thấy sự sống động đến từ “phía của mình.”

Chìa khoá thành công ở đây tuỳ vào vị giảng thuyết thoải mái với việc này, và biết cách làm (chẳng hạn, với những vật minh hoạ mà chúng ta đã đề cập trước đây). Cách làm này phải phù hợp với phong thái và tính cách của người giảng thuyết. Có lẽ đa số chúng ta đều có thể làm tốt, và trong nhiều trường hợp điều này rất hữu ích. Đặc biệt có ích đối với các Thánh Lễ dành cho thiếu nhi. Và đây là lý do tại sao người ta thường nhận xét rằng phần đông các nhà giảng thuyết tỏ ra hiệu quả nhất đối với các em thiếu nhi.

Một cách để thúc đẩy sự tham dự là mời cộng đoàn nhận xét về một điều gì đó. Không giống như trong bài giảng có bao gồm đối thoại, ở đây chúng ta chỉ yêu cầu một ít nhận xét, để làm nóng không khí lên.

Một cách dễ dàng khác để có được sự tương tác, đó là mời cộng đoàn hưởng ứng những câu hỏi thăm dò (bằng cách giơ tay lên). Thật thú vị là ngay cả với hình thức tương tác rất giới hạn này, bầu khí cũng được thay đổi đáng kể, và mọi người có cảm giác rằng mình đang tham dự vào những gì đang diễn ra.

Đây là một ví dụ về việc sử dụng cả hai cách trên trong một bài giảng. Giảng về đoạn Tin Mừng trong đó Đức Giêsu nói rằng tất cả Lề Luật và các tiên tri đều qui về việc yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân, nhà giảng thuyết nêu vấn nạn rằng điều nào trong hai điều ấy gay go hơn, và ngài cho biết muốn làm một cuộc thăm dò.

“Bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ rằng yêu mến Thiên Chúa thì khó hơn?” (Một số người giơ tay lên).

“Bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ rằng yêu thương tha nhân thì khó hơn?” (Đa số giơ tay lên).

Vị giảng thuyết bảo họ suy nghĩ thêm về cả hai trường hợp, bởi vì sự thật là đôi khi thật khó yêu Chúa. Rồi ngài mời họ nêu ví dụ về những lúc mà yêu Chúa là điều khó. Cuối cùng họ sẽ đưa ra bốn hay năm ví dụ mà mọi người đều có thể tán thành. Rồi, vị giảng thuyết đưa ra một số suy tư về việc chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa thậm chí một cách sung mãn hơn khi chúng ta chân thành đối diện với những thử thách này. Toàn thể cộng đoàn cảm thấy mình là thành phần của bài giảng, và họ sẽ ra về với một hạt ngọc mang theo.

Ngay cả loại tương tác tối thiểu trên đây cũng tạo ra một khác biệt. Ngoài ra, có nhiều khả năng rằng người ta sẽ tiếp tục trao đổi với nhau về sau, chẳng hạn, họ hỏi nhau vì sao người kia lại “biểu quyết” theo phía ấy trong cuộc thăm dò.

Nếu biết làm cách phù hợp thì có nhiều điều có thể làm để thúc đẩy sự tham dự tích cực của cộng đoàn. 
 


[1] Nhận xét của một giáo dân trong một nhóm thảo luận về những cách thức giúp cộng đoàn tham dự phụng vụ tích cực. 

[2] Có lần tôi xem băng video về một Thánh Lễ Chủ Nhật khá long trọng; tôi giữ chiếc đồng hồ bấm giờ trong tay để tính xem tổng cộng thời gian mà dân chúng lên tiếng là bao nhiêu. Tôi tính hết mọi thứ – tất cả những lời thưa “Amen” và tất cả những câu đáp “Và ở cùng Cha.” Thật ngạc nhiên để khám phá rằng trong hơn kém một tiếng đồng hồ của Thánh Lễ, dân chúng chỉ nói có 92 giây. Và phần lớn của con số 92 giây này được ‘tiêu thụ’ bởi Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha. Tôi hy vọng một ngày nào đây chúng ta sẽ xem xét chuyện này và sẽ điều chỉnh lại cơ cấu phụng vụ. Nhưng ngay cả trong hình thức hiện tại, tình hình có thể được cải thiện nhiều nếu ta cho phép dân chúng tham dự cách nào đó vào bài giảng. 

[3] Một chìa khoá cho bất cứ hình thức nào giúp cộng đoàn tham dự tích cực vào bài giảng, đó là vị giảng lễ có năng lực điều khiển tình hình. Bài giảng có bao gồm đối thoại là hình thức đòi hỏi nhiều kỹ năng như vậy nhất.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!