.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
4. PHẦN MỞ ĐẦU BÀI GIẢNG

Hãy bảo họ đi thẳng vào trọng tâm.”[1] 

Điều đầu tiên phải nói về phần mở đầu (nếu hiểu phần mở đầu là mấy câu nói chuyên biệt dùng để bắt đầu), đó là các bài giảng lễ không cần phần mở đầu chi cả. Một số bài nói chuyện sẽ cần, nhưng các bài giảng lễ thì không cần. Hãy nhớ rằng cơ cấu phụng vụ Thánh Lễ vốn đã có một phần mở đầu rồi (nghi thức tập trung).

Trong các khoá học nói trước công chúng, người ta vẫn thường đề nghị việc lôi kéo sự chú ý, chẳng hạn kể một giai thoại nào đó...

Trong một bài giảng, lôi kéo sự chú ý là việc ít cần nhất. Mọi sự xảy ra trước bài giảng vốn đã lôi kéo sự chú ý rồi: người ta đứng lên, hát Allêluia, lắng nghe bài Tin Mừng, rồi người ta ngồi xuống, chờ nghe những tiếng đầu tiên của bài giảng. Như vậy, điều cần làm không phải là lôi kéo sự chú ý của người ta, mà đúng hơn là giữ cho được sự chú ý đang có sẵn.

Cách tốt nhất để giữ sự chú ý của người nghe là “đi thẳng vào trọng tâm.” Chúng ta thường chần chừ không đi thẳng vào trọng tâm, có lẽ bởi vì sợ rằng mình sẽ không còn gì để nói tiếp. Chúng ta cảm thấy mình nên đi vào trọng tâm cách nhẩn nha, từ từ. Nhưng nhiều người cho biết rằng họ muốn chúng ta đi nhanh hơn vào cốt lõi của bài giảng. Đây là một số ý kiến của họ:

 

  • “Tôi thích cái cách vị linh mục ấy đi thẳng vào điểm chính của bài giảng.”
  • “Tôi chán những kiểu nhập đề dông dài.”
  • “Hãy vào thẳng.”[2]
  • “Đừng dẫn chúng tôi đi lòng vòng.”
  • “Cha sở thường mở đầu bằng một câu chuyện dài dòng, với những chi tiết không cần thiết.”
  • “Ngài thường bắt đầu rất hay, dù ít khi có nối kết chặt chẽ với bài Phúc Aâm. Rồi sau đó thì nghe chán phè.”
  • “Ông cha đó luôn bắt đầu bài giảng bằng cách kể lại câu chuyện mà mọi người vừa mới nghe trong bài Tin Mừng. Thật là chán!”

 

Điều Chúng Tôi Đã Rút Tỉa Được

 

Trong các buổi làm việc về bài giảng của chúng tôi, chúng tôi ghi nhận 3 vấn đề liên quan tới cách bắt đầu bài giảng:

 

1. Quá luộm thuộm

Nhiều khi mấy câu đầu tiên của chúng ta yếu xìu, mềm nhũn, và đầy những yếu tố rườm rà không cần thiết. Người ta đang chăm chú chờ nghe những tiếng đầu tiên của bài giảng, thế mà chúng ta lại vật vờ...

Một số bài giảng giống như các ‘thủ tục’ cất cánh của một máy bay: chạy một hồi lâu trên đường băng, dần dần tăng tốc, rồi cuối cùng mới lao lên khỏi mặt đất. Hình ảnh cất cánh này nên áp dụng không phải cho bài giảng, mà cho nghi thức tập trung lúc đầu lễ: người ta lần lượt đến, dần dần qui tụ với nhau, rồi nâng hồn lên với Chúa trong bài hát nhập lễ.[3] 

 

2. Quá dài

Tán chuyện lúc bắt đầu là điều dễ; và chúng ta thường làm thế. Nếu đó là một câu chuyện, chúng ta thường đắm chìm trong các chi tiết. Việc bắt đầu một cách dông dài sẽ làm mờ nhạt cái cốt yếu của sứ điệp và phung phí sự chú ý của người nghe vào lúc mà họ tập trung cao độ nhất. Điều quan trọng không phải là chiều dài của bài giảng, mà là sự sắc bén của nó.

 

3. Phần bắt đầu tách rời hẳn khỏi bài giảng

Nhiều khi phần bắt đầu được nối kết với phần còn lại của bài giảng một cách gượng ép; nó chẳng soi sáng gì cho ý tưởng chính của chúng ta. Nó không cần phần còn lại của bài giảng, và phần còn lại của bài giảng cũng chẳng cần đến nó. Cần xét xem cách ta bắt đầu có thực sự gắn khớp với bài giảng hay không. Nếu không, hẳn là nên loại bỏ nó.

 

Một Số Ví Dụ

 

Đây là một số trích dẫn từ phần bắt đầu của một số bài giảng thực: 

 

Như anh chị em biết, cuối tuần rồi tôi vắng nhà. Tôi đã dành ít ngày viếng thăm mấy người bạn tốt của tôi ở Chicago. Có người gợi ý với tôi về chuyện chơi đánh gôn. À, thực ra chuyện này không có chi đáng nói; tôi sẽ cho thấy tại sao tôi lại nhắc đến ở đây. Không phải tôi muốn khoe khoang về điều gì đâu. Nhưng tôi thấy rằng một trong những điều chúng tôi đã làm chắc chắn phản ảnh bài Phúc Aâm mà chúng ta nghe tuần này, và tôi hy vọng có thể chuyển đạt cái ấn tượng đó cho anh chị em. Số là, vào tối Chủ Nhật, ba anh em chúng tôi lái xe tới ... 

 

       Bản văn đã được biên tập:

 

Vào tối Chủ Nhật, ba anh em chúng tôi lái xe tới ...

 

Ví dụ khác:

 

Chủ Nhật vừa rồi, và gần trọn hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba, tôi đi lên miền bắc với vài người bạn mà tôi đã quen biết từ nhiều năm; và mặc dù băng đóng không dày, vẫn có những người đi câu cá dưới băng. Thật thú vị. Tôi bước ra ngoài cửa, lúc bấy giờ là chiều tối, tôi gặp thấy vài người đàn ông và mấy đứa trẻ đi câu về. Tôi lên tiếng: “Chào các bạn. Câu được nhiều cá không?” Họ trả lời: “Không khá lắm. Chúng tôi chỉ bắt được vài con cá nhỏ.” Cách đây ít tuần, một số người ở miệt dưới – gồm hai cha con và một người đàn ông khác nữa, tôi không nhớ rõ là còn ai khác nữa không – đã đi câu cá suốt cả tuần, và hầu như đã chẳng bắt được gì ngoại trừ vài con cá nhỏ xíu. Những người đánh cá trong bài Phúc Aâm hôm nay cũng vậy...

 

       Bản văn đã được biên tập:

 

Vừa rồi tôi lên miền bắc, và người ta ở đó đang đi câu cá dưới băng. Chiều tối hôm ấy, mấy người câu cá đang trở về nhà, ngang qua chỗ tôi, tôi hỏi họ: “Câu được nhiều không?” Họ đáp: “Tệ lắm. Chỉ vài con cá nhỏ.” Những người đánh cá trong bài Phúc Aâm hôm nay cũng vậy... 

 

Ví dụ khác:

 

Tất cả chúng ta đều biết rằng thay đổi là điều rất khó. Và tôi nhận ra rằng càng cao tuổi thì dường như càng khó thay đổi hơn, nhưng đó là sự thực. Tôi nghĩ rằng ai cũng có khuynh hướng nhận thấy rằng sự thay đổi – ít nhất là nhiều loại thay đổi – thật là khó. Thế mà, thật là lạ bởi vì trong quãng đời của mình, trong thời đại này, chúng ta đã phải trải qua nhiều thay đổi hơn toàn thể nhân loại đã từng trải qua trong cả lịch sử. Vì thế thay đổi là một điều thường hằng đối với chúng ta, dù nó có thể khó khăn. Các bài đọc hôm nay nói với chúng ta rằng sự thay đổi...

 

      Bản văn đã được biên tập:

 

Thay đổi là điều khó. Càng cao tuổi, dường như tôi càng khó thay đổi hơn. Thế nhưng thật lạ là trong đời mình chúng ta đã trải qua nhiều thay đổi hơn bất cứ ai đã từng trải qua trong lịch sử. Các bài đọc hôm nay nói với chúng ta rằng sự thay đổi...

 

Ví dụ khác:

 

Thật vui được trở lại với anh chị em hôm nay. Cha Bill đã quảng đại cho phép các phó tế chúng tôi nghỉ tháng bảy này, vì thế tôi được gặp lại anh chị em ở đây. Mà này, vào Thánh Lễ 5 giờ chiều hôm qua, tôi bất chợt nhận ra Cha Bob, người cao nghều, và tôi chắc chắn biết Mutt và Jeff thích cái gì trên đời này, cả Cha Bill nữa. Thật vui có mặt lại với anh chị em mặt đối mặt hôm nay. Và mặc dù chúng tôi đã hứa với Cha Bob rằng chúng tôi sẽ giúp ngài trong bất cứ việc gì chúng tôi có thể giúp... nhưng chính anh chị em sẽ giúp ngài cải thiện khả năng đánh gôn của ngài đấy nhé.

Trong các bài đọc hôm nay chúng ta nghe về tính đại đồng của tình yêu, lòng thương xót, và sự săn sóc của Thiên Chúa đối với mọi người. Điều này nhắc tôi nhớ lại hai tuần lễ diễn ra Olympic cách đây ít tuần: Thật tuyệt vời biết bao tính đại đồng của tinh thần thượng võ...

 

Bản văn đã được biên tập:

 

Tôi nhớ những cuộc thi đấu Olympic cách đây ít tuần, thật tuyệt vời biết bao tính đại đồng của tinh thần thượng võ...

 

Mấy Điều Cần Nhớ

 

1. Khi soạn một bài giảng, đừng bắt đầu với phần mở đầu

Phần gay go nhất của việc soạn một bài giảng chính là việc viết những chữ đầu tiên. Đừng phí thời gian để cố viết phần mở đầu. Làm thế chẳng khác chi một tác giả bắt đầu viết một quyển sách bằng phần Lời Tựa. 

Tốt hơn hãy bắt đầu ở giữa bài giảng, bằng cách phác hoạ ý tưởng chính. Bạn sẽ nói gì ở đầu bài giảng, điều này sẽ từ từ tính sau; nhưng đừng quên rằng... phúc cho nhà giảng thuyết nào đi thẳng vào chủ đề ngay từ đầu bài giảng.

 

2. Đừng dùng những lối bắt đầu trịnh trọng

Ở đây tôi muốn nói đến dấu Thánh Giá, hay kiểu mở đầu như “Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,” hay “Trọng kính Đức Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục, Đức Cha XYZ, quí Đức Ông, quí Cha,” vv. 

Những kiểu mở đầu như thế cho thấy người giảng lễ không ý thức sự kiện rằng Thánh Lễ vốn đã có một nghi thức mở đầu rồi. Chúng cũng in đậm ấn tượng rằng bài giảng là một bài nói chuyện tách biệt chứ không phải là một phần của dòng chảy phụng vụ.[4]

 

3. Đừng làm cho phần bắt đầu hay hơn phần còn lại của bài giảng 

Phát biểu như vậy là có pha trò. Điều tôi thực sự muốn nói là: “Bạn hãy làm cho phần còn lại của bài giảng cũng hay như phần mở đầu.” (Điều này trở nên rất khó nếu phần mở đầu thuộc loại chuyện giật gân lôi kéo chú ý và không thực sự có mối nối kết với phần còn lại của bài giảng. Khi chúng ta thực sự bước qua bài giảng, thì người nghe vẫn còn đang thưởng thức cái dư vị của phần mở đầu vốn không có mối liên lạc kia.)

Sẽ là tai hoạ cách riêng, nếu sau một sự bắt đầu có vẻ hấp dẫn, chúng ta nói: “Như chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc I / bài Tin Mừng ...” Người ta hiểu đây là tín hiệu cho biết bài giảng đã chuyển sang phần buồn chán của nó.[5]

 

4. Đừng bắt đầu bằng cách kể lại câu chuyện của bài Phúc Âm 

Lặp lại câu chuyện của bài Phúc Âm là một điều được thấy khá phổ biến. Và việc này không hay ho gì, thậm chí gây chán nản. Cần dứt khoát tránh sự lặp lại này, không chỉ ở lúc bắt đầu mà ở bất cứ chỗ nào trong bài giảng. (Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về chuyện này ở Chương 26, khi đề cập đến “Mười Con Quỉ.”)

 

5. Đừng bắt đầu bằng cách kể lòng vòng những gì xảy ra chung quanh việc bạn chuẩn bị bài giảng này

Lòng vòng như vậy là kiểu ‘cà lăm’ của những người quá bối rối hay quá vụng về khi nói trước công chúng. Hãy tưởng tượng Tom Brokaw (người dẫn chương trình thời sự truyền hình nổi tiếng) đi nghỉ hè, và một anh chàng không chuyên tạm thay chỗ của Tom. Anh chàng này bắt đầu bản tin bằng những lời như sau: “Thưa quí vị, khi tôi được đề nghị phụ trách giới thiệu bản tin thời sự tối hôm nay, ý nghĩ đầu tiên của tôi là nên chọn câu truyện gì để mở đầu. Rồi khi tôi bắt đầu xem qua các nội dung của chương trình, tôi bỗng nghĩ rằng mình nên bắt đầu bằng loại truyện ít được vận dụng nhất. Thế nhưng, rồi tôi lại suy nghĩ thêm và cuối cùng quyết định rằng cách tốt nhất để bắt đầu chương trình là...”

Thế đấy! Và điều tương tự cũng thường xảy ra với các bài giảng. Những người nghe giảng lẩm bẩm: “Chúng tôi đến đây không phải để tìm hiểu xem ngài cảm thấy thế nào khi ngài nhận được lời mời giảng, cũng không phải để tìm hiểu xem điều gì xảy ra khi ngài đang chuẩn bị bài giảng. Điều chúng tôi muốn nghe đó là chính bài giảng.”

 

-----------------------------------------

 

Có thể tóm lại thế này: Bài giảng là một sự nối tiếp dòng chảy Lời ân phúc của Thiên Chúa. Sự bắt đầu bài giảng không được làm nghẽn dòng chảy này. Một câu chuyện tếu, một lời pha trò, những kể lể về cách tôi phản ứng khi được yêu cầu giảng, hay một công thức “kính thưa” trịnh trọng nhắc đến đủ mọi loại người đang có mặt – tất cả đều làm khựng dòng chảy đang diễn ra. Lời Chúa đang chảy, và cần được giữ để tiếp tục tuôn chảy.[6]


 

[1]  Tại một bữa ăn tối, người chủ nhà đề cập với một khách mời rằng tôi đang viết một quyển sách về việc giảng lễ, và hỏi xem vị khách có ý kiến gì không. Vị khách ngẫm nghĩ một chút rồi nói gọn lỏn: “Hãy bảo họ đi thẳng vào trọng tâm.” 

[2] Ý kiến này, hầu như đúng từng từ, được nghe đi nghe lại rất nhiều. 

[3] Có lẽ việc phóng một hoả tiễn là một hình ảnh tốt hơn để minh hoạ việc bắt đầu một bài giảng. 

[4] Hãy ghi nhận câu trả lời của Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự: “CÂU HỎI: Có nên mời tín hữu làm dấu Thánh Giá trước hay sau bài giảng? Có nên có một công thức chào họ, chẳng hạn: ‘Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô’ không? TRẢ LỜI: Tất cả tuỳ thuộc vào tập quán hợp lệ của địa phương. Nhưng nói chung, không nên tiếp tục những thói quen ấy, bởi vì chúng có nguồn gốc từ việc giảng ngoài Thánh Lễ. Bài giảng là một phần của phụng vụ; dân chúng đã làm dấu Thánh Giá và đã nhận lời chào ở đầu Thánh Lễ rồi. Vì thế, tốt hơn không nên lặp lại việc đó trước hay sau bài giảng.” (Notitiae 9 [1973] 178; Cf. Fulfilled in Your Hearing, tr. 23) 

[5] Khi viết chương 17, về việc dùng từ, tôi đã xem lại các bản văn ghi bài giảng để tìm những ví dụ tích cực về ngôn ngữ cụ thể, sát đời sống. Thật đáng lưu ý là ngôn ngữ cụ thể chiếm tỉ lệ cao nhất ở các phần mở đầu bài giảng. 

[6] Có một số ngoại lệ – đó là những lúc bạn phải làm một điều gì đó để ‘phá băng’ bởi vì đó là một trường hợp mà nhiều người còn xa lạ đối với nhau (hay đối với bạn). Lý tưởng là có vài lời ‘làm quen’ với cộng đoàn ngay trước khi Thánh Lễ bắt đầu; nhưng điều này không luôn luôn ở trong vòng kiểm soát của chúng ta.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!