.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
5. PHẦN KẾT BÀI GIẢNG

             Kết thúc một bài giảng cũng giống như bước ra khỏi một chiếc ca-nô.  

Trong đa số các bài giảng, phần kết là phần thường ít được chuẩn bị nhất, đến nỗi tôi thấy cần phải nhấn mạnh qui tắc này: “Đừng bắt đầu một bài giảng nếu bạn chưa biết mình sẽ nói gì trong hai câu cuối cùng.”

Chúng ta thường ảo tưởng rằng bài giảng sẽ tự nó kết thúc. Nói cho cùng, chúng ta biết các ý tưởng của mình sẽ chấm dứt ở chỗ nào, và chúng ta nghĩ rằng khi đến chỗ ấy thì mình chỉ cần làm một việc đơn giản là “chấm dứt,” thế thôi. Nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy. Kết thúc một bài giảng là một công việc đầy cạm bẫy, giống như việc bước ra khỏi một chiếc ca nô vậy.

Một lớp học sẽ tự động chấm dứt khi hết giờ. Chúng ta chỉ cần gấp giáo trình lại và nói: “Thôi, hôm nay ta dừng ở đây nhé. Ngày mai sẽ tiếp.”

Nhưng chúng ta không thể kết thúc một bài giảng lễ kiểu đó, vì bài giảng là một phần của phụng vụ và nó thuộc một cơ cấu nghi lễ. Chúng ta phải kết thúc bài giảng một cách êm xuôi; khổ nỗi, nhiều khi loay hoay tìm cách kết thúc êm xuôi, ta lại kéo bài giảng đi lòng vòng!

Một kết thúc tồi tệ có thể làm hỏng cả một bài giảng hay. Điều này thật đáng trách, bởi vì nếu ta không khinh suất, thì điều tệ hại ấy đã không xảy ra.

 

Chắp Cánh Cho Phần Kết?

 

Mày mò xoay xở một phần kết thúc không được chuẩn bị trước thì cũng giống như đi vào trong một căn nhà ma mà không có đèn rọi. Những con ma ẩn núp ở đó sẽ sẵn sàng nhảy bổ ra: con ma nói lặp đi lặp lại, con ma nói lãng xẹt, con ma nói một ý mới...

Nói ‘cương’ ở phần kết thúc là điều đáng sợ nhất trong nhiều bài giảng. Như một giáo dân nhận xét: “Thật là khổ sở khi nhìn ông ấy loay hoay để chấm dứt.”[1] 

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

Ý kiến thu thập được về phần kết thúc thì nhiều hơn cả về phần mở đầu, và những ý kiến này tập trung vào cùng một số mối quan tâm:

 

  • “Điều tôi thích nhất nơi cách giảng của cha sở là ngài kết thúc bài giảng rất gọn gàng chứ không vòng vo tam quốc.”
  • “Nhiều khi chúng tôi biết ông ấy đã nói hết các ý rồi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông ấy ngừng. Mọi người đã ngừng lắng nghe, nhưng ông ấy thì cứ tiếp tục đi lòng vòng.”
  • “Ồ, tôi ước chi các bài giảng được kết thúc một cách gọn gàng.”
  • “Tôi bực nhất với những kết thúc giả. Cha sở cứ nói ‘Tóm lại’ nhưng rồi ngài lại lấy hơi để nói tiếp những điều gì đó khác nữa.”

 

Mấy Điều Cần Nhớ

 

1. Viết ra phần kết của bài giảng không phải là việc quá khó

Viết phần kết không khó như khai triển ý tưởng chính (thế mà việc khai triển này chúng ta đã làm rồi). Chúng ta không phải bắt đầu từ một mớ lộn xộn và không phải sáng tạo ra một phần kết thúc như thể từ trên trời rơi xuống. Tất cả điều chúng ta phải làm là đúc kết một cách rõ ràng điều mình đã nói.

 

2. Phần kết có thể rất ngắn

Nói chung, càng ngắn càng tốt: Những kết thúc tốt nhất là những kết thúc gọn gàng và dứt khoát. Mới đây tôi có tham dự một Thánh Lễ dành cho một nhóm tu sĩ. Vị linh mục giảng thuyết đã có một ý tưởng chủ đạo và đã trình bày rất tốt. Rồi ngài ngừng lại, đưa hai tay về phía cộng đoàn, và nói: “Đó là chứng tá đời sống của các bạn, và chúng tôi rất biết ơn các bạn.”  

Chỉ có một câu thôi. Và đó là một kết thúc tuyệt vời.

 

3. Đừng nói rằng bạn sắp kết thúc khi bạn không đang kết thúc

Hồi tôi 15 tuổi, tôi là người chỉ huy của một đội chèo thuyền gồm 8 tay chèo trên sông Detroit. (Người ta muốn một ai đó nhẹ cân, giống như một nài ngựa trong môn đua ngựa, vì thế đôi khi người chỉ huy trẻ tuổi hơn nhiều so với đội chèo.) Chúng tôi tập luyện bằng cách mỗi ngày chèo khoảng 4 hay 5 dặm. Lần nọ, chúng tôi đang chèo ngon trớn thì cần dừng lại để nghỉ giải lao; nhưng trước khi dừng tôi muốn cả đội dồn sức để chèo 10 sải mạnh nhất, như làm một cú nước rút. Tôi bắt đầu hét để ra hiệu lệnh: “Chèo thật đều, MỘT. Chèo thật đều, HAI...” Mọi người làm tốt đến nỗi tôi cao hứng quyết định kéo dài quá số 10: “Chèo thật đều, MƯỜI MỘT. Chèo thật đều, MƯỜI HAI...”

Bạn biết đó, một đội chèo không thể dừng trừ phi tất cả họ dừng cùng một lúc. Do chiếc thuyền đang lao đi rất nhanh, do tất cả họ đang nhịp nhàng bật ngửa người ra sau rồi đổ rạp người tới trước theo mỗi nhịp chèo, và do những mái chèo ấy rất dài, sẽ chắc chắn xảy ra tai nạn nếu tất cả họ không dừng cùng một lúc. Vì thế, họ phải tiếp tục chèo cho đến khi tôi cho mệnh lệnh dừng.

Mọi người đều rất mệt, như không còn hơi để nói. Nhưng họ cũng gắng vừa thở vừa nói với tôi: “Này, chú nhóc. Chú mày bảo sẽ làm 10 sải nước rút, và bọn này vắt hết sức để chèo 10 sải ấy, nhưng rồi chú mày lại cho chèo tiếp. Cứ thử lặp lại cái trò lừa này lần nữa đi, bọn này sẽ quăng chú mày xuống sông đấy.”

Tôi cố ghi nhớ điều này trong liên hệ với các bài giảng: Đừng bao giờ nói rằng (hay tỏ vẻ rằng) bạn sắp chấm dứt và rồi bạn không chấm dứt.

 

4. Bước vào phần kết, nếu bạn chợt có ý muốn ghi nhận thêm hay làm sáng tỏ thêm điều gì đó, hãy dứt khoát xua đuổi nó khỏi tâm trí bạn

Khi bạn đang ‘hạ cánh’, nếu có bất cứ ý tưởng nào nảy ra thêm, bạn đừng cố ‘móc’ nó vào. Người ta sẽ cảm nhận được điều gì đang diễn ra và họ sẽ khó chịu, họ sợ rằng ý tưởng này sẽ dẫn tới một ý khác, rồi một ý khác nữa... như một phản ứng hạt nhân.

Có lần để kết thúc bài giảng của mình về sự cần thiết phải sống triệt để Phép Rửa, tôi đã nói như sau:

 

Tất cả chúng ta cần có can đảm để thực thi cái quyết định mà mình đã đưa ra khi lãnh nhận Phép Rửa... hay cái quyết định mà ai đó đã đưa ra thay cho chúng ta.

 

Mệnh đề cuối cùng trên đây đã không được chuẩn bị trước – và nó mở ra một ý tưởng hoàn toàn mới. Tôi muốn làm sáng tỏ nó bằng một sự giải thích, chẳng hạn nói thêm rằng “Vâng, dĩ nhiên những ai trong chúng ta lãnh Phép Rửa khi còn bé thì chúng ta đã xác nhận cái quyết định ấy trong Bí Tích Thêm Sức của mình, và chúng ta cũng xác nhận như thế mỗi lần tiến lên rước lễ.” Nhưng rồi cuối cùng tôi đã tự kiềm chế, quyết định không sửa chữa một lỗi này bằng một lỗi khác; tôi cứ để bài giảng kết thúc như vậy, và ước giá chi mình đã không thêm cái ‘đuôi’ thừa như thế.

 

5. Một trong những cách tốt nhất để kết thúc là dùng một câu trích dẫn ngắn

Một câu trích ngắn có cái lợi là nó không cần nói thêm bất cứ gì nữa cả. Chính nó là câu kết thúc. Câu trích dẫn làm cho bài giảng kết thúc một cách gọn gàng và có duyên.[2]

 

6. Đừng kết thúc bằng cách áp đặt cho người ta một ứng dụng thực tiễn

Tôi rất bất ngờ khi nghe một người nhận xét như sau:

 

Các vị giảng thuyết sau khi đã trao cho chúng tôi món quà là một ý tưởng hay thì đừng gói món quà đó lại. Hãy để chúng tôi tự gói bằng giấy gói quà của mình – nghĩa là, hãy để chúng tôi áp dụng vào hoàn cảnh thực tế đời thường của mỗi chúng tôi.

 

Mục đích của bài giảng là trao cho người ta một cái gì đó, là cung cấp cho người ta chất liệu để suy tư, chứ không phải cung cấp một dự án để hành động. Một trong những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể làm là trao cho người ta một ý tưởng mở – như Đức Giêsu vẫn thường làm với các dụ ngôn của Ngài.[3]

 

7. Vì bài giảng là một phần của phụng vụ (chứ không phải một bài nói chuyện chen vào lúc phụng vụ tạm nghỉ giải lao!) nên nó phải dẫn vào phần phụng vụ tiếp theo sau nó

Nếu ta không nên bắt đầu bài giảng kiểu như một máy bay cất cánh, thì ta cũng không nên kết thúc bài giảng theo kiểu một máy bay hạ cánh. Phần ‘hạ cánh’ là lời “Chúc anh chị em ra về bình an” ở cuối Thánh Lễ. Còn bài giảng của chúng ta là một giai đoạn ở giữa ‘chuyến bay’; sau bài giảng, ‘chuyến bay’ vẫn còn tiếp tục.

Cha Jerry Broccolo luôn nhấn mạnh rằng một bài giảng phải dẫn vào lời kinh ca ngợi. Cha John Melloh dùng cách diễn tả khác, ngài nói rằng bài giảng phải luôn luôn để lại cho người ta “một tâm tình Thánh Thể,” nghĩa là đưa dẫn người ta một cách tự nhiên vào phần phụng vụ dâng lễ. Bài giảng của chúng ta rốt cục phải gợi cho người ta tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Ngay cả khi đó là một bài giảng nhấn vào việc hoán cải, nó cũng phải bao hàm tin mừng rằng Thiên Chúa ban cho ta ơn sủng giúp ta thay đổi.

 

--------------------------------------

 

Phần kết thúc bài giảng là phần dễ vướng trục trặc nhất so với các phần khác. Vì thế bạn hãy luôn tâm niệm điều này: “Đừng bao giờ bắt đầu một bài giảng nếu bạn chưa biết mình sẽ nói gì trong hai câu cuối cùng.”


 

[1]Chúng ta ghi nhận vấn đề tương tự cũng xảy ra liên quan đến việc nói ứng khẩu khi vào lúc bắt đầu một cuộc hội họp, người ta được yêu cầu tự giới thiệu tên mình và nói vài lời về chính mình. Vì lý do nào đó, những ‘bài nói chuyện nhỏ’ này đôi khi quờ quạng mãi mà không kết thúc được. Người này sau người khác, lần lượt tự giới thiệu đôi chi tiết về chính mình, và rồi chúng ta thấy họ cố gắng ‘bước ra khỏi ca nô’. Một kết thúc đặc trưng của loại này là như sau:

“Và ... tôi cho rằng tôi tự giới thiệu về mình như thế cũng khá dài rồi... ít nhất tôi nghĩ vậy là đủ rồi tôi muốn nói rằng [lúng túng, cười ồ] ... và tôi nghĩ như vậy quí vị biết tại sao tôi ở đây, mặc dù đôi khi tôi không chắc ... [cà lăm] Nhưng dù sao, quí vị đã nghe và ... à ... tôi có thể nói thêm nhưng tôi cho rằng như vậy là đủ và vì thế, à [lắp bắp với người phát biểu kế tiếp] tôi nghĩ rằng ... à ... đến phiên anh.”

[2] Nếu dùng một trích dẫn, nên chọn một trích dẫn ngắn. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về điều này ở chương 26.

 

[3]Những nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng (chẳng hạn Somerset Maugham) có những kết thúc gọn gàng, đôi khi đột ngột đến nỗi câu chuyện dường như chưa xong và bạn còn chỗ để tiếp tục suy tư. Các bài giảng kết thúc như vậy có thể dẫn một cách tự nhiên vào phần còn lại của Thánh Lễ và đồng thời trao cho người ta một cái gì đó để mang về nhà và tiếp tục suy nghĩ trong tuần.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!