.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
9. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG: VIẾT RA

“Viết là một công việc bạn không bao giờ có thể làm tốt hết mức. Nó là một thách đố thường xuyên, và nó khó hơn bất cứ việc gì khác mà tôi đã từng làm.”(Hemingway)

 

Viết là cố gắng chuyển tải niềm vui, hy vọng, nỗi buồn phiền, âu lo của đời sống thực. Nghĩ ra một ý tưởng hay thì dễ hơn nhiều so với việc diễn tả nó. Cũng như dễ đưa mũi thưởng thức hương thơm của một bông hoa hơn là mô tả kinh nghiệm đó. Việc viết sẽ đem bài giảng bên trong tâm trí chúng ta ra hiện hữu bên ngoài tâm trí chúng ta. Quả là một cây cầu phải bước qua.

Khi đã ấn định được ý tưởng nòng cốt, chúng ta phải hình dung bằng cách nào mình sẽ trình bày nó. Viết là cách tốt nhất để làm công việc phác thảo bố cục này.

 

Khi Chuẩn Bị Bài Giảng, Hãy Viết Ra Trên Giấy

 

Chúng ta cần làm một ít công việc viết lách thì mới có thể có một bài giảng tốt. Đôi khi phải viết ra toàn bộ; đôi khi cần viết ra dàn ý chi tiết; đôi khi có những phần đặc biệt nào đó phải được viết ra. Nhưng nói chung, đa số chúng ta cần phải viết ra. Đây là bốn lý do tại sao:

 

1. Việc viết ra sẽ giúp ý tưởng được thêm rõ ràng

Khi viết, ý thức trở thành ý tưởng và ý tưởng trở thành lời được nói. Chúng ta không bao giờ thực sự biết điều mình biết cho đến khi chúng ta viết hay nói ra.[1] Nếu chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ về cách mình sẽ trình bày, chúng ta có thể bị ảo tưởng rằng ngôn ngữ của mình cụ thể, cách chuyển ý của mình trơn tru, những phân tích của mình sáng tỏ, và sự khai triển của mình chặt chẽ. Nhưng tất cả điều này hiện hữu  một cách mơ hồ trong trí óc chúng ta. Khi chúng ta cầm bút lên và cố gắng ghi ra, sự mơ hồ kia sẽ bộc lộ.

 

2. Việc viết ra sẽ giúp làm hiện lộ những ý tưởng mới mẻ

Khi viết, chúng ta thấy mình đang cân nhắc một điều gì đó mà mình chưa nghĩ tới. Có thể chúng ta được thúc đẩy thay đổi phương pháp tiếp cận hay thậm chí thay đổi cả hạt ngọc. Trong tác phẩm kinh điển Những Yếu Tố Của Phong Cách, William Strunk ghi nhận rằng “...viết là một cách suy nghĩ.”[2]

 

3. Việc viết ra sẽ giải phóng ta khỏi những kiểu nói lặp đi lặp lại trong ngôn ngữ đàm thoại

Chúng ta không bị gò bó trong giới hạn ngôn ngữ quen thuộc thường ngày của mình. “Những ai chỉ giảng từ các ‘nốt’ hay từ một dàn ý ghi sẵn sẽ phải thường xuyên lặp lại những từ ngữ giới hạn nào đó. Việc viết ra sẽ cởi trói cho người giảng thuyết khỏi sự gò bó này.”[3]

 

4. Việc viết ra sẽ giúp chúng ta hiệu chỉnh

Ta chỉ có thể làm công việc biên tập cách đàng hoàng đối với một bài đã được viết ra. Đàng khác, ít khi có một bài giảng đạt chất lượng cao ngay từ đầu mà không cần hiệu chỉnh kỹ lưỡng. (Chúng ta sẽ nói về công việc hiệu chỉnh này trong chương kế tiếp).

 

Chúng Ta Là Những Nhà Văn

 

Chúng ta cần nhận ra rằng trong khi không phải mọi nhà văn đều là nhà giảng thuyết, thì mọi nhà giảng thuyết đều là nhà văn. Nếu có ai hỏi: “Anh làm gì?” – chúng ta có thể đáp: “Cách nào đó, có thể nói tôi là một nhà văn.” Câu trả lời rất ý nhị. Vâng, đúng vậy, chúng ta – những người giảng thuyết – cần ý thức hơn để phát triển các kỹ năng viết của mình. Không một nhà văn nào (hay bất cứ nghệ sĩ nào) hài lòng với việc đứng ì tại chỗ.

Thật thú vị việc nghe một số nhà văn nổi tiếng nói về công việc viết lách của họ. Một đàng, họ dường như luôn luôn phải vật lộn cho kịp thời gian. Thật không dễ hoàn thành bản thảo quyển sách mà họ đang viết – họ thường bị trễ so với thời gian dự kiến. Rồi đồng thời họ phải viết các luận đề, các bài điểm sách, các bài báo ngắn ... vốn luôn luôn phải xong trước một hạn mức nào đó. Các áp lực dường như không khác mấy với việc soạn bài giảng của chúng ta mỗi tuần.

Đàng khác, viết văn là công việc khó nhọc. Khi Evelyn Waugh bắt đầu viết quyển Brideshead Revisited, ông thuật lại công việc của một ngày như sau:

 

Tôi thức dậy lúc 8 giờ 30 và bắt đầu viết trước 10 giờ. Tôi thấy đầu óc mình đặc sệt và từ ngữ của mình cứng ngắt, nhưng đến trước giờ ăn tối thì tôi đã viết xong được 1.300 từ, tất cả đều được viết hai lần, thậm chí nhiều chỗ đã phải viết ba lần trước khi tôi có thể hài lòng với diễn tiến câu chuyện và với cách chuyển tiếp của mình.[4]

 

Các tác phẩm của Waugh trao cho người ta cảm tưởng rằng các từ ngữ và các câu tuôn chảy dễ dàng ra từ ngòi bút của ông. Sự thực là ông đã phải tốn công rất nhiều: “...Ông đã viết đi viết lại mãi, cắt bỏ, sửa chữa, cân nhắc từng từ và từng mệnh đề.”[5]

Tính giản dị mà sâu sắc của các tác phẩm của Hồng Y Newman đã làm cho ngài trở thành một trong những người viết văn xuôi tiếng Anh hay nhất. Và mọi sự đã không hề xảy ra một cách dễ dàng.

 

Tôi viết, rồi tôi viết lại: rồi lại viết lại lần thứ ba nội trong sáu tháng. Rồi tôi lấy bản văn mình viết lần thứ ba ấy, sửa chữa chi chít (đến nỗi một người khác không thể đọc ra). Rồi tôi viết ra bản cuối thật rõ ràng cho nhà in. Tôi cất đi, rồi lại lôi ra; tôi lại bắt đầu sửa chữa nữa, bởi vì chưa thấy hài lòng với nó. Những phần thay thế ngày càng nhiều, các trang được viết lại, các giòng chữ li ti chèn vào khắp mọi nơi. Cả trang giấy không còn hàng lối gì nữa. Tôi lại viết lại. Và tôi không thể đếm sự việc như vậy lặp lại bao nhiêu lần.[6]

 

            Phần đông trong chúng ta đã ngừng rèn luyện kỹ năng viết của mình tự bao giờ rồi. Chúng ta đã từng học cách viết sao cho phù hợp – các bài giảng, các bài báo – và như vậy dường như là đã đủ. Chúng ta đã đạt được một trình độ viết nào đó... và chúng ta dừng lại ở đó.[7]

Tôi không có ý nói rằng để có những bài giảng tốt, chúng ta phải theo học những khoá viết văn cao cấp (mặc dù có khi đây cũng là một ý kiến hay.) Dù không có những khoá chuyên môn, chúng ta vẫn có thể mãi giũa kỹ năng viết của mình và nhờ những người am hiểu góp ý cho mình.

Tại sao chúng ta đã không làm thế? Vì chúng ta không nghĩ mình là những nhà văn. (Tôi nhận thấy ít khi người ta đưa việc viết văn vào các chương trình hội thảo dành cho những người làm mục vụ.)

 

Phác Thảo Dàn Ý

 

Cũng nên ghi nhận rằng đối với một số người, có lẽ cần phác thảo sơ dàn ý trước khi viết. Hãy lấy một trang giấy lớn và viết các câu hay các ý tưởng rải rác trên mặt giấy, giống như người ta vẽ tranh sơn dầu vậy. Hoặc có thể ghi ý nòng cốt ra, rồi vây quanh nó với những ý tưởng xuất phát từ nó. Việc phác thảo như vậy có nhiều cái lợi:

  • Khi chúng ta phác thảo dàn ý, chúng ta cho phép trí tưởng tượng của mình hoạt động, và các ý tưởng dễ có nhiều tính tự phát hơn.
  • Chúng ta dễ tránh cái lỗi chết người là “bắt đầu với phần bắt đầu.” Khi phác thảo dàn ý, chúng ta có thể bắt đầu bất cứ chỗ nào và với bất cứ ý tưởng nào mình muốn. Không có khung bố cục A, B, C – vì chúng ta đang làm các phác thảo ngẫu nhiên cho các ý tưởng của mình. Chúng ta cũng không phải băn khoăn về chuyện ý này hay ý kia sẽ gắn vào đâu, hoặc chúng có phù hợp hay không. Chúng ta chỉ đơn thuần phác thảo một ý tưởng chỗ này và một ý tưởng chỗ kia, với hoàn toàn tự do.[8]
  • Chúng ta dễ dàng loại bỏ các ý không phù hợp hoặc thay đổi hướng triển khai. Còn trong lối dàn ý theo khung định sẵn, chúng ta muốn giữ lại mạch khai triển mà mình đã bắt đầu.
  • Trong phác thảo, chúng ta thường thích thử nghiệm một cái gì đó mới mẻ, thay đổi phong cách, có một sự đột phá.

Dù theo phương pháp nào đi nữa, chúng ta cũng phải làm một ít công việc viết lách. Công việc viết lách này thúc đẩy chúng ta vượt qua tất cả những lộn xộn có thể xảy ra trong tiến trình diễn dịch các ý tưởng thành lời nói. Một lần nữa, để tôn trọng người nghe, chúng ta phải làm công việc này trước khi đến gặp họ, chứ không phải làm ngay trước mặt họ.


 

 
[1] Hình dung trong tâm trí điều mình sẽ nói là một chuyện; chọn lựa từ ngữ và sắp xếp các ý tưởng với nhau là một chuyện khác. Hãy tưởng tượng người chế tạo đàn viôlông. Việc hình dung cây đàn viôlông như thế nào là một chuyện; việc chọn và cắt các mảnh gỗ và liên kết chúng với nhau là một chuyện khác.

 

[2] William Strunk, The Elements of Style (New York: Macmillan, 1979, tr. 70.)

 

[3]John J. Hughes, Proclaiming the Good News (Huntington, Ind.: Our Sunday Visitor, Vol. I, tr. 12-13); tôi có một vài nhận xét thêm về điều này ở chương 17, về cách dùng từ.

 

[4]Được trích dẫn trong Selina Hastings, Evelyn Waugh (Boston: Houghton Miflin, 1994, tr. 457).

 

[5] Op. cit., tr. 458.

 

[6] Được trích dẫn trong Brian Martin, John Henry Newman (New York: Paulist Press, 1982, tr. 143).

 

[7] Cũng giống như Henry Kissinger học tiếng Anh rất lâu lắm rồi và đã đạt được mức có thể giao tiếp ‘ngon lành’. Ông ngừng ở đó, và đó là lý do tại sao con người thông minh đáng nể này vẫn nói  tiếng Anh với một giọng rất nặng.

 

[8] Một vấn đề khác liên quan đến một dàn ý chính thức, đó là tôi có xu hướng muốn dành cho mỗi điểm một thời lượng tương đương nhau. Khi phác thảo cái khung cho các ý tưởng rải rác thì không cần quan tâm đến thời lượng như thế.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!