.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
13. NỐI KẾT VỚI ĐỜI SỐNG THỰC TẾ

“Một số nhà giảng thuyết nói về Thiên Chúa rất hay, và một số rất am hiểu đời sống thực. Thật là thú vị khi gặp được một người giảng thuyết có cả hai khả năng này.”[1] 

Bên cạnh ý kiến rằng “hãy đào sâu một ý thôi,” điều mà dân chúng mong chờ nhất là các bài giảng cần được nối kết với đời sống thực tế. Khi chúng ta đáp ứng điều này, người nghe sẽ bắt được ngay, như thể bất chợt nghe ai đó nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình tại một đất nước xa lạ.

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

Đây là một số trong rất nhiều ý kiến về việc nối kết bài giảng với đời sống thực:

 

  • “Hãy nói thẳng sự việc.”
  • “Tôi rất thích khi bài giảng móc nối với những gì đã xảy ra trong tuần, những người thực, việc thực.”
  • “Cần phải liên hệ với những gì đang xảy ra trong hiện tại.”
  • “Cách này hay cách khác, bài giảng cần phải đi vào thực tế mà tôi đang sống.”
  • “Vị giảng thuyết nói về những điều mà tất cả chúng tôi đang đối mặt, và tôi không cảm thấy cô đơn trong hoàn cảnh của mình.”
  • “Các bài giảng sẽ trở nên hấp dẫn nếu bao gồm được đời sống thực tế vào đó.”
  • “Tôi muốn bài giảng đụng đến hoàn cảnh thực của cuộc sống tôi.”
  • “Người giảng thuyết nên nói gì đó hơn là chỉ lặp lại kinh tin kính bằng những từ ngữ chung chung.”
  • “Tôi chắc rằng ngài tin những gì ngài nói, nhưng tất cả điều ngài nói đều tẻ nhạt, hiển nhiên và sáo rỗng... và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy rằng ngài đã từng phải vật lộn với chúng.”
  • “Tôi cảm thấy như thể vị giảng thuyết đang nói riêng với tôi vậy.”
  • “Tôi luôn luôn tự hỏi điều này sẽ đi vào đời sống cụ thể của tôi trong tuần lễ sắp tới như thế nào; hãy trao cho tôi một điều gì tôi có thể áp dụng trong đời thường.”

 

Ở đây chúng ta ghi nhận một nguyên tắc nữa: Mọi bài giảng phải có một nối kết cụ thể với những gì đang diễn ra – những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của những con người đang lắng nghe bài giảng.[2] Mục đích của điều này không phải nhằm tỏ ra rằng chúng ta am hiểu đời sống thực tế, mà là để hướng thẳng câu chuyện đến người nghe.

Và một nguyên tắc nữa, rất hiển nhiên: Nếu chúng ta không hướng thẳng đến người nghe, thì dù lập luận của ta có rõ ràng đến mấy và dù từ ngữ của ta sáng sủa đến mấy, cũng sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Bài giảng có thể nghe rất ấn tượng, nhưng sẽ không có gì xảy ra.

Khi rà soát lại một bài giảng mới được soạn thảo, sẽ hữu ích nếu đặt các câu hỏi sau đây: Chỗ nào trong bài giảng này bắt đầu hướng thẳng đến người nghe (nó khác với câu hỏi: Chỗ nào trong bài giảng này làm cho người nghe thích thú nhất)? Phải chăng toàn bộ bài giảng có qui chiếu đến đời sống thực? Bài giảng này xuất phát từ bên trong hay bên ngoài thế giới đời thường?[3]

 

Bước Qua Cây Cầu

 

Khi chúng ta giảng lễ, những sự thật hiển nhiên vọt ra từ môi miệng chúng ta một cách quá dễ dàng. Đối với dân chúng, những sự thật ấy nghe rất tẻ nhạt – đó là những điều mà mọi nhà giảng thuyết thường lặp đi lặp lại, và đó là những điều mà người ta đã nghe cả trăm lần.

Lời phàn nàn thường nghe, đó là các nhà giảng thuyết rất thường khựng lại ở ngay đầu cầu bắc qua đời sống thực tế. Chúng ta khai triển một điểm nào đó, và chúng ta dừng lại ngay chỗ mà câu chuyện bắt đầu trở nên thú vị. Chúng ta nói về những nguyên tắc đúng đắn và đưa ra những áp  dụng tổng quát, nhưng chúng ta không nhảy vào khu vực dầu sôi lửa bỏng. Không có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta nếm trải cuộc chiến đấu được đề cập trong những ngôn từ của mình.

Lấy ví dụ, Đức Giêsu bảo anh nhà giàu bán những gì anh có, chia sẻ cho người nghèo, và đi theo Ngài. Người ta dễ dàng hình dung một nhà giảng thuyết nói chung chung về chuyện này như sau: “Thưa anh chị em, chúng ta quá bám víu vào của cải, và thực sự là chúng ta có quá nhiều của cải, vì thế chúng ta phải học biết cách từ bỏ chúng. Và chúng ta dửng dưng đối với người nghèo ngoại trừ vào ngày lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh. Vậy suốt cả năm thì thế nào? Nếu chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chúng ta phải nghiêm túc nghe Ngài nói. Chúng ta dành bao nhiêu thời gian mỗi tuần cho Chúa?” Và cứ thế...

Nói vậy thì ‘trớt quớt’. Chẳng ăn nhằm gì. Vì đó là những phát biểu chung chung. Những sáo ngữ! Này, một người thuộc tầng lớp trung lưu, với những trách nhiệm gia đình, sẽ làm gì với bài Tin Mừng này?

Bây giờ hãy tưởng tượng bạn đang đứng ở sân sau nhà, loay hoay đốt bếp than chuẩn bị món barbecue cùng với người em rể. Cậu ấy gợi chuyện rằng mỗi khi nghe đoạn Tin Mừng về việc bán hết những gì mình có mà cho người nghèo, cậu luôn băn khoăn không biết làm sao áp dụng cho một người đang phải nuôi sống một gia đình. Bạn sẽ nói gì với người em rể về việc áp dụng đoạn Lời Chúa này vào hoàn cảnh của cậu ấy – một hoàn cảnh có liên quan đến em gái và các cháu họ của bạn nữa? Đó là một cây cầu thường bị phớt lơ bởi vì bước qua nó không phải là điều dễ dàng. Nhưng đó là lý do tại sao chúng ta có những bài giảng.

 

Một Ví Dụ

 

Một nhà giảng thuyết làm việc trong các nhóm chúng tôi đã nói về việc đoạt “huy chương vàng” của cuộc sống (lúc bấy giờ đang diễn ra giải Olympics), và ở cuối bài giảng ngài đặt một loạt câu hỏi:

 

Trong cuộc đời mình, chúng ta đã học yêu thương nhau chưa? Ta đã học tha thứ nhau chưa? Trong cuộc đời mình, chúng ta đã học giúp đỡ người túng thiếu chưa? Chúng ta đã học khích lệ nhau chưa? Trong cuộc đời mình, chúng ta đã học đi thêm dặm thứ hai ấy chưa? Chúng ta đã học chìa luôn má bên kia chưa? Chúng ta đã học để dấn thân nhiều hơn chưa? 

 

Chúng tôi vỗ tay tán thưởng những câu ấy, nhưng cũng ghi nhận rằng nói về việc đi thêm dặm nữa là không sát sườn. Đó vẫn là những kiểu nói chung chung, lơ lửng phía bên trên thực tế. Sau đây là một bản viết lại, sử dụng cùng ý tưởng ấy, hoàn toàn đối ứng:

 

Trong cuộc đời mình, chúng ta có từng cố cắn môi kiềm chế để không văng tục với người tài xế quẹo trái mà không báo tín hiệu? Khi có chuyện xích mích với người khác, ta để cho sự việc bé xé ra to hay là ta cố quên nó và tìm cách hàn gắn mối quan hệ? Chúng ta có cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người nghèo, nghĩ về họ, giúp đỡ họ, ngay cả bênh vực họ trong khi thiên hạ đưa ra những tuyên bố chung chung về “an sinh xã hội”? Trong các cuộc chuyện, chúng ta là người nói những lời tích cực hay những lời tiêu cực? Ngay cả khi sự việc ở sở làm hay ở nhà không sòng phẳng 50-50, chúng ta có sẵn lòng đi thêm dặm nữa để giữ hoà khí? Nếu gia đình hay bạn bè viết tiểu sử chúng ta, họ sẽ mô tả chúng ta thế nào: hiếu chiến hay hiếu hoà? Cho rằng chúng ta không thể dấn thân trong mọi sự, nhưng chúng ta có dấn thân vào một số việc nào đó không? Thử nghĩ xem: ngoài những quan tâm cá nhân và gia đình, chúng ta có dấn thân vào điều gì khác không?

 

Nếu có những lúc các bài giảng không nối kết với đời sống thực, thì đấy không hẳn bởi vì các nhà giảng thuyết vô ý quên việc này. Đa số chúng ta biết rõ là nên có sự nối kết như thế. Nhưng chúng ta bỏ qua chỉ vì cần phải mất công nhiều hơn để có thể chuyển những điều chung chung vào đời sống thực. Chúng ta thường chọn con đường dễ dãi là nói về các bài đọc Thánh Kinh, đưa ra vài áp dụng tổng quát, và chỉ có thế.

 

Mấy Điều Nên Nhớ

 

1. Khi viết một bài giảng, hãy nghĩ đến những con người thực

Tôi thường thấy mình nghĩ đến “người ta” hơn là nghĩ đến những con người thực. Những người mà tôi nghĩ đến thường chỉ chung chung, hoặc là những cá nhân mà tôi tin rằng sẵn sàng tỏ ra thích thú với những điều tôi định nói.

Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Bằng chứng hiển nhiên là khi tôi giảng, tôi nhận ra họ hầu như không ‘bắt’ được những ý tưởng của mình như mình vốn tưởng.

Tình hình trở nên cải thiện hơn khi tôi nghĩ đến những người cụ thể nào đó lúc soạn bài giảng. Đó là những “người dân trơn,” tức những người không xúm xít chung quanh công việc ở nhà thờ. Tôi nghĩ đến một số những người mà mình quen biết, có người đi nhà thờ thường xuyên, có người thỉnh thoảng mới tới nhà thờ. Tôi nghĩ đến những người đang xếp hàng ở quầy tính tiền siêu thị. Đôi khi, tại một phi trường, tôi quan sát người ta bước xuống khỏi máy bay, và cố gắng đoán xem điều gì đang diễn ra trong đời sống của họ, họ đang nghĩ gì và đang ưu tư về điều gì, và điều gì đang đón chờ họ trước mắt. Khi viết một bài giảng, tôi cố ôn lại tất cả những hình ảnh ấy, và cố gắng tìm những ý tưởng có thể đánh động những con người như vậy.

Hãy nghĩ đến những con người thực. Bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của điều này.

 

2. Khi viết một bài giảng, hãy có vài tờ báo trong tầm tay

Chúng ta vốn biết các tờ báo chứa đựng những gì. Tuy nhiên, nếu đọc báo được bằng nhãn giới Thánh Kinh thì sẽ có một hiệu quả thú vị. Lúc này lúc khác trong quá trình suy nghĩ và viết bài giảng, bạn hãy lướt qua tờ nhật báo – không phải để lấy những ví dụ đặc biệt nào đó hoặc để cắt dán, nhưng đúng hơn là để cảm nhận sự gặp gỡ giữa Thánh Kinh và cuộc sống thực hôm nay.

Việc này có thể có một hiệu quả không ngờ.

 

3. Hãy gọi những người không dính dáng nhiều đến công việc nhà thờ, và trao đổi với họ về các ý tưởng trong bài giảng của bạn, mời họ góp ý 

Chúng ta nên có một số người mà mình có thể gọi lúc này lúc khác khi mình đang viết bài giảng, và đó là những người sẽ trao cho chúng ta những cảm nghĩ thật sự của họ. Hãy chia sẻ cho họ ý tưởng nòng cốt và một phần cốt yếu của bài giảng. Hãy yêu cầu họ đóng góp ý kiến, bổ sung những ví dụ. Việc này khá dễ và không phải vất vả nhiều; vì họ sẽ vui vẻ đóng góp. Và chất lượng đời sống thực của bài giảng thường tăng hiệu quả của nó lên rất cao.

 

Một Cảnh Giác

 

Bạn đừng quên rằng sự nối kết với đời sống phải ‘chảy’ ra từ bản văn Thánh Kinh. Khi chúng ta giảng, chúng ta cố gắng giúp mọi người khám phá điều mà Thánh Kinh muốn nói với cuộc sống của chúng ta trong hiện tại.

Sẽ là sai lầm nếu dùng một cái gì đó trong Thánh Kinh như một dịp để nói điều gì đó về đời sống thực, và chẳng có sự dính líu chính thức nào đến bản văn Thánh Kinh. Chúng ta dùng bản văn như cái cớ, như một cách mở chuyện, và rồi chúng ta tiếp tục trình bày tư tưởng của riêng chúng ta.

Sau đây là một kết luận của cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp Hội Thần Học Công Giáo ở Chicago:

 

Cộng đoàn phụng vụ đánh giá một bài giảng là thành công trong mức độ mà người giảng thuyết có thể liên hệ các bài đọc với đời sống thực của Kitô hữu hôm nay. Các tham dự viên chúng tôi ý thức điều đó, vì hầu như tất cả đều cố gắng làm việc đó trong các bài giảng của mình. Tuy nhiên, phần đông chỉ đưa ra những nối kết sơ sài, làm cho sứ điệp Lời Chúa hoá tầm thường.[4]

Nếu trong các bài giảng chúng ta nói về các hoàn cảnh của đời sống thực tế một cách cụ thể và kiến hiệu, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được những phản hồi rất tích cực từ người nghe, ngay cả dù các ý tưởng của chúng ta không thực sự rút ra từ Thánh Kinh. Đa số người ta rất thích nghe một sứ điệp có nối kết với đời sống của họ, đến nỗi họ không biết điều gì bị bỏ hụt... và cái mà họ bỏ hụt chính là sức mạnh của Lời Chúa.

Nói chung, là người giảng thuyết, chính chúng ta sẽ phải trách nhiệm về điều này.

----------------------------------

Hãy hình dung hai cảnh.

CẢNH MỘT: Sau Thánh Lễ Chủ Nhật tuần rồi, bạn và một số thừa tác viên phụng vụ và cán bộ giáo xứ quây quần uống cà phê trong nhà xứ. Cuộc chuyện trò dễ dàng chuyển sang đề tài phụng vụ, đôi khi đó là cuộc bàn luận về bài giảng. Sự việc diễn ra như thế là ... bình thường thôi.

CẢNH HAI: Sau Thánh Lễ Chủ Nhật vừa rồi, bạn và một vài người bạn (là khách thăm đột xuất và đã tiện dịp tham dự Thánh Lễ đó) cùng uống cà phê tại nhà xứ. Cuộc chuyện sẽ khác hẳn. Họ nói về những gì đang xảy ra trong đời sống của họ – công ăn việc làm, gia đình, sức khoẻ, con cái, những chuyến đi... Điều này không có nghĩa rằng phụng vụ hay bài giảng trong Thánh Lễ vừa rồi đã thất bại – nó chỉ nhắc chúng ta nhớ rằng điểm qui chiếu của họ, từ lúc bước vào nhà thờ cho tới khi bước ra, không phải là phụng vụ (như nhóm người trên kia), mà là chính đời sống của họ!


 

[1] Một ý kiến phản hồi từ dân chúng. 

[2] Tôi biết một linh mục đã được dạy rằng mọi bài giảng phải có một “qui chiếu vào đời sống.” Ngài bảo rằng đó là điều hữu ích nhất mình từng học về giảng thuyết. Tôi có lưu lại nhà xứ của ngài ít ngày; và khi ngài soạn bài giảng, thỉnh thoảng ngài bước tới chỗ cửa phòng tôi và nói: “Vẫn chưa tìm ra qui chiếu vào đời sống.” Sau đó, khi ngài tìm ra, ngài coi như đó là một khoảnh khắc ‘Eureka’. Tôi nghĩ tất cả chúng ta cũng cần tự hỏi: “Đâu là sự qui chiếu vào đời sống trong bài giảng này? Bài giảng cắm vào đời sống người ta ở chỗ nào?” 

[3] Xin trích dẫn Hemingway: “Nếu một cây bút viết văn xuôi hiểu biết đủ về những gì mình đang viết, anh ta có thể bỏ qua những điều anh ta biết mà người đọc vẫn cảm nhận được những điều ấy, như thể là anh ta đã thực sự viết ra vậy. Một tảng băng trôi chỉ nổi trên mặt nước có một phần tám khối lượng của nó. Còn một nhà văn bỏ sót những thứ mà anh ta không biết chúng thì chỉ tạo ra những lỗ thủng trong tác phẩm của mình.” (Ernest Hemingway, Death in the Afternoon [trong Larry Phillips, Ernest Hemingway On Writing, (New York: Scribner, 1984, tr. 77)]) Tôi cũng liên tưởng đến một loại suy khác: một người nghiên cứu giải phẫu học (anatomy) để chuẩn bị đắp một pho tượng có y phục.

[4] Xem cước chú số 42.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!