.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
7. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG: CÁC BÀI ĐỌC THÁNH KINH

                        Ai giảng, hãy giảng lời Thiên Chúa. (1Pr 4,11)

 

Chúng ta hãy đề cập đến một “nguyên tắc” khác: Để chuẩn bị một bài giảng, ta phải nghiêm túc nghiên cứu các bài đọc Thánh Kinh. 

Nói về việc nghiên cứu ở đây không có nghĩa là ta đảm nhận công việc chú giải sơ khởi bản văn, nhưng có nghĩa là trực tiếp tham khảo những nguồn chú giải tốt nhất. Điều này cũng bao hàm rằng ta tham khảo những suy tư thần học đã được phổ biến.

Đây là một cấp độ khác với việc chỉ đơn thuần đọc điều ai đó nói về cái gì đó trong sách chú giải. Hãy đọc trực tiếp những chú giải của chuyên gia trước khi bạn để mắt vào các tư liệu giúp soạn giảng (nếu bạn có sử dụng loại tư liệu này). Nếu không vậy, cái nhìn của bạn sẽ bị lệch ngay từ đầu.

Bạn hãy nhớ rằng là người giảng thuyết, công việc của bạn là nhận định điều Chúa đang nói xuyên qua những bản văn thánh này và giúp soi rọi ánh sáng ấy cho cộng đoàn. Chúng ta không thể làm công việc này trừ phi chúng ta biết bản văn nói gì. Đừng quên rằng rất có thể ta đọc lướt qua các bản văn, thậm chí cầu nguyện với bản văn, và cuối cùng đúc kết được một vài ý tưởng cho riêng mình, nhưng đó hoàn toàn không phải là một bài giảng. Mọi bài giảng, mức nào đó, đều là một sự diễn dịch, nhưng sự diễn dịch phải bắt nguồn từ ý nghĩa khách quan của chính bản văn. Nghĩa là, sự diễn dịch ở đây khác với sự liên tưởng tự do và những ý nghĩa biểu tượng vốn thường gặp trong việc cầu nguyện cá nhân của chúng ta.[1]

Thư Giacôbê dùng một ẩn dụ thú vị cho Lời Thiên Chúa: như một tấm gương cho phép chúng ta nhìn thấy những gì cần chỉnh sửa trong dáng vẻ bên ngoài của mình (tóc tai hay y phục bù xù, chẳng hạn), thì Lời của Thiên Chúa cũng cho phép chúng ta nhìn thấy chính mình như sự thật của mình trước con mắt Chúa (Gc 1,23-25). Là người giảng thuyết, chúng ta phải nghiêm túc lưu ý điều này: Thật quan trọng việc trình bày cho người ta Lời của Thiên Chúa, chứ không phải “những suy tư của tôi dựa theo những ý tưởng xảy đến với tôi khi tôi đọc Thánh Kinh.” Dân chúng cần được đánh giá bằng chính Lời Thiên Chúa chứ không phải bằng lời của tôi. Trong ẩn dụ về tấm gương, người giảng thuyết là một ánh sáng giúp người ta nhìn thấy những gì mà Lời Chúa chuyển tải.

Hiệp Hội Thần Học Công Giáo ở Chicago mới đây đã nghiên cứu 88 bài giảng của những nhà giảng thuyết được đào tạo sau Vatican II và là những người đồng ý gửi nộp một bài giảng được ghi âm do mình tự chọn.[2] Nghiên cứu phát hiện rằng một tỉ lệ rất cao những nhà giảng thuyết có khuynh hướng “nối kết” bài giảng với Thánh Kinh và rồi tiếp đó thì đưa ra một số giáo huấn của chính mình... Điều đáng nói là những giáo huấn này khác biệt đáng kể so với sứ điệp mà Thánh Kinh mở ra. Đây là một trong số những kết luận của nghiên cứu nói trên:

 

Nói chung, các nhà giảng thuyết sử dụng các bản văn Thánh Kinh để hỗ trợ hay minh hoạ cho chủ đề hay ý tưởng vốn có trước của mình... Trong khi một số nhà giảng thuyết thực sự cố gắng liên hệ đến bản văn bằng con đường thần học, thì những cố gắng của họ tỏ ra bất cập trong việc nhận hiểu các nhãn giới thần học của bản văn.

Gần như ba phần tư các bài giảng mà chúng tôi nghe đã cho thấy không có sự chuẩn bị tốt về mặt chú giải và cũng không phản ảnh những suy tư thần học vốn đã phổ biến.

 

Làm việc trên các bản văn dĩ nhiên sẽ vất vả – tuy nhiên nó có phần thưởng của nó, đó là một cơ hội vàng có sẵn để ta làm cái công việc đầy thách đố trong đời mục vụ: công việc thường huấn. Nhiều người chúng ta trong khung cảnh mục vụ toàn thời gian không thể dành thời giờ đều đặn cho việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Các lãnh vực lại quá rộng, khiến ta không biết phải bắt đầu từ đâu. Ta cần có một kế hoạch thường huấn vừa tầm, với một tiêu điểm rõ rệt.

Soạn bài giảng là một dự án vừa tầm với tiêu điểm rõ rệt như thế. Đây là một cơ hội để phát triển một lối học thú vị, chặt chẽ và đầy triển vọng – nhờ việc rèn luyện không ngừng này chúng ta sẽ tài bồi cảm thức tự trọng nơi mình trong tư cách là những con người chuyên nghiệp.[3]

 

“Nhẩn Nha” Với Các Bản Văn Thánh Kinh

 

Việc chúng ta dành thời giờ cho các bản văn Thánh Kinh có bao gồm việc nghiên cứu, nhưng không chỉ có thế. Chúng ta cần biết nhẩn nha, không hấp tấp, và dành đủ thời gian cho việc nghiên cứu, cầu nguyện và ghi chép.

Dựa vào kinh nghiệm của riêng mình và qua những trao đổi với người khác, tôi ngờ rằng việc chậm rãi thấm nhuần bản văn như nói trên rất ít khi xảy ra. Thói thường, chúng ta đọc lướt nhanh qua các bài đọc (nói cho cùng, toàn là những bản văn quen thuộc thôi mà!), rồi cố gắng tìm một ý tưởng nào đó cho bài giảng của mình. Vừa khi vớ được một ý tưởng, chúng ta coi như mình đã xong chuyện với các bản văn. Thật chẳng khác chi một người nhìn thoáng qua một đại tác phẩm nghệ thuật rồi quay lưng bỏ đi, với chỉ những ấn tượng phù hợp với lối nhìn sẵn có của mình.

Vậy bạn hãy từ từ, đừng hối hả. Hãy đọc kỹ các bản văn, và mở lòng ra đón nhận một số ánh sáng mới tinh khôi. Hãy thắp một ngọn nến, lấy ra các sách tham khảo và giấy viết, rồi từ từ “nhâm nhi” các chú giải, cầu nguyện và ghi chép.[4]

Hãy dành thời giờ cho mọi bản văn (kể cả Thánh Vịnh). Bạn nên sử dụng một quyển Thánh Kinh (chứ không phải quyển Sách Bài Đọc) để bạn có thể nắm được văn mạch của các bản văn.[5] Và bạn ghi ‘nốt’ dọc theo tiến trình này. Những ghi chú của bạn không cần phải được nối kết hay được hệ thống; chúng ta vẫn chưa xác định ý tưởng nòng cốt kia mà. Chúng ta chỉ đang làm công việc khám phá các bản văn Thánh Kinh thôi. Bạn đừng bỏ qua các tâm tình cầu nguyện lúc này lúc khác xảy đến với mình. Xin nhắc lại rằng không có gì phải vội vàng cả (bạn thấy cái lợi của việc bắt đầu sớm trong tuần rồi chứ?)[6]

Suốt tiến trình này, chúng ta luôn mang trong đầu câu hỏi: Trong khung cảnh cụ thể của cử hành phụng vụ này, Chúa đang muốn nói gì với cộng đoàn?[7]

 

Mấy Điều Nên Nhớ

 

1. Đừng bỏ qua hai Bài Đọc đầu hay bài Thánh Vịnh Đáp Ca

Đã từng nghe vô số bài giảng ghi âm (kể cả của chính mình), tôi có thể nói rằng rất ít khi chúng ta giảng dựa trên các bản văn Cựu Ước. Chúng ta cần nhìn kỹ lại vấn đề này. Các bản văn Cựu Ước trình bày Thiên Chúa tương giao với chúng ta một cách rất gần gũi và vô cùng dễ cảm nhận. Chúng cung cấp cho ta những cơ hội để nối kết với những cảm nghĩ rất thông thuộc trong thân phận con người – sợ hãi, giận dữ, thất vọng, vui mừng, nghi ngờ về sự quan tâm của Thiên Chúa, vv. Những cách tiếp cận có tính triết học (chẳng hạn Thiên Chúa toàn trí, toàn năng, thường hằng...) không phải là những cửa ngõ duy nhất để chúng ta nhận biết và liên hệ với Thiên Chúa.

Raymond Brown chỉ ra một lý do quan trọng khác nữa để quan tâm đến Cựu Ước: Sau cuộc xuất hành ra khỏi tình trạng nô lệ và được giải phóng, rồi nhiều thế kỷ sau đó từ nơi lưu đày về quê cha đất tổ, người Do Thái đã không chỉ trải nghiệm các ân phúc, mà còn có những thăng trầm, trong đó một số giai đoạn “trầm” kéo dài rất lâu.

 

Nói cách khác, họ đã trải qua trước những gì mà các Kitô hữu thường kinh nghiệm trong những thế kỷ sau Đức Giêsu. Cả dân Do Thái lẫn các Kitô hữu đều cần đến đức tin để nhìn thấy các thực tại của Thiên Chúa trong và xuyên qua một lịch sử dài mà trong đó có những lúc Thiên Chúa dường như vắng mặt. Một mình Tân Ước thì chỉ liên quan đến một giai đoạn quá ngắn, mà lại chứa đựng nhiều thành công, nên không thể trao cho các Kitô hữu những bài học như vậy được.[8]

 

Trong thực tế, các bài giảng cũng thường không liên hệ đến Bài Đọc II. Nếu chúng ta không nghiêm túc xem xét Bài Đọc II khi soạn bài giảng, thì chúng ta đã không hoàn toàn mở lòng ra với những gì Thiên Chúa nói với mình.[9]

Dĩ nhiên là việc lưu tâm đến Bài Đọc I hay Bài Đọc II (hay bài Thánh Vịnh Đáp Ca) thường sẽ đòi chúng ta nghiên cứu nhiều hơn và do đó cũng mất thời gian nhiều hơn. Đây có thể là một trong những lý do khiến chúng ta phớt lờ những bài đọc đó. Tôi thú nhận rằng đã có những khi tôi chẳng tham khảo chú giải hay suy tư về gì khác ngoại trừ bài Tin Mừng. 

Ở đây tôi không có ý nói rằng những người giảng thuyết phải thường xuyên cố gắng đề cập đến tất cả các bài đọc. Việc bao gồm cả ba bài đọc một cách cưỡng bức sẽ là một sai lầm. Tôi chỉ muốn nói rằng trong tiến trình ấn định ý tưởng nòng cốt chúng ta không nên chỉ làm việc với bài Tin Mừng mà thôi.

 

2. Đừng tránh những bản văn Thánh Kinh khó

Có cái lợi khi phải làm việc với những bài đọc được chỉ định thay vì là tuỳ ta chọn. Những bài đọc được chỉ định buộc chúng ta phải đối diện với những bản văn mà rất có thể chúng ta không muốn chọn – hoặc vì chúng khó hiểu hoặc vì chúng có vẻ gây xì căng đan (chẳng hạn, “Nếu ai muốn đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con mình ...” [Lc 14,26]).

Dường như cũng từ ý hướng này mà Thánh Bênêđictô nhấn mạnh rằng trong lectio divina cần phải chọn một tác phẩm Thánh Kinh và cầu nguyện theo đó từ đầu tới cuối, chứ không lựa lọc. Tu Viện Trưởng Michael Casey, trong quyển sách tuyệt vời của mình về lectio divina, đã chỉ ra rằng món quà ơn cứu độ thường đi ngược chiều các kỳ vọng của chúng ta, và do đó đòi hỏi chúng ta một thái độ sẵn lòng vượt qua cái nhìn giới hạn của mình và mở lòng ra cho hoạt động của ân sủng. Chúng ta phải ngừng cố gắng kiểm soát cái tiến trình và chấp nhận đọc những gì được dọn sẵn cho mình.

 

Việc đọc Sách Thánh không duy chỉ là một hình thức giải trí đạo đức. Mục tiêu của nó là đặt chúng ta đối diện với sự thật về cuộc hiện sinh của chính mình, và để đạt được điều này thì cần phải phá vỡ mọi rào cản mà chúng ta dựng lên giữa ý thức của mình và chân lý. Chúng ta phải di chuyển tới một bình diện khác với bình diện của đời sống thường nhật của mình.[10]

 

Tác phẩm Được Lấp Đầy Khi Bạn Nghe Lời cũng nói về cái chân trời rộng hơn mà những bản văn khó có thể đem lại cho chúng ta:

 

Một bản văn xem chừng chẳng có nghĩa lý gì với chúng ta. Nó có thể thậm chí gây xì căng đan cho ta. Ta có thể muốn phớt lơ nó, nhưng không vì thế mà nó biến mất. Ta càng vật lộn với nó, nó càng trở nên rối rắm... Khi điều này xảy ra, chúng ta đang có một trong những dấu hiệu tốt nhất cho biết rằng mình sắp đạt được một điều gì đó rất quan trọng. Lời Thiên Chúa trong thực tế có thể thách đố đức tin chúng ta, kêu gọi chúng ta hoán cải và mặc lấy một thế giới quan mới.[11]

 

---------------------------------------

 

Việc nghiền ngẫm các bản văn Thánh Kinh là một cơ hội vàng mà bạn đừng bỏ hụt.


 

[1]Văn kiện năm 1993 của Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh nêu bật sự cần thiết phải chú giải cách đúng đắn: “Thánh Kinh không tự trình bày như một mạc khải trực tiếp về các chân lý vượt thời gian, nhưng như chứng từ được viết ra về một loạt những sự can thiệp trong đó Thiên Chúa mạc khải chính Ngài trong lịch sử nhân loại... Như vậy các bản văn Thánh Kinh không thể được hiểu đúng nếu không khảo sát những hoàn cảnh lịch sử đã định hình chúng... Việc bỏ qua không quan tâm đến chú giải trong khi tìm cách hiểu Thánh Kinh sẽ tạo ra một ảo tưởng và cho thấy thiếu kính trọng đối với Thánh Kinh được linh hứng.” (PBC, Phần Kết Luận). Cũng vậy, Fitzmyer nêu rõ rằng việc hiện tại hoá và hội nhập văn hoá giả thiết một sự chú giải đúng đắn bản văn: “Tuy nhiên, người ta không thể độc đoán gán cho một bản văn Thánh Kinh bất cứ ý nghĩa nào, nhất là một ý nghĩa không đồng nhất với từ ngữ và nội dung được bộc lộ của bản văn.” (Fitzmyer, America, Nov. 27, 1993, tr. 13; xem thêm Louvain Studies 20 [1995] tr. 134-46.) 

[2] Nghiên cứu này được điều hành bởi Leslie Hoppe, OFM., và Barbara Reid, OP. Một trong những mục tiêu của nó là “đưa ra những đề nghị chỉnh đốn lại việc dạy và học Thánh Kinh hay rà soát lại những định hướng cho các khoá nghiên cứu Thánh Kinh nhằm giúp thúc đẩy việc sử dụng Thánh Kinh một cách vừa có trách nhiệm vừa có tính sáng tạo trong giảng thuyết.” Dự án này vẫn chưa xong và chưa được công bố. 

[3]Mỗi nhà giảng thuyết nên có một tủ sách căn bản để tham khảo trong quá trình soạn bài giảng. Tối thiểu gồm có:

-một sách chú giải cho mỗi Sách Tin Mừng

-một công trình chú giải tiêu chuẩn cho toàn bộ Thánh Kinh

-một từ điển Thánh Kinh

-một sách đề mục

 

[4]Bên cạnh những ích lợi về chuyên môn của việc nghiên cứu đều đặn này, chúng ta không nên coi nhẹ vị trí của việc chuẩn bị bài giảng trong công cuộc huấn luyện thiêng liêng cho chính mình. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng đặt chúng ta thường xuyên vào vị trí đón nhận Lời ân sủng luôn luôn mới mẻ của Thiên Chúa. Dần dần chúng ta sẽ nhận được những hiệu quả lớn lao, và công việc này sẽ trở thành một trong những yếu tố thiết định linh đạo của chúng ta. 

[5] Chẳng hạn, bài đọc Công Vụ Tông Đồ vào Chủ Nhật VI năm B nói về Phêrô và biến cố Cornêliô. Biến cố này chiếm nguyên chương 10 và một phần của chương 11, với tất cả là 67 câu. Bài đọc chỉ trích 9 câu, từ ba chỗ khác nhau. Ta sẽ không bao giờ thấy toàn bức tranh nếu không đọc toàn bộ bản văn. 

[6] Khi dành thời gian cho các bản văn Thánh Kinh, chúng ta không tìm xem bằng cách nào tất cả chúng có thể khớp với nhau. Dù điều này có thể xảy ra, nó vẫn không nhất thiết phải xảy ra, và chúng ta không nên ép nó. Chúng ta chỉ đang tìm hiểu các bản văn Thánh Kinh để hiểu chúng tốt hơn và, qua chúng, để nhận định câu trả lời cho câu hỏi chủ yếu này: Thiên Chúa đang nói gì với cộng đoàn chúng ta trong biến cố này? 

[7]Graham Greene có lần nói rằng mặc dù độc giả nghĩ lầm rằng các tiểu thuyết gia chọn chủ đề, đối với các tên tuổi lớn, mọi sự diễn ra cách khác hẳn: chính chủ đề chọn họ. Có một cái gì đó có tính loại suy ở đây về chủ đề bài giảng lễ. 

[8]Raymond Brown, An Introduction to the New Testament (New York: Doubleday, 1997, tr. 328). 

[9] Từ khi làm việc với các nhóm giảng lễ, tôi đã trở nên chú ý hơn đối với Bài Đọc I và Bài Đọc II – và thỉnh thoảng lấy chúng làm tiêu điểm của bài giảng. Đây là một kinh nghiệm mới mẻ, gần như là khám phá ra một bản văn mới để giảng. 

[10]Michael Casey, Sacred Reading (Liguori, Missouri: Triumph Books, 1995, tr. 8-9). Một trong những lúc chúng ta dễ chọn giảng về Bài Đọc I hay II là khi mà bài Tin Mừng là một bản văn khó. Chẳng hạn, trong những tuần lễ cuối Mùa Phục Sinh, chúng ta có những bản văn phức tạp từ Tin Mừng Gioan. Tất cả chúng ta có thể giống như nhà giảng thuyết nọ nhìn qua bài Tin Mừng và nói: “Chà, chắc mình sẽ giảng về bản văn Côlôsê vậy.” Cách quyết định như vậy rõ ràng không đến từ việc nhận định xem Chúa đang nói gì với cộng đoàn xuyên qua các bản văn Thánh Kinh này và hoàn cảnh cụ thể này. 

[11]  Fulfilled in Your Hearing, tr. 32-33.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!