.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
10. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG: SỬA CHỮA

           “Nhiều bài giảng xoàng chỉ cách mức tuyệt vời có một bước: sửa chữa.” 

 

Mục đích của việc viết ra là xây chiếc cầu nối giữa tư tưởng và ngôn từ. Mục đích của việc sửa chữa là kiểm tra bản văn đã viết và thực hiện một số sự điều chỉnh. Và đôi khi cần những sự điều chỉnh lớn để bài giảng được mạch lạc hơn, chứ vấn đề không duy chỉ là tô điểm phiên phiến ngoài da.

Hầu như mọi nhà giảng thuyết đều nói rằng bài giảng Thánh Lễ thứ hai của họ luôn tốt hơn bài giảng Thánh Lễ thứ nhất của cùng ngày Chủ Nhật đó. Đôi khi, bài giảng Thánh Lễ thứ ba là bài giảng tốt nhất. Vì sao? Có hai lý do: (1) chúng ta nắm vững chất liệu của bài giảng hơn; (2) chúng ta có một số sự điều chỉnh quan trọng trước khi giảng Thánh Lễ kế tiếp.[1] 

Phần đông chúng ta không nhận ra các nhà văn chuyên nghiệp đã nhọc công sửa chữa đến mức nào sau khi họ “hoàn thành” bài báo hay quyển sách của họ; chúng ta cũng không nhận ra sản phẩm cuối cùng của họ đã được biên tập đến mức nào sau khi họ gửi nó đi. Nếu bạn viết cho một nhật báo, bài viết của bạn sẽ được biên tập. Nếu bạn viết cho một tạp chí, bài viết của bạn sẽ được biên tập. Bạn viết kịch bản cho một bộ phim hay một vở kịch, công trình của bạn cũng sẽ được biên tập. Trong thế giới viết lách, rất nhiều công việc biên tập không ngừng diễn ra.

Rất nhiều bài giảng mà tôi đã rà soát qua (gồm cả những bài giảng của chính mình) được thấy là những bản thảo rất tốt, chỉ còn một bước nữa là trở thành những bài giảng tuyệt vời.

Tôi đã có giải thích cách thức mà một nhà báo trong nhóm Saginaw của chúng tôi biên tập các bài giảng trong mỗi buổi làm việc. Đối với đa số các nhà giảng thuyết, đây là một kinh nghiệm rất mới mẻ. Nó giúp người ta mở mắt ra trước nhiều sự thật. Chúng tôi khám phá thấy rằng việc biên tập (hay sửa chữa) là một phần rất quan trọng trong tiến trình chuẩn bị bài giảng.[2]

 

Sắp Đặt Lại Các Phần Của Một Bài Giảng

 

Sắp đặt lại, viết lại, và cắt bỏ (đôi khi toàn bộ những phần nào đó) là những công việc chủ yếu của khâu biên tập. Việc biên tập này áp dụng cho mọi người, dù ta viết toàn bộ bài giảng ra hay ta chỉ dùng một dàn ý thô sơ nhất.[3]

Việc sắp xếp lần đầu các cụm ý tưởng của bài giảng không nhất thiết là khả năng tối ưu – tuy nếu được thế thì thật tốt. Chúng ta phải rà soát lại lần thứ nhì, không phải rà soát các từ mà là rà soát các phần. Việc di chuyển trọn các phần có thể là một việc cần thiết để cải thiện bài giảng.

Khi lắng nghe các bài giảng để chuẩn bị cho buổi làm việc nhóm, tôi thường nghe mỗi bài hai lượt. Đa số trường hợp, mọi sự trở nên rõ ràng hơn trong lần nghe thứ hai, bởi vì – sau khi đã nghe qua từ đầu tới cuối – bây giờ tôi biết trước các ý tưởng đang dẫn tới đâu, và tôi hiểu hơn về cái cách mà các phần được liên kết.

Khi viết và khi giảng, người giảng thuyết luôn luôn biết trước mọi sự gắn kết với nhau như thế nào, nhưng người nghe thì không biết trước như vậy. Họ chỉ biết những gì họ đã được nghe. Nhiều mối nối kết xem ra rất rõ ràng với chúng ta song lại chỉ (may ra) có tính ẩn tàng đối với người nghe.[4]

Một bài tập hữu ích khi chuẩn bị bài giảng là cố gắng đặt một tiêu đề ngắn cho mỗi phần (như chúng ta thường thấy nơi các bài viết đăng tạp chí). Bằng cách này, chúng ta nhanh chóng nhận ra các vấn đề để biên tập:

 

  1. Nếu ta khó ấn định một tiêu đề cho một phần cụ thể nào đó, thì đấy có thể là dấu hiệu cho thấy rằng phần ấy không có một tiêu điểm rõ ràng.
  2. Khi các tiêu đề đã được xác lập, chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ hơn về toàn bộ cấu trúc và mạch khai triển của bài giảng. Chúng ta sẽ chỉnh sửa hoặc bổ sung các mối chuyển ý cần thiết.
  3. Chúng ta sẽ dễ nhận ra rằng cần phải xếp đặt lại trọn các phần. Đây có thể là một việc rất sáng tạo của khâu biên tập. (Trong các nhóm của chúng tôi, chúng tôi ghi nhận rằng những sự sắp đặt lại thường cải thiện chất lượng rất nhiều cho bài giảng.)

 

Sửa Chữa: Nỗi Đau Của Việc Cắt Bỏ

 

Trong quyển Death in the Afternoon, một trong các nhân vật của Hemingway đã nói lên một điều mà mọi tác giả cần ghi lòng tạc dạ:

 

Dù ông có một câu nói hay một ví von hay đến mấy đi nữa, nếu ông đưa vào chỗ mà nó hoàn toàn không cần thiết và có thể thay thế được, thì đấy là ông đang phá hỏng tác phẩm của ông do bởi nuông chiều cái ‘tôi’. Văn xuôi là một ngành kiến trúc, không phải ngành trang trí nội thất.[5]

 

Hemingway thực hành đúng theo tôn chỉ ấy khi cắt bỏ gần 100.000 từ trong bản thảo quyển To Have and To Have Not.[6]

Dùng con dao mổ là phần việc đau đớn nhất của quá trình biên tập. Một khi chúng ta đã viết ra một từ hay một câu trên giấy, nó như mặc lấy sự sống nơi chính nó, và chúng ta không muốn loại bỏ nó. Ném vào lãng quên một cái gì mình đã tạo ra là điều đi ngược lại với bản năng tự vệ của ta, vì thế ta nghe trong lòng mình tiếng thôi thúc hãy lưu giữ nó, đôi khi bằng cách chuyển nó sang chỗ khác trong bài giảng.

Mới đây, tôi có làm một việc cắt bỏ hầu như không hề đau đớn, nhờ sự kiện rằng tôi đã viết bài trên máy vi tính. Khi đã viết xong mọi sự, chỉ còn công việc biên tập, tôi lưu lại trong một file gốc và để nguyên đó. Rồi tôi sao chép chính nội dung ấy để tạo một file khác; chính file thứ hai này được tôi sử dụng để tiến hành biên tập. Giờ đây tôi có thể biên tập một cách thoải mái. Tôi an tâm vì biết rằng dù mình làm gì trên file này đi nữa, nội dung nguyên thuỷ vẫn còn được lưu giữ một cách an toàn trong file kia. Vì thế, tôi viết lại các phần một cách hoàn toàn tự do. Tôi cắt bỏ một cách không thương xót bất cứ gì tôi thấy là xoàng xĩnh; tôi di chuyển các phần tuỳ thích...

Tôi nhận ra rằng mình đã làm rất nhiều sự điều chỉnh, và làm rất nhanh – và điều quan trọng là chất lượng được cải thiện thấy rõ! Và sự thật là tôi ít khi trở về với bản văn nguyên thuỷ để lấy lại điều gì mình đã cắt. Quả là trước đây tôi đã nhát gan một cách vu vơ.

 

 

Những Cắt Bỏ Vào Giờ Thứ Mười Một

 

Khi quay bộ phim Deliverance, có một cảnh đặc biệt hay, trong đó Burt Reynolds diễn một màn độc thoại rất ấn tượng nhằm cố gắng làm cho Jon Voight tự tin và tìm thấy nghị lực để tiếp tục.

Khi bộ phim được quay xong, trong một lần chiếu riêng cho dàn diễn viên và những nhân vật quan trọng, màn độc thoại nói trên đã thu hút sự chú ý cách đặc biệt. Xem tới chỗ Reynolds hoàn tất cảnh ấy, cả nhóm cùng vỗ tay vang dội để tán thưởng. Reynolds cảm nhận rằng đó là cảnh hay nhất mà anh từng diễn.

Ít tuần sau, ngay trước khi bộ phim được công chiếu, người đạo diễn gặp Reynolds và báo tin buồn: Cảnh ấy đã bị cắt. Vấn đề không phải chuyện chất lượng, bởi đó là một cảnh diễn rất đạt. Chiều dài cũng không phải là vấn đề. Vấn đề chỉ đơn thuần là cảnh ấy không khớp với mạch truyện. Trong tiến trình khai triển nhân vật thì Jon Voight được giả định là tìm thấy nghị lực từ trong chính bản thân mình. Thế mà lời độc thoại hùng hồn kia lại làm cho người ta nghĩ rằng dường như Jon Voight rút được sức mạnh từ Reynolds. Vì thế mà cảnh ấy phải bị cắt.

Và thực sự nó đã bị cắt.

Một số sự cắt bỏ đáng giá nhất trong các bài giảng xảy ra vào giờ thứ mười một, khi mọi sự đã xong xuôi đâu vào đó. Rồi bỗng chúng ta chợt nhận ra điều gì đó mà cho tới lúc ấy mình đã không nhận ra. Chúng ta bắt đầu cảm thấy băn khoăn, nghĩ rằng bài giảng hẳn sẽ tốt hơn nếu mình cắt bỏ nguyên một phần nào đó, đôi khi đó là một phần chính, một phần hay. Bài giảng sẽ tốt hơn nếu không có phần ấy.

Những sự cắt bỏ vào giờ thứ mười một này không bao giờ dễ dàng cả. Và đó thường là những xử lý làm cho bài giảng trở nên hay hơn nhiều. Không bao giờ là quá muộn, ngay cả khi chỉ còn 2 phút nữa là Thánh Lễ bắt đầu.

 

Cắt Bỏ Những Từ Không Cần Thiết

 

Có một loại cắt bỏ ít đau đớn hơn (nhưng vẫn đau đớn) – đó là cắt bỏ những từ không cần thiết.

Cách đây vài năm, Edwin Newman có viết một bài báo nói về những từ không cần thiết xen vào trong câu nói của chúng ta.[7] Đây là một số ví dụ của ông:

 

- Thay vì nói sự nghèo đói, lại nói những tình trạng nghèo đói.

- Thay vì nói có những loại..., lại nói có những loại khác nhau...

- Thay vì nói có một khủng hoảng đô thị, lại nói có một tình hình khủng hoảng đô thị.

- Thay vì nói một sự ngạc nhiên, lại nói một sự ngạc nhiên thật bất ngờ.

- Thay vì nói ông ấy có một kinh nghiệm tôn giáo thâm sâu, lại nói ông ấy có một kinh nghiệm tôn giáo thâm sâu một cách sâu sắc.[8] 

Trên đây chỉ là một số ví dụ nhỏ. Đa số chúng ta đều có một khối lượng lớn những từ không cần thiết trong các bài giảng của mình. Chúng ta không nhận ra điều đó, và chẳng ai gọi điện thoại cho ta để phản ảnh. Nhưng một người biên tập sẽ có thể chỉ ra đó là những từ nào.

 

Khi Biên Tập Có Thể Khám Phá Một Bài Giảng Tốt Hơn

 

Đôi khi, xảy đến một khoảnh khắc vừa tuyệt vời vừa đáng sợ. Chúng ta đã soạn xong bài giảng và đang sửa chữa nó. Chúng ta bỗng nảy ra một ý tưởng – và nhận thấy rằng có lẽ mình nên thay đổi toàn bộ chiều hướng của bài giảng. Chúng ta nghĩ đến một bài giảng hoàn toàn khác với và tốt hơn bài đang được hoàn thành.

Đây không phải là điều hiếm xảy ra. Nói cho cùng, chúng ta đã dành nhiều ngày suy nghĩ về những bản văn này, thu thập các ý tưởng, và sắp xếp thành một bài giảng. Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên nếu tất cả những điều đó làm phát sinh một ánh sáng mới, được kết hợp từ tất cả những yếu tố kia. (Một số nhà soạn kịch lừng danh đã thực hiện những sự thay đổi quan trọng trong những lần tổng dượt cuối cùng – những thay đổi này nhiều khi làm cho vở kịch đổi hẳn chiều hướng, thậm chí loại bỏ bớt hay bổ sung thêm nhân vật.)

Tôi biết rõ tâm trạng lưỡng lự, nỗi âu lo ray rứt, niềm phấn khích bị ức chế, cái ý nghĩ rằng phải bỏ tất cả và làm lại tất cả, cái quyết định “nên hay không nên” mà chúng ta phải đưa ra. Đây là khoảnh khắc mà chúng ta cần có sự nhiệt tâm của một hoạ sĩ đích thực. Nếu trực giác của mình bảo chúng ta rằng chiều hướng mới này sẽ đem lại một bài giảng tốt hơn, thì chúng ta hãy bình thản lấy “cọ, sơn và vải bố” mới ra.

Nhưng bỏ tất cả những gì mình đã viết và bắt đầu phác thảo một cái gì khác hẳn thì thật là khó. Một điều an ủi, đó là việc khai triển cảm hứng mới này thường sẽ nhanh hơn; chúng ta không bắt đầu từ vạch xuất phát. Nó giống như người trồng nho cắt tỉa cây nho của mình để nó sai quả hơn.

Một số hạt ngọc đẹp nhất được gặp thấy vào giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị bài giảng. Tôi tin rằng nhiều hạt ngọc như vậy đã bị hụt mất do chúng ta nhát gan. Tôi đã nghe và đã đọc nhiều bài giảng có vẻ cũng khá, nhưng có chứa đựng một ý nhỏ có thể là một mầm tốt để khai triển thành một bài giảng tuyệt vời.[9]

Tôi xác tín rằng dụ ngôn về kho tàng chôn giấu có thể được vận dụng cho kinh nghiệm này. Chúng ta đã cày xới vất vả, và bất chợt chúng ta khám phá ra kho tàng, thế là chúng ta bán tất cả những gì mình có để mua kho tàng ấy.


 

[1]Dường như dù tôi chăm chút bài giảng của mình đến mấy đi nữa, khi tôi giảng, tôi vẫn nhận ra những vấn đề lồ lộ cần sửa chữa. Chúng ta có thể làm gì để nhận ra được như vậy và điều chỉnh trước khi giảng lần thứ nhất? Tôi đã cố gắng giảng lớn tiếng trong phòng riêng của mình, thậm chí ghi âm nó và tưởng tượng như mình đang giảng thực sự, nhưng tất cả đều không thành công. Cách duy nhất mà tôi thấy dễ có hiệu quả, đó là thực sự giảng bài giảng ấy cho một người nào đó nghe, đôi khi qua điện thoại.

[2] Khi tôi ngày càng ý thức hơn về giá trị – đúng hơn, về nhu cầu – của việc biên tập, tôi cũng nhận ra rõ hơn rằng rất thường chúng ta, trong công việc Giáo Hội, đã bỏ qua công việc này. Tôi được người ta trao cho những “bản cuối cùng” của các tờ bướm, các văn thư, các bài viết... chỉ để phát hiện ra rằng dù người ta đã khá mất công biên soạn, chúng thường chỉ là những bản thảo – thế mà nay chúng hầu như đã sẵn sàng để được in ra và gửi đi. Nếu có những bản văn nào đó cần chỉnh sửa, tôi cho rằng những ‘ứng viên’ hàng đầu là các văn bản của các giáo xứ, giáo phận, ngay cả của hội đồng giám mục chúng ta.

 

[3]Quan điểm của tôi là những ai không viết bài giảng ra thì ít nhất cũng nên phác thảo dàn ý của nó trên giấy, để họ có thể nhìn qua và sửa chữa cách sắp xếp hay giá trị của mỗi phần. Cần viết một câu hay một cụm từ đúc kết ý chính mỗi phần. Như vậy ta có thể nhìn lại toàn bộ, tưởng tượng mình đang trình bày bài giảng, và thực hiện một số việc biên tập thiết yếu.

 

[4] Đây là một ví dụ về giá trị của việc nhờ một ai đó nghe bài giảng của mình trước. Nhiều chỗ mập mờ có thể được sửa chữa cho sáng tỏ. Nếu nhờ ai đó đọc bản văn viết thì không ích lợi bằng – vì người đọc có lợi thế là có thể nhìn qua các đoạn văn hay có thể đọc lại lượt khác.

 

[5] Ernest Hemingway’s, Death in the Afternoon (trong Larry Phillips, Ernest Hemingway on Writing, New York: Scribner, 1984, tr. 72).

 

[6]Ibid., tr. 78. Để có một hình dung về chuyện này, bạn nhớ rằng quyển sách trong tay bạn đây bao gồm khoảng 72.000 từ thôi.

[7] Tôi đọc những nội dung này trong một tạp chí khi đang ngồi trên máy bay cách đây nhiều năm, và tôi chỉ ghi lại một ít ‘nốt’.

[8] Chú thích của người dịch: Có lẽ phải đọc nguyên bản tiếng Anh mới thấy rõ hơn sự  rườm rà trong những câu này. Ta có thể nêu vài ví dụ trong Việt ngữ (những từ in nghiêng là những yếu tố rườm, đôi khi sai ý):

- nhưng Đức Giêsu Ngài đã thinh lặng...

- Ta nhận ra cách Đức Giêsu dạy các môn đệ Ngài như thế nào.

- Chúng ta buồn về những thất bại trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta lại tự mình loay hoay thay vì chúng ta nhìn về Chúa.

- Những cô cậu ấy chưa vị thành niên...

- Thiên Chúa đã không ngần ngại chọn Abraham làm tổ phụ dân riêng.

[9] Một sai lầm thường xảy ra, đó là bám chặt lấy hạt ngọc mình chọn lúc đầu, và gạt qua một bên (hay không nhận ra được) một số hạt ngọc rất đẹp xuất hiện trên đường, trong quá trình soạn bài giảng. Một sai lầm tệ hại hơn nữa, đó là duy chỉ bổ sung những ý mới mà mình nghĩ ra – đến nỗi cuối cùng bài giảng trở thành một kho ‘hầm bà lằng’ quá nhiều ý tưởng.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!