.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
18. BÀI GIẢNG CỦA TÔI! NHƯNG KHÔNG QUI VỀ “TÔI”!

Khi ông ấy nói về Thiên Chúa, người ta nghe có vẻ như ông ấy đang trả bài. Ông ấy nói về tội lỗi cũng y như vậy.”[1] 

 

Dân chúng ai cũng muốn các nhà giảng thuyết phải có bản sắc riêng. Điều này bao hàm nhiều thứ: bản sắc riêng trong điệu bộ, trong phong thái, trong cách nói, và trong nội dung. Họ muốn bài giảng đến từ trái tim của người nói, không chỉ đến từ cái đầu. Họ muốn cảm thấy rằng chúng ta ở giữa họ, chứ không ở trên họ, rằng chúng ta cũng có một đời sống thực và cũng chia sẻ một số kinh nghiệm với họ. Họ muốn biết rằng chúng ta đang nói từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta, chứ không phải chỉ nói những gì chúng ta có bổn phận phải nói.

Tôi đã làm linh mục được 12 năm và đã có mặt bên cạnh hàng trăm người trong giờ chết của họ. Rồi bố tôi chết (cái tang đầu tiên trong gia đình chúng tôi). Khi người ta đến với tôi tại nhà tang, tôi có thể nhận ra ai là những người có kinh nghiệm gần gũi về sự chết; tôi có thể nói ai là những người “biết”. Đấy không phải dựa vào những gì họ nói – thường thì họ nói ít hơn những người khác. Nhưng đấy bởi vì tôi biết rằng họ biết. Đây là sự khác biệt quan trọng. Và tôi nghĩ sự việc cũng tương tự khi người ta nói rằng họ muốn bài giảng phải có bản sắc riêng. Họ muốn có thể nhìn thấy và cảm thấy rằng chúng ta “biết.”

 

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

 

  • “Tôi rất trân trọng khi người giảng thuyết chia sẻ Lời Chúa từ chính đời sống của mình, và cho thấy đã cố gắng sống Lời Chúa... chứ không chỉ dạy Lời Chúa cho kẻ khác.”
  • “Ông ấy hành động như thể ông ấy ở trên chúng tôi.”
  • “Những gì mà cha sở chúng tôi nói đều rất chân thực và có bản sắc riêng, không phải là những thứ đóng hộp sẵn.”
  • “Tôi rất thích khi biết các nhà giảng thuyết cũng chiến đấu trong đức tin, và các ngài chia sẻ điều đó để giúp chúng tôi – chứ không phải mọi sự đều đã xuôi xắn với các ngài.”
  • “Sự chân thành của ngài được thấy rất rõ.”
  • “Các nhà giảng thuyết nên thể hiện bản sắc riêng, nhưng đừng quá mức, và đừng qui về cái tôi của mình.”
  • “Chúng tôi có hai linh mục. Một vị rất thường sử dụng các ý tưởng và các ví dụ riêng; vị kia viết một ‘luận văn’ và cứ thế mà đọc.”
  • “Tôi thích người giảng thuyết không dùng giảng đài mà thay vào đó đi xuống giữa cộng đoàn.”
  • “Nếu được, tốt hơn người giảng thuyết nên nhìn chúng tôi thay vì là chỉ nhìn vào mảnh giấy ghi ‘nốt’.”
  • “Ông ấy có loại ‘âm giọng giảng đài’ – có thể gọi đó là âm giọng nhà giáo hay âm giọng điện thoại. Gọi gì đi nữa, âm giọng ấy không có bản sắc riêng.”
  •  “Tôi thích người giảng thuyết nói một cách tự phát, thoải mái, nhẩn nha.”
  • “Đôi khi bài giảng của ngài dường như vô hồn. Không biết nhiệt tâm và sự sống động của ngài để ở đâu!”
  • “Khi ông ấy giảng, ông ấy dùng một ngôn ngữ khác, và thậm chí một chất giọng khác với chính ông lúc thường. Phải chi ông ấy cứ vẫn là ông ấy.”
  • “Đành rằng, chúng tôi hiểu, nói trước đám đông thật không dễ – nhưng người giảng thuyết cũng nên cho thấy một ít cảm xúc của mình chứ.”
  • “Ngài giảng có vẻ như một công việc phải làm cho xong thôi.”
  • “Chúng tôi biết kinh tin kính rồi. Chúng tôi muốn nghe về đức tin của ngài cơ.”
  • “Với cha sở tôi, một bài giảng luôn luôn là một câu chuyện tâm sự của ngài. Chúng tôi thích điều đó.”

 

Nhưng Đừng Qui Về Cái Tôi

 

Rất nhiều người được hỏi ý kiến đã kèm thêm một cảnh giác: Họ muốn bài giảng có bản sắc riêng, nhưng họ không muốn nó xoay quanh người giảng thuyết. Thật là một ảo tưởng khi nghĩ rằng cuộc sống của mình cũng thú vị với người khác như chính mình cảm thấy thú vị vậy. Cũng thật sai lầm khi nghĩ rằng cuộc sống của mình là tiêu chuẩn tốt nhất cho đa số các câu hỏi lớn của đời sống.

Trong một bài báo mang tựa đề “Những suy tư về việc giảng Lời Chúa,” Catherine Mowry LaCugna đưa ra 5 nguyên tắc. Một nguyên tắc trong đó là: người giảng thuyết đừng bao giờ trở thành tiêu điểm của bài giảng:

 

Cảm xúc của người giảng thuyết, những cái nhìn tín ngưỡng của ông, những tập quán và những môn giải trí của ông – nói tắt, chính con người ông – không nên thao túng bài giảng... Điều này không có nghĩa là bài giảng không thể có bản sắc rất riêng. Ngay cả dù không cố ý, người giảng thuyết vẫn chuyển tải rất nhiều về con người thật của mình chỉ qua cách mà ông giảng.[2]

 

Có thể là phù hợp việc chúng ta dùng kinh nghiệm riêng của mình như những ví dụ, nếu những kinh nghiệm này thuộc loại mà mọi người có thể đồng cảm, và nếu chúng ta không quá đà trong việc lấy chính mình làm ví dụ. Như có người nói: “Tôi rất chán nghe về gia đình ông ta, về con chó của ông, về chuyến đi vừa qua của ông, và về những buổi chơi gôn của ông.”[3]

Tiêu chuẩn để sử dụng một ví dụ từ đời sống riêng của tôi (hay của bất cứ ai khác), đó là: Nó có giúp những bài đọc Thánh Kinh này chảy vào trong đời sống của dân chúng hay không?

 

Mấy Điều Nên Nhớ

 

1. Kiểm tra xem có nên đổi những từ “anh chị em” thành “chúng ta”

Giảng thuyết không phải là ở trong một mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân hay giữa thầy và học trò. Chúng ta cần bao gồm chính mình vào trong cộng đoàn đang đón nhận Lời Chúa. (Đây không phải là một cách nói để lấy lòng. Bởi vì thực sự chúng ta thuộc về cộng đoàn và chúng ta đang ở phía đón nhận Lời của Thiên Chúa.)

Đàng khác, chúng ta phải cẩn thận về việc dùng chữ “chúng ta” khi nó bao hàm một cách sai lầm rằng mọi người đều chia sẻ quan điểm của tôi, chẳng hạn kiểu nói: “Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng...” hay “Như tất cả chúng ta đều biết...” Có nhiều lúc nói như thế là phát biểu một cách không công bằng.

 

2. Giảng thuyết luôn luôn là chuyện tội nhân nói với tội nhân.

Tôi vẫn thường nói rằng tôi được nâng đỡ nhiều bởi những chiến đấu và những thất bại được nhìn nhận của những con người tốt hơn là bởi những nhân đức được phô trương của những người công chính.

Dân chúng không muốn chúng ta kể lể tội của mình; họ chỉ muốn cảm thấy rằng chúng ta biết mình cũng là tội nhân. Một ý thức chân thực về thân phận tội của mình là một cái gì mà chúng ta không thể giả tạo được. Thực hay giả, người ta biết ngay.

 

3. Hãy xét xem có nên giảng “từ giữa dân chúng,” nghĩa là không phải từ sau thư đài

Đây không phải là một đòi hỏi tuyệt đối. Có thể có những lý do để một số người không nên làm cách này.[4]

Khi tôi bắt đầu thu thập nhận xét từ dân chúng, tôi khám phá rất sớm rằng đa số người ta thích vị giảng thuyết bước vào giữa họ mà giảng, nhưng tôi cũng nhận thấy rằng họ hiểu rõ tại sao một số người giảng thuyết không nên làm như thế. Ở đây họ chỉ bày tỏ một điều họ thích hơn thôi. Điều họ cần nhất là một bài giảng tốt, và nếu có người giảng tốt hơn với một cái gì đó trước mặt mình, thì cứ đứng ở thư đài, vẫn tốt thôi.[5]

 

4. Hãy yêu mến những con người đang nghe bạn giảng

Ồ vâng, dĩ nhiên chúng ta yêu họ. Chúng ta yêu mọi người ... “theo nghĩa thần học.”

Nhưng ở đây tôi đang nói về tâm cảm, về sự quan tâm đến họ, về việc đồng hoá mình với họ. Khi tôi tiếp xúc với những người đang làm việc mục vụ, tôi ghi nhận cái cách mà các vị nói về giáo dân của mình, và tôi quan sát các dấu hiệu của tình cảm chân thực. Thường thì có những dấu hiệu như thế, đôi khi một cách kín đáo – nhưng không phải luôn luôn, hay ít nhất không phải luôn luôn bộc lộ ra.

Trong các Thư của ngài, Phaolô bộc lộ sự quan tâm đối với dân chúng đến mức ngài nói lên các cảm nghĩ của mình, ngay cả việc ngài giận họ. Ngài cũng nói với họ rằng ngài yêu mến họ:

 

Thật thế, tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hoà khi viết cho anh em: tôi viết không phải để gây ưu phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em. (2Cr 2,4)

Nhân danh chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó ... Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết. (2Cr 11,10-11)

 

            Nếu chúng ta yêu mến (không chỉ yêu mến một cách trừu tượng) những con người đang nghe mình giảng, chúng ta sẽ dễ dàng bộc lộ bản sắc riêng trong các bài giảng của mình. Nhưng đừng quá bộp chộp nói rằng “Dĩ nhiên, tôi yêu họ chứ.” Ở đây cần có sự suy nghĩ nghiêm túc mức nào đó.

 

5. Hãy liệu sao để có thể trò chuyện được với người ta một chút trước Thánh Lễ

Một chút chuyện vãn thân tình với cộng đoàn (cùng với việc chào hỏi riêng khi họ đến) sẽ có hiệu quả rất tốt. Một khi Thánh Lễ đã bắt đầu, chúng ta ở trong mối tương quan có tính nghi thức, bấy giờ tính thân mật sẽ không còn phù hợp nữa. Nhưng nếu lên kế hoạch cho 2 hay 3 phút trước Thánh Lễ, chúng ta có thể làm nhiều việc để cải thiện “bầu khí.”[6]

Nghi thức đoàn rước nhập lễ (nhất là tại các buổi lễ lớn) có thể được làm với một cách thế đi ngược lại những gì mà nghi thức mở đầu muốn đạt được. Vị chủ tế đôi khi không được ai nhìn thấy cho đến khi ngài xuất hiện trong đoàn rước. Người ta có ấn tượng về sự xuất hiện của các ngôi sao, một cái gì đó giống như các vận động viên Olympic trong đoàn rước khai mạc, hay giống như Jay Leno tiến lên sân khấu hoặc giống như một cô dâu xuất hiện tại lối đi.

Huấn Thị Tổng Quát về Bí Tích nói về nghi thức mở đầu Thánh Lễ như sau:

 

Mục đích của các nghi thức này là giúp cho tín hữu qui tụ với nhau trong hình thức một cộng đoàn, và chuẩn bị cho họ lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể cách xứng hợp. (#24)

 

Về chính bài ca nhập lễ, bản văn nói:

 

Mục đích của bài ca nhập lễ là mở ra cuộc cử hành, đẩy mạnh mối hiệp nhất của đoàn dân đã qui tụ lại, hướng dẫn tư tưởng của họ đến các mầu nhiệm của mùa hay của ngày lễ, và tháp tùng cuộc rước của linh mục và các thừa tác viên. (#25)

 

Là chủ tế và là người giảng lễ, chúng ta thuộc về “mối hiệp nhất của đoàn dân đã qui tụ lại” này. Một số lời chào hỏi trao đổi riêng với người ta trước khi vào Thánh Lễ có thể giúp đạt được những gì mà Huấn Thị Tổng Quát mô tả và có thể làm cho bài giảng có bản sắc riêng nhiều hơn.
 


[1] Một nhận xét phản hồi từ dân chúng.
[2] America, March 19, 1994, tr. 4. 
[3] Đàng khác, một số người có thể thích những chuyện đời thường này. Có lẽ bởi vì họ thích chó hay thích môn đánh gôn hay bất cứ gì khác. Phản hồi của họ không nên đánh lừa chúng ta để chúng ta tưởng rằng đa số dân chúng đều có cùng quan điểm như vậy. 
[4] Người giảng lễ không nên rời thư đài, chẳng hạn, nếu điều này làm cho một số trong cộng đoàn không thể nhìn thấy ngài – hoặc nếu ngài giảng với văn bản trước mặt, hoặc nếu ngài cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi đứng ở thư đài, hoặc nếu micrô không dây không đủ tốt...
[5]Tôi thường hỏi người ta xem họ nghĩ sao về việc các vị giảng thuyết sử dụng giấy ghi ‘nốt’ hay ngay cả nguyên bản văn. Có một sự nhất trí rõ ràng rằng điều này không phải là vấn đề, miễn là nó không ảnh hưởng đến chất giọng riêng của bài giảng. Một số người nói: “Khi các vị ấy dùng giấy ghi ‘nốt’, chúng tôi biết rằng các vị đã chuẩn bị kỹ, và chúng tôi vui về điều đó.” Còn về việc dùng bản văn đầy đủ, cũng không có vấn đề gì miễn là người giảng thuyết đừng chỉ đọc bản văn, mà có thể trình bày cách sống động, nhiệt tình, có bản sắc riêng.

 

[6]Tôi thấy điều này đặc biệt hữu ích tại các dịp lễ cưới hay lễ tang, bởi vì cộng đoàn lúc ấy bao gồm những người không biết nhau hay thuộc các niềm tin khác nhau. Cần làm gì đó để phá tảng băng!

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!