.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Một “thái độ”

2. Bài giảng là gì?

3. Không phải là bài giảng

4. Phần mở đầu bài giảng

5. Phần kết bài giảng

6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi

7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh

8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc... nhưng đắt giá!

9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra

10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa

11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình

12. Chiều sâu

13. Nối kết với đời sống thực tế

14. Những câu chuyện

15. Nên giảng dài hay ngắn?

16. Thông tin bên lề

17. Dùng từ

18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!

19. Trân trọng các đánh giá phản hồi

20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường

21. Dùng các vật minh hoạ

22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói trong bài giảng

23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng

24. Bài giảng đem lại niềm an ủi

25. Giảng về tội

26. Mười con quỉ

27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Để Giảng Lễ Tốt Hơn
Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)
1. MỘT “THÁI ĐỘ”

                                                                          “Ta sẽ ban cho chúng quả tim mới

và sẽ đặt tinh thần mới vào lòng chúng” (Ed 11,19)

 

Soạn một bài giảng có thể giống như làm một bài tập về nhà mỗi tuần. Những công việc như thế ít khi đánh động trái tim chúng ta. 

Bước đầu tiên, và có lẽ là bước quyết định nhất để cải thiện các bài giảng, chính là gạt bỏ cái thái độ ấy. Chúng ta cần một quả tim mới, một tinh thần mới.

Sự thay đổi quả tim này không phải là một mẹo lừa tâm lý. Đó là thực tại căn bản. Chỉ cần một vài khoảnh khắc suy tư là chúng ta có thể nhận ra mình thật sự đang làm gì khi chuẩn bị một bài giảng.  

Bạn hãy xem xét những điều sau đây:

 

1. Khi chuẩn bị một bài giảng, chúng ta đang tham dự vào cùng loại hành động của Chúa Thánh Thần khi hình thành bản văn Thánh Kinh 

Nói vậy nghe như phóng đại, nhưng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã xác nhận rõ ràng như vậy trong Tài Liệu Fulfilled in Your Hearing: 

Nếu các lời của Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng, như chúng ta vẫn tin chắc như thế, thì sự linh hứng của Thiên Chúa ắt hẳn phải hoạt động khi những lời ấy được làm cho sống động và được làm cho trở thành hiện thực đối với cộng đoàn đức tin xuyên qua sứ vụ của chúng ta.[1] 

 

Raymond Brown cũng không ngần ngại xác quyết điều đó. Vị linh mục học giả Thánh Kinh này chỉ ra rằng khi các thị chứng nhân Tông Đồ diễn giải sứ điệp của Đức Giêsu cho những hoàn cảnh mới, các ngài đã không làm điều đó duy chỉ bằng việc nhớ lại những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói. Nói cho cùng, các ngài vốn thuộc số những kẻ “thấy mà không hiểu.” Sau sự kiện Phục Sinh và Lên Trời, chính ân ban Thánh Thần đã dạy cho các ngài biết ý nghĩa của những gì các ngài đã nhìn thấy. Đây là sự ứng nghiệm điều mà Đức Giêsu đã nói với các ngài:

 

Thầy còn nhiều điều để nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không thể hiểu. Nhưng khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn. (Ga 16,13)

 

Brown lưu ý rằng Đấng Bàu Chữa được hứa ấy không chấm dứt hoạt động của Ngài khi thời đại các Tông Đồ chấm dứt. Các Kitô hữu chúng ta thuộc các thế hệ sau cũng không bị tách xa hơn khỏi sứ vụ của Đức Giêsu so với các Kitô hữu thuở ban đầu. Đấng Bàu Chữa cư ngụ trong chúng ta cũng y như Đấng Bàu Chữa đã cư ngụ trong các thị chứng nhân sau biến cố Phục Sinh và Lên Trời, để nhắc nhớ và để trao ý nghĩa mới mẻ cho những gì Đức Giêsu đã nói.[2]

 

2. Khi chuẩn bị một bài giảng, chúng ta đang soạn một phần của phụng vụ

 

Bài giảng là một phần của phụng vụ. Chúng ta biết thế  qua sách vở, nhưng trong thực tế, chúng ta dễ dàng quên điều đó – bởi vì một bài giảng DƯỜNG NHƯ rất giống với một bài nói chuyện, một bài phát biểu hay một bài lên lớp được nhét vào trong một cuộc cử hành phụng vụ. Sự việc càng khó khăn hơn nữa khi mà cho đến nay đã nhiều thế hệ thường coi “các bài giảng” LÀ những bài nói chuyện, phát biểu hay lên lớp xảy ra trong khung cảnh phụng vụ.  

Chúng ta đang dần dần trở về với ý thức rằng trong một bài giảng chúng ta chuẩn bị và công bố – dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần – một cái gì đó thực sự là một phần của chính cuộc cử hành phụng vụ. Người ta nhớ lại cái cách mà những vị chủ toạ cử hành Thánh Thể thuở ban đầu chuẩn bị và cử hành lời nguyện Thánh Thể: Các vị ấy biết rõ rằng mình đang làm một việc rất thánh thiêng. Chúng ta cũng cần có thái độ tương tự khi chuẩn bị bài giảng và chính khi giảng lễ.[3]

 

3. Khi giảng lễ, chúng ta đứng cùng phía với Thiên Chúa và nói với dân chúng

 

Trong bài giảng, vị giảng thuyết được đặt vào một vị trí khác với vị trí của chủ tế khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể.

+ Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chủ tế “đứng đối diện với Thiên Chúa” và nhân danh dân chúng để nói với Thiên Chúa.[4] 

+ Trong bài giảng, vị giảng thuyết “đứng đối diện với dân chúng” và nhân danh Thiên Chúa để nói với dân chúng.[5]

Với cái nhìn đối chiếu như thế, bạn thấy giữa hai đàng, đàng nào “khiếp đảm” hơn? À, đàng nào cũng “khiếp đảm” theo cách riêng của nó. Nhưng trong khi chúng ta nhận ra tính thiêng thánh của vị chủ tế trong Kinh Nguyện Thánh Thể, thì chúng ta còn chưa nhận ra bao nhiêu tính thánh thiêng của vị giảng thuyết trong bài giảng lễ. (Trong những năm gần đây, người ta ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bài giảng. Tôi ước mong nhìn thấy sự thánh thiêng của bài giảng cũng được nhấn mạnh như thế.)  

 

Một Công Việc Đầy Tâm Tình Cầu Nguyện Và Niềm Vui 

 

Chúng ta cần tìm cách để làm cho việc chuẩn bị bài giảng trở thành một công việc đầy ắp tâm tình cầu nguyện và niềm vui.

Phần lớn quá trình được đào tạo tu đức của tôi đã không nối kết hai từ: Cầu nguyện và niềm vui. Một số hình thức cầu nguyện mà tôi đã học xem ra không bao gồm niềm vui trong đó.

Nhưng ở đây thì hai từ trên được nối kết. Chúng ta đi vào trong một mối tương quan đặc biệt với Chúa Thánh Thần khi chuẩn bị một bài giảng, và điều này đặt chúng ta vào trong một bầu khí cầu nguyện. Chúng ta đang làm một trong những công việc trọng yếu bậc nhất thuộc sứ vụ của chúng ta, và đó là niềm vui.

Bạn hãy tìm cách để làm cho việc sửa soạn bài giảng thấm đẫm tâm tình cầu nguyện. Thắp một ngọn nến sẽ rất tốt. Còn mở tivi thì không tốt đâu. Rất thường, những tâm tình cầu nguyện bất chợt nảy ra trong tiến trình. Bạn cứ tạm dừng lại mà cầu nguyện. Không có gì phải vội vã. Hơn nữa, thời gian dùng để chuẩn bị bài giảng há chẳng phải là thời gian cầu nguyện đó sao? Chuẩn bị bài giảng có thể là một công việc khó nhọc, nhưng đó cũng là một công việc thánh thiện nữa đấy.

Bạn hãy tìm cách làm cho công việc này nên thú vị. Hãy xếp đặt nơi chốn và thời gian thuận tiện. Đừng để mình bị áp lực phải làm vội vã; cũng liệu sao cho các tài liệu tham khảo có sẵn trong tầm tay.[6] (Hãy lưu ý rằng việc bắt đầu soạn bài giảng ngay từ đầu tuần sẽ rất thuận tiện cho bạn cảm nghiệm cả những tâm tình cầu nguyện lẫn những niềm vui.) 

-----------------------------------------   

Là những người dấn thân trong công việc mục vụ, chúng ta cần thời gian để thao luyện tâm linh, nhưng sẽ là sai lầm nếu xem việc thao luyện tâm linh như cái gì nằm ở bên ngoài các công tác mục vụ. Trong chính khung sinh hoạt đều đặn của chúng ta vốn đã có dự liệu những cơ hội để cầu nguyện, suy tư và lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Soạn bài giảng là một trong những công việc thánh thiện và đầy tâm tình cầu nguyện như thế.   

 


[1] Fulfilled in Your Hearing (1982), do Uỷ Ban về Đời Sống và Chức Vụ Linh Mục của NCCB xuất bản, tr. 10-11. Xin xem thêm “The Interpretation of the Bible in the Church,” xuất bản 1993, do Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. “Các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu biết rằng họ không có khả năng hiểu ngay lập tức toàn bộ thực tại của những gì mà họ nhận lãnh trong tất cả các khía cạnh của nó. Khi họ kiên trì trong đời sống cộng đoàn, họ kinh nghiệm một sự sáng tỏ ngày càng hơn về mạc khải mà họ nhận lãnh. Họ nhận ra ở đây ảnh hưởng và tác động của ‘Thần Khí sự thật’ mà Đức Kitô đã hứa cho họ, để dẫn dắt họ đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13). Cũng vậy, Giáo Hội hôm nay tiến về phía trước, dựa trên lời hứa của Đức Kitô: ‘Đấng Bàu Chữa, là Thánh Thần mà Cha Thầy sẽ gửi đến nhân danh Thầy, sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em.’” (Ga 14,26) 

 

[2] Cf. Brown, The Gospel According to John, Anchor Bible, vol. 29 (New York: Doubleday, 1966, tr. 1141-2).

 

[3] Các văn kiện của Giáo Hội nêu rất rõ về điều này. “Bài giảng lễ, vì thế, phải được trân trọng như một phần của chính phụng vụ.” (Hiến Chế về Phụng Vụ, 52) Đây không phải là một thông tin mới đối với đa số các nhà giảng thuyết. Điều mới mẻ có lẽ là tất cả những hàm ý của nó.

 

[4] Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma nói như sau về Kinh Nguyện Thánh Thể: “Vị linh mục... hiệp nhất (dân chúng) với chính ngài trong lời nguyện mà ngài nhân danh họ để dâng lên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô.” (54)

 

[5] Ý thức về sự khác biệt này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc cử hành cả Kinh Nguyện Thánh Thể lẫn bài giảng.
[6] Trong quyển sách ‘bestseller’ của mình mang tựa đề Inner Simplicity, Elaine St. James nói về việc tạo lập một cung thánh cho riêng mình: “Đó có thể là phòng riêng của bạn, hay thậm chí là một góc phòng... Đây sẽ là nơi để bạn suy niệm, chiêm ngắm, thinh lặng một mình, suy tư, đọc, chữa lành mình, viết nhật ký... Hãy làm bất cứ gì bạn cần làm để biến chỗ ấy trở thành đặc biệt và thiêng thánh.” (New York: Hyperion, 1995, tr. 65-66). Chúng ta nên có một không gian như vậy – và bài giảng cũng sẽ được dọn ở đó.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (Nguyên tác: Ken Untener, Giám Mục Saginaw)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!