Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
XIN ĐỪNG LÀM TÔI TỚ VÔ DUYÊN

  

Tối nay là tối ngày Valentine, 14 tháng Hai, 2007, trời mùa đông lạnh rất vừa cho người ta yêu nhau. Anh chị em Cursillista giáo phận Los Angeles trong Trường Lãnh Đạo gặp nhau và hỏi thăm nhau bánh chưng bánh tét, dưa hành, giò chả… làm cho Tết như đang về gần, và năm mới như đang ở ngay ngoài cửa. Một anh nói: “Không mấy gì vui”. Một chị bảo:”Chẳng mừng Xuân nữa đâu. Mừng Xuân nhiều mau già lắm”. Nói vậy thôi, nhưng tôi tin chắc trong lòng mỗi người đều có sẵn một lời nguyện: “Tạ ơn Chúa cho con được thêm một Mùa Xuân nữa trong đời”.

Đề tài hội thảo tối nay là Khiêm Nhường và Phục Vụ. Những điều cha giảng thuyết trình bày chắc đã được ghi lại trong một bài khác, ở đây tôi chỉ ghi nhận và suy tư một chút trong phần thảo luận mà thôi.

Số người ‘đi học’ hôm nay đông hơn mọi khi nên 15 bản hát “xin cho con biết sống chân thật và đầy lòng khiêm nhu” của nhạc sĩ Thùy Trang phải ‘share’ hai người một tờ.

Anh B. - xưa nay trong các buổi họp vẫn thường nhỏ nhẹ và bình dị - tối nay lên tiếng trước nhất: “Con thấy khi làm những công việc chung dù là việc đời hay việc đạo mà mình có lòng khiêm tốn thì mới dễ thấy được niềm vui và sự bình an. Ai cũng vậy khi làm việc đều muốn công việc mình làm có hiệu năng, có kết quả tốt. Chẳng hạn như Trường Lãnh Đạo đây, khi nào thấy lớp học đông thì người phụ trách cảm thấy phấn khởi và hăng say… Nhưng lâu nay con đã tự nhủ, mình làm việc cho Chúa mà - tại sao phải thắc mắc nhiều - cho nên con chấp nhận hết. Ngày nào anh chị em đến đông thì chia thành nhiều nhóm chia sẻ hăng hái vui nhộn, còn ngày nào anh chị em đến ít thì mình qui tụ thành một nhóm, lúc ấy lại gần nhau và thân tình hơn. Rồi khi làm việc con cũng cố gắng chỉ nhìn điểm tốt của người khác để cùng làm. Anh này có tài nhưng lại nóng tính. Chị kia hăng hái nhưng lại hay giận hờn… Con cố gắng quên đi cái nóng tính của anh này và bỏ qua cái hay hờn của chị kia để làm việc…”.

Tôi không biết phải gọi ‘thói quen’ của anh B. là gì? Khiêm tốn? quảng đại? kiên nhẫn?… Có lẽ là sự tổng hợp mỗi đức tính một ít. Tôi cố gắng đi theo đường của anh đi mà chưa được. Ở Việt Nam ngày xưa, sinh hoạt các đoàn thể tương đối dễ: lớp giáo lý cứ đến giờ là lớp học đầy đủ dù các em chẳng có xe đạp hay xe hơi gì cả, ca đoàn cứ đến giờ tập hát là đông đủ dù chẳng em nào có cell phones, emails, hay web cam…chi hết. Cha xứ kêu một tiếng là các ông trùm có mặt ngay, rồi ông trùm hét một tiếng là không còn một bóng trẻ con lảng vảng ngoài nhà thờ.  Ở Mỹ đây thì khác và tâm tư con người bây giờ cũng đã khác xưa. Tôi phải khiêm tốn mà sửa đổi lối sống và cách làm việc của mình cho phù hợp với hoàn cảnh thôi. Cho nên mỗi lần đi ngang nhà thờ West Covina thấy một huynh trưởng thiếu nhi đang dậy cho một nhóm bốn năm em nhỏ lòng tôi vui mừng và thán phục các em rất nhiều, nhiều như là thán phục cha chủ tế đứng giảng trước cả ngàn giáo dân vậy. Nghe anh B. chia sẻ, tôi nhớ lời cha Nguyễn Trường Luân trên chương trình phát thanh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: “Mình hăng say phục vụ Chúa, phục vụ giáo xứ, nhưng không thể bắt tất cả những người khác phải hăng say như mình được. Khó là chỗ đó, hy sinh là ở chỗ đó”. Quả thật vì kiêu ngạo mà đặt nặng cái tôi thay cho tập thể nên tôi mới dễ chán nản thất vọng khi ý mình không đạt. Vì kiêu ngạo mà đi quá vai trò của người làm công nên đôi khi tôi mới khó chịu với Ông Chủ Vườn Nho…

Đến lần anh T. đưa thắc mắc: “Sao con chẳng thấy vui khi làm việc tông đồ, hoặc khi phải gánh vác công việc chung gì cả. Con chỉ coi đó như là món nợ mình phải trả, như một trách nhiệm mình phải hoàn tất trong cuộc đời. Thế thôi. Cha nghĩ sao?” Có lẽ đây là lần thứ ba tôi nghe anh T. tâm sự như vậy.

Nhưng. Anh bảo anh không vui nhưng anh lại vẫn tươi cười khi làm việc chung. Nghĩa là sao? 

Có lẽ anh giống ba vị sau đây chăng:

Trứơc hết là nhà thơ Nguyễn Công Trứ:

Đã mang tiếng đứng trong Trời Đất.

Phải có danh gì với Núi Sông.

Nhà thơ này quan niệm đã có mặt trong cuộc đời là ta đã mắc nợ, nợ với mẹ cha, nợ với anh em, với xã hội, và nợ với nước non nên phải làm một điều gì đó để đền ơn và phải để lại điều gì tốt lành cho hậu thế. Cho nên thích hay không thích cũng phải làm. Khó hay dễ cũng phải thi hành…

Người thứ hai là triết gia Kant. Căn bản triết lý sống của ông này là Trách Nhiệm, Duty, Mệnh Lệnh, Imperative, Lề Luật, Moral Law. Ông sống rất nghiêm khắc và tiết độ với những triết lý này. ‘Fais ce que tu dois faire. C’est tout’. Đã hơn 30 năm rời trừơng ốc, tôi chỉ nhớ có thế thôi, nhưng vẫn không quên triết gia này kỷ luật với chính mình đến nỗi không bao giờ thức dậy trễ hơn giờ đã định dù là …một phút.

Người thứ ba lại chính là Chúa Giêsu. Trong suốt 4 Phúc Âm, tôi tìm không thấy một câu nào nói Chúa cười vui. Rất có thể khi tìm được một đệ tử mới, khi thấy các tông đồ khiếp sợ trước giông bão trên biển, khi đến chơi nhà chị em Lazarô, hoặc khi làm phép lạ cho 5000 người ăn no, Chúa Giêsu đã cười hoặc ít nhất cũng đã mỉm cười(con người mà) đấy, nhưng chẳng thấy thánh sử nào ghi chép cả. Chỉ thấy: “Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con sao?”. “Con cáo có hang, con chim có tổ, con người không chỗ dựa đầu”. Rồi: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này cho khỏi con đi, nhưng theo ý cha thôi, và nếu là ý cha thì  chết bỏ con cũng thi hành”.

Anh T. bảo anh không vui nhưng anh lại vẫn ‘tỉnh bơ’ sau những công việc mệt nhọc khó khăn.

Nghĩa là sao? Tôi mà như anh thì đã đau tim hay ít là đã bị depressed từ lâu rồi. Ah ha, hay anh đã là một ông Socrate nhỏ của thế kỷ 21: “Trời giông gió, rồi trời đổ mưa anh vẫn cứ ‘tỉnh bơ’, chẳng sợ ướt áo vì chậu nước của người đẹp trong cơn tam bành”. Hay anh đã là một ông Confucius con trong thời đại mới: “ Thắng không kiêu, bại không nản và đường ta phải đi cứ đi”. Hay là niềm vui của anh khác hẳn với niềm vui của đời thường, của người thường, hay là cái niềm vui mà anh đang tìm thì chưa mấy ai đã cảm nghiệm được...

Anh T. bảo anh không vui khi làm việc chung, nhưng anh lại mỉm cười (rất tươi) khi có người trong lớp lên tiếng một cách rất triết lý và nhân bản: “Anh không vui, nhưng anh làm cho người khác vui là được rồi”. Tôi cầu mong nụ cười vừa nở trên môi của anh tối nay sẽ nở tươi khi anh về với cát bụi, và lúc ấy nếu còn sống tôi sẽ đọc cho anh câu thơ cuối bài của Nguyễn Công Trứ:

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.

Bây giờ đến anh H. giơ tay: “Thưa cha, xin cha chỉ cho chúng con vài phương thế để khiêm tốn trong khi phục vụ?”. Cha giảng thuyết đáp: “Phải đưa Chúa vào trong các công việc làm của mình. Phải nhớ mình làm việc là làm cho Chúa. ‘Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng’, Chúa đã dạy vậy đó. Phải tập, phải tập như tập nói một ngôn ngữ vậy. Khó lắm anh ạ…”

Tôi nghĩ đến một phương cách khác để thấy nhẹ nhàng với những cái gọi là ‘tiếng thơm’ khi phục vụ là suy tư về cái chết. Trong những ngày gần đây ở Mỹ có vài nhân vật ‘tiếng tăm’ vừa qua đời. Đó là cựu Tổng Thống Gerald Ford, cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, cựu phó đề đốc Trần Cao Thăng, ca sĩ La Sương Sương, và gần đây là cô Anna Nicole Smith…Già lão hay trẻ trung, tất cả đều đã về với bụi đất. Đẹp hay xấu, sang hay hèn, tội lỗi hay thánh thiện, tất cả đều đã nằm yên trong lòng đất và nhường thế giới này cho người khác. Riêng bạn bè của tôi thì một người nghèo nhất trong lớp và một người giầu có nhất trong lớp, cả hai cũng đã đều chết cách nhau ít tháng. Chỉ khác là người nghèo thì đựoc thiêu xác, còn người giầu thì có mộ phần. Cho nên có là ông này hay bà nọ, có được yêu hay bị ghét rồi cũng sẽ dần đi vào quên lãng mà thôi. Ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ có là gì so với một vị Giáo Hoàng Thánh Thiện như Gioan Phaolô VI. Ngoài phạm vi giáo xứ và ngoài nhà thờ ra thì ‘ông chánh trương is nobody’. Chị ca trưởng có là gì so với những ngôi sao nhạc Pop ở Hollywood. Ngoài mấy em trong ca đoàn công giáo và ngoài mấy hàng ghế gần gian cung thánh ra thì ‘chị ca trưởng is anonymous’. Lợi danh có là chi đâu, chỉ là cảnh đẹp trên đồi Rose Hill, trên đồi Lawn Forest, hoặc cánh đồng Good Shepherd…mà thôi.

Cái có và cái còn vĩnh cửu là cái ta có với người đã dựng nên ta, người đã trao cho ta sứ mệnh vào đời. Cái còn và cái có vĩnh cửu là mối liên hệ của linh hồn ta với người mà ta phải đối diện sau cuộc sống này. Thế thôi.

Khiêm Nhường và Phục Vụ là một nhân đức và là một công việc phải đi đôi với nhau. Hay đúng hơn phải nói là Khiêm Tốn Để Phục Vụ hoặc nói gọn hơn là Phục Vụ Trong Khiêm Cung.

Khiêm Nhường mà không Phục Vụ cũng như không vì “Đức Tin không việc làm là đức tin chết”.

Phục Vụ mà không Khiêm Nhường thì cũng như không vì “Dù tôi làm làm đựơc những phép lạ cả thể, dù tôi nói được các thứ tiếng… mà tôi không có lòng bác ái thì cũng chỉ là cái loa to…”

Để học hỏi về sự khiêm tốn trong phục vụ, thường ta đọc đoạn Tin Mừng thánh Luc 17, 7-10

Từ đoạn Tin Mừng này đã có bài hát với lời: “Lạy Chúa con chỉ là đầy tớ vô duyên, vô duyên hơn tất cả, vô duyên hơn tất cả…”. Bài hát được khá nhiều người thích vì giai điệu khá êm tai ở hai chữ ‘vô duyên’ và được lập đi lập lại. Tôi thì không thích mấy, nhưng cũng không ‘ke’ lắm. Có lẽ vì dòng nhạc mà tác giả phải đổi  từ ‘vô dụng’ thành ‘vô duyên’ để nói lên mình là một con người yếu đuối, tội lỗi, và thấp hèn trước mặt Chúa  chăng?.

Dù sao, khiêm tốn coi mình là ‘đầy tớ vô duyên’ thì được chứ hành động như một người vô duyên thì chẳng nên tí nào. Tôi đã nghe nói: ‘Bà ấy thật là vô duyên, cho mình là có tài mà không chịu tham gia, nhưng ai đứng ra làm thì phê bình’. ‘Cái ông ấy vô duyên lắm, nói truyện mà chẳng nhìn mặt người đối diện, cứ nhìn đi đẩu đi đâu’. Có lần đi lễ nhà thờ nọ, trên bàn thờ cha chủ tế vừa trích Paris by Night: ‘Tình chỉ đẹp khi còn giang dở. Lấy nhau rồi nham nhở lắm em ơi’ thì cậu thanh niên bên cạnh tôi lắc đầu: ‘Ông cha vô duyên’. Lần khác đi lễ nhà thờ kia, cha bắt đầu bài giảng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bằng câu ‘Ai trong nhà thờ này còn trinh?’ thì  bà già bên cạnh tôi cúi mặt: ‘Giảng gì vô duyên quá.’. Cho nên một người thợ tầm thường thì chấp nhận được hoặc một nhân công nhỏ bé thì cũng đáng thuê mướn, chứ một tay ‘đầy tớ vô duyên’ ăn nói cộc lốc, ăn mặc lôi thôi, chủ bảo một đàng làm một nẻo, không tỉnh thức canh kho lúa cho chủ  thì đáng bị … đuổi thôi.

Tôi nghĩ phục vụ trong khiêm tốn là phục vụ với tất cả những gì mình có một cách chân thành chứ không phải kiêu ngạo mơ tưởng những cái gì mình không có hoặc bày đặt phủ nhận những gì mình đã đựoc trao ban để rồi lẩn tránh trách nhiệm.

Còn 3 giờ nữa là đến Giao Thừa Xuân Đinh Hợi 2007 ở California, mong ước trong năm mới mỗi anh chị em Cursillista sẽ khiêm tốn làm một người thợ hèn mọn để sinh lời ½ hoặc ¼ lén bạc mà Chúa đã gởi, chứ đừng bao giờ làm một người  ‘đầy tớ vô duyên’. 

 Joseph Vũ 02/16/2007

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!