Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
NHÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA & ĐỨC TIN

 

Năm ngoái, từ Mỹ về Việt Nam chơi, tôi được Đức Cha Thống dẫn đi thăm Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin gần hai giờ đồng hồ. Được thấy và được nghe nhiều điều rất lịch sử và khá lạ lùng nên tôi cảm động và thích thú lắm. Sau đó, lại còn được ưu ái ngồi bên cạnh Ngài và các cha cố vấn để đốt thuốc, nhâm nhi cà phê, ngắm cảnh và người… Sài Gòn nữa.

Nhiều công trình ở phía trước và phía sau của Nhà Truyền Thống còn đang được xây dựng, nhưng ngôi nhà chính thì đã xong. Xong có nghĩa là: “ …Thấy vậy chứ không phải vậy đâu. Ngôi nhà này đã hơn trăm năm rồi nên đáng lẽ phải hạ xuống, nhưng nó đã được giữ nguyên như một landmark. Bề ngoài không có gì thay đổi, nhưng bên trong đã được thay các bê tông cốt sắt cả rồi. Như một building mới vậy. Khó là ở chỗ ấy đấy…”. Đó là lời giải thích của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phó Địa Phận Sài Gòn và là giám đốc trung tâm văn hóa này. Lời giải thích luôn ở thể THỤ ĐỘNG, không hề có chủ từ TÔI hay TỚ, hay đại danh từ CHÚNG TÔI ở trong đó. (Khiêm nhường cái kiểu thế kỷ 21 đấy???!!!)

Phía bên trái cổng chính là một thác nước có cây cổ thụ nằm nghiêng nghiêng vươn mình soi bóng mát bên hồ. Thấy cảnh đẹp, tôi định mở lời khen, nhưng biết Đức Cha Thống không thích khen nên tôi quay sang ‘nịnh’ cái cây. Rất thành thật: “Gớm cái cây này đẹp quá, nằm ngả đúng vị thế nên thật ấn tượng”. Đức cha Thống lên tiếng thay cho cái cây ngay: “Ngả đúng vị thế sao được. Biết bao nhiêu công sức và tiền bạc mới chuyển từ rừng Long  Khánh về đây được đấy.” Nói rồi Ngài cười hinh hích và trao cho tôi tập sách nhỏ, trong ấy giới thiệu:

Nhà trưng bày nhìn từ đại chủng viện

Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin tọa lạc giữa khu đất dài 192m, rộng 56m hòa vào cảnh quan xanh ngát cỏ cây. NTT/VHDT trước đây là Chủng Viện Sài Gòn do cha Wibaux và hội thừa sai Paris xây dựng năm 1863 tại số 6 đường Luro, Sài Gòn (hiện là 6B đường Tôn Đức Thắng, Quận 1) gồm có Nhà Trưng Bày, Nhà Nguyện, và mộ phần vị sáng lập là cha Wibaux.

Nhà Trưng Bày là dãy nhà ba tầng dài 52,55m, rộng 23,4m đã qua nhiều lần sửa chữa và lần sửa chữa cuối cùng là vào năm 1960. Bốn mươi ba năm sau, năm 2003, cả ba cơ sở lại được đại trùng tu trong 2 năm để trở thành Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin và đã được đức Hồng Y Sepe là Tổng trưởng Bộ Rao Truyền Phúc Âm, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn là Tổng Giám Mục Sài Gòn, và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đồng cắt băng khánh thành ngày 4 tháng 12, năm 2005.

Nơi đây lưu trữ các tài lệu, sách vở, di tích, hình ảnh liên quan tới chứng tích đức tin, sinh hoạt loan báo Tin Mừng và hội nhập văn hóa của Giáo Hội Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Đồng thời cũng sưu tầm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo và nghệ thuật dân tộc.

Công trình xây dựng Nhà Truyền Thống mới chỉ là bước khởi đầu. Con đường trước mặt còn dài, còn cần nhiều đóng góp của tất cả cộng đoàn Dân Chúa để Nhà Truyền Thống thực sự trở thành điểm thắp sáng Đức Tin trong lòng các tín hữu và giới thiệu Đức Tin với các anh chị em khác. NTT/VHDT ước mong được là một ‘Thành Phố Trên Đồi’ (Mt 5,14) trong lòng Giáo Hội và trong lòng Dân Tộc.

Tượng Đức Mẹ Phước Đức

Vừa tò mò vừa thích lịch sử nên khi có dịp, tôi muốn lang thang trong ngôi nhà Truyền Thống Đức Tin & Văn Hóa này một lần nữa để xem kỹ hơn cuốn sách nguyện bằng tiếng Latinh của một vị truyền giáo người Pháp đến Việt Nam hơn 100 năm trước, để xem kỹ hơn cái khăn xô và chậu cát đã thấm máu một vị thánh tử đạo,để xem rõ hơn cái cũi tre mộc mạc xấu xí và cái thanh gươm rất thô tục đã chém đầu người giáo dân quê mùa vừa đón nhận đức tin…

Tôi muốn lang thang ở đây một lần nữa để xem niềm tin của mình to bằng hạt cỏ mà ông già làm vườn vừa rắc xuống đất ở sân trước, hay lại nhỏ và cũ hơn cả hạt bụi đã bao năm nằm bên vệ đường Cường Để (tên đường cũ?) kia, hay lại chỉ thoáng như đám mây mỏng đang lướt qua trên cái building cao tầng rất tân thời phía bên kia đường.

Tôi muốn lang thang ở đây một lần nữa để thấy tận mắt những chứng tích của những Chứng Nhân Tin Mừng đích thực (không sách vở tự hoa hòe hay đánh bóng) cho dù những Chứng Nhân ấy có khi đã không hề có Nhân Chứng.( theo kiểu ‘Chứng Nhân Không Nhân Chứng’ của Đức Cha Vũ Duy Thống, trang 30)

Tôi muốn đến đây một lần nữa để cho lòng mình được ấm lên, để niềm tin của mình được hòa chung với  niềm tin của một dân tộc vốn nặng lòng với đạo giáo, với Trời Đất, để niềm tin của mình được củng cố nhờ ‘Đức Tin của Hội Thánh Chúa’, và để thấy mình được nâng đỡ ủi an khi chưa đến được Fatima, Roma, hay Lộ Đức, hay La-Vang, Tà Bao…

Tôi muốn đến đây một lần nữa để xem những văn minh kỹ thuật hiện đại đã giúp cho niềm tin của tôi vững vàng hơn hay những văn minh kỹ thuật ấy lại che đi mất cái hạt giống đức tin mà cha mẹ đã đặt vào linh hồn tôi, lại vùi mất cái hạt giống tin mừng mà những vị tử đạo đi trước đã gieo vào trong đất nước Việt Nam của tôi.

Tôi muốn đến đây một lần nữa để thử đăt mình vào tình thế của cha Phêrô Đoàn Công Quí mới chập chững trong thiên chức hay tình thế của ông trùm già Emmanuel Lê Văn Phụng khi có chiếu chỉ cấm đạo của vua Tự Đức, phải trốn chạy, bị tống giam, và đưa ra pháp trường. Phản ứng của tôi ra sao lúc ấy? (Chắc không dám viết ra đâu vì tôi không sống đạo ‘đàng hoàng’ làm sao dám tử đạo?).

Tôi muốn đến đây một lần nữa để tự hỏi các vị truyền giáo ngày xưa can đảm hay các vị Giám Mục, Linh Mục, và Giáo Dân Việt Nam ngày nay anh hùng? Để xem những phương tiện truyền giáo nghèo nàn thô thiển ngày xưa hữu hiệu hay kỹ thuật truyền thông với tốc độ và những phương tiện di chuyển dễ dàng ngày nay hữu hiệu hơn.

Tôi muốn đến đây một lần nữa để tự hỏi không-được-tự-do-sống-đạo hay được-tự-do-không-sống-đạo: đàng nào thì dễ hơn? Đàng nào thì can đảm hơn? Đàng nào có lợi ích hơn?

Tôi muốn đến đây để một lần nữa tự hỏi: Tôi từ đâu đến? Sẽ đi đâu và về đâu? Đường tôi đang đi có khác con đường các thánh đã đi?

Tôi muốn đến đây một lần nữa để nhắc cho chính mình rằng vào Thiên Đàng cũng không dễ. Tơ lơ mơ coi chừng lại hụt chân. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào thiên đàng”. Tôi không giầu có bằng con lạc đà thì ít nhất chắc cũng phải uốn mình chui qua lỗ kim như con kiến mới được vì có con gì chui qua lỗ kim dễ dàng đâu.

Đài các thánh tử đạo Việt Nam

Khi có dịp, xin mời bạn đến thăm nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin một lần cho biết.

Nếu đến đây mà bạn không được gì thì cũng chẳng mất gì nhiều: chỉ một tí thời giờ thôi.

Nếu đến đây mà bạn không/chưa được gì thì thử quì gối đọc kinh ‘Kính Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam’ xem sao.

Nếu đến đây mà bạn không được gì thì ít nhất cũng được đôi phút thoải mái, nhất là khi người hướng dẫn tour là Cha Ý hay Đức Cha Thống. Bảo đảm các Ngài sẽ tiễn chân bạn đến tận cổng dưới hàng cây cao lá xanh và nếu bạn không thấy gì vui lớn thì ít nhất cũng thấy nắng Sài Gòn… chợt mát ở trong lòng.

Joseph Vũ, San Dimas 01/21/2007

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!