Năm 1973 cha Antôn Drexel, một giáo sư thần học tín lý của Giáo Hoàng Học Viện qua đời vì căn bệnh ung thư bất trị. Trên cái quan tài đơn sơ được quàng âm thầm ở trong tu viện có những dòng di chúc của Ngài như sau:
1. Tôi hiến đời tôi cho Dòng Tên để nhà dòng có thêm một Chứng Nhân Tin Mừng cho Chúa trên thế giới.
2. Tôi hiến đời tôi cho Nước Việt Nam thân yêu để Nước Việt Nam có thêm người trở lại với Chúa.
3. Và tôi hiến đời tôi cho Giáo Hoàng Học Viện để các học trò của tôi trở nên những Linh Mục thánh thiện.
Tiếng Việt thật phong phú, một từ kép, nếu đổi vị trí thì từ kép ấy có thể vẫn có cùng một nghĩa chẳng hạn như Vinh Quang và Quang Vinh. Cũng có thể từ kép ấy có một nghĩa hoàn toàn khác chẳng hạn như Nhân Tình và Tình Nhân. Cũng có thể từ kép ấy vẫn có cùng nghĩa, nhưng âm hưởng có phần hơi khác chẳng hạn từ Nhân Chứng và Chứng Nhân.
Nhân chứng thường được hiểu là người hiện diện, nhìn, nghe, hoặc cảm thấy những gì xảy ra trong một biến cố, rồi cung cấp cho người khác những gì họ biết được trong biến cố ấy. Có khi họ phải lấy chính mình ra để bảo đảm cho điều họ biết là dung, la thật. Cho nên nhân chứng phải là người hiểu biết và đáng tin cậy.
Còn chứng nhân thì có lẽ cùng nghĩa với nhân chứng, nhưng hình như nó được dùng nhiều trong các tôn giáo, đặc biệt là công giáo và mang một âm hưởng thiêng liêng hơn. Cho nên ta thường nghe Chứng nhân Tin Mừng, Chứng Nhân cho Chúa Kitô, Chứng Nhân Hy Vọng, Chứng Nhân Đức Tin..vv…. Chứng tá cũng có nghĩa tương đương như vậy.
Tôi thật không dám đi sâu vào môn thần học mà ta thấy từ Chứng Nhân xuất hiện rất nhiều trong Cựu Uớc và Tân Ước. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài tâm tư về Chứng Nhân Tin Mừng khi nhìn vào con người của cha Antôn Drexel mà tôi đã có dịp được sống chung với Ngài một thời gian mà thôi.
Trước hết Chứng Nhân Tin Mừng phải là người TIN VÀO NHỮNG GÌ ĐỌC TRONG KINH THÁNH
Vì đây là khởi điểm cho một lý tưởng, là bước đầu cho những chuỗi hoạt động trong cuộc đời. Thánh Phaolô bị ngã ngựa rồi mới tin, và tin rồi mới bắt đầu cuộc đời truyền giáo. Tin vào Chúa Giêsu rồi Ngài mới quì gối hỏi: ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gi?’.
Trước khi đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng muốn chắc ăn nên đã hỏi đi hỏi lại ông ngư phủ này: ‘Ông có yêu mến tôi không?’. Trong yêu mến đây chắn hẳn phải có niềm tin vì nếu không tin ‘Thầy chính là con Thiên Chúa’ thì chưa chắc Phêrô đã lập đi lập lại “Ngài biết tôi yêu mến Ngài” đến …ba lần.
Cho nên niềm tin phải là nền tảng cho mọi hoạt động: những hoạt động trần thế cũng như những hoạt động thiêng liêng. Không có niềm tin vào tương lai, vào tình yêu, vào nhân tình thì ta chẳng làm gì được hoặc nếu có làm thì công việc cũng ‘vô hồn’ hoặc ít nhất là không ‘hết hồn’. Khó thành công.
Thứ đến là phải RAO GIẢNG ĐIỀU MÌNH TIN.
Nghĩa là nói cho những người chung quanh điều mình tin tưởng, Chứng Nhân Tin Mừng thì giới thiệu cho người khác Chúa Giêsu và ơn Cứu Độ.
Vì sao vây? Vì điều mình tin tưởng là lợi ích, là tốt đẹp. ‘Bà tin tôi đi, xài kem Oriki này tốt lắm. Bà bôi mấy tuần là da mặt đẹp ngay thôi’. ‘Trà đắng này hay lắm. Tôi đã uống thử rồi’. ‘Ông nghe tôi đi, ông cha ấy linh lắm, xin ổng cầu nguyện là đựơc ngay à’. ‘Em ơi, luật sư này giỏi lắm. Anh nhờ họ giúp là tháng sau em sang Mỹ ngay thôi’.
Tự bản chất con người muốn chuyển cho nhau những gì tốt lành. Chính Chúa Giêsu cũng lệnh cho các môn đồ: “Hãy đi rao giảng tin mừng cho khắp thế gian”. Nếu không có người giới thiệu phong trào Cursillo khéo tôi lại tưởng Cursillo là một loại game điện tử không chừng. Nếu không có những vị truyền giáo hy sinh đến Việt Nam những thế kỷ trước thì khéo tôi lại tưởng Ki-tô là một món ăn Nhật như chơi vậy. Và không có các vị truyền giáo này chắc người viết và người đọc cũng chẳng gặp nhau trên trang báo này đâu nhỉ?
Rồi khi rao giảng thì Chứng Nhân SỐNG ĐIỀU MÌNH RAO GIẢNG.
Không sống điều mình rao giảng là giả dối. Không dám sống điều mình tin là hèn nhát. Không thực hiện điều mình nói là máy móc vô hồn. Không làm điều mình dạy là ba xạo. Đánh bóng những cái mình không thích làm, không muốn làm là chứng nhân giả hiệu, là biệt phái, là sơn phết một cái quan tài đẹp để đựng một xác chết. Nói mà không làm thì chỉ là demo copy, cùng lắm chỉ là beta copy mà thôi.
Chẳng ai thích rượu rắn giả. Chẳng ai ưa ca sĩ hát nhái. Tôi nhớ trong một bài giảng Cha Tuyên bảo: ‘Có người đến trình bày với tôi việc phá thai. Hỏi ra thì bà mẹ trả lời ngon lành: Trình cha, chúng con thuộc gia đình đàng hoàng cho nên đâu có thể để cái bầu ấy được. Phải phá chứ, không thì mang tiếng chết”. Thật là một gia đình đàng hoàng từ… bên ngoài mà chả đàng hoàng từ… bên trong tí nào.
Không những SỐNG MÀ CHƯNG NHÂN CÒN CHẾT CHO ĐIỀU MÌNH RAO GIANG NỮA.
Nhiều khi chúng ta đã sống ‘ít nhiều’ cho điều mình tin, đã tỏ cho người khác ‘phần nào’ những điều mình nói về Chúa, nhưng lại không hoặc chưa dám chết cho niềm tin ấy. Có lẽ cái chết là bằng chứng hùng hồn nhất của một Chứng Nhân Tin Mừng. Tôi cứ tưởng tượng sợi dây thừng xiết cổ thánh Emmanual Lê Văn Phụng đến chết, hoặc tưởng tượng lưỡi dao chém xuống cổ thánh Phêrô Đoàn Công Quí mà rùng mình. Việt Nam ta lắm anh hùng thật. Anh hùng tử đạo và anh hùng cứu quốc. Hồi trẻ tôi sợ chết lắm, bây giờ già rồi tôi còn sợ chết hơn nữa, nhất là chết để làm chứng nhân cho điều mình tin.
Tóm lại Chứng Nhân Tin Mừng là người Tin vững vàng vào những điều dạy trong kinh thánh, rao giảng điều mình tin, sống và chết cho điều mình rao giảng.
Như vậy thì cha Antoon Drexel đúng là một Chứng Nhân.
Nhưng không phải chỉ có một số người đặc biệt được chọn ra hay tự nguyện mới là chứng nhân mà tất cả chúng ta, người đọc và người viết, cả những người không đọc và những người không viết nữa. Không phải chỉ có cha sở hay ông trùm bà quản, thầy dậy giaó lý… mà tất cả mọi phần tử có mặt trong nhà thờ nữa.
Làm Chứng Nhân cho Chúa thì chắc hẳn có khi vui đấy, nhưng cũng có những thua lỗ, những thiệt thòi, những mất mát, và ngay cả những rắc rối không ngờ nữa. Anh mù khi được Chúa Giêsu chữa cho sáng mắt đã làm chứng: ‘Ông này là người làm cho tôi được sáng mắt”. Đơn giản thế thôi, nhưng không dễ. Từ khi được sáng mắt, anh bị làm khó dễ lung tung, bị hoạnh hỏi tùm lum. Lúc mù không thấy đường thì anh còn được yên ổn nhưng đến khi sáng mắt thì anh hết còn… bình an.
Thực ra anh ta có thể ‘quên đi’ người chữa mắt cho mình và chắc Chúa cũng không trách anh đâu. Nhưng anh đã muốn làm Chứng Nhân. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết: Đi làm chứng nhân mà gặp những chuyện nghịch ý, những chống đối, những khó khăn thì đó cũng chỉ là chuyện bình thường, nhưng khi gặp khó khăn mà vẫn tiếp tục làm chứng thì lúc ấy không còn bình thừơng nữa, mà là phi thường. Điều này mới thật đáng quí.(Chứng Nhân Không Nhân Chứng)
Và vấn đề đặt ra là chúng ta đã làm chứng nhân cho Chúa đủ chưa?
Trong lần nói chuyện với giáo dân Việt Nam giáo xứ Saint Boniface, Anaheim, California về việc đóng góp cho Đia Phận Orange, cha xứ nói: “ Tôi không xin anh chị em đóng góp cho địa phận 200 đồng, 500 đồng, hay 1000 đồng. Anh chị em hãy cùng tôi quì xuống hỏi Chúa: “Chúa đã cho con nhưng gì? Bây giờ Chúa muốn con cho Chúa bao nhiêu?” anh chị em cứ làm như Chúa dậy”. Số tiền của người Việt nam hứa đóng góp đã vượt xa số tiền cha xứ mong ước.
Chúng ta đã làm Chứng Nhân cho Chúa ‘ít nhiều’ rồi đấy, nhưng đã đủ Chưa? “Cứ hỏi Chúa đi rồi em/anh/chi/ông/bà/cha/thầy/đức cha/đức ông sẽ hay”.
Vâng, cứ hỏi Chúa đi thì sẽ hay. Nhưng hỏi Chúa rồi chúng ta đừng vội bắt chước Mẹ Têrêxa Calcutta hay Đức Giáo Hoàng John Paul II vì cái ly của các Ngài thuộc loại ly cối, lọai xtra large, chúng ta không bao giơ đổ đầy được. Xin hãy làm chứng nhân trong vai trò của mình thôi. Anh mù được sáng mắt không cần đi học viết báo để chống lại đám Biệt Phái hay học luật để chống bọn Thu Thuế, anh chỉ đơn giản nói lên một sự thật: “Ông này đã cho tôi sáng mắt. Tin hay không mặc kệ các ông”. Hãy làm chứng nhân ngay lúc này và tại nơi mình đang sống.
Đôi khi tôi thấy cuộc đời của Đức Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận Thuận có một thời gian dài thật vô ích vì con người tài giỏi, đạo dức, năng nổ như vậy mà nằm tù cả chục năm trời. Quá uổng. Nhưng ý Chúa thì nhiệm mầu. Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt mới đây viết: Đừng tưởng mẹ Têrêxa thánh đức vì những hoạt động bác ái đâu, Ngài đạo đức vì lời cầu nguyện đi trước những hoạt động. Trong cuốn Chứng Nhân Không Nhân Chứng Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cũng đã viết:“Nhiều khi chứng nhân âm thầm không nhân chứng, không ai biết đến lại có nhiều hiệu năng hơn những việc làm công khai đựơc nhiều người biết đến và tán tụng”. Đừng coi thường những việc nhỏ bé và cũng đừng quá coi thường chính mình.
Cuộc đời ngắn ngủi. Làm được gì thì làm ngay, đừng đợi chờ. Làm Chứng Nhân cũng thế. ‘Chờ khi tôi học xong, có bằng cấp’. ‘Chờ khi tôi có việc vững chắc’. ‘Chờ khi con cái tôi lớn’. ‘Chờ khi gia đình tôi ổn định’. ‘Chờ khi tôi có tí tuổi, tí tiền vốn khá khá’… rồi tôi sẽ làm Chứng Nhân hoặc làm Chứng Nhân thêm cho Chúa. Nếu chẳng bắt đầu thì chẳng bao giờ ‘hết chờ’. Nếu chờ mọi sự ổn định thì chẳng bao giờ ổn định.
Người bạn tôi tên Danh, những ngày cuối đời lúc tỉnh lúc mê, anh không viết nổi một trang nhật ký nữa mà chỉ còn viết được vài dòng tâm tư không vững trên những toa thuốc. “Cha Tuấn ơi, khi nào con khỏe lại, con sẽ giúp cha nhiều hơn trong công tác bác ái”. Và anh đã ‘chạy nước rút’ để làm việc bác ái bằng cách xin mỗi người đến thăm anh trên giường bệnh một palanca hay một chút gì đó cho người nghèo.
Anh Lâm, cung một người anh của bạn tôi mới đây trong cơn hấp hối cũng tâm sự với vợ: “Em ơi, người ta đến thăm nhau thì hay cho nhau quà. Anh muốn có một món quà cho Chúa khi đến gặp Ngài. Em cho anh xin $5000.00 cho những người nghèo ở Việt Nam”.
Cảm ơn Danh, cảm ơn anh Lâm đã nhắc cho tôi ‘phải làm ngay những gì có thể làm được như một Chứng Nhân vô danh ngay ngày hôm nay’. Chứng Nhân cũng phải bắt đầu ngay, không được đợi chờ.
Sau cùng, niềm tin của anh/chị sẽ làm vững niềm tin của tôi dù anh không phải đạo gốc. Tôi không tài ba đạo đức, nhưng sự có mặt của tôi trong nhóm sinh hoạt sũng làm mọi người lên tinh thần. Thật vậy, những tập sách thần học dạy cộm của Toma D’Aquin hay cả đống tài liệu Công Đồng Vativan cũng chưa chắc đã thức tỉnh tôi bằng lời dặn dò rất quê mùa của một bà cô rất nhà quê trong một lần điện thoại: “Bây giờ cô già rồi, không được khỏe, nhưng cô luôn cầu xin khấn khứa Đức Mẹ cho các cháu được chịu khó giữ đạo Chúa cho đến cùng nhá. Anh em ở bên ấy cố thương yêu nhau, bảo nhau mà sống”. Cho nên cùng làm chứng nhân với nhau thì tốt hơn.
Lời chứng không tầm thường của một người đàn bà rất tầm thường, nhưng không kém phần yêu mến và mạnh mẽ như những lời di chúc của cha Antôn Drexel ở trên.
Tôi xin mượn bài thơ Đường Chứng Nhân của người bạn tên Hoài Ân để trả công bạn đã đọc những điều tôi chia sẻ:
Những con đường , đi tìm về sự sống ,
Thật bao la và linh động vô cùng ,
Cuộc phiêu lưu , thành nhân chứng Tin Mừng ,
Là « bạn » Ngài , đến tận cùng thế giới .
Đường Tình Yêu , Ngài thiết tha mời gọi ,
Vung thẳng tay , gieo « Tin Mới » cho đời .
Những chân lý là hạt giống tuyệt vời ,
Sống chứng nhân , cho « Lời Người »triển nở .
Những con đường , không bao giờ lo sợ .
Khi có Ngài , luôn nâng đỡ , yêu thương ,
Hãy ra đi , làm chứng mọi nẻo đường ,
Theo từng bước , tấm gương « Người Phục Vụ ».
Gol-gô-tha , gồ ghề , đường xưa cũ ,
Thập giá nào , ôm trọn đủ đau thương ?
Lịch sử nào , giòng máu vẫn còn vương ?
Để Phục Sinh thành con đường Cứu Độ .
Những con đường , mời chúng ta từ bỏ ,
Sống bình an , nâng đỡ của Thánh Thần ,
Hãy ra đi và trở thành chứng nhân,
Về Thập Tự và hồng ân Cứu Độ.
Gol-gô-tha , con đường tình thách đố !
Joseph Vũ, San Dimas 02/23/2004