Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
TỪ NHỮNG ANH HÙNG KHÔNG GIAN ĐẾN ANH HÙNG KHÔNG TÊN

 

Một tháng trước đây, qua email, tôi nhận được bài báo viết về việc ‘ Giữ Ngày Sabath của Phi Hành Gia Ilam Ramon người Do Thai’. Vấn đề là người Do Thái rất nghiêm nhặt trong việc giữ ngày Sabath là ngày của Chúa, nhưng khi bay vào quĩ đạo của trái đất thì mỗi ngày anh Ramon sẽ thấy mặt trời mọc và mặt trời lặn tới 4 lần. Như vậy thì việc giữ ngày Sabath của anh sẽ như thế nào? Như vậy thì Ramon sẽ phải ‘kiêng việc’ rất nhiều ngày trong chuyến thám hiểm không gian trên dưới hai tuần lễ hay sao? Dĩ nhiên anh đã tham vấn các thầy Rabbi để tìm ra cách thi hành lề luật theo đúng truyền thống.

Từ bài báo ấy tự nhiên tôi đặc biệt để ý đến chuyến bay thứ 28 của phi thuyền con thoi Columbia với 7 phi hành gia, trong đó có một người Da Đen, một người gốc Ấn Độ, và một người Do Thái là Ramon: Đúng là những người tài giỏi luôn đựoc trọng dụng và các tư tưởng lớn gặp nhau ở đỉnh Kim Tự Tháp. Hôm nay họ gặp nhau ở một nơi cao khỏi mặt đất hằng trăm cây số.

Sáng mồng một Tết Nguyên Đán hôm ấy, tôi thức dậy mở TiVi để hy vọng xem những gì còn sót lại trong chương trình đón Giao Thừa năm Quí Mùi, nhưng các đài truyền hình chính lại đang bận rộn tường thuật vụ phi thuyền Columbia bị nổ trên không khi vừa trở lại trái đất. Nhìn những khối lửa vỡ tung, tách biệt nhau, rồi tắt lịm trên bầu trời để lại những làn khói trắng đục vô tình, tôi sững sờ và thật buồn cho các phi hành gia trong chuyến thám hiểm cũng như cơ quan NASA.

Mười bảy năm trước, năm 1986, cũng vào một buổi sáng mùa xuân như hôm nay khi tôi bước vào phòng để làm bài thi ra trường thì phi thuyền Challenger đã nổ tung sau khi vừa khai hoả được ít phút làm thiệt mạng 7 phi hành gia. Lúc đó có người đã vừa ‘khôi hài’ vừa ‘thách thức’ đặt tên NASA bằng bốn chữ (N)eed (A)nother (S)even (A)stronauts. Và đúng vậy, sau những thất bại, chương trình khám phá không gian của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục.

Tôi rất sợ chiều cao và sợ vực thẳm nên càng thán phục những nhà thám hiểm khi họ bay lên trời cao hoặc lần mò xuống những khe núi hoặc đi vào các đường hầm dưới lòng đất. Tôi rất sợ khi đứng bên bờ thung lũng Grand Canyon ở Arizona nên tôi thán phục những người đã xây tháp Eiffel ở Paris và dựng tượng Nữ Thần Tự Do ở New York. Tôi không dám leo lên đỉnh thác Mammoth ở Oregon nên  tôi hết lòng thán phục những người đã xây đường hầm dưới biển lòng Manche để nối liền đường xe giữa Anh va Pháp hoặc xây cầu Golden Gate ở San Francisco. Còn những người đã trèo lên đỉnh núi Hymalaya và những người đang sống trên trạm không gian quốc tế ISS thì với tôi họ đúng thật là những vĩ nhân.

Với tâm tình thán phục ấy, tôi ngồi cả giờ trước màn ảnh TiVi để theo dõi cuộc đời của mỗi vị anh hùng không gian ‘xấu số’ vừa đi vào thế giới vĩnh hằng. Họ là những bác sĩ giỏi và tận tâm, những tiến sĩ đầy kinh nghiệm, những kỹ sư trẻ và tài ba, và những phi công can trường. Họ không chỉ có sự thông minh tuyệt vời, một sức mạnh thể lý phi thường, mà còn có một lòng can đảm và sự đam mê khủng khiếp trong khoa học và trong thiện ý phục vụ con người nữa.

Đúng như lời Tổng Thống George W. Bush phát biểu: ‘Họ đã can đảm bước lên không gian bằng những hoả tiễn(rockets), mà hoả tiễn có làm bằng chất liệu gì đi nữa cũng chẳng bao giờ an toàn một trăm phần trăm được’. Tôi tưởng tượng chiếc phi thuyền dài gần 200 feet bay với vận tốc 12,000 dặm một giờ, như một viên đạn nóng cả 1000 độ F được bắn vào hồ nước khi mà phi thuyền từ ở ngoài chân không bay trở lại bầu khí quyển của trái đất. Nó không được phép bay quá nhanh, cũng không được quá chậm. Phi công phải luôn tỉnh táo và khôn ngoan. Chỉ tưởng tượng phi hành đoàn phải nhào lộn như người ta đi trên roller coaster New York New York ở Las Vegas thôi cũng đủ khâm phục rồi. Ở đây chiều cao của roller coaster không phải vài trăm feet mà là 200,000 feet trên không. Ghê gớm thật.

Nhưng lòng tôi chợt thấy bình an khi Tổng Thống Hoa Kỳ dẫn một lời Tiên Tri: ‘Hôm nay Thiên Chúa đã gọi tên họ như gọi tên từng vì sao trên trời’. Rồi ông lại nói tiếp: ‘Họ không được an toàn TRỞ VỀ TRÁI ĐẤT với chúng ta, nhưng chúng ta cầu nguyện cho họ được VỀ NHÀ CHA bình yên’. Bài nói truyện vắn gọn nhưng đầy niềm tin và phó thác làm cho hình ảnh cái chết của 7 nhân tài trở nên thật đẹp, oai hùng,  và đáng đi vào lịch sử.

Chẳng bao giờ tôi thần tượng một nhân vật nào trừ ra những thánh nhân.

Tôi cũng chẳng hề có một tí anh hùng tính nào trong người, nhưng trong tim tôi lại luôn có hình bóng của rất nhiều anh hùng mà các phi hành gia là những người có mặt trong số ấy. Dù  họ là người Mỹ, người Pháp, người Nhật, người Nga, người Tầu, hay người Ấn Độ gì cũng vậy. Dù họ đã đặt chân lên mặt trăng rồi trở về trái đất hay mới bước vào phi thuyền vài phút cũng thế.

Trong tim tôi cũng không thiếu hình ảnh của những anh hùng rất âm thầm trong cuộc sống hằng ngày mà tôi luôn ít nhiều muốn bắt chước. Có thể là chính người đang đọc những dòng chữ này đây. ‘Bạn thân ơi. Đừng sợ. Hãy là đốm lửa soi bước cho nhau và sưởi ấm đời nhau. Bạn chỉ cần là một phần nhỏ của Phanxicô Xavier, là một phần nhỏ của mẹ Têrêxa  Calcutta thôi cũng đủ tốt cho đời tôi rồi’.

Mấy hôm trước, tôi có dịp gặp lại một người bạn, khá thân hồi còn học ở Đại Học Dalat gần 30 năm trước. Anh từ Việt Nam sang Mỹ để giới thiệu hàng và đưa bà mẹ già đi du lịch trở lại quê nhà.

Bạn bè lâu ngày không gặp, biết bao truyện từ hai thế giới khác biệt để chia sẻ, nhưng một điều anh kể mà tôi nhớ nhất là:

‘Tao bị giam ở ngoài Bắc 5 năm trời, tội chính trị nên được xếp vào loại tù đặc biệt. Đói và chết nhiều lắm. Mày biết không? Đám tù tụi tao đi ngang qua đám trâu, thấy chúng ăn và chừa ra những đầu củ mì hoặc bỏ rơi những củ nhỏ xơ cứng, có nhiều người đói quá đã lượm về để ăn tiếp. Mày cứ tưởng tượng đói đến nỗi cái xương sống của một thằng bạn tù nó trơ ra và tròn như cái ống sáo này này(sáo là một sản phẩm anh mang sang Mỹ để giới thiệu). Mỗi năm chỉ được ăn mấy bữa cơm thôi, còn lại là mì, khoai, và bo bo. Ăn củ mì hoài rồi cái hàm của thằng nào cũng bạnh ra như  hàm khỉ vậy. Tao sống sót là nhờ luôn lạc quan và nhất là tuyệt đối không bao giờ nghĩ đến việc ăn uống hoặc mơ tưởng đến các món ăn. Như vậy mới dễ sống, những người ăn nhiều lại chết sớm mày ạ. Có lần đi ngang đường, tao ngắt vài ngọn rau húng phở bỏ vào túi cho đỡ nhớ mà cả đêm hôm ấy tao mơ thấy mình ăn đến 7 tô phở thơm ngon, sáng dậy khờ cả người ra. Nước rãi chảy ra ướt cả áo. Nhục quá. Từ đó tao không bao giờ nghĩ đến ăn nữa…”.

Tù về bạn tôi đã làm lại cuộc đời và xây dựng lại sự nghiệp từ con số không. Và đã thành công.

Hay thật. Đáng phục thật, người ‘hùng không tên’ của tôi có tên thật là Lê Cường đấy.(Cường ơi, tao kể không sai lời của mày chư?)

Một người ‘anh hùng’ khác.

Tôi nhớ anh Hùng đã yêu chị Tin khi còn Trung hoc Saint Toma và hai người làm đám cưới sau khi anh tốt nghiệp thủ khoa trường Võ bị Đalat.

Chị Tin đẹp có tiếng trong họ, lại khôn ngoan và ăn nói dịu dàng đúng truyền thống trong gia đình. Mối tình của anh chị thật đẹp. Ai biết cũng khen, cũng muốn bắt chước, nhưng không kém bi hùng như tên của anh. Cưới nhau được mấy tháng thì anh tử trận tại Darto, Khe Sanh lúc chị Hùng đang có thai.

Hai mươi tuổi đời, chị Hùng ở vậy nuôi con. Đến ngày mất nước, giữa những bạo loạn và hoang tàn của Saigon, chị đôn đáo bồng con chạy xuống tầu di tản. Sang đến Mỹ, miền đất mới tự do, chị như một bông hoa nở trọn vẹn. Đẹp mặn mà và đầy sức sống. Bao nhiêu người thầm thương, bao nhiêu người theo đuổi, chị vẫn chỉ từ chối khéo, khéo đến độ người thương không giận được mà lại còn thương hơn. Chị hay đùa: ‘Có mối tình nào đẹp hơn tình đầu thì chị chạy theo ngay’ hoặc ‘Dẫn đến đây cho chị một ông tỷ phú đi. Chị chịu liền. Chị chẳng thích túp lều lý tưởng đâu’.

Nhưng cuộc tình nào mà đẹp được khi chị cứ tỉnh bơ cho các ‘ông tỷ phú’ tôi dẫn đến ăn uống ngon lành rồi đuổi khéo: ‘Em phải đi thăm… bà cô, ông bác.’ Chị có ông bác hay bà cô nào ở Mỹ này đâu mà thăm. Tình nào mà lên ngôi được khi chị cứ ngồi lì trong cái xe Ford Pinto cũ và không chịu bước sang những chiếc Mercedes đang chờ sẵn.

Giữa một thế giới vật chất đầy cám dỗ, chị Hùng vẫn bám chặt truyền thống đạo lý để vươn cao như một nhánh lan rừng Dalat bám chặt vào thành núi Langbian.

Giữa một thế giới đang vội vàng với những hưởng thụ, chị cứ âm thầm giúp đỡ gia đình bên nhà và nuôi con thành tài thành danh.

Giữa một xã hội bon chen danh vọng, chị vui vẻ đóng vai trò một bà nội trẻ.

Bước sang thế kỷ 21 rồi mà chị Hùng vẫn thủ tiết thờ chồng. Đáng phục thật.

Tôi vẫn nhớ đến anh Hùng như một người hùng của đất nước mỗi khi có dịp đọc ‘Truyện Lính’, nhưng trận chiến của anh chỉ kéo dài vài tháng, có khi chỉ vài giờ. Còn tôi luôn nhìn chị Hùng như một người hùng của xã hội và trận chiến của chị thì đã kéo dài đã trên 30 năm.

Joseph Vũ

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!