Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
ĐẶC SẢN

  

Hôm ấy, con Lan và con Hường trong barack 170 trộn gỏi đặc biệt cho con Suzane của phái đoàn Canada ăn. Lạ miệng, con Suzane ăn hết một bát gỏi đầy, loại bát gỗ khá to dành cho người tỵ nạn. Khi biết được gỏi có thịt ba rọi và tai heo cắt mỏng, con Suzane vội tìm chỗ nôn ọe hết mọi thứ trong bụng ra. Nhưng nó không giận, chỉ nói: ‘Sorry. It’s good, but I can’t’. Con Lan và con Hường thì ôm nhau cười khúc khích. Người tỵ nạn trong barack nghe truyện thì bàn tán ‘Tội nghiệp con nhỏ không biết ăn lỗ tai heo’. ‘Tai heo luộc chín, bóp dấm ngon chớ’. ‘Làm nó giận, nó bác đơn tỵ nạn thì nguy đó’. Con Suzane luôn vui vẻ, bình dị và thương người tỵ nạn lắm, không kể là người Việt Nam, người Miên hay người Lào. 

Thằng Tom, con ông mục sư Fleming cũng vậy. Không nói được tiếng Việt như bố, nhưng Tom rất gần gũi với giới trẻ trong trại tỵ nạn, không phân biệt người Công Giáo hay người Tin Lành, đặc biệt là trung tâm thanh thiếu niên và trung tâm sinh ngữ. Mỗi tuần Tom ‘đi chợ’ Singapore một lần, trung tâm Thanh Thiêu Niên bao giờ cũng gởi mua một số hàng  như giây đàn guitare, bóng ping pong, bóng rổ, áo T-shirts…Tom mua đầy đủ mọi thứ như đã ghi trong giấy và  dĩ nhiên chẳng bao giờ trung tâm phải trả tiền cho Tom cả. Tom rất hòa đồng, nhưng mỗi lần ban nhạc trẻ mời ăn trứng vịt lộn, thì anh chàng sinh viên năm thứ ba đại học Denver này đều cười đỏ mặt rồi lắc đầu từ chối nguây nguẩy.

Đó là truyện ở trại tỵ nan Galang I, Indonesia vào những năm 1980.

Từ trại tỵ nạn Galang I, tớ đến California định cư năm 1981. Lúc bấy giờ muốn mua một chai nước mắm thì phải mấy bận xe búyt đến chợ Việt Nam mới tìm được. Các đại siêu thị của Mỹ như Lucky, Alpha Beta, Gemco thì lúc đó còn chưa bán gạo và mì ăn liền, nói chi đến các thực phẩm hiếm khác như cá bông lau, lòng gà hoặc đuôi bò…Tuyệt đối không hề thấy những thứ này trong các chợ Mỹ.

Hai mươi năm sau, khi sang thiên kỷ 21 thì mọi sự đã khác. Bây giờ nếu bước vào trong chợ Albertson, có nhắm mắt người ta cũng tìm được bao gạo nếp hột dài, còn nếu ghé chợ Ralphs thì có bịt mũi người ta cũng ngửi thấy mùi tương ớt ăn phở. Còn chân heo, cá rô phi, tim gan gà… thì hầu như đã đầy trên các quầy lạnh của siêu thị bên cạnh những king crab Alaska và tender loin London rồi.

Không biết ngày nào người Mỹ mới biết ăn mít tươi, sầu riêng tươi, vú sữa tươi… nhưng phở, cơm chiên, và chả giò thì đã trở thành những món khoái khẩu của con cháu nhà Chú Sam từ lâu. Không biêt ngày nào họ nhà Sam mới biết ăn tiết canh vịt, dồi chó thui, lòng lợn luộc, nhưng súp măng cua và súp chua ngọt thì các teens Mỹ đã húp dài dài.

Thế đấy, văn hóa nhà bếp đi nhanh hơn văn hóa sách vở rất nhiều. Tớ chưa thấy em Mỹ trắng nào ngồi đọc truyện Tấm Cám hay truyện Kiều, nhưng đã từng thấy các em cầm đũa gắp mì xào rất nhuyễn. Nhiều chàng Mỹ đen chưa biết Việt Nam ở mô trên bản đồ thế giới, nhưng đã mê egg rolls và spring rolls còn hơn mê hot dogs. Có lần tình cờ nghe được tiếng kèn Saxo của Thanh Lâm với bài Hạ Trắng của Trinh Công Sơn trên làn sóng The Wave 94.7 địa phương, tớ bèn mua Paris by Night tặng cho mấy đứa bạn Mỹ gọi là giới thiệu văn hóa Việt Nam. Đứa nào cũng chỉ xem qua và khen ‘con gái Viet Nam đẹp’, Chẳng mấy ấn tướng,  nhưng gọi đi ăn phở thì treod lên xe nhanh lắm..

Tớ đi hơi xa rồi, bây giờ trở về với đặc sản.

Tự điển Việt Nam định nghĩa đặc sản là gì tớ không biết, nhưng qua các bài báo và phóng sự thì tớ tạm hiểu đặc sản là là các món ăn rất đặc biệt của một dân tộc hay của một miền địa dư nào đó chẳng hạn rượu cần của người Thượng Dalat, mắm bò hóc của người Miên Sóc Trăng, mắm tôm của người miền Bắc, và mắm ruốc củ người miền Nam…

Những năm gần đây thì Việt Nam có nhiều đặc sản mới mang tính chất quí hiếm, kỳ bí, và độc địa… Người ta còn thêm cho nhiều đặc sản tác dụng bồi dưỡng sức khỏe nữa, nhất là tăng cường khả tăng tình dục cho phái Nam. Tớ nghĩ đó chỉ là một huyền thoại kinh tế, nhưng vẫn thích đọc những bài phóng sự loại này. Mới tuần trước, tờ Người Lao Động trong nước tường thuật một quán nhậu trên Sông Hương thơ mộng có món đặc biệt là cho thực khách uống rượu pha nọc rắn đôc. Nọc rắn chứ không phải máu rắn đâu nhá. Rắn Hổ Mang và rắn Cạp Nong thứ dữ chứ không phải rắn Rái Cá hay Bông Súng hiền lành đâu. Nọc lại được lấy ra từ miệng rắn ngay trước mặt khách nữa. Ghê thật. Tay chủ quán còn hù dọa: phải pha rượu đúng công thức, đúng đô và đúng độ. Uống cũng phải uống đúng điệu không thì uống vào là ngủm luôn.

Tớ không nghĩ sẽ có ngày uống rượu nọc rắn để tăng cường sinh lực, nhưng vẫn thích ăn các đặc sản khi có dịp.

Anh chàng Vũ H. bạn nổ của tớ ở San Jose hay ngợi khen mật rùa: ‘Mật rùa rất tốt. Bà Hoàn nhà tao đau lưng lái xe không được vậy mà ăn được hai cái mật rùa là khỏe re, làm neo tuần bảy ngày, ngày 10 tiếng cũng không sao. Không tin chúng mày cứ thử mà xem’.

Thế là có dịp tớ từ Los Angeles bay qua New Orleans gặp một anh bạn tên Nguyễn Đ. là dân Phú Quốc chuyên nghể sửa radar cho tầu đánh cá. Khách hàng lạ thì trả công thợ Đ. radar bằng tiền tươi, còn khách quen thì có thể trả bằng rùa sống và cua sống. Nếu cua biển không đủ thì thêm một giỏ ghẹ hoặc một rổ cua đồng(craw fishes) là xong. Đôi khi chủ tầu có radar hỏng cần sử gấp còn biếu thợ Đ. radar một khúc đuôi cá sấu mới ra ràng nữa. Cho nên lâu nay thợ Đ. radar hay khoe: ‘Tao sống giai và sung được là nhờ những thứ này đấy’. Nghe tớ sang chơi và tỏ ý muốn thử rùa nên thợ Đ. ta đã nuôi sẵn 6 con rùa, chẳng biết trống hay mái. Chỉ biết: ‘Tao nuôi cả tháng nay rồi, cho nó uống sữa tươi cho mập và ăn ớt để thịt nó ngọt và thơm’.

Chiều hôm ấy một thằng bạn nổ khác của tớ tên Nguyễn T. từ mãi Phila đánh hơi thấy mùi rùa cũng có mặt rất sớm. T. nổ cũng còn gọi là T. tục được giao công tác đốt than. Louisiana tháng 8 vừa nóng vừa oi bức, nhưng có mỹ nhân T. A. là cô vợ mới của thợ Đ. radar luẩn quẩn với nụ cười rạng rỡ và giọng nói dẻo ngọt như mẹ L. nên trời đất như cũng dịu lại. ‘Chú ơi, con chỉ chú nè, chú phải qwuạt thang như dzầy…thì lửa mới lơn…’. Nguyễn T. mót ăn rùa nên phùng mang trợn mắt thổi lửa phù phù không biết mệt. Tớ  đốt thuốc đứng nhìn làn da trắng mịn của T. A. mới từ Viêt Nam sang mà nhớ lại cách nuôi rùa của chàng thợ Đ.: ‘tao nuôi bằng sữa tươi…bằng ớt…’.

Than hồng vừa đủ, T. A. dịu dàng đưa tay bồng hai chú rùa lên và đặt nằm ngửa trên hai lò nướng.  Hai chú rùa vươn dài cổ, giơ tay giơ chân lên trời cầu cứu một cách tuyệt vọng. ‘Trời ơi mi là rùa, còn thằng bạn ta là dân mê rùa chứ đâu phải tổ phụ dân Israel’. Thấy ớn quá tớ quay đi chố khác. T. A.vô tư lấy vung úp lại. Tiếng sột soạt lúc đầu còn mạnh sau yếu dần rồi im luôn. Khi than bắt đầu tàn thì mùi thơm thịt nướng bay lên, và T. A. lại dịu dàng bưng rùa lên bàn.

Cha T. kinh nghiệm ăn rùa nên ra tay chia tim, gan, ruột, đầu, giò, cẳng rùa cho từng thực khách tùy theo nhu cầu sức khỏe và sự ham mê…ăn rùa. Tớ được cái mật. Còn đang ngại ngùng vì sự ưu đãi của bạn bè và ơn ớn cái mật nướng xanh lè đang chảy lem nhem trong đĩa thì T. tục đã khuyến khích ‘bổ lắm đấy, ăn đi bác ạ’. Chẳng biết hắn thương tớ thật hay ngầm ý ‘chê thì đưa đây’. Tớ sợ mất mật rùa như ngày xưa mất chuối ở tiểu chủng viện nên ăn ngay. Mà ngon thật, thơm thật. Ấm chân răng và ngọt vô cùng. ‘Mỗi ngày mà thợ Đ. chơi một con…rùa như vầy thì còn gì bằng? Radar nào chắc cũng phải lành thôi.’  Thêm một ngụm Hennekein là cái mật rùa như trôi hẳn vào mật tớ và bao tử rùa cùng phổi phèo rùa dính với mật cũng tan biến theo. Tớ nhớ lại truyện Mật Rắn của Nguyễn Dậu mà cười thầm thích thú.

Ngồi nhìn T. nổ tay rùa tay bia hí hửng chấm chấm mút mút mà niềm vui bè bạn trong tớ phát lên bừng bừng. Thật còn gì sướng hơn nữa: Rượu ngon, Rùa thơm,  và Bạn thân.

Xong tiệc rùa, tớ thấy trong người cũng rất bình thường, và vì không mắc chứng đau lưng nên tớ cũng không thấy khỏe ra. Chỉ buồn ngủ một tí. Nhưng hiệu quả trực tiếp của tiệc rùa hôm ấy là phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới bò ra đến phi trừơng. Xa lộ kẹt cứng ngắc, xe nhúc nhích chậm còn hơn con rùa ốm. Lại quên cả cái máy chụp vì tiếc miếng đuôi rùa, làm mấy nhóc nhỏ đi theo cằn nhằn sợ trể chuyến bay.

Đấy là truyện rùa. Còn truyện rắn thì thằng em bà con tớ chỉ mối: ‘Anh bị yếu tim hở. Để em điện thoại dặn bố em ngâm cho anh hai hũ rượu rắn hổ mang là xong ngay. Ông xuôi của bố em ở Long Khánh chuyên trị rắn. Bố em hồi trước hay bị đau bụng, uống một bình rượu rắn của ông ấy là hết luôn’.

Bà chị tớ còn bên Việt Nam thương thằng em việt kiều có tí tuổi sắp về chơi cũng dành sắn… một ít rắn loại độc. Thằng cháu rể của tớ là dân buôn hàng hiếm thứ thật từ U Minh về SaiGon hàng tuần nên cũng dễ tìm… mặt hàng độc thật.

Trời Cái Sắn thì nóng và muỗi Cái Sắn cũng bự con, đông, và hỗn láo không thua gì muỗi U Minh. Quạt trần được bật hết ga để vừa đuổi nóng vừa đuổi muỗi,  và nhang hương cũng được cắm khắp các cửa để chuẩn bị bữa tiệc rắn.(Muỗi chằng mấy cũng chảy nước mắt vì khói nhang)

Đến giờ, chị tớ vui vẻ bưng lên một thồ cháo rắn to, khói bốc nghi ngút. Đúng thật là cháo rắn trăm phần trăm vì từng khúc rắn đen ngòm dài cỡ gang tay đang nổi mập mờ trên mặt cháo bên cạnh những hành ngò xanh xanh. Thấy vậy, tớ nghĩ ngay đến những con đại xà anaconda đang lặn mình dưới lớp bèo để phục kích chờ mồi trong những khu rừng Nam Mỹ. Tim tớ tự nhiên đập nhanh hơn bình thường cũng phải mươi mười lăm nhịp. Thật, tim yếu mấy mà nhìn thấy cháo rắn kiểu này cũng phải mạnh, cũng phải đập nhanh thôi. Mẹ tớ xưa nay vẫn khiếp và ghét loài bò sát như lươn và rắn nên chỉ lượn qua, nhìn một cái thật nhanh rồi lui vào phòng, chẳng nói câu nào vì sợ thằng con việt kiều khiếp không dám ăn và sợ con gái ‘đầu bếp’ buồn.

Vừa ‘nguyện kinh’ xong thì thằng cháu rể lại hí hửng ôm lên một bình rượu to: ‘Ba con nói rượu rắn Hổ Mang hết rồi. Cho cậu uống đỡ rượu rắn Hổ Ngựa trước’. Ghê quá, trong bình rượu là một con rắn mầu vàng nhạt to gần bằng cổ tay được cuộn tròn nhiều vòng, trông tựa tựa như con rắn râu béo vào mùa nước lũ đang nằm ngửa đầu giả bộ nhắm mắt chờ con cá rô bơi qua là táp ngay. Hơn hai mươi năm rồi, tớ vẫn thù loài rắn hổ ngựa này vì có lần đi làm rẫy bên Đầu Doi, tớ bị một con hổ ngựa to bằng ngón chân cái tấn công làm tớ chạy không kịp kéo quần. Rượu cũng đã ngả sang mầu hơi nâu nâu tựa như rượu ngâm cao hổ cốt. Thương việt kiều thèm rắn, chị tớ thì múc cho tó cháo rắn hổ mang, còn cháu tớ thì rót cho tớ rượu rắn hổ ngựa. Hai mặt giáp công tớ chẳng biết đường nào cản được nữa, chỉ ngồi im ngắm nhìn những ĐỘC SẢN đồng quê. Rượu có mùi gây gây, còn cháo thì có mùi thơm như cháo cá. Thằng cháu tớ còn giải thích: ‘Rượu này ngâm chưa đủ ngày, nhưng uống cũng được cậu ạ. Không tốt bằng hổ mang, nhưng trị ngứa và nhức mỏi hay lắm. Dzô cái đi cậu’. Eo ơi. Chưa đủ ngày. Thấy bị tấn công phủ đầu, chị tớ can: ‘Thôi để cậu ăn cháo đã’. Tớ không những không sợ mà còn thích cháo rắn nữa, nhưng chị tớ quê mùa mộc mạc để nguyên khúc rắn cong queo trong bát thế kia làm sao mà ai dám ăn. Nhắm mắt tớ nuốt hết bát cháo rồi đi tìm mấy con cá sặt mẹ chiên lúc trưa còn lại để dằn bụng bằng một tô cơm nguội.

Thấy tớ không mấy hồ hởi với rượu rắn mấy đứa cháu cũng không dám mời nữa. Hai đứa cứ rù rì vừa khen rượu ngon vừa chuyển cái cốc con qua lại cho nhau.

Bữa tiệc có việt kiều nên nhiều truyện kể: truyện ngày xưa ăn rắn xào, ăn cóc kho, ắn dế nướng, ắn cào cào rang, ăn bông súng, ăn củ co, ăn ngó sen, ăn liềng liễng…Toàn những đặc sản. Đến khi tàn tiệc thì hai thằng cháu đã nằm ngay đơ trên sàn nhà, miệng há hốc, gáy khò khò. Nhìn hai đứa ngủ lăn, tớ phải công nhận rượu rắn công hiệu thật: vừa uống xong rượu là hai thằng đã hết hẳn đau nhức mình mẩy và chẳng còn ngứa ngáy gì cả, nằm ngủ như chết. Thiên đàng ngay trên sàn gạch giưã đàn muối vo ve với mùi rượu rắn thoang thoảng. Ngày mai tỉnh dậy, chắc hai đứa lại phải uống thêm rượu rắn vì cái lưng lại mỏi sau một đêm ngủ trên sàn nhà. Và rượu rắn lại công hiệu nữa. Giá có ông Bình Nguyên Lộc ở đây mà viết cảnh này thì hay biết mấy.

Thấy yên ắng, mẹ tớ bước ra, ghé tai tớ nói nhỏ: “Đừng nghe chúng nó mà ăn uống rắn con ạ. Mai mẹ dẫn đi cắt thuốc bắc mà uống”.

Thuốc bắc. Lạy Chúa tôi. Tớ già thật, nhưng chưa lão mà. Phải theo bạn bè vui chơi thêm tí nữa chứ. Mấy thuở được về Việt Nam.

Con đường từ Rạch Sỏi về Rạch Giá tớ thấy có khoảng hơn 10 quán dich vu Internet, gần 30 tiệm buôn bán xe gắn máy, gần 40 quán cà phê, gần 100 quán ăn quán nhậu lớn nhỏ, và chắc phải đến hơn 1000 người bán vé số. Còn những phòng tắm hơi, đấm bóp tẩm quất thì tớ không để ý đếm. Lòng đường thì không rộng, nhưng có cả chục len mỗi bên. Chẳng thấy lằn vẽ chia len nên xe đạp, xe hơi, xe gắn máy cứ vô tư chạy chung với nhau. Đoạn đường này về đêm nếu nói theo những người thích từ ‘vô cùng’ thì phải nói là ‘nhộn nhịp vô cùng’ hoặc ‘vô cùng nhộn nhịp’. Chẳng phải Giáng Sinh hay Phục Sinh mà đèn xanh đỏ cũng chớp tới chớp lui, cũng chạy lên chạy xuống. Chắc ít nhất cũng phải sáng bằng một con đường nhỏ ở Las Vegas chứ không chơi. Đi qua đây, tớ cũng  thấy sảng khoái và lòng yêu thế gian cũng phải tăng ít là vài độ F.

Số tớ hên nên hay gặp bạn hiền và nhất là bạn ăn. Vợ chồng bác Nguyễn Th. & L. (gọi là bác vì T. A. là con gái của Th. & L.) vốn ở Rạch Giá. Còn vợ chồng Hoàng Kangooroo(gu-ru) & Wallaby thì mới ở Úc về. Để ‘yên lòng đi nhậu’ bọn tớ kéo nhau vào thăm Phạm T.. đang dưỡng bệnh trong nhà thương trước. Tội quá, năm 2000 T. còn cụng ly thức suốt đêm với tớ ở nhà bác Th.. Bây giờ nằm co quắp một mình. “Mệt lắm. Không thở được. Mệt lắm.”. Mỗi người có phần số. Biết sao được.

Bác Th. & L. dẫn cả bọn vào một quán sân vườn rất rộng. Trời mưa khá to mà khách đã ngồi kín các bàn. Bọn tớ phải chọn bàn ở cuối sân gần nhà vệ sinh. Trời mát hơn một tí nhờ mưa.

Cô tiếp viên trong bộ đòng phục mầu xanh da trời với cái áo để hở một vai và hở gần đến ngực bước tới tươi cười giới thiệu: “Bữa nay tụi em có chuột đồng nướng vỉ. Lẫu dê tiềm thuốc bắc. Lẩu trứng bò…”. Bác Th. xem ra không mấy vui: “ Vậy không có vú nướng sao cô?”. “Dạ, bữa nay tụi em hết vú rồi.”. Nghe vậy, tớ muốn cười phì, nhưng mới gặp Wallaby lần đầu nên kịp giữ miệng, chỉ nhìn xuống chân cô tiếp viên rồi nhìn mưa đang rơi ngay bên cạnh bàn ăn.(quán sân vườn mà). Hoàng gu-ru lên tiếng: “Vậy còn lẩu trứng bò là cái gi?”. Cô tiếp viên cười: “Dạ là lẩu…trứnnnngggg… của con bò”. “Bò làm gì có trứng?”. “ Dạ bò có trứng chớ anh”. Wallaby hiểu nhanh đưa cùi chỗ húc Thắng gu-ru rồi ghé tai giải nghĩa. Thắng gu-ru hiểu ra cười hô hố. Cô tiếp viên như được người cứu, đưa tập thực đơn che miệng. Cô đi rồi tôi mới hỏi bác Th.: “Vậy vú nướng là vú gì mà bác khoái vậy Th.?”. “Là vú heo ấy mà”. Thì ra thế. Nãy giờ cô tiếp viên đứng đây làm tớ tưởng tượng sai hoàn toàn. 

Người Việt Nam ta cũng ỡm ờ và tinh xảo thật. Vú heo nướng thì chỉ gọi là vú nướng cho ra chiều sexy. Chắc là để quyến rũ  đám thực khách nam tò mò tìm đến. Còn lẩu trứng giái bò thì lại gọi là lẩu trứng bò cho bớt phần thô tục. Chắc là để  cho các thực khách nữ bớt ngượng khi bước vào chăng? Dẫu sao thì quán ăn này mà mở ở Mỹ chắc phải đề một cái bảng to ngoài cửa là RATE R hoặc ít nhất là RATE PG 13. Không thì bị phạt nặng.

Theo ý của bác L., bác Th. gọi món Dê Tiềm Thuốc Bắc. Cô tiếp viên bưng nồi lẩu dê cháy phừng phừng đi qua hàng chục dẫy bàn trước khi đáp xuống bàn của bọn tớ. Tớ nhìn cô mà chỉ ngại đôi guốc cao gót của cô gặp nước mưa trơn thì khổ, nhưng hình như cô đã kinh nghiệm. Mùi dê ở bàn tớ hợp với mùi dê từ những bàn chung quanh bốc cao lên trời làm cơn mưa tạnh hẳn. Tiếng lộp độp từ mái tôn cũng ngưng làm cho tiếng nói của Wallaby trong trẻo hẳn ra. Lẩu Dê Thuốc Bắc ở Rạch Giá lại còn được cho không một giỏ trứng gà độ chục cái. Không biết đây là thực đơn chính thống hay là từ ngày Việt Nam có H5N1 người ta mới chế thêm ra để câu khách. Nhìn thấy trứng gà tớ nhớ ngay lời dặn của vợ trước khi lên máy bay: “Đề phòng kỹ đấy, trứng gì cũng đừng ăn”. Bác L. định đập trứng vào nồi lẩu để cho âm dương hòa hợp. Tớ thấy hơi ái ngại, nhưng không dám nói thì Wallaby lên tiếng thay “Chúng em không ăn trứng đâu chị ạ”. Cảm ơn Wallaby vừa thông minh vừa khéo miệng đáo để.

Lẩu dê với bia SaiGon không thấy đã, bác Th. vời cô tiếp viên đến nói nhỏ. Bác nói nhỏ gì với cô tiếp viên tớ không nghe. Chỉ biết một lúc sau cô mang ra một xị rượu trắng trong ‘chai xã-xị’ nút bằng lá chuối khô đàng hoàng. Th. giải thích: “Rượu giái dê thứ thiệt”. Tớ thấy rượu cũng trong suốt, chẳng thấy giái dê đâu, cũng chẳng có dấu hiệu gì đục đục của giái dê. Hoàng gu-ru háo hức theo bác Th. cạn 1/3 ly rồi chuyền sang cho tớ gật gù : ”Ngon, Ngon”. Tớ cạn sạch ly mà cũng chẳng hề thấy mùi giái dê tí nào, chỉ nghĩ đến giot thuốc rầy Toxine cực mạnh làm rượu trong vắt thôi. Tuy vậy, đức tin của bác L. mạnh lắm, chắc không  thua gì đức tin của thánh Toma: “Mình không thấy, nhưng rượu dê này tốt lắm. Thằng Đ. về Việt Nam lần nào tụi em cũng cho nó uống. Nó ghiền lắm”.

Tớ không nhớ L. và Wallaby có uống rươu dê không. Chỉ nhớ bác Th. kể là ngài Lê Ch. gốc kênh F cũng đã về đây mở quán dê, nhưng độ dê trong quán của ngài không hợp với người đất biển nên đã dẹp quán.

Rượu dê, lẩu dê chưa đủ, bác Th. gọi thêm món dê nướng vỉ. Thế là các yếu tố Kim, Mộc,Thủy, Hỏa được cân bằng với dê. Hơi hơi xỉn, không còn nhìn rõ thịt dê dưới ánh đèn mờ, nhưng tớ tin tưởng nãy giờ mình đã ăn đủ một con dê gồm đầu,  mình, đuôi và cả giái dê rồi…

Còn phải lái xe về Kênh 8 nên Hoàng gu-ru không dám cưa hết xị rượu. Rượu còn thừa, bác L. xin cái bao ny-lon ruôn sang đưa về cho bác Th.. Chắc đã có kinh nghiệm nên đức tin của bác L. có lẽ đáng … tin: rượu giái dê tốt nên Viagra và Cialis Made in Shanghai trong nước ta rẻ mạt

Đi ngang khu bếp tớ thấy một lồng chim gồm nhiều loại to bé khác nhau. Trông thấy khách chẳng con chim nào hót chào mà chỉ thay nhau chửi bới inh ỏi. Phía dưới là một lồng khác trong đó có mấy con tắc kè còm nhom đang đeo tòng teng trên lưới thép, mấy con rùa thì đang ngủ gục dưới nước, mấy con rắn hổ đất thì đang ngỏng đầu chẳng biết để dọa khách hay để cầu cứu. Không thấy chuồng dê, cũng hẳng thấy con dê nào lảng vảng. Tớ chợt nghĩ  “biết đâu mình đã ăn lợn, ăn thỏ, hay mèo tiềm thuốc bắc, và đã uống rượu ngâm cò chó   không chừng?”

Tớ vẫn không tin thần dược dê, nhưng phải công nhận bữa tiệc dê ngon và thân tình thật. Ngồi trên xe taxi về nhà bác Th., tớ thấy bụng ấm hẳn lên và thấy các cô choai choai váy ngắn trên những chiếc gắn máy đi sát bên cạnh đẹp và quyến rũ lạ thường. “Giá mình có được mãi mãi tuổi.. ba mươi…lăm thì…”. (Không phải Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi đâu)

Còn một đặc sản khác tớ không thể bỏ qua không kể. Đó là Đặc Sản Tình Bạn.

Tớ vẫn coi tình bạn là một thứ đặc sản trong đời.

Và mỗi thằng bạn lại là một đặc sản riêng rẽ.

Tớ đã khai triển cách biến chế và cách thưởng thức đặc sản tình bạn này khá dài, nhưng rồi lại xóa đi vì muốn để các bạn tự mình ngẫm nghĩ. 

Tháng trước, tớ đi học ở San Diego và được công ty Oracle đãi ăn Sea Food Cocktail. Nhìn ly cocktail  hải vị với những thân sò huyết sống xám ngắt, những con tôm sống đỏ tươi đã lột vỏ trộn lẫn nước cà chua, chanh, rau ngò, và ớt Mễ cùng với nước đá bào tớ cũng ớn, nhưng nếm từ từ lại thấy ngon. Nửa ly, rồi một ly. Hai ly rồi ba ly. Tớ làm luôn bốn ly với hai chai Tequilla.

Sea Food Cocktail ngon quá sức.

Lại hiệu nghiệm nữa vì hôm sau đến lớp tớ toàn phải nhờ partner làm bài giùm.

Bạn nào đã ăn đặc sản Tình Bạn chắc sẽ tiếp tục ăn? Bạn nào chưa ăn, xin mời nếm thử.

Đặc sản không thể là thuốc tiên, không thể nuôi sống con người, nhưng nếu bỏ qua thì đời mất đi nhiều thú vị và thi vị.

Sống trên đời mà không có bạn.

Có khác gì chôn súng đạn đáy ao.

Tớ rất sợ người không có bạn, nhất là các linh mục và tu sĩ.

Joseph Vu, San Dimas 07/27/2006

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!